Tầm quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp

09:05 | 04/07/2012

Chúng tôi ý thức được tầm quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp lần này liên quan đến rất nhiều nội dung, nhưng quan trọng bậc nhất với chúng tôi là quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Vì vậy, INPA tập trung vào vấn đề này đề thực hiện trong nghiên cứu...(Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của người dân đóng góp ý kiến cho quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992”)
Tầm quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp

    Thực hiện theo chủ trương của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam về việc sửa đổi Hiến pháp 1992 cho phù hợp với xu thế phát triển và tình hình Chính Trị - Kinh Tế - Xã Hội trong thời kỳ mới.

    Trên tinh thần từ góc độ của người dân và các tổ chức xã hội, để đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, đặc biệt đối với nhóm yếu thế, INPA đã phối hợp với Quỹ Hợp tác và Phát triển tham gia đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Hiến pháp thông qua nghiên cứu “Tăng cường sự tham gia của người dân đóng góp ý kiến cho quá trình sửa đổi Hiến pháp, giai đoạn 2011-2013”. Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo nghiên cứu cho việc đệ trình lên các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước về nội dung đóng góp sửa đổi Hiến pháp 1992, Liên mạng INPA cùng Quỹ Hợp tác và Phát triển tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế về kết quả của nghiên cứu.

Sau diễn văn khai mạc Hội thảo của ông Vũ Quốc Tuấn – Trưởng ban cố vấn INPA, ông  Phạm Hoài Linh - Điều phối viên mạng INPA giới thiệu dự án, tiến độ dự án do INPA thực hiện từ tháng 02/2012, với hỗ trợ của Quỹ Hợp tác và Phát triển và tài trợ của UNDP tại 3 địa bàn khảo sát, nghiên cứu: Hà Nội (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân). Bến Tre (xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri), Hòa Bình (xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, với ba hình thức mẫu biểu: bảng hỏi, phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm.

    Tiếp theo, ông Nguyễn Ngọc Lâm - thành viên Ban điều hành Dự án đã Báo cáo kết quả nghiên cứu thu được rất đáng mừng, với pháp luật. Phần lớn người dân được hỏi đều rất quan tâm đến việc sửa đổi Hiến pháp, mong muốn Hiến pháp mới mang lại quyền lợi cần thiết và ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân...

Trong suốt quá trình Hội thảo, liên tục các đại biểu sôi nổi tham luận, đóng góp các ý kiến xác đáng vào nhiều vấn đề sửa đổi Hiến pháp 1992 trong đó đặc biệt tập trung vào “Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ công dân”; “ Tổ chức Xã hội”.

I/ Về Quyền con người,  Quyền và nghĩa vụ công dân.

*Ông Vũ Quốc Tuấn,Trưởng ban cố vấn INPA:

Chúng tôi ý thức được tầm quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp lần này liên quan đến rất nhiều nội dung, nhưng quan trọng bậc nhất với chúng tôi là quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Vì vậy, INPA tập trung vào vấn đề này đề thực hiện trong nghiên cứu.

Nếu việc sửa đổi này kế thừa được tư tưởng nhân văn, tinh túy của Hiến pháp 1946 - Bản Hiến pháp mẫu mực của nước ta thì rất tốt, cũng là để kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ một cách thiết thực.

* Ông Nguyễn Vi Khải, Trưởng nhóm nghiên cứu:

Hiến pháp cần trở lại tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người được Nhà nước đảm bảo:

- Các quyền về con người, quyền và nghĩa vụ công dân phải đưa lên ngay sau chương nói về chế độ chính trị theo thông lệ quốc tế (90% Hiến pháp quốc tế như vậy).

- Khẳng định quyền phúc quyết của dân với những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia. Đây nên là một điều riêng, giống điều 21 của Hiến pháp 1946.

- Sửa căn bản Điều 50 về quyền con người, tách ra thành các điều cụ thể gắn với trách nhiệm bảo đảm của Nhà nước. Trong điều 50 của Hiến pháp 1992 chỉ ngắn gọn như sau: “Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa xã hội được tôn trọng thể hiện quyền công dân theo quy định trong Hiến pháp”. Đây là đặc điểm của lý thuyết mô tả, chỉ định tính chứ chưa có định lượng.

