13:38 | 19/09/2012
Nhà văn Lê Hoài Nam (thực hiện)
Phỏng vấn ông Phạm Quý Tỵ, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp
*Nâng cao nhận thức và năng lực Tư pháp cho đối tượng của Quỹ
Phóng viên: Được biết hiện ông đang giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Tư pháp, công việc của ông chắc chắn là khá bận rộn, tuy thế ông vẫn nhận lời tham gia Ban cố vấn của Quỹ hợp tác và phát triển, hẳn là ông có những tâm đắc và đồng cảm với tổ chức này? Vì sao?
Đúng là tôi rất tâm đắc và đồng cảm với tổ chức này, nên đã tham gia Ban cố vấn của Quỹ. Cách đây khoảng 3 năm tôi biết chị Thúy Anh - Giám đốc Trung tâm Hợp tác - phát triển nguồn nhân lực, thông qua một người bạn của tôi. Hiện nay chị Thúy Anh vẫn là Giám đốc Trung tâm hợp tác và phát triển nguồn nhân lực, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hợp tác và phát triển. Qua trao đổi công việc, chị Thúy Anh có nói về dự định của Trung tâm hợp tác - phát triển đang nghiên cứu để xây dựng đề án về một lĩnh vực nào đó dành cho đối tượng là phụ nữ nghèo, phụ nữ thu nhập thấp. Tôi có nói với chị Thúy Anh nên đi vào lĩnh vực Tư pháp, bởi vì hiện nay ở Việt Nam, hiểu biết của người dân, đặc biệt là dân nghèo về quyền cơ bản của công dân nói chung, quyền và nghĩa vụ của công dân trong lĩnh vực Tư pháp nói riêng còn rất hạn chế. Về đối tượng mà đề án hướng tới nên mở rộng hơn không chỉ là phụ nữ nghèo, phụ nữ có thu nhập thấp mà cả những người nghèo, người yếu thế. Sau cuộc trao đổi hôm đó, chị Thúy Anh đã xây dựng Đề án: Mô hình “Nâng cao nhận thức và năng lực” từ góc độ của các tổ chức ngoài Nhà nước nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người nghèo trong lĩnh vực Tư pháp. Mục đích của đề án nhằm phục vụ những người nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số tại các vùng miền núi xa xôi trong cả nước, hướng tới sự thay đổi về nhận thức và nâng cao năng lực trong lĩnh vực Tư pháp của các nhóm cộng đồng nghèo.
Phóng viên: Vâng, như thế có nghĩa là trước khi tham gia ban cố vấn cho Quỹ Hợp tác và Phát triển, ông đã có một quá trình tham gia cố vấn choTrung tâm Hợp tác và Phát triển nguồn nhân lực. Ông có thể nói cụ thể hơn về những việc ông đã làm hoặc tham gia?
Để triển khai Đề án nâng cao nhận thức và năng lực tư pháp cho người nghèo, Trung tâm hợp tác phát triển nguồn nhân lực có phát hành một cuốn sổ tay và tờ rơi. Theo đề nghị của chị Thuý Anh tôi đã viết nội dung của hai tài liệu này. Nội dung sổ tay và tờ rơi đã tóm lược những quyền cơ bản của công dân và quyền của công dân trong lĩnh vực Tư pháp, những cơ hội mà người dân có được theo quy định của pháp luật. Đây là một hình thức tuyên truyền hiệu quả, đến được với nhiều đối tượng, và có thể lưu giữ làm tài liệu tham khảo khi cần thiết. Sổ tay và tờ rơi được phát miễn phí cho tất cả các đối tượng trong địa bàn thực hiện đề án và trong các chiến dịch tuyên truyền. Ngoài ra, để tổ chức các buổi trao đổi giúp người dân nâng cao nhận thức về quyền tư pháp, tôi đã giới thiệu với với chị Thúy Anh một nhóm chuyên gia pháp luật và cùng với nhóm chuyên gia này viết các tài liệu để tuyên truyền.
Phóng viên: Nghe nói khi triển khai đề án xuống các địa phương thì đã có những phản hồi rất tích cực?
Qua theo dõi tôi thấy, Trung tâm hợp tác - phát triển nguồn nhân lực đã triển khai Đề án này ở tỉnh Hoà Bình rất có hiệu quả, được nhân dân và chính quyền địa phương nơi triển khai Đề án phấn khởi đón nhận. Việc triển khai Đề án này ở tỉnh Hoà Bình chỉ là thí điểm, tới đây sẽ nhân rộng ra nhiều địa phương trong cả nước. Là người đã có trên 30 năm công tác trong các cơ quan Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp, tôi biết rõ những người dân tộc thiểu số ở các vùng núi xa xôi, hẻo lánh hiểu biết về pháp luật của họ còn rất ít. Vì vậy, Đề án nâng cao nhận thức và năng lực Tư pháp cho người nghèo của Trung tâm hợp tác - phát triển nguồn nhân lực đến với đối tượng này thật sự cần thiết và có ý nghĩa. Tôi đánh giá cao về những nỗ lực cố gắng của lãnh đạo, cán bộ Trung tâm đã triển khai Đề án rất có hiệu quả, tăng cường hiểu biết pháp luật cho người dân.
