19:28 | 09/05/2012
(Đối thoại giữa nhà văn Lê Hoài Nam và giáo sư Nguyễn Đăng Dung – Giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội về sửa đổi Hiến pháp 1992)
Nhà văn Lê Hoài Nam:
Xin ông cho hỏi tại sao cần sửa đổi HP 1992? Nên sửa đổi những gì trong Hiến pháp và lí do của sửa đổi những qui định đó?
Giáo sư Nguyễn Đăng Dung:
Với tư cách là đạo luật cơ bản, Hiến pháp có hiệu lực pháp lý tối cao, mọi thành viên của xã hội cũng như mọi tổ chức không ai có quyền được đứng trên Hiến pháp, tức là phải tuân thủ Hiến pháp. Đó là một trong những yêu cầu quan trọng bậc nhất của xã hội pháp quyền. Sự hiệu lực pháp lý này thường đồng nghĩa với thời gian sống của Hiến pháp. Không như những đạo luật thường khác Hiến pháp không nên thay đổi một cách thường xuyên. Nhưng điều đó không có nghĩa là Hiến pháp không thể thay đổi. Là sản phẩm của con người. Con người có khuyết tật, tất nhiên Hiến pháp của con người cũng có khuyết tật. Hơn nữa mỗi một Hiến pháp được thảo luận và thông qua luôn phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh, nhận thức của thời điểm thông qua, tất nhiên không thể bắt con cháu của thời đại hiện nay chỉ phụ thuộc vào những gì của thế hệ đi trước mong muốn cho thế hệ của họ. Mỗi một bản Hiến pháp thường chỉ thông qua cho thế hệ hiện tại. Cuộc sống luôn luôn thay đổi, chúng ta cần phải có sự thay đổi kể cả Hiến pháp.
Phải khẳng định rằng Hiến pháp năm 1992 với sự sửa đổi của năm 2001 đã để lại cho đất nước Việt Nam chúng ta nhiều thành công rực rỡ. Điều kiện của ngày hôm nay có nhiều điểm khác với cách đây gần 20 năm, như vấn đề hội nhập, vấn đề phát triển một cách bền vững…chúng ta cần phải sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp để đảm bảo cho công cuộc phát triển của đất nước ngày càng bền vững hơn, và cuộc sống của người dân ngày càng hạnh phúc hơn.
Còn vấn đề trọng tâm của việc sửa đổi Hiến pháp lần này, theo tôi đó là sự phân quyền, tức là phân công, phân nhiệm để kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước. Hiến pháp hiện hành vừa ghi nhận quyền lực nhà nước không những thống nhất, mà còn phân công, phân nhiệm và phối hợp. Tôi cho rằng việc quy định như vậy là tương đối chuẩn. Quyền lực nhà nước luôn luôn là thống nhất ở bản chất và nguồn gốc thuộc về nhân dân, ở mục tiêu bảo vệ quyền lợi chính đáng cũng như công lý cho mọi người dân. Song trên thực tế, việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước chưa thực sự rõ ràng nên nhiều trường hợp không xác định được trách nhiệm, tức là không kiểm soát được. Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này, điều quan trọng nhất là phải phân quyền thật rõ ràng, không chỉ là phân quyền giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp mà còn giữa nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội. Ví dụ như giữa Nhà nước và xã hội, giữa Trung ương và địa phương, địa phương với địa phương, giữa Đảng với Nhà nước, giữa dân sự với quân sự, giữa quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh... Ai được làm gì, không được làm gì và phải chịu trách nhiệm gì? – Phải thật rõ ràng. Sự rõ ràng này là cơ sở cho việc quy kết trách nhiệm của từng chủ thể, tức là sự kiểm soát của quyền lực khi nó thực thi. Đây là một trong những yêu cầu cơ bản của nhà nước pháp quyền.
