TỈNH BẮC GIANG XÂY DỰNG THIỀN VIỆN TRÚC LÂM PHƯỢNG HOÀNG...

15:26 | 30/07/2012

Từ những năm cuối thế kỷ 20, tư tưởng Thiền phái Trúc lâm đã được quảng bá phát huy mạnh mẽ hơn thông qua việc Hoà thượng Thích Thanh Từ đã về chốn tổ Vĩnh Nghiêm sưu tầm in dập các ván in kinh sách ở chùa Vĩnh Nghiêm đem về miền Nam - nơi mà Hoà thượng có cơ sở trụ trì rồi dịch và chú, giảng cẩn thận cho các tăng ni tu tập học hành và truyền giảng.
TỈNH BẮC GIANG XÂY DỰNG THIỀN VIỆN TRÚC LÂM PHƯỢNG HOÀNG...

 

THAM LUẬN

“TỈNH BẮC GIANG XÂY DỰNG THIỀN VIỆN TRÚC LÂM PHƯỢNG HOÀNG NHẰM BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN TINH THẦN TU HỌC THEO THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ”

Lại Thanh Sơn

Phó Chủ Tịch

UBND tỉnh Bắc Giang

 

Sự phát triển của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử         

         Vào Thế kỷ XIII quân dân nhà Trần nước Đại Việt dưới sự lãnh đạo của vua Trần Nhân Tông đã ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Lần thứ nhất vào năm 1258, lần thứ hai vào năm 1285, lần thứ ba vào năm 1288. Những chiến thắng vẻ vang và những địa danh Hàm Tử quan, Chương Dương độ, Bạch Đằng ... đã đi vào những trang sử vàng của dân tộc. Sau ba lần chiến thắng ấy, vị vua danh tiếng Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng, nhường ngôi cho con và lên núi Yên Tử tham thiền học đạo. Ngài lấy pháp hiệu là Giác Hoàng Điều Ngự và sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một thiền phái của Đạo Phật mang đậm sắc thái của Việt Nam.

          Chủ trương của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là lấy tu tâm làm chính. Tâm có chính thì lòng mới trong sáng, lòng có trong sáng thì đạo mới thành. Bởi thế mà phải tu chính cái tâm mình, tu chính ở lòng mình. Từ khi có thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đạo Phật từ trên các sơn môn ở núi cao, xuống núi dần dần và thâm nhập vào các làng xã. Điều đó chứng tỏ đạo phật của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã thấm sâu vào dân được đông đảo nhân dân làng xã ngưỡng mộ, xây chùa thờ Phật ở làng.

          Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông là nhà vua đi tu đạo Phật nên cũng có Phật danh là Phật Hoàng. Ngài xây dựng Yên Tử thành kinh đô Phật giáo của nước ta. Ngài lấy chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) làm Trung tâm Phật giáo để đào luyện tăng ni trong cả nước, vì thế chùa Vĩnh Nghiêm được ví như Trường đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam. Tại đây ngoài việc đào luyện tăng ni cho cả nước, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã thống nhất giáo hội phật giáo cả nước thành một khối thống nhất theo về Trúc Lâm Yên Tử. Ngài đã cho hai đệ tử kế nghiệp là Pháp Loa và Huyền Quang đi các nơi truyền giáo và xây dựng chùa tháp mở mang đạo Phật theo dòng thiền tâm Yên Tử.

          Quá trình phát triển thiền phái Trúc lâm Yên Tử có thể kể từ năm 1290 trở đi đến năm 1350 là quá trình nằm trong sự điều hành thực hiện của 3 vị Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Thời gian này, hơn 500 chùa tháp được trùng tu, tôn tạo, xây dựng mới, trong đó có một số là những sơn môn, thiền viện như Vĩnh Nghiêm, Quỳnh Lâm, Phật tích, Phổ Minh, Côn Sơn... riêng ở Bắc Giang qua điều tra khảo sát đã có một số chùa tháp kéo từ Yên Tử đến Vĩnh Nghiêm và Vĩnh Nghiêm đi các nơi như:

          + Tuyến Vĩnh Nghiêm đi Yên Tử theo trục Tây Yên Tử có Vĩnh Nghiêm, chùa Hòn Tháp, chùa Mã Yên (Cẩm Lý), chùa Bình Long (Huyền Sơn), chùa Hòn Trứng, chùa Hồ Bấc (Nghĩa Phương), chùa Bụt, chùa Đồng Vành (Lục Sơn) lên chùa Yên Tử.

          + Tuyến Vĩnh Nghiêm đi thượng sông Lục Nam có : Vĩnh Nghiêm, chùa Chản, chùa Cao (xã Khám Lạng), Chùa Đọ (Cương Sơn), chùa Nhạn Tháp (Cẩm Nang Tiên Nha), chùa Long Vũ (Phượng Sơn), Chùa Tó (Tiên Nha), chùa Hả (Hồng Giang), chùa Duồng Cái (Biên Sơn).

          + Tuyến Vĩnh Nghiêm đi Lạng Giang có: Vĩnh Nghiêm, Lã Hộ, Kế,  Chiền.

          + Tuyến Vĩnh Nghiêm đi Như Nguyệt (Mai Đình) có: Vĩnh Nghiêm, Nguyệt Nham (Tân Liễu), chùa Bến (Nham Sơn), Kem (Nham Sơn), My Điền (Hoàng Minh), chùa Quả (Trung Sơn), chùa Xác (Mai Đình).

