* Ông Nguyễn Đức Kiên_ Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch danh dự Quỹ Hợp tác và Phát triển
Ông Nguyễn Đức Kiên là nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XII.Trước đây, ông từng là sinh viên trường Đại học Kinh tế - Kế hoạch Hà Nội (1968 – 1972). Trong quá trình công tác và cống hiến, ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong các Bộ, Ban, Ngành của Nhà nước, tiêu biểu là một số nhiệm kỳ sau.
Sau khi là Phó Vụ trưởng Ủy ban kế hoạch nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) từ 1982 đến 1987, ông được Trung ương điều động về công tác tại tỉnh Hải Hưng (hợp nhất 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên) và sau đó giữ chức Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hải Dương đến năm 1999.Từ năm 1999 đến năm 2002, ông được Trung ương tin tưởng điều về làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Ông giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội khóa XI (2002 – 2007) trước khi chính thức trở thành Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XII phụ trách khối kinh tế và khoa học kỹ thuật.
Ông Nguyễn Đức Kiên liên tục là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX và khóa X; đồng thời là Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI, XII
* Ông Trần Ngọc Châu
Ông Trần Ngọc Châu hiện đang là Giám đốc FBNC – Kênh truyền hình kinh tế tài chính đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975. Trước đó, ông từng là Phó tổng biên tập nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tổng thư ký tòa soạn, phụ trách tuần báo Anh ngữ SaigonTimes Weekly cũng như nắm giữ rất nhiều chức vụ quan trọng như Ủy viên Ban biên tập (1990), Tổng Thư ký tòa sọan (1984), trưởng ban kinh tế (1979) ở báo Tuổi trẻ. Ông Châu đã nhận bằng Tiến sĩ Khoa học Báo chí – Truyền thông đại chúng với đề tài “Lý thuyết tối ưu về giáo dục phổ cập kiến thức truyền thông” tại đại học UW, Washington, Hoa Kỳ (2005). Ông cũng là đồng chủ tịch, Chủ tịch và điều hành viên cho nhiều hội thảo (seminar) về truyền thông và học thuật tại Italia, Thái Lan, Philippinnes, Singapore và Hoa Kỳ. Tiến sĩ Châu là tác giả, đồng tác giả cũng như dịch giả của rất nhiều đầu sách nổi tiếng. Trong sự nghiệp làm báo của mình ông cũng đã nhận được rất nhiều giải thưởng báo chí, trong số đó có “Huy chương vì Sự nghiệp báo chí Việt Nam”, đây là giải thưởng cao nhất cho các nhà báo Việt Nam, do Hội nhà báo Việt Nam trao tặng.
* Bà Phạm Chi Lan
Bà Phạm Chi Lan tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 1966, hiện đang là nhà nghiên cứu kinh tế độc lập. Bà là thành viên của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao Năng lực cạnh tranh và là cộng tác viên của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Bà đã làm việc ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và giữ những cương vị như Trưởng ban Quan hệ Quốc tế (1983-1989), Phó Tổng thư ký (1989-1993), Tổng thư ký (1993-1997), Phó Chủ tịch VCCI (1997-2003).Bà đã từng nắm giữ các chức vụ như Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS), tham gia Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ (PMRC).
Các lĩnh vực chính mà bà tham gia đó là xây dựng và cải cách hệ thống thể chế phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam; tham gia thiết lập và mở rộng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các nước trên thế giới và thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Bà cũng tham gia nhiều hoạt động nhằm phát triển khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hoạt động về đào tạo doanh nhân, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, và các chương trình hợp tác khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực này
* Thạc sĩ Luật học Lê Văn Lân
Thạc sĩ Luật học Lê Văn Lân là Nguyên Phó vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương Đảng. Ông từng là học viên Trường Học viện Cảnh sát nhân dân và trở thành giảng viên trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an. Từ năm 1988 đến tháng 1/2013, ông đã tham gia học Cao học Luật tại Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và đã giữ rất nhiều chức vụ quan trọng trong một số ban ngành trực thuộc trung ương như : Phó vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương, Vụ trưởng và Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng..
* Ông Phạm Duy Nghĩa
Ông Phạm Duy Nghĩa hiện đang nắm giữ chức vụ Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Kinh Tế TPHCM, là Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. Ông phụ trách nghiên cứu và giảng dạy trên các lĩnh vực như Quản trị nhà nước, Luật và Chính sách công.Thời gian qua, ông Nghĩa đã công bố nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan tới cải cách thể chế, vai trò của xã hội dân sự cũng như mối quan hệ giữa cơ quan dân cử và cử tri.
* Bà Nguyễn Minh Tâm
Bà Nguyễn Minh Tâm hiện đang là phóng viên cao cấp, giữ chức trưởng Ban thời sự Báo Lao Động. Trong suốt thời gian công tác ở báo Lao Động, bà đã kinh qua các chức vụ sau: Phó trưởng Ban thư ký tòa soạn; Phó ban Văn hóa và Lao Động Cuối tuần; Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quốc tế.
Bà Tâm đã từng là giảng viên tại Học viên chính trị quân sự, Bộ Quốc Phòng. Trong quá trình hoạt động báo chí, bà đã từng là phóng viên Ban Thời sự Quốc tế, bình luận viên quốc tế ở báo Quân Đội Nhân Dân Việt Nam cho đến khi được phong quân hàm Trung tá. Năm 2003, bà chuyển công tác sang Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, khi đó là phóng viên chính bậc ba và giữ chức Trưởng phòng Thư ký - biên tập Báo Tiếng nói Việt Nam.
Trong quá trình công tác, bà Tâm đã qua một số lớp học ngắn hạn về báo chí, cũng như những chuyến khảo sát theo chuyên đề, vấn đề…ở trong nước và nước ngoài như Mỹ, Nga, Pháp, các nước ASEAN, Trung đông- châu Phi…Ngoài ra, bà cũng tham gia một số chương trình báo chí nổi bật của cơ quan báo chí VN và được tặng Kỷ niệm chương vì có 25 năm cống hiến cho Báo chí Cách mạng Việt Nam.
* Bà Nguyễn Thị Kim Thoa
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa tốt nghiệp tiến sỹ Luật kinh tế-hành chính ở trường Đại học tổng hợp Albert Ludwig Freiburg năm 1999 ở Đức. Hiện nay, bà Thoa đang giữ chức Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự-Hành chính trực thuộc Bộ Tư pháp. Trong suốt thời gian công tác ở Bộ Tư pháp từ năm 1987 đến nay, bà Thoa đã trực tiếp chủ trì soạn thảo các bộ Luật như Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin, đề xuất sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng như rất nhiều các Nghị định và Bộ luật khác.
Ngoài ra, bà Thoa còn tham gia đóng góp cũng như chủ trì rất nhiều đề tài khoa học ở các cấp từ cơ sở đến cấp bộ và cấp nhà nước.Rất nhiều sách chuyên khảo mà bà tham gia biên soạn ở vai trò chủ biên cũng như đồng chủ biên đã được đánh giá rất cao và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, bà Thoa đã có rất nhiều bài báo được đăng tải trên các tạp chí có uy tính, chẳng hạn như tác phẩm: “Minh bạch, công khai của hệ thống pháp luật trước nhu cầu hội nhập” đăng trên Tạp chí lập pháp…