Chúng ta đã có nền tảng rất cơ bản để nghiên cứu, sửa đổi quy định của Hiến pháp về phân quyền và kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước. Đó là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước Việt Nam không chỉ phân công, phân nhiệm mà còn kiểm soát giữa 3 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây là điểm rất lớn và rất mới trong Đại hội Đảng XI so với các Đại hội Đảng toàn quốc trước đây.
Nhà văn Lê Hoài Nam: Phân công quyền lực nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước quan hệ thế nào? Tại sao đã phân công rồi lại còn phải kiểm soát, thưa ông?
Giáo sư Nguyễn Đăng Dung: Đúng là vấn đề tổ chức gắn liền với phân công, chúng không đi liền với kiểm soát. Nhưng thực ra không phải như vậy, giữa chúng có mối liên quan mật thiết với nhau. Phân quyền như là nền tảng của sự kiểm soát quyền lực. Không thể kiểm soát được quyền lực nhà nước nếu quyền lực đó không được phân ra. Chúng gắn liền với nhau như 2 mặt của một tấm huân chương – hiến pháp. Chính vì vậy mà Ăng ghen đã nói rằng, phân quyền chẳng qua là sự phân công lao động. Cả một thời gian dài từ thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, rồi tổ chức chính quyền của nhân dân, chúng ta đã không để ý đến vấn đề phân quyền và kiểm soát quyền lực nhà nước. Ngay cả ở chế độ tập trung trước đây hai vấn đề cũng hầu như không được đặt ra. Bởi lúc đó cũng như trước đây với nhận thức giản đơn, đã là nhà nước của dân, do chính nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thì không nên kiểm soát kể cả ở bên trong lẫn cả bên ngoài. Đã là người của nhà nước thì bao giờ cũng phải là tốt - hiền nhân. Không phải như vậy, họ vẫn là người với đầy đủ những cá tính của con người, mà chẳng phải thiên thần nào cả. Sang đến chế độ dân chủ, nhà nước của dân, chúng ta lại mắc phải sai lầm trong nhận thức ở một cực khác, đã là của nhân dân thì không phải kiểm soát. Cũng không phải như vậy, càng quyền lực thuộc về nhân dân thì lại càng phải kiểm soát hơn, theo cách nói của Hayek- một nhà kinh tế giải Nôbel người Áo. Ông ta nói như vậy vì so với nhà nước phong kiến, nhà nước dân chủ có quá nhiều chủ thể khác nhau mang danh nghĩa nhà nước, vì vậy theo ông càng phải kiểm soát hơn. Trong một nền kinh tế thị trường, một xã hội pháp quyền, vấn đề kiểm soát quyền lực như là một đòi hỏi khách quan. Đó là tính lý trí của nhà nước pháp quyền và chủ nghĩa Hiến pháp. Một chế độ hiến pháp trị, tức chủ nghĩa hiến pháp, hiến pháp phải xây dựng trong tinh thần khôn ngoan tôn trọng con người của người bị quản lý và kìm chế sự tha hoá của chính con người thực hiện quyền lực nhà nước. Đó như là một cứu cánh của một nhà nước dân chủ hiện đại không phân biệt chế độ chính trị.
Sự kiểm soát quyền lực nhà nước hình thành còn một nguyên nhân sâu xa nữa là do bản tính vị kỷ và tùy tiện của chính con người. Con người vốn dĩ hành động theo bản năng, thiếu sự cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện hoàn cảnh chi phối các hành vi của mình. Để tránh sự tùy tiện trong việc sử dụng quyền lực nhà nước, không còn cách nào khác hơn là phải kiểm soát quyền lực. Khả năng phạm sai lầm nằm ngay trong con người. Sở dĩ như vậy là bởi trí tuệ thuộc về lý tính của con người là có hạn. Một người có trí tuệ siêu việt đến đâu đi chăng nữa thì cũng khó thoát khỏi sai lầm. J. S. Mill – một triết gia và là một nhà kinh tế lớn của Anh thế kỷ XIX đã từng cảnh báo: loài người không thể là thánh thần, không bao giờ sai, chân lý của họ phần nhiều chỉ là các chân lý một nửa. Khi soạn thảo bản Hiến pháp thành văn đầu tiên của thế giới, Hiến pháp Mỹ năm 1787, J. Madison cũng đã từng nói về điều này: Chính phủ không phải là những thiên thần, nên chính phủ cũng có thể mắc sai lầm. Đây cũng là nhận thức căn bản của ông khi đề xuất hệ thống “kìm chế và đối trọng” cho bản Hiến pháp thành văn đầu tiên này. Ông nhận định: Trong khi không hoặc chưa tìm được phương thuốc nào khắc phục tính không hoàn thiện của con người, thì phân quyền là phương thức hiệu quả nhất cho việc công cũng như việc tư.