- Cần bổ sung các quyền mới như quyền sống, quyền không bị tra tấn nhục hình, quyền phát triển, quyền được tiếp cận thông tin, quyền lập hội, quyền biểu tình. Dưới góc độ các mạng lưới của một cộng đồng, chúng tôi cho rằng không thể thiếu dân.

*TS.Nguyễn Văn Thuận – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, thành viên Ban biên tập soạn thảo sửa đổi Hiến pháp

Các quyền lực cuả Nhà nước đều thuộc về nhân dân. Tư tưởng này đã được khẳng định từ Hiến pháp 1946 và Hiến pháp tới phải thể hiện được điều đó.

Về Chính trị: độc quyền lãnh đạo không phải của một giai cấp mà của toàn dân. Trong cương lĩnh xây dựng đất nước của đại hội 11 có nêu nhân dân làm chủ không chỉ thông qua Nhà nước mà qua hệ thống chính trị (các đoàn thể, các tổ chức xã hội).

Vậy chủ quyền nhân dân phải tiếp cận theo hướng nào? Quyền lực nhân dân thuộc đối tượng nào để lãnh đạo xã hội? Cần xây dựng cơ chế để nhân dân thực hiện. Phần đông các nước trên thế giới trước khi ban hành Hiến pháp đều có trưng cầu ý dân và chúng ta nên như vậy. Nói Quyền dân chủ trực tiếp chưa được đề cập đến trong Hiến pháp là không đúng vì chúng ta hiện đã có quyền bầu cử. Chỉ có điều cơ chế thực hiện trên thực tế là chúng ta chưa làm.

Quyền phúc quyết chưa được quy định trong Hiến pháp.

Ở các nước khác, dân còn quyết định đảng nào có quyền lãnh đạo, lập Chính phủ nhưng ở ta chỉ có một Đảng, mức dân chủ mới chỉ ở mức thông qua Quốc hội. Hiến pháp này cần phải thể hiện được mục tiêu “xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thể hiện cao nhất ý chí của dân.

* Ông Đặng Văn Khoát – Giám đốc Trung tâm huy động cộng đồng Việt Nam phòng chống HIV/AIDS

         Tôi có một số bổ sung như sau: tại điểm 2, dòng 2-3 trang 2, bỏ “tham gia ý kiến trưng cầu dân ý” vì ở phần dưới đã đề cập đến; không nên ghi: cần bỏ cụm từ “theo quy định của pháp luật” mà ghi cần thay thế cụm từ “theo quy định của pháp luật” bằng cụm từ “theo quy định do Quốc hội ban hành”.

* Đại diện người dân huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình – Ông Lê Đình Phương:

Hiến pháp đối với một người dân vùng sâu, vùng xa chúng tôi được gọi một cách dân dã là “Luật Cha, luật Mẹ”, từ đó “đẻ” ra các “Luật Con, luật Cháu, luật Chắt...”.

Việc đoàn công tác về tới địa phương tham khảo ý kiến người dân đóng góp cho quá trình sửa đổi Hiến pháp theo tôi là sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện rõ chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.. Mục đích cuối cùng của việc sửa đổi Hiến pháp chính là để phù hợp với lòng dân, như một câu nói của các cụ từ ngày xưa “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Dân yên thì nước yên. Tôi rất mong muốn các vị có chức quyền là cầu nối để truyền tải nguyện vọng của dân đến Quốc Hội, để Quốc Hội xem xét, thông qua, đáp ứng quyền lợi của nhân dân. chúng tôi có một số kiến nghị như sau:

- Người dân có quyền được đối thoại với người làm công tác chính quyền, được luật pháp bảo đảm cho việc thực thi quyền đó. Việc giám sát và đối thoại với chính quyền trong hoạt động kinh tế xã hội tại địa phương sẽ tăng tính minh bạch và đảm bảo các chính sách của Nhà nước được thực hiện một cách đầy đủ tại địa phương.

- Được thực hiện quyền dân chủ trực tiếp. C

- Nhà nước có các chính sách ưu tiên, hỗ trợ nhóm yếu thế. Đây là điều những người dân vùng sâu, vùng xa rất mong đợi.

*Bà Nguyễn Thị Nhàn:  về quyền dân chủ, quyền của người dân. Chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nên được thể hiện cụ thể trong Hiến pháp như thế nào, nên được thể hiện rõ thành câu thành chữ thành văn bản rõ ràng.

