Hội thảo “Góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Luật đất đai năm 2003”

09:58 | 01/11/2012

Hội thảo đã được tổ chức quy mô và công phu do Quỹ Hợp tác và Phát triển (C&D) phối hợp với thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội...
Hội thảo “Góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Luật đất đai năm 2003”

Trương Thị Kim Dung

Hội thảo đã được tổ chức quy mô và công phu do Quỹ Hợp tác và Phát triển (C&D) phối hợp với thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội; thu hút sự quan tâm, tham gia rộng rãi của các đối tượng bao gồm đại diện của nhiều TCXH, chuyên gia, nhà khoa học, Chính phủ, tổ chức quốc tế và đặc biệt có đại diện của người dân 3 tỉnh Bắc Giang, Hà Tĩnh, TP.Hồ Chí Minh  tại các vùng mà Quỹ và các mạng lưới INPA khảo sát lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật sửa đổi đất đai năm 2003.

Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội đã đánh giá tầm quan trọng và những đóng góp của luật đất đai trong thời gian qua vào sự phát triển của đất nước cũng như sự cần thiết sửa đổi để đạo luật này hoàn thiện hơn, phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống. Do  liên quan tới đối tượng rộng là nông thôn và nông dân nên việc sửa đổi luật đất đai cần xin ý kiến rộng rãi của: các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội và nhân dân.

Tất thảy các ý kiến trong Hội thảo đều tập trung vào các vấn đề về giao đất và cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường và tái định cư, về cơ chế bồi thường...

Ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế : Dự thảo vẫn chưa có những bước đột phá và ít điểm mới. dự thảo đưa ra còn tồn tại nhiều hạn chế. Đặc biệt, dự thảo chưa có những ý tưởng gì ngăn chặn nguy cơ tham nhũng từ đất đai.

Trong điều kiện tiếp tục đổi mới và tăng cường hội nhập quốc tế cần học hỏi kinh nghiệm hoạch định quản lý đất đai của các nước.

Đại diện Ngân hàng Thế giới WB chia sẻ, các nước trên thế giới như Ấn Độ, Nhật Bản đều áp dụng "nguyên tắc cao nhất là người dân phải được quyền thụ hưởng lợi ích từ dự án đầu tư". Đặc biệt, ở Ấn Độ, với các dự án kinh tế cần thu hồi đất của người dân, họ sẽ có đánh giá tác động của dự án với cộng đồng xã hội. Ở Việt Nam chưa làm được những điều này

GS.TS Đặng Hùng Võ: Về giá đền bù đất,  cần được xác định thông qua quy trình định giá đất phù hợp với giá đất trên thị trường; Cần có một tổ chức, đơn vị độc lập định giá đất để đảm bảo tính công bằng trong việc bồi thường khi thu hồi đất của người dân. Luật sửa đổi nên xây dựng cơ chế Nhà nước trưng mua đất thay cho cơ chế Nhà nước thu hồi đất hiện nay.

 

 

Ý kiến của người dân:  cần lắng nghe, tôn trọng ý kiến xác đáng của dân  và các tổ chức xã hội. Cần thực hiện đúng đắn quyền của dân trong hoạch định và giám sát việc thi hành các chính sách, luật pháp về đất đai và chính sách, luật pháp Nhà nước cần đặt quyền lợi và lợi ích hợp pháp. Nghiên cứuviệc xác lập chế độ sử dụng đất nông nghiệp không thời hạn, không hạn điền đối với các hộ nông dân, đất nông nghiệp được giao cho cộng đồng dân cư dân tộc thiểu số để sử dụng, quản lý, bảo vệ.

