Tin hoạt động số 6

15:16 | 31/01/2013

Ông Jimmy Phạm, Tổng giám đốc Koto Quốc tế, một trong những DNXH tiên phong tại Việt Nam và ông Phan Đặng Cường, Cố vấn Phát triển xã hội và Quản trị nhà nước của tổ chức Irish Aid đều cho rằng: để loại hình doanh nghiệp này có thể phát triển được bền vững, điều quan trọng nhất là chính quyền, cộng đồng quan tâm hơn nữa tới DNXH, thừa nhận chính thức và có các cơ chế, chính sách ưu đãi thúc đẩy sự phát triển DNXH các chính sách cho các DNXH về thuế, khả năng tiếp cận vốn, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực…
Tin hoạt động số 6

*Tiếp sức cho Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam Dự án nâng cao năng lực Doanh nghiệp xã hội (DNXH)

 

 Việt Nam được CSIP và tổ chức Koto Quốc tế thực hiện từ 15/12/2011 cho đến hết 31/12/2012, với sự tài trợ chính của Đại sứ quán Ireland (thông qua chương trình Irish Aid) và sự hỗ trợ kỹ thuật của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

 

         Doanh nghiệp xã hội (DNXH) là một loại hình doanh nghiệp hoàn toàn mới tại Việt Nam. Nhà nước, cộng đồng doanh nhân, xã hội cần thừa nhận, giúp đỡ và tiếp sức để loại hình này phát triển vững mạnh. Đó là ý kiến chung của nhiều đại diện doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cơ quan nhà nước tại Hội thảo “Tiếp sức doanh nghiệp xã hội vững bước”, tổ chức sáng 10/1/2013 tại Hà Nội.

          

Từ mô hình các Homestay của người H’mong tại xã Lao Chải (huyện Sapa, tỉnh Lào Cai) Sapa O’Chau phát triển thành một trung tâm giúp đỡ, đào tạo nghề và hướng nghiệp cho trẻ em nghèo tại Sapa. Gần đây, Sapa O’Chau đã cung cấp thêm nhiều dịch vụ như cà phê, lữ hành, du lịch và cả các sản phẩm thêu truyền thống như các mặt hàng kỷ niệm cho khách du lịch đến Sapa…

          Do người sáng lập và điều hành là dân tộc thiểu số nên các kỹ năng về quản lý, điều hành doanh nghiệp hạn chế. Sau khi tham dự các khóa học về lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp do CSIP, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng và Koto Quốc tế tổ chức, bà Tần Thị Shu, người sáng lập Sapa O’Chau đã hình dung được mô hình doanh nghiệp, biết cách xây dựng kế hoạch và định hướng phát triển cho Sapa O’Chau trong tương lai. 

        Theo bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc CSIP, Trưởng ban quản lý dự án, sau một năm thực hiện, Dự án nâng cao năng lực doanh nghiệp xã DNXH Việt Nam đã đào tạo kiến thức về quản lý và doanh nghiệp cho 285 lượt nhân viên và lãnh đạo các tổ chức, DNXH thông qua 9 khóa tập huấn về quản lý kinh doanh, 20 buổi giao lưu trực tuyến hoặc trực tiếp. Dự án đã kết nối được 117 cá nhân và đơn vị xã hội, tư vấn chuyên sâu về DNXH cho 4 doanh nghiệp ở miền Bắc và miền Nam.

                Tại Việt Nam cho đến nay đã có gần 300 tổ chức được xem là có đầy đủ các đặc điểm của DNXH. Trong đó, các tổ chức đi tiên phong đã được thành lập từ thập niên 1990, tuy nhiên khái niệm về DNXH vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam. DNXH được hình thành từ các sáng kiến xã hội, trên nền tảng nhu cầu giải quyết một vấn đề xã hội cụ thể của cộng đồng, được dẫn dắt bởi tinh thần doanh nhân của những người sáng lập. Cho đến nay, mô hình DNXH đã được nhiều tổ chức quốc tế tài trợ để phổ biến và phát triển tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến Hội đồng Anh (British Council) và Irish Aid.

         Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) từ năm 2009 đến nay đã hỗ trợ tư vấn, đào tạo và phát triển mô hình cho gần 40 DNXH tại Việt Nam.

 Tuy nhiên loại hình này còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong đó có vấn đề Nhà nước và xã hội còn chưa hiểu rõ và thừa nhận.

        Ông Jimmy Phạm, Tổng giám đốc Koto Quốc tế, một trong những DNXH tiên phong tại Việt Nam và ông Phan Đặng Cường, Cố vấn Phát triển xã hội và Quản trị nhà nước của tổ chức Irish Aid đều cho rằng: để loại hình doanh nghiệp này có thể phát triển được bền vững, điều quan trọng nhất là chính quyền, cộng đồng quan tâm hơn nữa tới DNXH, thừa nhận chính thức và có các cơ chế, chính sách ưu đãi thúc đẩy sự phát triển DNXH các chính sách cho các DNXH về thuế, khả năng tiếp cận vốn, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực…

* Hỗ trợ nông dân thông qua hoạt động nâng cao năng lực và giới thiệu các mô hình sinh kế bền vững

         Dự án “Các tổ chức phi chính phủ Việt Nam hướng tới sinh kế của các cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc”  hiện đang hỗ trợ hơn 2.000 hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo đặc biệt là người dân nghèo và phụ nữ tham gia có hiệu quả vào quản trị địa phương và tăng cường sinh kế ở khu vực nông thôn miền núi phía Bắc Việt Nam. Dự án được tổ chức Manos Unidas (một tổ chức phi chính phủ của Tây Ban Nha) tài trợ cho ba tổ chức gồm : Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng cao (CERDA) và Trung tâm Phát triển bền vững miền núi (CSDM) trong 3 năm, từ năm 2011 đến 2014.

           Mỗi tổ chức phụ trách triển khai hoạt động ở một tỉnh.

Tại tỉnh Phú Thọ, SRD đang triển khai các hoạt động tại xã Võ Miếu (huyện Thanh Sơn) và xã Tam Thanh (huyện Tân Sơn). Đây là hai huyện nghèo của tỉnh Phú Thọ, trong đó một số xã của huyện Tân Sơn nằm trong danh sách các xã nghèo thuộc Chương trình hỗ trợ 135 của Chính phủ.

Với tôn chỉ “Người dân tại các vùng nông thôn đủ năng lực để tự quản lý nguồn sinh kế của họ một cách bền vững trong một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”, SRD hiện đang hỗ trợ 2 câu lạc bộ sinh kế và các tổ nhóm sở thích tại hai xã thông qua hoạt động nâng cao năng lực và giới thiệu các mô hình sinh kế bền vững như: Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), mô hình canh tác trên đất dốc, nuôi lợn, nuôi gà nhiều cựa, nuôi giun quế, cũng như hỗ trợ các kỹ năng thị trường giúp tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, thông qua làm việc với người dân địa phương, SRD cũng chuyển tải những đề xuất, khuyến nghị và sáng kiến cộng đồng tới các diễn đàn chính sách ở cấp cao hơn.

Tại hai xã Đức Lương và Phú Cường (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), với sứ mệnh “Hỗ trợ thúc đẩy nhóm dễ bị tổn thương, dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em tham gia hiệu quả, bình đẳng và đóng góp vào đời sống chính trị, kinh tế và xã hội”, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng cao (CERDA) đang hỗ trợ 25 tổ tự quản và hai nhóm sản xuất chè an toàn. CERDA hỗ trợ nâng cao năng lực toàn diện cho các nông dân chủ chốt trong các tổ nhóm và giới thiệu các mô hình sinh kế như trồng khoai tây Mỹ, gừng trâu, SRI, mô hình sản xuất chè an toàn tới người nông dân.

