Sự đóng góp của xã hội dân sự với việc xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách trong bối cảnh mới

15:44 | 14/08/2013

Công cuộc phát triển đất nước ta đang chuyển sang một thời kỳ mới, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đòi hỏi tiếp tục đổi mới, hình thành một hệ thống pháp luật, chính sách phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Đây là một công việc cực kỳ khó khăn, cần phát huy trí tuệ của toàn dân, thông qua các tổ chức xã hội dân sự.

Bài phát biểu này tập trung vào hai vấn đề sau đây: (1) Yêu cầu bức xúc về đổi mới pháp luật, chính sách phục vụ việc cơ cấu lại nền kinh tê, đổi mới mô hình tăng trưởng; (2) Những giải pháp chủ yếu để phát huy vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc hình thành hệ thống pháp luật, chính sách.

Yêu cầu bức xúc về đổi mới hệ thống pháp luật, chính sách.

1. Từ khi công cuộc đổi mới triển khai đến nay, đất nước ta đã trải qua những chuyển biến quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Trong 20 năm qua, từ 1992 đến 2011, GDP hằng năm tăng 7,41% là một tốc độ khá; GDP bình quân đầu người từ 150 đôla Mỹ lên đến 1.300 đôla Mỹ; nước ta đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Cơ cấu kinh tế đã từng bước chuyển đổi tích cực. Xóa đói giảm nghèo đạt kết quả nổi bật được thế giới ca ngợi: tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn 11,8% (năm 2011), v.v…

Tuy nhiên, đến nay, nền kinh tế nước ta đang bộc lộ nhiều yếu kém. Nổi bật nhất là chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Sản xuất công nghiệp phần lớn còn ở dạng gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Đa số các sản phẩm có đóng góp lớn trong GDP và kim ngạch xuất khẩu đều là sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và khoáng sản, hầu hết là sản phẩm thô. Đang có sự mất cân đối lớn giữa các khâu trong chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm hàng hóa. Cơ cấu ngành, cơ cấu vùng, cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu đầu tư và cơ cấu lao động, v.v…còn nhiều bất hợp lý; hiệu quả đầu tư và năng suất lao động còn thấp.

2. Trước yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định phải cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo Báo cáo về “Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh” của Chính phủ tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội Khóa XIII (tháng 5-2012), “Mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020 là nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; trên cơ sở đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn; thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, góp phần đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã xác định; đồng thời, chuyển đổi nền kinh tế nước ta sang thời tăng trưởng dựa chủ yếu vào các nhân tố gia tăng năng suất, gia tăng hiệu quả; từ 2020 tiếp tục cũng cố và phát triển vững chắc các yếu tố tăng năng suất và hiệu quả, tạo tiền đề đưa nền kinh tế nước ta chuyển lên trình độ phát triển cao hơn vào khoảng cuối 2030”.

Đề án cũng đã đề ra các vấn đề như: quan điểm tái cơ cấu  kinh tế; nội dung, định hướng tái cơ cấu và các giải pháp thực hiện, v.v... Điều cần nhấn mạnh thêm là việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là một nhiệm vụ hết sức cấp bách, không thể trì hoãn, nếu nền kinh tế nước ta muốn tránh bẫy thu nhập trung bình, tiến lến nước có thu nhập cao, xứng đáng với tầm vóc nước ta và nhân dân ta trên thế giới.

3. Để thực hiện thành công nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, nhất thiết phải tiếp tục đổi mới hệ thống pháp luật, chính sách và cách thức quản lý, điều hành nền kinh tế ở các cấp, các ngành. Các công cụ quản lý của Nhà nước như quy hoạch, kế hoạch, hệ thống pháp luật, các chính sách, v.v…phải được đổi mới đồng bộ và kịp thời nhằm phân bố và sử dụng nguồn lực quốc gia có hiệu quả, bảo đảm tăng năng suất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Phải quán triệt sâu sắc hơn nữa chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, mọi loại hình doanh nghiệp đều kinh doanh bình đẳng; kinh tế tư nhân phải được khuyến khích đầu tư lớn, dài hạn vào đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng ngành cho đến toàn bộ nền kinh tế.

