Về quyền và nghĩa vụ của dân trong chính sách, pháp luật về đất đai

20:45 | 15/01/2013

Đất đai đang là một lĩnh vực nóng bỏng về kinh tế - xã hội nước ta, là nơi đang có nhiều khiếu kiện nhất, mất mát nhiều nhất, có nhiều cán bộ, công chức tiêu cực nhất và cũng dễ gây bất ổn xã hội nhất. Chính vì vậy, việc bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống chính sách, luật pháp về đất đai là hết sức cấp thiết.
Về quyền và nghĩa vụ của dân  trong chính sách, pháp luật về đất đai

 


                                                                      Vũ Quốc Tuấn

                                                                         Liên mạng Vận động chính sách (INPA)

                                                  Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng (1993-2006)

 

*Phát biểu tại Hội thảo góp ý kiến sửa đổi Luật đất đai 2003 do Úy ban Kinh tế Quốc hội và Quỹ Hợp tác và Phát triển tổ chức.

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2012.

 

Đất đai đang là một lĩnh vực nóng bỏng về kinh tế - xã hội nước ta, là nơi đang có nhiều khiếu kiện nhất, mất mát nhiều nhất, có nhiều cán bộ, công chức tiêu cực nhất và cũng dễ gây bất ổn xã hội nhất. Chính vì vậy, việc bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống chính sách, luật pháp về đất đai là hết sức cấp thiết.

Luật Đất đai 2003 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1–7-2004) đến nay đã tỏ ra có nhiều bất cập. Cuộc sống đang đòi hỏi bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai 2003 cho phù hợp với tình hình mới.

Dưới đây, xin nêu một số ý kiến góp vào việc nghiên cứu, sửa đổi Luât Đất đai 2003 căn cứ vào Dự thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố (dưới đây, gọi tắt là Dự thảo), tập trung vào quyền và nghĩa vụ của dân trong chính sách, pháp luật về đất đai.

1.Một số vấn đề về quan điểm, nhận thức

Trước hết, xin nêu một số vấn đề về quan điểm, nhận thức do Đảng ta đã đề ra, để làm căn cứ nghiên cứu, bàn thảo những vấn đề liên quan đến đất đai.

Một là, tuân thủ các nguyên tắc của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đảng ta đã khẳng định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với việc khẳng định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân” và “Nhà nước thống nhất quản lý”, đã chủ trương từng bước hình thành các loại thị trường, trong đó có thị trường bất động sản: “Hình thành và phát triển thị trường bất động sản, bao gồm cả quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật…” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, 2001, tr. 101). Cụ thể hơn, Luật Đất đai 2003 đã có những quy định về giá đất (Điều 55), trong đó có  loại giá đất do Nhà nước quy định, giá đất hình thành qua đấu giá, giá trị quyền sử dụng đất; đồng thời cũng đã quy định đất được tham gia thị trường bất động sản (Điều 61), cho phép người sử dụng đất có một trong các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Như thế là trong quy định của pháp luật, đất đai đã được công nhận là hàng hóa – một loại “hàng hóa đặc biệt” (tức là quá trình trao đổi, mua bán, các bên đều chỉ có quyền sử dụng đất mà không có quyền sở hữu đối với đất đai), đồng thời trong thực tế, thị trường đất đai đã hình thành và đang hoạt động rất sôi động.

Vì vậy, trong các chính sách, luật pháp về đất đai, cần tuân thủ các nguyên tắc của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ việc công nhận quyền sử dụng đất đến chuyển mục đích sử dụng, thu hồi đất, v.v…các biện pháp hành chính chỉ được thực hiện trong các trường hợp cần thiết. Như vậy, sẽ bảo đảm được quyền sử dụng đất của dân, thể hiện giá trị thực của đất, sự trao đổi ngang giá – thuận mua vừa bán; thực hiện cạnh tranh, bình đẳng, công khai, minh bạch giữa các chủ thể sử dụng đất, bảo đảm sử dụng đất có hiệu quả; đồng thời cũng qua đó mà hạn chế được những tiêu cực của công chức trong lĩnh vực đất đai như đã và đang xảy ra.    

Hai là, sự quản lý của Nhà nước cần theo đúng các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: của dân, do dân và vì dân.