        Với mong ước “Những người thiệt thòi và người dân tộc thiểu số có thể thực hiện quyền có được một cuộc sống với chất lượng tốt hơn, giữ gìn và lưu truyền lại cho con cháu văn hóa truyền thống của mình. Những người dân tộc sẽ tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc và tự tin trong cuộc sống chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường”, Trung tâm Phát triển bền vững miền núi (CSDM) đang tích cực triển khai các hoạt động Dự án trên địa bàn hai xã Tân Sơn và Nà Mèo (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). CSDM đã hỗ trợ hình thành 2 tổ chức cộng đồng và 7 thôn tự quản, hỗ trợ nâng cao năng lực toàn diện cho các nhóm và hỗ trợ các mô hình như trồng tỏi địa phương, chế biến thức ăn gia súc từ phụ phẩm…

 

*Tham vấn xã hội dân sự về tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ

Vừa qua, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD) đã tổ chức: “Hội thảo tham vấn các tổ chức xã hội dân sự về tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam” và lập kế hoạch hoạt động năm 2013 của Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam về thực thi Lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VNGO-FLEGT).

            Hội thảo là bước tiếp nối các hoạt động tăng cường năng lực và sự tham gia của VNGO-FLEGT trong tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi FLEGT giữa Chính phủ Việt Nam và Liên minh Châu Âu, thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đại diện cho gần 30 tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam thuộc Mạng lưới VNGO-FLEGT, Viện Lâm nghiệp Châu Âu và các chuyên gia.

Hội thảo nhằm báo cáo, thảo luận và thống nhất kết quả ban đầu của hoạt động tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam do VNGO-FLEGT thực hiện từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2012 tại địa bàn 6 tỉnh: Yên Bái, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng và Bà Rịa-Vũng Tàu. Hơn 30 cộng đồng thôn điển hình của 14 xã thuộc 06 huyện được chọn đã trực tiếp tham gia vào hoạt động tham vấn này.

Kết quả tham vấn ban đầu cho thấy, nhận thức của người dân về tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ còn rất hạn chế. Người dân hầu như không quan tâm đến tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ từ rừng trồng, vì họ bán cây đứng tại rừng theo hình thức khoán gọn còn người mua sẽ làm tất cả các thủ tục pháp lý đến khai thác, vận chuyển. Đối với gỗ từ rừng tự nhiên, mọi thủ tục đều do các công ty lâm nghiệp tiến hành khai thác thực hiện. Ngay cả những cộng đồng được Nhà nước giao rừng tự nhiên cũng rất mơ hồ về tính hợp pháp của gỗ rừng tự nhiên.

Mặc dù việc khai thác rừng cũng đã tuân thủ các quy định về đánh giá tác động môi trường, song trên thực tế vẫn gây ra những tác động xấu đối với môi trường và gây ra những thiệt hại không nhỏ đối với người dân sống gần khu vực rừng khai thác, đặc biệt là làm cạn kiệt nguồn nước và thậm chí còn gây ra lũ quét ở một số địa phương.

Đối với những trường hợp khoán quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên (nếu có khai thác) hoặc giao khoán đất trồng rừng, trong quá trình khai thác ở những diện tích rừng đã giao khoán, cần có sự tham gia giám sát khai thác của bên nhận khoán (cùng với cơ quan cơ quan kiểm lâm) để đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong việc phân chia lợi ích từ khai thác gỗ.

Nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, cộng đồng khi Việt Nam chính thức tham gia VPA/FLEGT, VNGO-FLEGT đề xuất tiến hành phân tích rủi ro trong việc hưởng lợi từ cây gỗ để từ đó đề xuất các giải pháp quản lý rủi ro trong quá trình thực hiện VPA/FLEGT.