Trong nội dung về vấn đề đất đai, hiện chúng ta đang phải chịu nhiều áp lực từ những khiếu nại, bức xúc của nhân dân về vấn đề đất đai. Dư luận trong nhân dân hiện nay nói rằng “Việt Nam đang thực hiện cuộc cải cách ruộng đất lần thứ ba, cuộc cải cách này xóa bỏ các cuộc cải cách lần trước. Nếu trước đây là “ruộng đất cho người nghèo” thì giờ là “ruộng đất cho người giàu”. Hi vọng trong Hiến pháp có quy định rõ ràng và thể hiện vai trò quản lý để những vấn đề đó không thể tiếp tục xảy ra.

* Bà Dương Thị Thanh Mai - Chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp

Hội nghị Trung ương 5 sẽ đề cập đến phạm vi sửa đổi Hiến pháp và chín vấn đề trong sửa đổi Hiến pháp lần này. Chúng ta sẽ thiết kế phương án cụ thể cho chín nhóm vấn đề, trong đó có vấn đề thực sự liên quan đến sứ mệnh lịch sử của INPA là quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Qua tổng kết, chúng tôi đã chia thành sáu nhóm nghiên cứu, trong đó có nhóm riêng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Kết quả nghiên cứu cũng phù hợp với nghiên cứu của INPA và sẽ chuyển nội dung về quyền này lên chương 2 cũng như một số đề xuất tách các điều cụ thể về quyền công dân, trách nhiệm Nhà nước… Chúng tôi rất mong INPA tiếp tục tham gia thiết kế các điều cụ thể liên quan đến nhóm yếu thế được thể hiện trong Hiến pháp. Nhóm nghiên cứu về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân do GS.Nguyễn Đăng Dung phụ trách. INPA có thể kết nối với nhóm để có những chia sẻ kịp thời. Về Quyền phúc quyết, chúng ta cần có lựa chọn phù hợp hơn. Đó là nghiên cứu quyền trưng cầu ý dân đối với Hiến pháp.

* Bà Vương Thị Hanh

Đề nghị INPA tiếp tục trao đổi, nghiên cứu làm rõ hơn, đóng góp ý kiến cho nội dung, tránh rơi vào việc lãnh đạo độc quyền, khồng tôn trọng ý kiến của người dân. Hiến pháp nên quy định rõ ràng về quyền và trách nhiệm của người lãnh đạo. Bên cạnh đó Hiến pháp cũng nên quy định rõ để tránh tình trạng Nhà nước lãnh đạo không bịtrở thành lạm quyền.

Hiến pháp cần phải lấy ý kiến của toàn dân, lấy ý kiến một cách thực sự dân chủ để tiếng nói của người dân thực sự là một quyền lực để cho Hiến pháp được tốt hơn. Nếu ý kiến của đa số người dân khác với tư tưởng chỉ đạo của Đảng thì có là sai không? Đảng có thay đổi không? Hay Đảng đã chỉ đạo rồi, Đảng đã kết luận rồi.

*Ông Vũ Tuấn Minh – UNDP:

Về kinh nghiệm quốc tế, sự tham gia của người dân vào Hiến pháp còn là hết sức mới mẻ không chỉ ở Việt Nam mà còn là ở các nước trên thế giới. Ở giữa thế kỉ 20, quá trình soạn thảo và sửa đổi Hiến pháp còn là một quá trình cao siêu được trao cho các thành viên chủ chốt của các cơ quan hành pháp, lập pháp. Công chúng hầu như không có đóng góp vai trò nhiều trong quá trình xây dựng Hiến pháp. Tuy nhiên từ những năm 70, sự tham gia của nhân dân trong quá trình xây dựng Hiến pháp đã được công nhận như một tiêu chuẩn quốc tế. Điều này thể hiện sự tham gia của nhân dân, công dân trong các công việc của đất nước như đã được quy định tại điều 25 Công Ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà LHQ đã thông qua cùng với các thành viên của mình năm 1946. LHQ đã có nhiều nỗ lực một cách hệ thống phản ánh các kinh nghiệm hỗ trợ nhiều quốc gia trên thế giới và hình thành một học thuyết rõ ràng về các tiêu chuẩn quốc tế trong việc xây dựng Hiến pháp và vai trò của LHQ trong quá trình này. Một bước ngoặt trong việc phát triển học thuyết này là bảng hướng dẫn của tổng thư kí LHQ về việc hỗ trợ của LHQ với các quá trình xây dựng Hiến pháp ban hành vào tháng 4 năm 2009. Một trong số các nguyên tắc cơ bản của hướng dẫn này là: LHQ nên bằng mọi nỗ lực hỗ trợ và thúc đẩy các quá trình xây dựng Hiến pháp có sự tham gia đông đảo, đầy đủ, minh bạch dựa trên các kinh nghiệm so sánh của người dân. Một quá trình xây dựng Hiến pháp như vậy có thể cung cấp một cách thức cho nhân dân trải nghiệm các điều cơ bản của quản lí dân chủ, học các nguyên tắc và tiêu chuẩn pháp lý phù hợp. Từ đó nâng cao sự tham gia đông đảo, minh bạch trong quản lý xã hội trong tương lai. Các quá trình tham gia đông đảo và toàn diện chắc chắn sẽ đem đến sự đồng thuận của toàn thể xã hội, toàn thể nhân dân về một khuôn khổ Hiến pháp cho tất cả mọi người. LHQ khuyến khích vươn đến mọi nhóm cư dân trong xã hội, đặc biệt các tầng lớp yếu thế, hỗ trợ các chiến dịch tham vấn và giáo dục công chúng.