Cơ cấu lại nền kinh tế là một sự nghiệp của toàn dân, phải thu hút sự tham gia tích cực của người dân và các thành phần kinh tế, nhất là tư nhân trong nước và nước ngoài, qua đó, huy động được tối đa và sử dụng ngày càng hiệu quả hơn các nguồn lực xã hội. Vì vậy, cần phải tiếp tục mở rộng quy mô và hiệu quả hoạt động của các loại thị trường, đảm bảo ngày càng đầy đủ hơn quyền tự do và cơ hội  kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm các nhân tố sản xuất dịch chuyển và phân bố chủ yếu theo tín hiệu của thị trường. Nhà nước chuyển mạnh sang vai trò kiến tạo và hỗ trợ phát triển thông qua pháp luật, cơ chế, chính sách và các đòn bẩy kinh tế, hạn chế dần đầu tư kinh doanh bằng vốn nhà nước và can thiệp hành chính vào thị trường.

Xây dựng và thực hiện hệ thống pháp luật, chính sách là một lĩnh vực mà xã hội dân sự cần và có đầy đủ khả năng tham gia một cách tích cực, hiệu quả. Dưới đây, xin đi sâu vào những giải pháp để bảo đảm thu hút trí tuệ của người dân, của các tổ chức xã hội dân sự vào lĩnh vực này.

Những giải pháp chủ yếu

1. Từ khi công cuộc đổi mới được triển khai trên đất nước ta, các tổ chức xã hội dân sự (dưới đây, xin gọi tắt là tổ chức xã hội) đã ra đời và ngày càng phát triển, đa dạng về loại hình, phong phú về quy mô (các hội, hiệp hội, viện, trung tâm, các quỹ, các mạng …), đã có những hoạt động có hiệu quả trên các lĩnh vực, từ tham gia các hoạt động giám định, giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Nhà nước cho đến thực hiện các dịch vụ về giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học công nghệ, từ thiện, nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, v.v…  góp phần cùng Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Những hoạt động này lại càng có ý nghĩa khi được triển khai ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc it người.

Có thể kể ra nhiều tổ chức xã hội đã liên kết thành các mạng hoạt động tích cực như: Mạng An ninh lương thực  (CIFPEN), Nhóm hợp tác phát triển (CDG), Mạng Giới và phát triển cộng đồng (GENCOMNET), Liên minh các tổ chức phi chính phủ vì giẩm nghèo, môi trường và phát triển bền vững (VNGOA), Diễn đàn các tổ chức xã hội phòng chống HIVAIDS, Mạng biến đổi khí hậu, Trung tâm giáo dục và truyền thông môi trường (CEACE), Mang lưới sông ngòi, Mạng quyền trẻ em (CRnet), Nhóm hợp tác thúc đẩy quản trị và cải cách hành chính công (GPAR), Trung tâm Hợp tác phát triển nguồn nhân lực (C&D), v.v… Thực tế hoạt động đã khẳng định vị tri, vai trò của các tổ chức xã hội trong công cuộc phát triển bền vững đất nước ta trong thời gian qua. Sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức xã hội đã đặt ra yêu cầu liên kết, hợp tác để tăng thêm sức mạnh, để những đóng góp cho xã hội có chất lượng hơn, để các kiến nghị vào quá trình quy định và thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước đạt hiệu qủa cao hơn. Chính vì lẽ đó, Liên mạng vận động chính sách – INPA (dưới đây, gọi tắt là Liên mạng) đã được thành lập. Mục tiêu của INPA là tập hợp các mạng lưới, các tổ chức xã hội và cá nhân trong nước, tăng cường sự đóng góp của các tổ chức xã hội với Nhà nước trên tinh thần xây dựng nhằm sự phát triển bền vững của cộng đồng, chủ yếu là nhóm người nghèo và yếu thế, phụ nữ và trẻ em, cộng đồng các dân tộc ít người; nông dân vùng sâu vùng xa trong tiến trình phát triển đất nước, vì một xã hội “dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Một hoạt động rất có ý nghĩa của INPA thời gian qua là triển khai Nghiên cứu “Tăng cường sự tham gia của người dân đóng góp ý kiến cho quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992”, được sự tài trợ của UNDP và Quỹ Hợp tác và Phát triển C&D. Trong quá trình triển khai các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, Liên mạng đã được các thành viên và đông đảo nhân dân nhiệt tình tham gia, qua đó thể hiện rõ nhận thức chính trị của nhân dân ta đã được nâng cao và đề ra được nhiều ý kiến có giá trị góp vào việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Sau một thời gian thực hiện, nhóm chuyên gia đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu trong đó trình bày kết quả nghiên cứu, khảo sát và đề xuất một số kiến nghị - những kiến nghị này đã được các cơ quan phụ trách nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp 1992 quan tâm, xem xét.

