10:51 | 09/12/2014
* Kiến nghị 1:
Đề nghị Quốc hội, các nhà làm luật tạo cơ hội, ủng hộ sự tham gia, đóng góp ý kiến của giới trẻ đối với Dự thảo luật tiếp cận thông tin mới (A2I) thông qua việc tổ chức định kỳ 6 tháng 1 lần “Diễn đàn trẻ”, hỗ trợ ra mắt chiến dịch “Giới trẻ với quyền tiếp cận thông tin”.
Trong nhiệm vụ này, chúng tôi hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ hơn của Quỹ Hợp tác và phát triển, Liên minh Nữ thủ lĩnh trẻ và các tổ chức khác cùng tham gia.
* Kiến nghị 2:
Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các Ủy ban tư pháp, các vấn đề xã hội của Quốc hội… công nhận và hỗ trợ sự tham gia của cộng đồng giới trẻ trong quá trình soạn thảo và phê duyệt Luật A2I mới bằng cách công nhận quyền của giới trẻ được tham gia và tham vấn các bên liên quan đại diện cho thế hệ trẻ đối với người ra quyết định khi soạn thảo và phê duyệt Luật.
* Kiến nghị 3:
Nhằm tăng cường năng lực A2I của những người trẻ, chúng tôi đề nghị:
1. Trong lĩnh vực giáo dục:
- Công khai minh bạch các khoản thu, cách thức chấm điểm, quy trình phúc khảo bài thi, điểm đánh giá giáo viên, đánh giá nhà trường của sinh viên và trình độ chuyên môn của giáo viên.
- Công khai minh bạch cho toàn thể sinh viên về vấn đề học bổng; có chế tài xử lý đối với việc không cung cấp hoặc cung cấp hạn chế học bổng và thông tin cho sinh viên.
- Mở thư viện số, liên kết giữa các trường đại học, các học viện, các viện. Số hóa kho tài liệu.
- Các trường có tạp chí / kênh radio riêng (nội bộ / công khai) để cập nhật thông tin đầy đủ đến từng lớp / đơn vị.
- Hàng tháng, nhà trường tổ chức đối thoại trực tiếp giữa sinh viên với hiệu trưởng và ban lãnh đạo trường, khoa để giải đáp thắc mắc, kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng sinh viên. Công khai email, hòm thư của hiệu trưởng để tiếp nhận ý kiến góp ý, đề xuất của sinh viên.
-Thành lập đơn vị chuyên trách hỗ trợ sinh viên khai thác và sử dụng thông tin.
-Cải cách A2I trong phương pháp đánh giá từ các trường đại học, phù hợp hơn với nhu cầu của người học, chú ý đến sự sáng tạo của các sinh viên, nhu cầu học tập và khả năng cũng như quá trình tư duy khác nhau của họ.
2. Trong lĩnh vực dịch vụ công:
- Cần công khai thông tin về dịch vụ y tế.
- Công khai rõ ràng chế độ, rút ngắn thủ tục Nhà ở cho sinh viên, các chính sách ưu đãi và giá cả các dịch vụ sinh hoạt (điện, nước,…)
- Công khai rõ ràng các thông tin về môi trường thực tập, thực tế và phát triển ngành nghề.
- Công khai rõ ràng thông tin an ninh, các cơ quan chức năng có thẩm quyền (Công an khu vực, đường dây nóng Hotline,…)
3. Trong các lĩnh vực pháp luật:
- Đưa dự thảo luật mới vào trong giảng dạy tại các trường luật như một chủ đề thảo luận thực tiễn
- Mở rộng các kênh trưng cầu ý kiến cho sinh viên và giới trẻ (website, hòm thư, email,…)
-Tổ chức các cuộc hội thảo, cuộc thi hùng biện để truyền tải rộng hơn về Dư thảo luật A2I cho sinh viên và giới trẻ
- Đa dạng hóa lượng thông tin, mã hóa bằng các hỉnh ảnh sinh động, thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên
- Phát hành các cẩm nang, sổ tay, poster,... về dự thảo luật và cách tham gia đóng góp nếu có nhu cầu.
- Liên hệ với các bên liên quan đến sinh viên để có thể trao đổi truyền tại trong môi trường tốt nhất, tiếp cận nhiều đối tượng sinh viên nhất.
4. Giới trẻ tham gia vào các quá trình xây dựng luật và vận động chính sách:
- Hỗ trợ và tạo các Diễn đàn chính sách trẻ ở các vùng miền tạo môi trường, cơ hội tiếp cận chính sách và xây dựng luật cho các đại diện lãnh đạo trẻ.
- Giúp cộng đồng sinh viên cùng được biết đến dự thảo luật này để từ đó nâng cao nhận thức, việc hiểu về Dự thảo luật sẽ giúp họ có ý thức sẽ tham gia đóng góp ý kiến.
- Phổ biến Dự thảo Luật tiếp cận thông tin bằng cách tổ chức nhiều hoạt động tìm hiểu về pháp luật, các cuộc thi Tranh biện, các hoạt động giao lưu giữa sinh viên, giới trẻ về các chủ đề liên quan đến đời sống và pháp luật…
Thông tin chi tiết quý vị vui lòng truy cập trang website: cdfund.org.vn/cdf