Khi soạn thảo Hiến pháp, các nhà lập hiến Mỹ phải trả lời câu hỏi là, vì cần phải có người mới làm được công việc cai trị, thì làm sao thiết lập được một chế độ cai trị theo luật mà không phải cai trị theo người/ nhân trị. Vấn đề nan giải vừa có tính cách triết lý lại vừa có tính cách thực tiễn này được diễn tả rõ bởi James Madison trong Luận cương Liên bang số 51. Ông cho rằng, phải dùng tham vọng để trị tham vọng. Chỉ cần hiểu biết một chút về bản chất vị kỷ của con người cũng thấy rằng, cần phải có những cơ chế như vậy mới ngăn chặn được các lạm dụng của chính quyền của chính con người. Nếu mọi người đều là thần thánh thì sẽ không cần có các cơ chế bên trong và bên ngoài để kiểm soát chính quyền. Nhưng những nhà lập hiến Hoa Kỳ là người thực tế. Chính quyền là của con người, không có gì khác hơn.
Nhà văn Lê Hoài Nam: Bất cứ nhà nước nào với chế độ chính trị nào cũng cần kiểm soát quyền lực nhà nước, thưa ông?
Giáo sư Nguyễn Đăng Dung: Kiềm chế tiềm năng sử dụng và lạm dụng quyền lực nhà nước là một thách thức đối với bất cứ nhà nước nào không phân biệt chế độ chính trị. Điều khó khăn hơn là, làm thế nào để kiểm soát được việc lạm quyền mà không làm cho các cơ quan nhà nước mất đi tính mềm dẻo cần phải có để điều hành các công việc nhà nước. Lý thuyết kiểm soát quyền lực nhà nước được thiết lập bởi các nhà tư tưởng chính trị pháp lý đầu tiên của Aristotle, J. Locke, S.L. Montesquieu và J.J Rousseau tạo thành học thuyết được gọi là chủ nghĩa hiến pháp, mà cái cốt lõi của nó là sự giới hạn quyền lực nhà nước nhằm chống lại chế độ chuyên chế luôn luôn tiềm ẩn trong nhà nước và bảo vệ nhân quyền.
Vấn đề kiểm soát quyền lực và trách nhiệm của nhà nước chỉ được giải quyết một cách triệt để hơn và bài bản hơn vì mục đích bảo đảm nhân quyền trong Cách mạng Tư sản ở châu Âu. Càng ngày, kiểm soát và trách nhiệm của quyền lực nhà nước càng trở nên gắn bó mật thiết với dân chủ và sự kiểm soát này được quy định thành luật, trong đạo luật có hiệu lực pháp lý tối cao để cho mọi chủ thể nắm quyền lực nhà nước phải chấp hành. Đó là Hiến pháp. Sự hiện diện của một bản Hiến pháp đã là một căn cứ căn bản cho việc kiểm soát quyền lực của nhà nước, điều này hoàn toàn khác với nhà nước phong kiến, nơi không tồn tại loại hình văn bản này. Vì thế, cũng có thể nói rằng, sự hiện diện của những quy định nhằm mục đích kiểm soát quyền lực nhà nước trong hiến pháp là dấu hiệu của dân chủ và tiến bộ xã hội.