Đó là một Nhà nước đặt quyền lợi của dân lên trên, ban hành chính sách, luật pháp trước hết là vì quyền và lợi ích hợp pháp của dân, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của dân. Trong vấn đề đất đai, Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai, trong đó có các quyền như (theo Điều 12 Dự thảo): a) Quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; b) Quyết định mục đích sử dụng đất; c) Quy định về hạn mức giao đất, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất; d) Quyết định thu hồi đất; đ) Quyết định trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất; e) Định giá đất; g) Quyết định các chính sách tài chính về đất đai; h) Quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Thực tế cho thấy cần chú ý về hai mặt: (i) Các chính sách, pháp luật về dất đai cần thể hiện đúng Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2011) trong việc xác định vai trò của Nhà nước trong xử lý các quan hệ về đất đai trong kinh tế thị trường: “Nhà nước tạo lập, quản lý thị trường bất động sản và chủ động tham gia thị trường với tư cách là chủ sở hữu đất đai và nhiều tài sản trên đất để phát triển và điều tiết thị trường” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr. 213). Phải có cơ chế để phân biệt rõ đâu là chức năng quản lý nhà nước và đâu là quyền của chủ sở hữu đất đai, qua đó hạn chế và khắc phục những tiêu cực của bộ máy nhà nước và của cán bộ, công chức trong việc thực thi các quyền nói trên. Nếu như phạm vi quyền định đoạt của các cơ quan nhà nước đối với đất đai còn quá lớn, các quyết định hành chính được thi hành tràn lan có thê làm "méo mó" thị trường, thì rất khó ngăn chặn tệ nạn tham nhũng trong quản lý đất đai và đầu cơ trong sử dụng đất đai. (ii) Bảo đảm quyền và nghĩa vụ chính đáng, hợp pháp của dân – các chủ thể sử dụng đất (như trong các vấn đề thu hồi đất, giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, v.v…), không để người dân, nhất là nông dân bị thiệt thòi, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gây bất ổn trong nông thôn hiện nay.

Ba là, cần thực hiện đúng đắn quyền của dân trong hoạch định và giám sát việc thi hành các chính sách, luật pháp về đất đai.

Như Đảng ta đã khẳng định quyền lực nhà nước là của dân; trong quản lý và sử dụng đất đai; cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức không có quyền gì khác quyền đã được dân ủy nhiệm, giao cho, do vậy, họ chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Trong khi hoạch định cơ chế, chính sách, luật pháp về đất đai, công chức cần đặt mình vào vị trí của người dân, người bị thu hồi đất, không thể đẩy khó khăn và thiệt thòi cho họ. Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội, Đảng ta cũng đã có nhiều quyết định về phát huy vai trò của các tổ chức này trong việc giám sát các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án quan trọng đối với kinh tế, xã hội đất nước.

Trước những tiêu cực của cán bộ, công chức trong lĩnh vực đất đai, rất cần có những quy định để thu hút ý kiến của dân vào việc hoạch định, để chính sách, pháp luật về đất đai sát thực tế cuộc sống, khắc phục tình trạng luật pháp xa rời cuộc sống thực tế của dân, vi phạm những lợi ích chính đáng, hợp pháp của dân, thậm chí để “lợi ích nhóm” thao túng cơ chế, chính sách.  Đồng thời, cần quy định rõ cơ chế về việc giám sát việc thi hành các chính sách, luật pháp về đất đai, để bảo đảm trong thực tế quyền dân chủ của dân.  

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 190 điều (tăng 44 điều so với Luật Đất đai 2003), trong đó giữ nguyên 21 điều, sửa đổi, bổ sung 101 điều và có 68 điều mới hoàn toàn. Nhìn chung. Dự thảo đã có những tiến bộ đáng kể, sát thực tế hơn. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của công cuộc phát triển đất nước, để phát huy hiệu quả của quỹ đất đai, cần có những đột phá hơn nữa trong chính sách, pháp luật về đất đai, kể cả trong việc sửa đổi Luật Đất đai 2003 cũng như trong các văn bản dưới luật sẽ được ban hành trong thời gian tới. Trên cơ sở những quan điểm, nhận thức cơ bản đã nêu trên đây và từ thực tiễn, xin kiến nghị một só điểm cụ thể như sau:

1. Về thời hạn giao đất.

Theo Điều 109 Dự thảo, thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là năm mươi (50) năm; khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt. Thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng là không quá 50 năm. Thời hạn giao đất, cho thuế đất đối với các tổ chức kinh tế cũng được kéo dài đến 50 – 70 năm, gấp trên hai lần so với quy định hiện nay. Đây là một điểm mới, tiến bộ cần được ghi nhận.