Kiến nghị của Hội thảo với Quốc Hội (được đúc kết từ những tham luận khoa học, các ý kiến trình bày, chia sẻ):

* Về thời hạn giao đất:  Nên có bước đột phá trong vấn đề mở rộng hạn điền, xóa bỏ hạn chế chuyển nhượng đối với đất đang được sử dụng làm nông nghiệp; phù hợp với quy luật phát triển nông nghiệp hiện đại, cho phép nông dân tích tụ ruông đất, yên tâm đầu tư, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Nên phân biệt các trường hợp thu hồi đất để có cơ chế, chính sách, giải pháp xử lý thỏa đáng.Trường hợp thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì thực hiện cơ chế trưng mua; còn các trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế thì cần bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các nhà đầu tư và người bị thu hồi đất, thực hiện giá thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường. Về thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất (Điều 57); điều này cần được quy định chặt chẽ hơn, nên giao cho chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất, rất hạn chế giao cho chủ tịch UBND cấp huyện, vì thực tế cho thấy việc vi phạm các quy định các quyền của dân trong vấn đề thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất đã và đang xảy ra ở nhiều huyện, có nơi khá nghiêm trọng.

*Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư : Cần tuân thủ nguyên tắc trước hết bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của dân, hài hòa với lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước, nhất thiết không để người dân thiệt thòi, không có việc làm và thu nhập sau khi không còn đất sản xuất. Quan trọng hơn nữa là quy định rõ cơ quan nào, cấp chính quyền nào có trách nhiệm thực hiện những biện pháp trên, tránh nêu ra như những ”khẩu hiệu” không đi vào cuộc sống.

Về giá đất, đang là vấn đề gây bức xúc trong dân, là một nguyên nhân trực tiếp gây ra những vụ khiếu kiện kéo dài, ngày càng gay gắt. Vì vậy, nên xóa bỏ sự chênh lệch quá lớn hiện nay giữa giá do Nhà nước quy định với giá thị trường, thực hiện nguyên tắc một giá, là giá thị trường. Khuyến khích hình thành và sử dụng rộng rãi các tổ chức tư vấn, giám định về giá đất, để việc xác định giá đất được quy định có căn cứ khoa học, khách quan, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.

*Về giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai, về các biện pháp chế tài xử lý vi phạm các quy định về đất đai: Cần bổ sung thêm những quy định chặt chẽ và cụ thể hơn về việc xử lý những cán bộ, công chức vi phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thi hành Luật Đất đai. Cần quy định trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan trong trường hợp cơ quan đã có những quy định trái luật gây thiệt hại cho dân hoặc có cán bộ, công chức vi phạm luật, thu vén cho mình những lợi ích bất hợp pháp.Về quyền hạn của dân trong việc giám sát việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai.

Cần thực hiện nghiêm trên thực tế việc công bố công khai, minh bạch hệ thống văn bản quy phạm về đất đai cũng như toàn bộ các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai và các bước tiến hành, như thời hạn thực hiện quy hoạch, các biện pháp đền bù, giá đất. Tổ chức một cách thực chất thực hiện quy định phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách, luật pháp về đất đai, nhất là các vấn đề liên quan sát sườn đối với người dân địa phương, như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, việc giải tỏa, tái định cư, dạy nghề, tạo việc làm cho nông dân không còn đất.

Về các đối tượng có quyền tham gia giám sát, không nên chỉ bó hẹp trong ”Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận”, vì trong thực tế, còn rất nhiều Hội, Hiệp hội ngành nghề khác không là thành viên Mặt trận. Vì vậy, cần quy định ”Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác” để những tổ chức này tham gia một cách bình đẳng các hoạt động giám sát, phản biện xã hội ở mỗi cấp đối với những vấn đề về đất đai liên quan đến ngành nghề và phạm vi hoạt động của mỗi tổ chức.                                                 

 

 

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
19:04 | 05/06/2016
18:25 | 04/06/2016
18:16 | 29/05/2016
17:48 | 29/05/2016
08:44 | 29/05/2016
22:17 | 08/05/2016
16:03 | 19/03/2016
12:17 | 11/03/2016
15:13 | 26/02/2016
15:07 | 26/02/2016
Đăng ký thành viên