2. Hiện nay, để phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong việc hình thành hệ thống pháp luật, chính sách, xin tập trung hơn nữa vào các vấn đề thể chế, chính sách. Thực tế cho thấy, hệ thống thể chế, chính sách có ý nghĩa quyết định sự phát triển của một đất nước trong một thời kỳ lịch sử nhất định. Nội dung của hoạt động vận động chính sách ở nước ta hiện nay là đưa những tư duy mới của xã hội tiến bộ vào trong hệ thống thể chế, chính sách, bảo đảm cho các thể chế, chính sách ấy đáp ứng đúng yêu cầu phát triển của đất nước ta, dân tộc ta và phù hợp với các quy luật phát triển của xã hội hiện đại, nhằm mục tiêu là đem lại cho con người Việt Nam ta sự phát triển toàn diện, có đời sống ngày càng tốt đẹp hơn về cả vật chất lẫn tinh thần. Nhấn mạnh điểm này đề khẳng định rõ mục tiêu của vận động chính sách, đề phòng và khắc phục tình trạng vận động chính sách vì lợi ích của một nhóm người, không vì lợi ích của đất nước, dân tộc.

Vận động chính sách hiện nay cần tập trung vào những yêu cầu thiết yếu của thời kỳ mới: vừa tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống chính sách hiện hành, vừa đề xuất những chính sách mới để giải quyết các vấn đề do cuộc sống đang đề ra. Đó là những chính sách bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước; đó là sáu loại vấn đề sau đây: (i) phát triển kinh tế; (ii) bảo đảm công bằng xã hội (xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khảng cách về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư); (iii) bảo vệ môi trường; (iv) phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ; (v) phát huy tự do, dân chủ, bảo đảm các quyền của công dân; (vi) phát triển toàn diện con người, lấy con người làm mục tiêu của sự phát triển. Không thể tính đến phát triển bền vững nếu không có hệ thống chính sách bảo đảm giải quyết toàn diện sáu nhóm vấn đề này.

Các tổ chức xã hội cần quan tâm hơn nữa thúc đẩy phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp quy, các dự thảo thể chế, chính sách. Thực tế cho thấy phản biện đúng đắn là là dùng chứng cứ, lập luận để bác bỏ chứng cứ, lập luận đã được đưa ra trước đó; cũng có nghĩa là sự tranh luận, tức là đưa ra lập luận để làm rõ đúng, sai. Do đó, trong phản biện phải phân tích được các luận cứ (thực tiễn, khoa học) để làm rõ cái đúng, cái sai của vấn đề đang tranh luận. Đương nhiên, phản biện không chỉ là bác bỏ, phủ định, mà có thể có cả sự bổ sung, làm rõ hơn vấn đề ở góc độ, cách nhìn khác nhau.

Cần nhấn mạnh rằng phản biện xã hội về thực chất là sự phản biện của nhân dân. Nhân dân là chủ thể của phản biện xã hội với hai tư cách. (1) Với tư cách là người chủ, nhân dân có quyền giám sát đối với mọi hoạt động của Nhà nước. Bằng hình thức phản biện xã hội, nhân dân có công cụ hữu hiệu, có điều kiện tốt hơn thực hiện quyền giám sát các hoạt động của Nhà nước. Và (2), với tư cách là đối tượng chịu sự quản lý của Nhà nước, nhân dân có quyền bảo vệ những lợi ích, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình trước những chủ trương, chính sách, đề án của Nhà nước chưa đáp ứng đầy đủ hoặc xâm phạm các quyền lợi hợp pháp đó.

