11:00 | 19/09/2012
Nhà văn Lê Hoài Nam (thực hiện)
Phỏng vấn ông Đặng Như Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội, cố vấn Quỹ Hợp tác và Phát triển
Thưa ông, từng giữ những cương vị như Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, là một Đại biểu Quốc hội, ông có ấn tượng sâu sắc gì trong công việc tiếp xúc với nhân dân, cụ thể như vấn đề an sinh xã hội?
Có hai nhiệm kỳ được bầu làm đại biểu Quốc hội chuyên trách, qua tiếp xúc cử tri, giám sát, khảo sát, tìm hiểu và làm việc với cơ sở, cộng đồng dân cư, tôi thấy rõ một thực tế là, đời sống của nhân dân nói chung ngày được cải thiện, nâng cao, nhất là người và gia đình có công với nước. Số xã, bản, làng, ấp có cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, chợ búa, nước sạch,… ngày một nhiều, chất lượng tốt hơn. Nhà ở khang trang hơn. Số hộ đói không còn là vấn đề lớn, người dân được tiếp xúc, thụ hưởng dịch vụ giáo dục, khám, chữa bệnh; văn hóa, phát thanh, truyền hình, thông tin nhiều hơn trước, nhất là nhân dân vùng núi cao, nơi xa xôi, hẻo lánh… Tỷ suất sinh và tỷ lệ tăng dân số giảm. Thực tế, với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhân dân ta đã cố gắng phấn đấu rất lớn để có được cuộc sống vật chất và tinh thần như ngày hôm nay.
Những vấn đề vẫn khiến ông băn khoăn, trăn trở?
Những vấn đề tôi còn băn khoăn, trăn trở thì vẫn còn nhiều; từ kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, môi trường cho đến chính sách xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, chúng ta nặng về đánh giá, thống kê thành tích mà chưa thấy hết và chưa thấu hiểu hết được những hạn chế, bất cập để định hướng, giải pháp phù hợp cho những năm tiếp theo sao cho thành công, hiệu quả hơn. Nhìn thẳng vào thực tế để thấy sự thật và dũng cảm nói lên sự thật, đó là sự chân thành của một người dân Việt Nam yêu nước.
Tại sao hiện nay lại xảy ra tình trạng phụ thuộc vào sự quyết định của tập thể và sự chịu trách nhiệm tập thể để rồi trốn tránh trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, người lãnh đạo?
Cách đây gần 70 năm, Cách Mạng tháng Tám thành công, giành được chính quyền, một nhân sĩ yêu nước đã nói với Chủ tịch Hồ Chí Minh có nội dung chính rằng: Chịu trách nhiệm tập thể là thứ chịu trách nhiệm vô nghĩa.
Về giáo dục-đào tạo, sự suy thoái về đạo đức từ xã hội đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có phải là hệ quả của nền giáo dục làm người trong nhiều năm chưa được đầu tư, quan tâm, chăm lo thật sự đúng tầm? Thực trạng bằng cấp thật nhưng kiến thức, chất lượng lại giả ngày một lan rộng đã và đang là tai họa lớn cho quốc gia, khiến đất nước ta khó có thể phát triển nhanh, bền vững với nền giáo dục-đào tạo như hiện nay.
Thực hiện công bằng xã hội theo đường lối, nghị quyết còn khoảng cách khá xa trên thực tế. Chính sách xã hội, an sinh xã hội nông thôn không bằng thành thị, miền núi không bằng đồng bằng, nông dân và người lao động ở khu vực không chính thức không bằng cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước và người lao động khu vực chính thức. Phúc lợi xã hội đang tập trung dành cho thành thị thụ hưởng phần lớn.
Khoảng cách giữa đường lối, chủ trương, nghị quyết, pháp luật đến thực hiện còn quá xa.
Quỹ Hợp tác và Phát triển ra đời là một nhu cầu từ cuộc sống, phù hợp với tiến trình xây dựng phát triển một xã hội dân sự. Tuy nhiên, sự ra đời của Quỹ còn rất mới mẻ, cho nên những người có vị trí công tác cao và nhiều trải nghiệm như Ông nhận lời tham gia Ban cố vấn sẽ tạo cho Quỹ có thêm sức mạnh để hoạt động ngày càng phát triển.
Xin cảm ơn Ban quản lý và lãnh đạo Quỹ đã có thịnh tình và sự tin tưởng đối với tôi.
Năm tháng công tác trong các cơ quan của Nhà nước tôi đã cố gắng thắng được mình để học tập qua thực tế, sách vở, tài liệu, qua bạn bè, đồng nghiệp và nhân dân; tôi chỉ mong muốn chuyển hóa những kiến thức, tri thức học hỏi được thành năng lực và kỹ năng thực thi công việc có chất lượng, hiệu quả vì lợi ích chung, hiểu và nhận thức đúng hiện thực khách quan để phản ánh, có chính kiến rõ ràng khi nghiên cứu, đề xuất, giải quyết công việc, không nói một chiều. Bây giờ được Quỹ Hợp tác và Phát triển mời tham gia công việc tôi cũng chỉ tư vấn được một số nội dung theo khả năng của mình. Chúng ta tập hợp nhau lại, tận tâm, có trách nhiệm với công việc, nói ít, làm nhiều, hợp tác chung tay, phấn đấu mang lại nhiều lợi ích nhất cho cộng đồng, nhân dân, chắc Quỹ sẽ đứng vững và phát triển bền vững. Đấy cũng là mong muốn của tôi khi tham gia công việc của Quỹ.
Trong những hoạt động của Quỹ Hợp tác và Phát triển, Ông thấy cần quan tâm đến vấn đề gì nhất?
Vấn đề tôi quan tâm nhất đến Quỹ là:
Trong khả năng trí tuệ, sức lực và tài chính của mình, lựa chọn đúng nội dung để làm có tác động và hiệu quả lớn nhất.
Quỹ nên mạnh dạn tổ chức các dịch vụ và hoạt động để chủ động tạo nguồn thu của Quỹ, đồng thời cũng là phương thức mở rộng sự ảnh hưởng, xây dựng thương hiệu của Quỹ.
Hiện nay trang Web của Quỹ có một tờ tin Người Dân, ông có ý kiến gì đóng góp xây dựng cho tờ tin Người Dân ngày càng có nhiều bạn đọc?
Đã là thông tin thì phải chính xác, vừa thực tế lại có cả lý luận trong và ngoài nước, nêu cả cái làm tốt, cái chưa tốt, cái được, cái chưa được; có cái nên biểu dương, tuyên truyền thay cho lời động viên, quảng cáo; thông tin vừa bằng hình ảnh, vừa bằng chữ viết, cập nhật thường xuyên,v.v… làm sao cho người đọc nhận được thông tin hữu ích, mở rộng tầm hiểu biết, tác động đến tư duy và hành động. Tất nhiên nói thì dễ, làm thì khó, mọi thành công phải bắt đầu từ nhỏ đến lớn, tích tiểu thành đại, hãy vận động, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin cho tờ tin, hãy trân trọng, lựa chọn và sử dụng nó sao cho hữu ích. Một khi các tổ chức, cá nhân đã quan tâm, đóng góp xây dựng thì chúng ta có thể tin chắc rằng phương thức hoạt động của Quỹ sẽ thu hút nhiều bạn đọc quan tâm tới trang Web.
Xin chân thành cám ơn ông Đặng Như Lợi về cuộc trò chuyện chân tình này!