Nhà văn Lê Hoài Nam: Các quốc gia có kiểm soát quyền lực nhà nước theo cách giống nhau không? Tôi thấy chính phủ có rất nhiều quyền quan trọng thì người dân kiểm soát các quyền của Chính phủ thế nào?
Giáo sư Nguyễn Đăng Dung: Các hình thức tổ chức và kiểm soát quyền lực có thể được phân định gồm: kiểm soát bên trong và kiểm soát bên ngoài. Kiểm soát bên ngoài bao gồm các biện pháp có tác động từ bên ngoài như: kiểm soát bằng lãnh thổ, các điều ước quốc tế và quan hệ quốc tế, kiểm soát bằng tự do ngôn luận, tự do báo chí, bằng sự tự trị của chủ thể hợp thành nhà nước. Các loại hình kiểm soát này tuỳ từng điều kiện hoàn cảnh khác nhau có những tác dụng hữu ích khác nhau. Kiểm soát bên trong bao gồm các biện pháp tự nhiên, mặc nhiên xuất phát từ những nội lực có thể bao gồm: kiểm soát bằng đạo đức, tâm lý, thần quyền, kiểm soát quyền lực bằng bầu cử và kiểm soát bên trong giữa các nhánh quyền lực. Trong số các hình thức trên thì, kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong là quan trọng nhất, hiệu quả nhất và cũng ít tốn kém nhất. Nội dung căn bản kiểm soát mô hình này là sự phân công, phân nhiệm tức là sự phân quyền giữa các cơ quan nắm giữ quyền lực nhà nước. Sự phân quyền có thể được phân thành hai loại cơ bản: phân quyền ở chiều ngang và phân quyền ở chiều dọc. Phân quyền ở chiều ngang là phân quyền giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp; phân quyền theo chiều dọc là quyền lực nhà nước được kiểm soát bằng việc phân quyền cho địa phương và việc công nhận chế độ tự trị của chính quyền địa phương. Trong đó, phân quyền theo chiều ngang giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp là quan trọng nhất. Đây cũng là trọng tâm của việc tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước của bất kể nhà nước nào.
Không có mô hình chung về phân quyền và kiểm soát quyền lực nhà nước cho tất cả các quốc gia. Nhưng trọng tâm nhất vẫn là kiểm soát Chính phủ, với bộ máy cơ hữu chuyên nghiệp đông đảo nhất. Đây là trung tâm của vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước. Nguyên tắc ở đây là không ai bắt tội người không có quyền lại phải chịu trách nhiệm. Thế giới hình thành ra 3 mô hình chịu trách nhiệm của Chính phủ - hành pháp: i. mô hình đại nghị kể cả quân chủ lẫn cộng hoà, quốc hội do dân bầu không những có quyền lập pháp mà còn có quyền thành lập chính phủ, và chính phủ này phải chịu trách nhiệm trước quốc hội; ii. mô hình tổng thổng, quốc hội do dân bầu, tổng thống đứng đầu hành pháp cũng do dân bầu phải chịu trách nhiệm trước dân không chịu trách nhiệm trước quốc hội; và iii. mô hình phối hợp giữa hai mô hình nói trên được gọi là lưỡng tính cộng hoà, chính phủ do quốc hội dân bầu ra thành lập vừa chịu trách nhiệm trước quốc hội vừa chịu trách nhiệm trước tổng thống – nguyên thủ quốc gia do dân bầu ra. Bên cạnh việc phân quyền để kiểm soát bên trong của các quyền lực nói trên sự hiện diện của chế độ đa nguyên của đảng phái đối lập cũng góp phần quan trọng tạo nên tính hiệu quả của kiểm soát.