Xin kiến nghị thêm:

Đối với vùng đang sử dụng là đất nông nghiệp, thì Nhà nước nên giao cho các tổ chức và cá nhân “sử dụng ổn định lâu dài” (như đã ghi trong Điều 18 Hiến pháp 1992), tức là không có thời hạn; được như vậy thì người dân càng thêm yên tâm, tích cực đầu tư thâm canh, hiệu quả sử dụng đất sẽ tăng thêm; dồng thời cũng tránh được những thủ tục hành chính phiền hà mà người dân sẽ phải thực hiện để được tiếp tục sử dụng đất khi hết thời hạn.

2. Về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Điều 1Dự thảo đã quy định “1. Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá ba (03) héc ta đối với mỗi loại đất. 2. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá mười (10) héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá ba mươi (30) héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi” … Điều 113 Dự thảo cũng quy định “1. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 112 của Luật này”, thay vì chỉ có 2 lần theo luật hiện hành. Dự thảo cũng giao Chính phủ quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể theo từng vùng và từng thời kỳ. Đây là một điểm mới, tiến bộ của Dự thảo, vì ruộng đất đang quá manh mún sẽ rất khó thực hiện các biện pháp thâm canh, tăng hiệu quả sử dụng đất. Trong thực tế, ở một số vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã có những trường hợp lách luật bằng những hợp đồng cho thuê lại vượt hạn mức được giao, hình thành những trang trại kinh doanh có hiệu quả.

    Xin kiến nghị thêm:

 Nên có bước đột phá trong vấn đề hạn điền: xóa bỏ hạn điền đối với đất đang được sử dụng làm nông nghiệp. Việc giao đất ổn định lâu dài và xóa bỏ hạn mức giao đất là phù hợp với quy luật phát triển nông nghiệp hiện đại, cho phép nông dân tích tụ ruông đất, yên tâm đầu tư, đẩy mạnh kinh tế trang trại, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao.

    Đối với ý kiến lo ngại việc tích tụ ruộng đất có thể bị một số người lợi dụng để “phát canh thu tô”, thiệt hại cho cả nông dân và Nhà nước, trong thực tế, việc này rất ít xảy ra vì lợi nhuận ở đây vẫn thấp hơn trong trường hợp họ lợi dụng để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp; hơn nữa, có thể đề ra những biện pháp để ngăn chặn. Còn đối với ý kiến lo ngại về việc làm của nông dân khi ruộng đất đã tích tụ, thì có thể đẩy mạnh việc đào tạo các nghề phi nông nghiệp cho nông dân, như đang thực hiện.

    Việc giao cho Chính phủ quy định cụ thể về hạn mức giao đất nông nghiệp cho phù hợp với đặc điểm từng vùng và từng thời kỳ là cần thiết và đúng đắn, song cần thực hiện một cách cụ thể, sát hợp với từng vùng, vì ở những vùng chuyên canh khác nhau cũng như quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chậm khác nhau, thì hạn mức giao đất nông nghiệp cũng phải phù hợp với từng vùng vào những thời kỳ khác nhau.

3. Về việc thu hồi đất.

Dự thảo đã dành nhiều quy định về việc thu hồi đất, tiếp theo Điều 15, Điều 2của Dự thảo quy định: “Nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp sau đây: 1. Thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội; 2. Thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai; 3. Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện”. Dự thảo cũng đã có những quy định khá cụ thể như: ”Nhà nước nghiêm cấm mọi hoạt động tự ý xây dựng, đầu tư bất động sản trong khu vực đã có thông báo thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trường hợp có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình gắn liền với đất phải thu hồi mà làm thay đổi quy mô, cấp công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép” (Điều 46 Dự thảo), v.v...

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thu hồi đất đang diễn ra khá phức tạp; đặc biệt là có những vụ thu hồi đất rồi triển khai đầu tư, xây dựng quá chậm, gây ra nhiều ”quy hoạch treo”, ”dự án treo” nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, làm cho đời sống của người dân các vùng này cũng ”treo” theo dự án, gây phiền hà, thiệt hại quá nhiều cho người dân, kể cả trong sản xuất và đời sống.

Xin kiến nghị:

     Chấn chỉnh công tác quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm sử dụng đất một cách hợp lý, tiết kiệm, có cân đối với các điều kiện thực hiện, vì quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là căn cứ để Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất (Điều 33 Dự thảo), khắc phục tình trạng ”quy hoạch treo” gây thiệt hại cho người dân.

     Nên phân biệt các trường hợp thu hồi đất để có giải pháp xử lý thỏa đáng: trường hợp thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì thực hiện cơ chế trưng mua; còn các trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế thì cần bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các nhà đầu tư và người bị thu hồi đất, thực hiện giá thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường.