Những đóng góp của dự án là rất kịp thời, nhất là sau khi họp hội nghị lần thứ 5 BCH TW Đảng khóa XI cho ý kiến, chúng tôi cũng rất tán thành với ý kiến của bà Hanh. Chúng ta rất tôn trọng những ý kiến mang tính chất chỉ đạo của Đảng, các cơ quan Nhà nước, nhưng không vì thế chúng ta để ảnh hưởng đến những vị thế, vai trò với tính chất đại diện cho tiếng nói trung thực của nhân dân.

II/ Về Tổ chức Xã hội:

* Ông Nguyễn Ngọc Lâm - thành viên Ban điều hành

Các tổ chức xã hội là một thành tố quan trọng trong xã hội, đóng góp nhiều cho xã hội (tích cực, chủ động đóng góp trong xóa đói giảm nghèo, phát hiện những bất cập của chính sách và phản ánh lên cơ quan Nhà nước để sửa đổi cho phù hợp, tham gia tích cực vào chủ trương xã hội hóa, tham gia mạnh mẽ tuyên truyền vận động về dân chủ cơ sở, tích cực bảo vệ môi trường, tư vấn phản biện giám định xã hội, đóng góp xây dựng chính sách pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội…) nhưng chưa được đề cập đến. Hiện đã có 93 báo cáo góp ý về sửa đổi Hiến pháp của các Bộ, ngành nhưng còn thiếu vắng báo cáo từ góc độ của các tổ chức xã hội, của người dân nên chúng tôi đã nghiên cứu vấn đề này.

* Ông Vũ  Tuấn Minh – UNDP

Trong điều kiện đặc thù riêng có của Việt Nam và vài nước trên thế giới, vai trò của các tổ chức quần chúng xã hội, các đoàn thể, các tổ chức xã hội với nguyên tắc tự nguyện tự chủ độc lập lại càng phải được tăng cường và đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH và bảo vệ tổ quốc, chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020 do Quốc hội Việt Nam thông qua đã đề ra mục tiêu hoàn thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước, quy định chế độ cung cấp thông tin và trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước trước nhân dân

* TS.Nguyễn Văn Thuận – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, thành viên Ban biên tập soạn thảo sửa đổi Hiến pháp

Hiện nay đã có quy định về Quyền lập hội nhưng chưa ra được luật cụ thể. Vậy trách nhiệm tới đây là đưa ra được những luật cụ thể về Quyền này.

*Bà Phạm Thúy Anh – Chủ tịch Quỹ C &D

 Việc tổ chức và lấy ý kiến của nhân dân, đặc biệt là cách thức và phương pháp để các nhóm nghèo và yếu thế được tham gia một cách thiết thực và có hiệu quả trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992 là vô cùng quan trọng. Đây là một trách nhiệm không chỉ của INPA, của Quỹ, của UNDP mà còn là mong muốn và trách nhiệm của toàn xã hội với nội dung này. INPA mong muốn có được phần đóng góp với phương pháp làm việc của mình - làm việc trực tiếp với người dân, đảm bảo quyền cho các nhóm nghèo, yếu thế sẽ có cơ hội tốt hơn và phương pháp hữu ích hơn. Chúng tôi mong muốn sẽ được đóng góp trong quá trình sắp tới đây khi chúng ta tổ chức lấy ý kiến, trưng cầu người dân.