Thực tế cho thấy, sự kiểm soát quyền lực nhà nước tăng tỷ lệ thuận với mức độ phân quyền. Sở dĩ sự kiểm soát quyền lực nhà nước của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được đánh giá rất cao là vì ở đó có sự phân quyền một cách mạnh mẽ hơn các mô hình phân quyền khác của chế độ đại nghị và chế độ lưỡng tính. Sự kiểm soát mạnh mẽ ở đây thể hiện ở chỗ: tổng thống – hành pháp không được quyền trình dự án luật trước QH – lập pháp; tổng thống và các bộ trưởng không được kiêm nhiệm cả nhiệm vụ của lập pháp – nghị sỹ. Sự phân quyền còn được thể hiện bằng một hệ thống kìm chế và đối trọng, lấy cành quyền lực này kiểm soát cành quyền lực kia.
Nhà văn Lê Hoài Nam:
Toà án kiểm soát các cơ quan nhà nước khác thế nào?
Giáo sư Nguyễn Đăng Dung: Đúng là như vậy, các mô hình kiểm soát quyền lực nhà nước hầu như chỉ thể hiện bằng mối quan hệ qua lại giữa lập pháp – quốc hội và hành pháp – chính phủ. Hay nói một cách khác các mô hình đó không phụ thuộc vào toà án – tư pháp. Nhà nước được tổ chức/kiểm soát theo kiểu này hay kiểu kia, thì toà án vẫn là phải độc lập. Tòa án chỉ có thể đóng được vai trò vô tư và công bằng khi phán xử khi chúng không có quan hệ hoặc rất ít quan hệ qua lại với lập pháp và hành pháp. Toà án độc lập tức là thẩm phán của toà án phải độc lập trên mọi phương diện. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của nền tư pháp hiện đại. Các nhà nước phát triển đã nghĩ ra vô số những hình thức để bảo đảm điều này, ví dụ sự nhiệm kỳ bền vững, chế độ lương bổng cao, tăng cường trách nhiệm của thẩm phán và xét xử theo lương tâm… Ý nghĩa của nguyên tắc độc lập của toà án là để toà có khả năng cho việc bảo vệ quyền lợi của các bên. Sự phán xử của tòa án là hoạt động kiểm soát quyền lực cuối cùng của nền dân chủ hiện đại. Vì hậu quả cuối cùng của kiểm soát là phải dẫn đến đúng, sai. Tòa án có quyền xét xử cả các hành vi lập pháp và hành pháp, một khi có chủ thể nào đó trong xã hội nại ra, có sự vi phạm hiến pháp mà xâm phạm đến quyền và lợi ích của họ được hiến pháp bảo vệ.
Đây là vấn đề cuối cùng của kiểm soát quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, vị trí, vai trò của tòa án cũng rất phụ thuộc vào quan điểm tư tưởng chỉ đạo của lực lượng cầm quyền ở mỗi quốc gia. Nếu như ở Anh, Pháp, vì lý do lịch sử và hệ tư tưởng, nguyên tắc phân quyền trong bộ máy nhà nước không rõ rệt, trong đó, ưu thế của nghị viện lấn át so với ngành tư pháp, thì vai trò của bộ máy tư pháp Mỹ lại hoàn toàn khác. Sự tiến hóa và đặc trưng của bộ máy tư pháp Mỹ đã làm cho bản đồ quyền lực ở Mỹ được phân biệt một cách rõ ràng hơn, gần đúng với yêu cầu học thuyết phân chia quyền lực của Montesquieu. Ngay từ thời mới thành lập ra nhà nước Hợp chủng Mỹ châu (hơn 200 năm trước) cùng với quan niệm về tính tối cao của Hiến pháp, người Mỹ đã đề cao vai trò siêu phàm của các tòa án trong tổ chức và hoạt động bộ máy nhà nước của mình. Những tư tưởng đó rất xa lạ với tập quán của châu Âu lục địa và kể cả với đất nước từng là mẫu quốc của họ, mà cho tới những năm 80 của thế kỷ mới đây các nước châu Âu mới bừng tỉnh nhận ra vai trò này của tòa án.
Nhà văn Lê Hoài Nam: Ở nhà nước Việt Nam chung ta thì làm thế nào để kiểm soát quyền lực nhà nước, thưa ông?