     Nếu như có những diện tích đất pải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố mà Nhà nước chưa thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng theo mục đích đã xác định trước khi công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Điều này đã được quy định trong Điều 46, là rất cần thiết để bảo đảm quyền của người sử dụng đất; cần được cụ thể hóa hơn nữa trong các văn bản thi hành Luật.

    Về thẩm quyền thu hồi đất, Dự thảo quy định cả Chủ tịch UBND cấp huyện (Điều 58) kèm theo là thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất (Điều 57); điều này cần được quy định chặt chẽ hơn, chỉ nên để chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất, không nên giao cho chủ tịch UBND cấp huyện, vì thực tế cho thấy việc vi phạm các quy định các quyền của dân trong vấn đề thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất đã và đang xảy ra ở nhiều huyện, có nơi khá nghiêm trọng.

4. Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Các điều 68, 69, 70 của Dự thảo đã đề ra những quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, v.v…khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế. Dự thảo cũng đã đề ra những biện pháp bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 68) như: 1. Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền; giá đất tính tiền bồi thường thực hiện tại thời điểm quyết định thu hồi đất; 2. Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất thì được xem xét hỗ trợ nhằm tổ chức lại sản xuất và bảo đảm đời sống; 3. Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở thì được bố trí tái định cư, ưu tiên bố trí tái định cư tại chỗ. Trường hợp bố trí vào khu tái định cư tập trung thì khu tái định cư phải bảo đảm có điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, v.v…

Thực tế cho thấy việc bồi thường, hỗ trợ,  tái định cư đang là một loại công việc có nhiều khó khăn, phức tạp, nhiều quy định không được thực hiện, còn dân thì đang chịu nhiều thiệt thòi nhất: tiền đền bù thì quá thấp, chỗ tái định cư thì nhà cửa dột nát, thiếu các điều kiện sinh hoạt tối thiểu, không trường học, không trạm xá, thiếu đất sản xuất, v.v… 

Xin kiến nghị:

Tuân thủ nguyên tắc bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của dân, hài hòa với lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước, nhất thiết không để người dân thiệt thòi, bơ vơ sau khi không còn đất sản xuất. Điều 4 Dự thảo đã giải thích: ”Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trả cho người có đất bị thu hồi những thiệt hại về quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất do việc thu hồi đất gây ra”, điều này cần được quy định rõ thêm là theo nguyên tắc nào ?   Những biện pháp đề ra tại Điều 68 và tại một số điều khác trong Dự thảo cần được cụ thể hóa thêm nữa (ví dụ như chỉ thực hiện việc thu hồi đất, giải tỏa, khi đã bố trí xong nơi tái định cư cho người dân bị giải tỏa); quan trọng hơn nữa là quy định rõ cơ quan nào, cấp chính quyền nào có trách nhiệm thực hiện những biện pháp trên, tránh nêu ra như những ”khẩu hiệu” không đi vào cuộc sống.

 

5. Về giá đất.

Giá đất cũng là một vấn đề đang gây bức xúc trong dân, là một nguyên nhân trực tiếp gây ra những vụ khiếu kiện kéo dài, ngày càng gay gắt. Song cũng là một vấn đề phức tạp, cần có nghiên cứu thực tế, có căn cứ khoa học để xử lý. Vấn đề đặt ra là: giá đất được quy định theo căn cứ nào và ai là người quyết định giá đất.

Điều 3Dự thảo quy định: giá đất do Nhà nước quyết định theo nguyên tắc “phù hợp với giá thị trường”; đồng thời giao Chính phủ quy định khung giá các loại  đất, giá đất chuẩn khu vực giáp ranh và ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng khung giá đất tại địa phương. Nhưng thế nào là ”phù hợp với giá thị trường” thì vẫn là vấn đề đang được tranh luận sôi nổi. Rõ ràng là giá đất không thể định một cách chung chung, ”tù mù” được, như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Hội nghị Úy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17-9-2012 (đại ý): Nếu là đất lúa, thu nhập từ lúa trong 50 năm ấy thu được bao nhiêu thì phải bồi thường theo số tiền đó. Nhưng nếu năm sau, anh làm nhà máy, khu đô thị, khi đó giá đất đô thị anh bán rất cao, lúc này thì không thể đền bù bằng giá 50 năm trồng lúa được, mà phải tính giá khác. Phải có nguyên tắc để định giá trong những trường hợp nhu vậy.

        Vì vậy, để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân cơ quyền sử dụng đất, cần thảo luận kỹ hơn nữa về những vấn đề đang được đặt ra về giá đất, vì giá đất là căn cứ để Nhà nước tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; tính tiền thuê đất; tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và tính các khoản thuế liên quan đến đất đai; v.v… nghĩa là những khoản tiền rất quan trọng liên quan đến các chủ thể sử dụng đất mà lâu nay đang có sự không nhất trí khá lớn.