Như vậy, các tổ chức xã hội cần quan tâm và tổ chức tốt các cuộc phản biện xã hội. Các hoạt động vận động chính sách cũng thường được tiến hành bằng nhiều phương thức khác nhau như: tổ chức các diễn đàn, các cuộc hội thảo; viết bài đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng; gửi kiến nghị đến cơ quan nhà nước; tiến hành vận động hành lang (lobby); đề xuất các sáng kiến lập pháp (riêng phương thức này, ở nước ta còn thực hiện quá ít, hầu như chưa có tập quán), v.v... Việc vận động hành lang (lobby) là một hoạt động giải thích, thuyết phục thường được sử dụng rộng rãi trên thế giới, nhưng cũng có thể biến tướng thành việc dùng các thủ đoạn không lành mạnh để lo lót, mưu lợi ích cho một nhóm nhỏ. Để tạo được dư luận, thu hút sự chú ý của dân và doanh nghiệp vào chính sách đang cần vận động, có thể sử dụng đồng thời nhiều phương thức. Điều quan trọng là các thành phần xã hội tiến hành các hoạt động vận động chính sách cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để có thể có tiếng nói chung, để các sáng kiến chính sách có sức mạnh về lý luận và thực tiễn (việc hợp tác giữa vác mạng trong INPA là một ví dụ sinh động, có thể phát huy).

 3. Cuối cùng, đó là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Để tạo thuận lợi cho các hoạt động vận động chính sách, một điều rất quan trọng đối với các cơ quan nhà nước là thông tin. Cần thông tin rộng rãi, càng cụ thể càng tốt (hạn chế đến mức thấp nhất những nội dung được coi là bí mật quốc gia) các loại thông tin về kinh tế, văn hóa, xã hội, v.v... để người hoặc tổ chức vận động chính sách tiếp cận được tình hình về thực chất, qua đó mới có thể tiến hành phân tích tình hình, đề xuất chính sách phù hợp. Đó cũng là một nội dung của quyền được thông tin trong một xã hội tiến bộ.

Việc các cơ quan nhà nước công bố công khai, minh bạch quá trình hoạch định và thi hành các quy định pháp luật, chính sách là rất cần thiết. Được thảo luận và tranh luận công khai, dân chủ, thì cơ chế, chính sách được bổ sung, hoàn chỉnh, do đó sẽ sát thực tế, đáp ứng đúng yêu cầu phát triển của đất nước, nhất là khắc phục được tình trạng “kinh doanh cơ chế”, lợi dụng cơ chế để mưu cầu lợi ích cục bộ, địa phương, phe nhóm. Minh bạch giúp cho việc thi hành luật pháp được thông suốt, khắc phục tình trạng cùng một quy định nhưng cơ quan nhà nước hiểu và giải thích khác nhau. Môi trường kinh doanh minh bạch giúp cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tăng tính bình đẳng về cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, giúp họ yên tâm trong việc đặt kế hoạch kinh doanh. Thủ tục hành chính được công khai, minh bạch sẽ góp phần khắc phục tệ tham nhũng của công chức, nhân viên cơ quan chức năng, tạo thuận lợi cho dân và hoạt đông sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng là căn cứ để dân và doanh nghiệp giám sát hoạt động của công chúc, khắc phục tệ nạn công chức sách nhiễu, vòi vĩnh dân và doanh nghiệp mỗi khi có việc đến cơ quan nhà nước. 

(Phát biểu tại Tọa đàm “Pháp luật và chính sách – vai trò và sự đóng góp của người dân,xã hội dân sự vào việc xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách trong bối cảnh mới”, do Quỹ Hợp tác và phát triển tổ chức, Hà Nội, ngày 29 – 6 – 2012)

                                                                                       Vũ Quốc Tuấn

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
15:44 | 14/08/2013
Đăng ký thành viên