Giáo sư Nguyễn Đăng Dung: Đúng vậy, nhưng với Việt Nam trước hết chúng ta phải nhận thức rõ ràng trong một nhà nước dân chủ, nhà nước có hiến pháp, thì việc tổ chức quyền lực nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời nhau, như hai mặt của tấm huân chương vậy. Đó là đòi hỏi của nhà nước pháp quyền, cũng như đòi hỏi của tinh thần của chủ nghĩa nghĩa hợp hiến. Đó là quy luật. Con người có sai lầm nên quyền lực của nó cũng có sai lầm, nên cần phải kiểm soát. Muốn kiểm soát được thì không còn một cách nào khác hơn là phải phân quyền, phân công, phân nhiện. Cho đến hiện nay, mặc dù nền tảng của cơ chế chính trị của Việt Nam rất khác, nhưng tổ chức nhà nước/ kiểm soát nhà nước vẫn có nhiều điểm cơ bản gần với chế độ đại nghị: Quốc hội do dân bầu có quyền thành lập ra chính phủ - hành pháp, và chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Nhưng vì theo nguyên tắc tập trung quyền lực, nên sự kiểm soát, sự phân quyền hầu như không có hiệu lực trên thực tế. Vì vậy, hiến pháp sửa đổi phải hoàn thiện sự phân quyền, phân công phân nhiệm này cả về mặt nhận thức lẫn quy định trong Hiến pháp và đi đôi với việc phải xử lý kỷ luật nghiêm đối đảng viên, vì chúng ta là chế độ một đảng.
Nhà văn Lê Hoài Nam:
Các qui định về quyền con người có nên được sửa đổi bổ sung trong Hiến pháp sửa đổi lần này không, thưa ông?
Giáo sư Nguyễn Đăng Dung: Bảo vệ quyền con người như nhà văn hỏi đúng là vấn đề quan trọng được rất nhiều người quan tâm, và đồng thời cũng là trọng tâm của lần sửa đổi này. Theo tôi thì nhân quyền xét đến cùng là mục tiêu của mọi chế độ chính trị dân chủ, tức cũng là mục tiêu xét đến cùng của bản Hiến pháp của chế độ chính trị dân chủ. Việc tổ chức phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước được quy định gắn liền với nhau như trên tôi đã trả lời cũng để nhằm mục đích bảo vệ nhân quyền. Đây cũng là kinh nghiệm rất hay của nhiều nước trên thế giới để lại. Trước hết là nước Mỹ. Khi thảo luận và phê chuẩn thông qua Hiến pháp Mỹ, bản Hiến pháp thành văn đầu tiên của thế giới, lúc đầu dự thảo Hiến pháp của họ cũng chỉ có 7 điều và chỉ nói về cơ chế phân quyền giữa các cơ quan nhà nước. Hội nghị Hiến pháp của họ gồm 55 người chia làm 2 phe: Phe đồng ý theo dự thảo và phe cương quyết phản đối phải có các quy định về nhân quyền. Và cuối cùng cuộc đại thảo hiệp của họ đã xảy ra. Hiến pháp của họ có cả cơ chế phân quyền và có cả quy định của nhân quyền.
Hiến pháp của Pháp hiện hành cũng có một nội dung tương tự gồm hai phần được quy định ngay ở Lời nói đầu của Hiến pháp: Hiến pháp gồm hai phần, phần chính văn và phần nhân quyền được quy định trong Tuyên ngôn nhân quyền năm 1789.
Nhà văn Lê Hoài Nam: Tại sao bây giờ chúng ta nên nhấn mạnh về quyền con người trong HP? Tôi thấy các HP trước đây cũng có các qui định về quyền con người rồi.