VNGO-FLEGT sẽ tổng hợp kết quả tham vấn cộng đồng và chia sẻ cho các bên liên quan trong khuôn khổ đàm phán VPA/FLEGT giữa Chính phủ Việt Nam và Liên minh châu Âu, góp phần cùng nhà nước thực hiện nỗ lực kiểm soát khai thác, buôn bán gỗ bất hợp pháp; tăng cường thể chế và luật pháp về quản lý rừng bền vững; đảm bảo chia sẻ lợi ích công bằng, có trách nhiệm cho cộng đồng địa phương, doanh nghiệp và các chủ rừng liên quan. 

Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực cộng đồng

(CECAD):

Nỗ lực phát triển Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình

 

      “Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại hai xã Tử Nê và Thanh Hối” là một chương trình thuộc dự án “Cải thiện sinh kế, bảo tồn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình” do FPSC (Tổ chức hỗ trợ phát triển Nguồn lực và Văn hóa, Tây Ban Nha) tài trợ và CECAD chịu trách nhiệm thực hiện. Chương trình nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Tử Nê và Thanh Hối, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số, thông qua việc bảo tồn, gìn giữ những hiểu biết và bản sắc văn hóa Mường, cũng như bảo vệ môi trường. CECAD đã tiến hành những hoạt động như: hỗ trợ xây nhà văn hóa của dân tộc Mường; khôi phục các điệu múa, bài hát Mường bằng cách thành lập đội múa và dệt thổ cẩm; tổ chức nhóm đi tham quan học hỏi kinh nghiệm về du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Chiang Mai, Thái Lan, tham quan khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa; đào tạo người dân về cách tiếp đón khách du lịch và nấu món ăn Mường; in các tờ quảng cáo về văn hóa và du lịch ở Tử Nê và Thanh Hối.  Năm 2008, sau 3 năm làm công tác chuẩn bị, du lịch ở hai xã Tử Nê và Thanh Hối đã được đưa vào hoạt động, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan.  Đến nay, tại hai xã trên đã thành lập được hai nhóm du lịch dựa vào cộng đồng gồm 44 thành viên, với một tổ dệt gồm 10 người, một tổ dịch vụ gồm 14 người làm các công việc nấu ăn, nhà nghỉ và hướng dẫn viên, và một đội văn nghệ gồm 20 người. Các tổ này đã được đưa vào hoạt động và đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ được giao. CECAD cũng hỗ trợ xây dựng hai nhà sàn văn hóa Mường bằng gỗ tại Tử Nê và Thanh Hối, là nơi người dân có thể gặp gỡ, giao lưu, múa hát hay tổ chức các sự kiện quan trọng của xóm. Hai nhà văn hóa này cũng có thể trở thành nơi nghỉ ngơi cho những đoàn du lịch với số lượng lớn. Hai vườn thuốc nam trồng tại xóm Cú và trường THCS Thanh Hối, phòng trưng bày các tác phẩm về văn hóa và môi trường là những công trình cung đã được hoàn thiện với sự giúp đỡ của CECAD.

             CECAD đã và đang có những hành động nỗ lực để cải thiện tình hình du lịch hiện nay tại hai xã trên trong đó khắc phục tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch biết nói tiếng Anh tại đâyCECAD hỗ trợ xây dựng thêm 1 nhà văn hóa ở xóm Tam, mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Mường và tiến hành mở một cửa hàng lưu niệm tại xã Tử Nê nhằm phục vụ cho khách du lịch có nhu cầu xem và mua các đồ thổ cẩm của người Mường như chăn, váy, áo…Ngoài ra Trung tâm cũng thực hiện một cuốn quảng cáo du lịch (brochure) mới.

                                                 Ngọc Lang – Thanh Chi

 

 

 

 

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
22:17 | 25/11/2024
22:12 | 25/11/2024
21:58 | 25/11/2024
21:17 | 25/11/2024
21:03 | 25/11/2024
20:24 | 25/11/2024
20:20 | 25/11/2024
13:02 | 25/11/2024
12:51 | 25/11/2024
12:40 | 25/11/2024
Đăng ký thành viên