INPA - Ngôi nhà chung của các tổ chức xã hội

12:17 | 25/05/2012

Từ nay, Liên mạng Vận động chính sách trở thành ngôi nhà chung của các mạng, các tổ chức xã hội trong cả nước và các cá nhân cùng nhau liên kết, hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện; thống nhất trong đa dạng; tôn trọng quyền tự chủ của các thành viên.
INPA - Ngôi nhà chung của các tổ chức xã hội

Vũ Quốc Tuấn

Trưởng ban Cố vấn INPA

 

     Thực tiễn các nước phát triển trên thế giới cho thấy: Nhà nước pháp quyền, Thị trường và các tổ chức Xã hội là ba trụ cột của nền kinh tế: Nhà nước giữ vai trò quản lý nhà nước về kinh tế; Thị trường (doanh nghiệp) trực tiếp sản xuất kinh doanh; còn Xã hội dân sự (thường được gọi là khu vực thứ ba) góp phần cùng Nhà nước thực hiện một số dịch vụ công và khỏa lấp những khiếm khuyết của Thị trường. Đất nước chỉ có thể phát triển nếu có sự hoạt động đồng bộ của cả ba trụ cột ấy.

     Ở Việt Nam, từ khi công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được triển khai, cùng với việc thực hiện nền kinh tế thị trường, các tổ chức xã hội đã hình thành. Với các hình thức tổ chức chủ yếu là các trung tâm, các mạng xã hội, đa dạng về loại hình, phong phú về quy mô, các tổ chức xã hội đã thực hiện nhiều hoạt động dịch vụ trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, thể dục thể thao, khoa học công nghệ, xã hội từ thiện, nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thực hiện bình đẳng giới, đồng thời cũng đã có một số đóng góp vào việc xây dựng thể chế, chính sách, luật pháp, dự án đầu tư (như một số kiến nghị của VUSTA), v.v… Điều đặc biệt quan trọng là các tổ chức xã hội đã thu hút được sự tham gia, giám sát của cộng đồng dân cư ở những địa bàn thực hiện các dịch vụ, do đó các dịch vụ đạt được hiệu quả thiết thực, lại tránh được thất thoát, lãng phí.

     Trong quá trình hoạt động, nhiều tổ chức xã hội đã liên kết thành các mạng hoạt động tích cực như: Mạng An ninh lương thực (CIFPEN), Nhóm hợp tác phát triển (CDG), Mạng Giới và phát triển cộng đồng (GENCOMNET), Liên minh các tổ chức phi chính phủ vì giảm nghèo, môi trường và phát triển bền vững (VNGOA), Diễn đàn các tổ chức xã hội phòng chống HIV AIDS, Mạng biến đổi khí hậu, Mạng lưới sông ngòi, Mạng quyền trẻ em (CRnet), Nhóm hợp tác thúc đẩy quản trị và cải cách hành chính công (GPAR), Trung tâm Hợp tác phát triển nguồn nhân lực (C&D), Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng bảo vệ môi trường (CEC), v.v… 

     Từ thực tiễn, có thể khẳng định vị trí, vai trò, sự cần thiết đặc biệt quan trọng của các tổ chức xã hội. Sự cần thiết này thể hiện trên ba mặt: (i) về chính trị, đó là quyền dân chủ của dân trong quản trị đất nước; (ii) về kinh tế, đó là phát huy nguồn lực của các thành phần kinh tế, sức mạnh của toàn dân tộc; (iii) về xã hội, đó là sự cố kết của cộng đồng, phát huy sức dân để phục vụ lợi ích của dân. Các tổ chức Xã hội đã góp phần rất quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế và nhất là bảo đảm an sinh xã hội nước ta trong thời gian qua. Đương nhiên, so với tổ chức xã hội ở các nước phát triển, tổ chức xã hội nước ta mới đang ở giai đoạn hình thành, chưa đến giai đoạn phát triển đầy đủ.

     Rất mừng là tại Đại hội lần thứ IX (tháng 4-2001), Đảng ta đã quyết định “Hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức không vì lợi nhuận mà vì nhu cầu và lợi ích của nhân dân. Những tổ chức này có thể được Nhà nước ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, cung cấp một số dịch vụ công với sự giám sát của cộng đồng. Thông qua đó, Nhà nước có thể tập trung sức lực để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng hơn” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, 2001, tr.339). Chúng ta coi đây là quyết định rất sáng suốt của Đảng lãnh đạo, là chỗ dựa rất cơ bản để triển khai hoạt động.

     Ngày nay, khi đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, cần tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của các tổ chức xã hội không chỉ trong lĩnh vực thực hiện và hỗ trợ các dịch vụ phát triển cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội, mà còn trong việc đóng góp vào công tác vận động đổi mới chính sách, tập quán, thông lệ, hành vi vì quyền và lợi ích của người dân, đặc biệt là người nghèo và yếu thế. Do đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức xã hội, tăng cường tiếng nói đồng thuận và sức mạnh tập thể, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển năng lực vận động chính sách.

     Chính vì lẽ đó, sau một thời gian vận động, trao đổi ý kiến rộng rãi, được sự ủng hộ và đồng thuận của nhiều tổ chức và mạng xã hội, Liên mạng Vận động chính sách (gọi tắt là INPA – Inter-network for Policy Advocacy) đã được thành lập. Mục đích của Liên mạng Vận động chính sách là thực hiện các hoạt động vì sự phát triển bền vững của cộng đồng và bảo đảm các quyền cơ bản của người dân, đặc biệt là nhóm người nghèo, người yếu thế trong tiến trình phát triển đất nước, vì mục tiêu xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” theo đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

     Liên mạng Vận động chính sách tự đặt cho mình sứ mệnh là tăng cường năng lực liên kết của Liên mạng và các tổ chức xã hội trong vận động chính sách tại các diễn đàn hoạch định chiến lược, chính sách, bảo đảm sự tham gia của người dân, đặc biệt là người nghèo vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách, nhất là các chính sách xã hội nhằm góp phần cùng Nhà nước nâng cao hơn nữa chất lượng các chính sách và đưa các chính sách vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực.

     Từ nay, Liên mạng Vận động chính sách trở thành ngôi nhà chung của các mạng, các tổ chức xã hội trong cả nước và các cá nhân cùng nhau liên kết, hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện; thống nhất trong đa dạng; tôn trọng quyền tự chủ của các thành viên. Mỗi tổ chức xã hội, mỗi mạng riêng rẽ có thêm sức mạnh, thêm nguồn lực khi có những hoạt động được chia sẻ trong Liên mạng. Cùng chung sức đồng hành trong ngôi nhà chung này, tiếng nói của chúng ta thêm mạnh, thêm sức cộng hưởng, lan tỏa rộng và vang xa hơn, nội dung hoạt động thêm thiết thực, đạt hiệu quả cao, tất cả vì hạnh phúc của cộng đồng, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

 

 

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
19:04 | 05/06/2016
18:25 | 04/06/2016
18:16 | 29/05/2016
17:48 | 29/05/2016
08:44 | 29/05/2016
22:17 | 08/05/2016
16:03 | 19/03/2016
12:17 | 11/03/2016
15:13 | 26/02/2016
15:07 | 26/02/2016
Đăng ký thành viên