* Khi Quỹ cần, xin sẵn sàng
Phóng viên: Đấy là nói về việc ở Trung tâm Hợp tác phát triển nguồn nhân lực. Thế còn khi tham gia Quỹ Hợp tác và Phát triển thì sao, thưa ông?
Trong thời gian làm việc với chị Thuý Anh về Đề án nêu trên tôi được chị Thuý Anh thông báo về việc thành lập Quỹ hợp tác và phát triển. Mục đích của tổ chức này nhằm hỗ trợ các tổ chức xã hội trong việc phát triển cộng đồng, xây dựng và thực hiện dự án xoá đói, giảm nghèo. Hội đồng quản lý quỹ có mời một số người tham gia Ban cố vấn cho hoạt động của Quỹ trong đó có tôi. Khi chị Thuý Anh đề nghị tôi tham gia Ban cố vấn cho Quỹ, lúc đó tôi chưa có nhiều thông tin về chức năng, mục đích hoạt động của Quỹ, nhưng tôi vẫn nhận lời tham gia, vì tôi tâm đắc và đồng cảm về những hoạt động của Trung tâm hợp tác - phát triển nguồn nhân lực.
Phóng viên: Và khi tham gia Quỹ hợp tác và phát triển, ông đã cố vấn những điều gì cho Quỹ?
Tại kỳ họp thứ 5, Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Bangkok - Thái Lan từ 14-16/5/2012 đã công nhận Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang là Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2012. Nhân sự kiện này, tôi đã bàn với chị Thuý Anh và thống nhất, Quỹ đứng ra tổ chức một cuộc hội thảo văn hoá về Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Tại hội thảo này sẽ mời các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà sư tham gia Hội thảo để phát biểu về giá trị văn hoá, Phật giáo của Mộc bản, ý nghĩa của Mộc bản khi được Thế giới công nhận là di sản văn hoá thế giới và sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của Mộc bản. Tôi đã trực tiếp cùng với chị Thuý Anh và các anh, chị trong Quỹ dự kiến chương trình, các chuyên đề tham luận tại hội thảo, liên hệ mời người viết bài tham luận.
Ngày 22 tháng 6 năm 2012, Hội thảo, Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, đã được tổ chức tại Hà Nội với gần 100 người tham dự, thành phần là những người đang công tác ở các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các Phật tử. Tại cuộc hội thảo các ý kiến phát biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo tồn Mộc bản đồng thời phát huy giá trị Phật giáo chứa đựng trong các Mộc bản. Hội thảo nhất trí cao và hoan nghênh Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã có chủ trương xây dựng một Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng để hướng dẫn các Phật tử tu tập thiền tâm; là nơi để những ai yêu mến đạo Phật, yêu mến Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đến tu tâm, tu dưỡng bản thân cho cái tâm mình ngày càng thêm trong sáng hơn, cuộc sống lành mạnh hơn, mọi người sống với nhau thân ái hơn, tốt đẹp hơn. Hội thảo cũng đã đề nghị các Phật tử, các doanh nghiệp, các tổ chức tham gia công đức vào việc xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, công trình văn hóa tâm linh cho đời nay và cho các thế hệ người Việt Nam mãi mãi sau này. Hội thảo được dư luận đánh giá là thành công tốt đẹp.
Phóng viên: Vâng, tôi cũng được mời tham dự cuộc hội thảo này nên tôi rất đồng cảm với ý kiến của ông. Không những thế trong thâm tâm tôi cho rằng, trong lúc mà đạo đức xã hội đang có những biểu hiện xuống cấp, băng hoại thì cuộc hội thảo mang giá trị nhân văn này có một ý nghĩa tích cực. Sau việc này, ông còn có những dự định gì nữa?
Đối với những hoạt động tiếp theo tôi thấy rằng với tôn chỉ, mục đích, chức năng của Quỹ như đã nêu trong Điều lệ Quỹ có liên quan đến rất nhiều các lĩnh vực khác nhau, vì vậy, hiện tại tôi cũng chưa thể nêu ra đây được những nội dung gì để cố vấn cho Quỹ như câu hỏi đề ra, nhưng nếu chị Thuý Anh và Hội đồng quản lý Quỹ cần tôi trao đổi về một vấn đề gì đó thì tôi sẽ sẵn sàng, với tinh thần trách nhiệm như tôi đã cộng tác với Trung tâm hợp tác - phát triển nguồn nhân lực và Quỹ hợp tác và phát triển trong thời gian qua.
Phóng viên:. Xin cám ơn thịnh tình của ông dành cho Quỹ và cộng đồng.