Giáo sư Nguyễn Đăng Dung: Thưa nhà văn, không hẳn là thế. Hiến pháp hiện hành và trước đây chúng ta cũng đã có các quy định về nhân quyền. Điều không thể phủ nhận chính trong Tuyên ngôn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945, là nội dung chính yếu của nhân quyền. Cụ Hồ của chúng ta đã vận dụng một cách khôn khéo nội dung nhân quyền được ghi nhận trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của Pháp làm cơ sở cho việc tuyên bố độc lập của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà của chúng ta. Những nội dung của nhân quyền này đều được các bản Hiến pháp sau này quy định và thể hiện trong các quyền công dân của người Việt Nam, từ người không có quyền - thuộc dân, thần dân thành quyền công dân, không những có quyền con người, mà còn có cả quyền tham gia vào các công việc của nhà nước - công dân (bầu cử và ứng cử vào các cơ quan nhà nước). Sự không phân biệt này cũng là một điểm chung của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ. Và cho đến hiện nay nói đến quyền con người tức là nói đến quyền công dân.
Nhưng thực ra giữa quyền con người và quyền công dân vẫn có sự phân biệt. Để có một sự rõ ràng hơn và bao quát hơn, và cũng rõ hơn trách nhiệm của nhà nước dân chủ của chúng ra được thành lập ra là để bảo vệ nhân quyền, đồng thời cũng là để tránh sự vi phạm nhân quyền từ phía các cơ quan và người thi hành công việc của nhà nước, nhân quyền phải được quy định rõ để tránh sự vi phạm của bất kể chủ thể nào, trong đó có cả chủ thể là các cơ quan nhà nước cũng như người thay mặt các cơ quan nhà nước thi hành công việc của nhà nước.
Nhà văn Lê Hoài Nam:
Hiến pháp được đảm bảo thực hiện thế nào trên thực tế, thưa ông?
Giáo sư Nguyễn Đăng Dung: Sau khi có Hiến pháp sửa đổi phải là việc tuyên truyền, giáo dục một tinh thần tuân thủ nghiêm ngặt Hiến pháp nhất là các đối tượng chịu trách nhiệm thực thi Hiến pháp. Càng cao bao nhiêu, càng có nhiều quyền lực bao nhiêu, càng phải có trách nhiệm tuân thủ Hiến pháp bấy nhiêu, các quan chức nhà nước không ai được đứng trên Hiến pháp, và cũng không phải như bấy lâu nay vẫn kêu gọi một cách chung chung theo khẩu hiệu: “Toàn Đảng, toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật”, với ngụ ý không thể khác hơn là mọi người dân phải tuân thủ Hiến pháp, loại trừ sự phải tuân thủ của quan chức nhà nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường quyền giám sát của nhân dân đối với việc thực thi quyền lực nhà nước của các cơ quan quyền lực nhà nước thông qua cơ chế bầu cử, để có thể loại trừ những người không có tài, có đức, có tâm trong bộ máy nhà nước.
Chúng ta phải có nhận thức đúng đắn rằng, ngay bên cạnh việc phải có trách nhiệm tuân thủ, thực thi Hiến pháp, các quan chức nhà nước luôn luôn có khả năng vi phạm Hiến pháp. Vì vậy cần phải có cơ quan tài phán Hiến pháp, tức là toà án để xét xử hành vi vi hiến pháp. Đó là cửa ải cuối cùng của kiểm soát quyền lực nhà nước. Nếu không như vậy, thì những cố gắng sửa đổi Hiến pháp hôm nay của chúng ta cũng chỉ là những việc làm vô ích như kiểu “dã tràng xe cát biển Đông”.
Tất cả những vấn đề nói trên đều là những thể hiện của một tinh thần của chủ nghĩa Hiến pháp/chủ nghĩa hợp hiến mà chúng chưa có hiện diện ở Việt Nam, hoặc có đi chăng nữa thì cũng là sự hiểu biết, một sự nhận thức chưa đầy đủ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân các quy định của Hiến pháp hiện hành chưa được thực thi một cách đầy đủ trên thực tế hiện nay.
Nhà văn Lê Hoài Nam: Xin cám ơn Giáo sư!