Người trẻ có cần được tiếp cận đầy đủ thông tin?

11:55 | 31/10/2014

Để trả lời cho câu hỏi lớn đó, chuỗi hoạt động “THÔNG TIN, ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT CHO GIỚI TRẺ” do Quỹ Hợp tác và Phát triển tổ chức với sự tài trợ của Ngân Hàng Thế giới đã tổ chức chương trình đầu tiên vào hai ngày 18 và 19/10/2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh dành cho các bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học trên địa bàn.
Người trẻ có cần được tiếp cận đầy đủ thông tin?

Đến với chương trình, các bạn trẻ là những sinh viên xuất sắc đến từ các trường như Đại Học Ngoại Thương, Đại Học Bách Khoa, Đại học Luật, Đai học Khoa học xã hội và Nhân Văn… đã có cơ hội được gặp gỡ PGS – TS Nguyễn Quang Tuyến – giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội. Bằng phong cách dí dỏm và tràn đầy nhiệt huyết, thầy đã khiến không khí cả hội trường sôi nổi, hấp dẫn cũng như đem đến cho các bạn sinh viên nhiều kiến thức thú vị trong lĩnh vực Tiếp cận thông tin. Với chủ đề: “SINH VIÊN VỚI QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN”, các câu hỏi được đặt ra như: Bạn có nhu cầu muốn được tiếp cận những thông tin cho lĩnh vực dịch vụ công (điện, nước, thuê nhà ở, dịch vụ y tế…)? Quan điểm của bạn về ích lợi do việc tiếp cận thông tin trong lĩnh vực dịch vụ công đem lại đối với sinh viên? Ở trường bạn, sinh viên có được giúp đỡ trong tiếp cận công nghệ thông tin về dịch vụ công hay không? Tổ chức, cá nhân nào làm công việc này?... các bạn sinh viên tích cực chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm của mình và cùng nhau thảo luận.

Hào hứng chụp ảnh với thầy Nguyễn Quang Tuyến cùng đội ngũ chuyên gia đến từ Quỹ Hợp tác và Phát triển

Bạn Nguyễn Hoàng Trung (sinh viên năm 5, đại học Bách khoa TP HCM) đưa ý kiến: “Quê em ở Bình Phước. Mỗi khi bố mẹ có nhu cầu khám tổng quát, thì bố mẹ em phải bắt xe đò từ 4h sáng lên thành phố HCM, xếp hàng lấy số, chờ đợi đến lượt, đi mua thuốc… đến khi về đến nhà là 8 giờ tối. Em nhận thấy dịch vụ công về y tế tại các tỉnh, địa phương còn rất yếu kém, không đầy đủ, tốn thời gian, gây mệt mỏi cho người dân.”

Bạn Nguyệt (sinh viên năm 3, đại học Ngoại Thương TP HCM) cũng nêu lên một số vấn đề: “Hội sinh viên ở trường cung cấp các thông tin về nhà ở cho các bạn sinh viên thi đại học hoặc mới nhập học trong chương trình “Tiếp sức mùa thi” mà thôi, chứ chưa có tổ chức nào giúp đỡ sinh viên năm 3, năm 4 tìm nhà ở mới.”

Ngoài ra, các bạn trẻ cũng tích cực chia sẻ về các vấn đề gần gũi trong cuộc sống sinh viên như: giá điện, nước, chính sách giáo dục, đào tạo tín chỉ, nguồn thông tin, cơ hội việc làm… Mọi ý kiến đều được thầy lắng nghe, ghi nhận và cùng các bạn đưa ra giải pháp. Thầy Tuyến cho biết, những ý kiến của các bạn trẻ rất hay, đột phá và đáng được trân trọng, thể hiện sự hiểu biết, quan tâm của các bạn đến các vấn đề xã hội. Theo thầy, những ý kiến này rất cần được tổng hợp và đề xuất lên các cấp lãnh đạo có thẩm quyền.

Chương trình là một không gian thực sự cởi mở, tích cực dành cho người trẻ và của người trẻ để các bạn thẳng thắn bộc lộ tiếng nói và quan điểm của mình, đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ xây dựng và đổi mới hiện nay.

Nối tiếp sự thành công của chương trình “THÔNG TIN, ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT CHO GIỚI TRẺ” tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, các chương trình tiếp theo trong chuỗi hoạt động này sẽ được tổ chức ở nhiều địa phương khác như Đà Nẵng, Thái Nguyên và Hà Nội với  mong muốn sẽ mang đến nhiều hơn nữa những giá trị thiết thực và ý nghĩa cho người trẻ trên khắp cả nước.

Vui lòng truy cập vào trang Facebook chính thức của chương trình để biết thêm chi tiết: http://on.fb.me/10DLPpj

Trang Nhung- Cẩm Ly

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
22:17 | 25/11/2024
22:12 | 25/11/2024
21:58 | 25/11/2024
21:17 | 25/11/2024
21:03 | 25/11/2024
20:24 | 25/11/2024
20:20 | 25/11/2024
13:02 | 25/11/2024
12:51 | 25/11/2024
12:40 | 25/11/2024
Đăng ký thành viên