Xin kiến nghị:

 Xóa bỏ sự chênh lệch quá lớn hiện nay giữa giá do Nhà nước quy định với giá thị trường, thực hiện nguyên tắc một giá, đó là giá thị trường;

Khuyến khích hình thành và sử dụng rộng rãi các tổ chức tư vấn, giám định về giá đất, để việc xác định giá đất được quy định có căn cứ khoa học, khách quan, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.

6. Về giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai.

a) Về các biện pháp chế tài những trường hợp vi phạm các quy định về đất đai. Tuy trong Dự thảo đã quy định tại Điều 184 về xử lý đối với người vi phạm pháp luật về đất đai và Điều 185 về xử lý đối với người quản lý vi phạm pháp luật về đất đai, song các quy định còn nặng về phía người dân khi vi phạm, chưa có đầy đủ những quy đinh đối với cán bộ, công chức khi vi phạm. Việc có những quy định này lại càng cần thiết trong khi hiện nay, tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai đang diễn ra khá nghiêm trọng ở nhiều dịa phương.

Xin kiến nghị:

 Cần bổ sung thêm những quy định chặt chẽ và cụ thể hơn về việc xử lý những cán bộ, công chức vi phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thi hành Luật Đất đai (trong thực tế, đang có rất nhiều thủ đoạn mà họ đang thực hiện,  nhất là trong các lĩnh vực như thu hồi dất; thực hiện các biện pháp bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ...); (ii) Cần quy định trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan trong trường hợp cơ quan đã có những quy định trái luật gây thiệt hại cho dân hoặc có cán bộ, công chức vi phạm luật, thu vén cho mình những lợi ích bất hợp pháp.

b) Về quyền hạn của dân trong việc giám sát việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai. Dự thảo đã quy định tại Điều 4: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và công dân có quyền hạn và trách nhiệm giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai, phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng đất đai”. Và tại Điều 48: ”Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và công dân có quyền hạn và trách nhiệm giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”.  Đó là những quy định đúng đắn, nhưng chưa đủ.

Xin kiến nghị thêm:

 Cần thực hiện việc công bố công khai, minh bạch hệ thống văn bản quy phạm về đất đai cũng như toàn bộ các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai và các bước tiến hành, như thời hạn thực hiện quy hoạch, các biện pháp đền bù, giá đất, v.v... để dân và các tổ chức xã hội được biết và tham gia giám sát việc thực hiện, đồng thời thực hiện đúng đắn trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước đối với dân về việc thực hiện pháp luật về đất đai ở mỗi địa phương.

      Tổ chức một cách thực chất các cuộc phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách, luật pháp về đất đai, nhất là các vấn đề liên quan sát sườn đối với người dân địa phương, như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, việc giải tỏa, tái định cư, dạy nghề, tạo việc làm cho nông dân không còn đất, v.v... có thảo luận, tranh luận, để các biện pháp thực hiện bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.

      Về các đối tượng có quyền tham gia giám sát, không nên chỉ bó hẹp trong ”Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận”, vì trong thực tế, còn rất nhiều hội, hiệp hội ngành nghề khác không là thành viên Mặt trận (cả nước ta hiện có khoảng 400 hội có phạm vi hoạt động toàn quốc, hơn 6.000 hội có phạm vi hoạt động ở tỉnh, thành phố, quận,  huyện, thị xã và hàng chục vạn hội hoạt động ở xã, phường, thị trấn). Vì vậy, cần ghi ”Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác” để những tổ chức này tham gia một cách bình đẳng các hoạt động giám sát, phản biện xã hội ở mỗi cấp đối với những vấn đề về đất đai liên quan đến ngành nghề và phạm vi hoạt động của mỗi tổ chức.

 

BOX: Trên đây là một số ý kiến góp vào việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai 2003, tập trung vào những vấn đề quan trọng nhất cần có đột phá về chính sách. Điều quan trọng là cơ quan nhà nước cần tiếp tục đổi mới tư duy, quán triệt sâu sắc đường lối quan điểm của Đảng, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất, không chỉ trong các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về đất đai mà nhất là trong thực tế thực hiện các quy định ấy. Được như vậy, chắc chắn sẽ phát huy tốt hơn nữa tiềm năng đất đai của nước ta, đưa nông nghiệp nước ta tiến lên hiện đại, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

 

----------------------------

 

 

 

BACK TO PREVIOUS PAGE
Member Register