* Ông Hồ Văn Hoành – Phó chủ tịch Trung ương Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực:

Hội thảo nêu “nên bổ sung quy định quyền của các tổ chức xã hội và các chính sách khuyến khích”, tôi nhất trí với ý kiến này nhưng cũng nên làm rõ.

Cụm từ “các tổ chức chính trị xã hội” lâu nay chúng ta đã dùng rất quen thuộc. Nhưng các tổ chức xã hội đến nay vẫn chưa có một đạo luật nào về các tổ chức này. Vì thế theo tôi, nên thêm một ý bên cạnh quyền của các tổ chức chính trị và quyền của các tổ chức xã hội để thấy rõ được vai trò của hơn 400 tổ chức xã hội. Trên thực tế, các tổ chức này đã và đang đóng một vai trò rất quan trọng trong xã hội, đóng góp cho sự phát triển kinh tế và bảo vệ tổ quốc. Vì thế cần quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các tổ chức XH đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức xã hội có thể đóng góp một cách hiệu quả và sâu sắc hơn.

III / Từ Thông điệp mang niềm tin, hy vọng...

Kết thúc Hội thảo, mọi người đã đánh giá rất cao công việc nghiên cứu thể hiện trong báo cáo của INPA rất nghiêm túc, công phu, tâm huyết và cũng rất kịp thời; nghiên cứu có chiều sâu, toàn diện, đưa ra rất nhiều ý kiến hay. Đây là minh chứng cho việc người dân tham gia không phải dưới hình thức bị động là đợi có dự thảo hình thành mới góp ý mà rất chủ động thể hiện cái lắng nghe, phản ánh mong muốn, chờ đợi của người dân.

Đây là hội nghị của các tổ chức xã hội nhưng lại được sự quan tâm của rất nhiều các lãnh đạo Bộ, ban ngành, Quốc hội là một sự thành công. Các đại biểu đều rất tâm huyết chia sẻ các quan điểm của mình, quan tâm đến những đóng góp của Xã hội là điều rất đáng mừng.

Ý kiến chung của đông đảo các mạng và nhân dân: Mong muốn các nội dung kiến nghị của dự án và Hội thảo được chuyển tải lên các cấp cao hơn. Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung xứng tầm với thời đại, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân ta.

Tất cả nhất trí một số kiến nghị  sau đây:

- Cần có các quy định riêng, phân biệt “quyền con người” và “quyền công dân”.  Chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cần được thiết kế hoàn chỉnh và đưa lên thành Chương 02 của Hiến pháp, ngay sau Chương chế độ chính trị. Việc quy định các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp cần được rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ kiểm tra việc thực hiện. Cần bỏ cụm từ “theo quy định của pháp luật” trong các quy định về quyền công dân trong Hiến pháp 1992 (Điều 57, 68, 69).Thực tế cho thấy quy định này đã tạo ra những hạn chế, vì khái niệm “pháp luật” ở đây rất rộng, bao gồm từ luật cho đến các quyết định của các cấp hành chính.

- Bổ sung sự tham gia của người dân vào việc đóng góp ý kiến cho Hiến pháp “Quyền Phúc quyết” cũng như vấn đề trưng cầu dân ý của người dân đối với các vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia

- Trên cơ sở khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, cần có các quy định về các vấn đề quy hoạch, kế hoạch, chuyển mục đích, thời hạn, giá đất, quyền sử dụng đất và thu hồi đất, tái định cư và đời sống của nhân dân ở khu vực đất bị thu hồi, v.v… bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.- Bổ sung các quy định cụ thể hóa việc thực hiện một số quyền dân chủ trực tiếp của công dân (ví dụ như tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, tham gia ý kiến trong trưng cầu dân ý, bầu cử trực tiếp một số chức danh trong bộ máy Nhà nước, v.v…). Về Quyền của công dân liên quan đến “Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được có thông tin, quyền hội họp, lập hội, biểu tình” cần phải có Luật hướng dẫn thi hành cụ thể, tránh hiện tượng chồng chéo các văn bản pháp luật từ Trung ương đến địa phương khiến cho người dân không biết thực hiện như thế nào.

- Bổ sung thành phần và những quy định cụ thể riêng đối với các “nhóm yếu thế” (người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ, người gìa cô đơn, vùng dân tộc ít người, người nhiễm HIV/AID.) hoặc cũng gọi là “nhóm dễ bị tổn thương”

-   Bổ sung các tổ chức xã hội là thành tố cấu thành trong hệ thống chính trị, cần quy định về quyền nghĩa vụ của các tổ chức này đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội hoạt động có hiệu quả góp phần phát triển đất nước

- Bổ sung quy định về cơ quan tài phán Hiến pháp (với tên gọi như Tòa án Hiến pháp) để xử lý các văn bản của cơ quan nhà nước, kể cả Quốc hội mà trái với Hiến pháp.

- Bổ sung các quy định về quyền tự do kinh doanh theo pháp luật.

Ngoài ra còn có một số ý kiến đóng góp thêm của các đại biểu:

* Ông Nguyễn Đức Kiên -nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch danh dự Quỹ Hợp tác và Phát triển

Đề nghị rà soát kĩ lại, cả đánh giá và kiến nghị để phù hợp hơn với thực tế, thể hiện ở hai khía cạnh chính: Hiến pháp hiện hành giữa quy định với thực hiện cần rành mạch, bên cạnh đó là phù hợp với văn kiện đại hội Đảng XI đã thông qua, gần đây hội nghị TW 5 đã bàn bạc, thống nhất những vấn đề cơ bản nhất để định hướng cho việc thiết kế phương án cụ thể sửa đổi Hiến pháp 1992. Trên cơ sở rà soát, hoàn chỉnh để sớm gửi tới cho Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, là một nguồn thông tin giúp cho các cơ quan có trọng trách của Nhà nước thiết kế cụ thể những nội dung, những điều cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

*  Ông Nguyễn Vi Khải, Trưởng nhóm nghiên cứu

 Hiến pháp phải là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị cơ bản, thiết lập kiếntrúc, thủ tục, quyền hạn, trách nhiệm của Chính quyền. Dân giao quyền nên phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Việc kiểm soát này không chỉ do dân mà phải kiểm soát ngay trong nội bộ ban quyền do tam quyền phân lập ở Việt Nam chưa rõ. Cần phải lưu ý về kỹ thuật lập hiến để Hiến pháp có giá trị, vòng đời lâu dài hơn. Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 cần phải sửa cơ bản, mang tính lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân an tâm làm ăn:

* Bà Dương Thị Thanh Mai - Chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp

Dự kiến tháng 2/2013 sẽ lấy ý kiến trong hai tháng với bản dự thảo lần một. Vậy tổ chức như thế nào thì INPA nên nghiên cứu để có thể thu thập được ý kiến người dân một cách tốt nhất. Mong Quỹ C&D và UNDP tiếp tục đồng hành cùng INPA. Mong rằng đây là chỉ Hội thảo bắt đầu, chúng ta sẽ còn tiếptục làm việc với nhau trong thời gian tới.

 *Bà Phạm Thúy Anh – Chủ tịch Quỹ C &D

Như bà Mai và các anh các chị đã chia sẻ, hội nghị ngày hôm nay không có kết thúc, chúng ta mong muốn rằng sau hội thảo, tất cả các kiến nghị, các nội dung sẽ đến được đúng nơi và sẽ đạt được kết quả. Đặc biệt, nội dung chính của hội thảo hôm nay.  Chúng tôi cũng có  mong muốn rất lớn rằng các tổ chức xã hội được đóng góp nhiều hơn, vai trò được khẳng định rõ hơn để thực hiện trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

* PGS, TS. Lê Minh Thông - Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Phó trưởng ban biên tập soạn thảo sửa đổi Hiến pháp

Rất hoan nghênh INPA và các tổ chức xã hội khác đã tham gia vào công cuộc này. Chúng tôi sẽ mang thông điệp của hội thảo, phản ánh trung thực đến các cơ quan hữu quan để Hiến pháp mới này sẽ thực sự là của dân, vì  dân và  tạo sức bật mới cho sự  hưng thịnh nước nhà và cho thế hệ mai sau.

 

                                         Trương Thị Kim Dung – Phương Hòa (tường thuật)

 

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
22:17 | 25/11/2024
22:12 | 25/11/2024
21:58 | 25/11/2024
21:17 | 25/11/2024
21:03 | 25/11/2024
20:24 | 25/11/2024
20:20 | 25/11/2024
13:02 | 25/11/2024
12:51 | 25/11/2024
12:40 | 25/11/2024
Đăng ký thành viên