        Các ngôi chùa thuộc ba tuyến này đã chứng tỏ rằng: phật giáo theo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã dần dần từ núi cao trở xuống làng xã. Chứng tỏ rằng lối tu hành khổ hạnh (tiểu thừa) đã dần dần được thay thế bằng lối tu tâm (Đại thừa) được đông đảo quần chúng nhân dân tin theo. Nó cũng chứng tỏ rằng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã có sức sống trong nhân dân. Với các lẽ đó nên khi 3 vị Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang mất đi thì cả 3 vị đã trở thành 3 vị tổ sư của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Người đời sau gọi 3 vị tổ sư này là “Trúc lâm tam tổ”, cũng từ khi các vị quy tịch, các vị thiền sư của thiền phái này ở đời sau đã lập nên ở chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) một toà nhà ở phía sau nhà tam bảo để thờ ba vị Trúc Lâm Tam tổ. Đó là toà nhà thờ tổ đệ nhất. Còn các vị sư kế sau đó được xây dựng một toà nhà thứ 2 ở phía sau để thờ, gọi là nhà thờ tổ đệ nhị.

         Như thế trong suốt một thời gian dài trong lịch sử chùa Vĩnh Nghiêm vẫn giữ vai trò một trung tâm phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, vừa giữ vai trò chốn tổ để các nơi khác cứ tới ngày giỗ tổ 14/2 âm lịch thì đổ về như hội để làm lễ giỗ tổ.

         Do chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) giữ vai trò một trung tâm phật giáo của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, nên trong quá trình truyền thừa, ở nơi này đã diễn ra các hoạt động như: Thuyết pháp giảng đạo, tu tập Thiền định, Thiền tâm; in khắc kinh sách để lưu truyền và phổ biến tư tưởng Trúc lâm tam tổ. Các kinh sách đem về nơi đây có nhiều thể loại như: Kinh (lời của Phật dạy), Luật (các quy định giới luật để tu hành), Luận (các sách giảng về Kinh phật); truyện, ký... trong đó có bộ Thiền Tông bản hạnh, Nhật trình Yên Tử... là những sách của các bậc sư tổ của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử đúc kết tư tưởng của đạo phật nói chung và gắn kết với tư tưởng của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử vào trong đó rồi viết ra thành thơ bằng chữ nôm cho tín đồ phật giáo Đại Việt tụng đọc, vừa dễ hiểu vừa mang đậm dấu ấn văn hoá Đại Việt. Đây chính là sự độc đáo, tiêu biểu và khác biệt với các dòng thiền khác.

         Trải qua nhiều năm tồn tại và phát triển, ở trung tâm phật giáo chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) đã khắc được nhiều phẩm kinh sách. Đó là kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Trong đợt kiểm kê năm 2010 đã thống kê được 3050 ván khắc với các loại kinh sách như đã nêu. Kho mộc bản này đã được lập hồ sơ khoa học trình Uỷ ban UNESCO và đã được công nhận là di sản tư liệu khu vực châu Á- Thái Bình Dương thuộc chương trình ký ức thế giới. Đây là một vinh dự lớn không chỉ đối với Bắc Giang mà đối với cả nước có thêm di sản quý báu được thế giới công nhận.

          Ở đây cũng phải nói rằng: Từ những năm cuối thế kỷ 20, tư tưởng Thiền phái Trúc lâm đã được quảng bá phát huy mạnh mẽ hơn thông qua việc Hoà thượng Thích Thanh Từ đã về chốn tổ Vĩnh Nghiêm sưu tầm in dập các ván in kinh sách ở chùa Vĩnh Nghiêm đem về miền Nam - nơi mà Hoà thượng có cơ sở trụ trì rồi dịch và chú, giảng cẩn thận cho các tăng ni tu tập học hành và truyền giảng. Số sách mà Hoà thượng dịch giảng trọn bộ gồm 30 quyển rất đồ sộ. Bộ sách này có tên là “Thích Thanh Từ toàn tập”. Hoà thượng đã chỉ đạo các đệ tử truyền bá tư tưởng Trúc Lâm Yên Tử thông qua việc xây dựng các Thiền viện Trúc Lâm ở trong nước và ngoài nước. Các thiền viện này là các trung tâm phật giáo lớn nằm ở nhiều tỉnh trong đất nước. Đó là cơ sở để truyền bá tư tưởng của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, là nơi hướng dẫn các tín đồ phật tử tu tập thiền tâm; là nơi để những ai yêu mến đạo phật, yêu mến thiền phái Trúc Lâm đến tu tâm, tu dưỡng bản thân cho cái tâm mình ngày càng thêm trong sáng hơn, để cuộc sống lành mạnh hơn, để mọi người sống với nhau thân ái hơn, tốt đẹp hơn. Cho nên Thiền viện có điểm giống một ngôi chùa ở chỗ là nơi thờ phật, nhưng cũng có điểm khác chùa ở chỗ nơi ấy còn có chức năng nghiên cứu đạo phật, nghiên cứu tư tưởng Thiền phái Trúc lâm, là nơi hướng dẫn mọi tầng lớp tín đồ đạo phật tới đó tĩnh tâm tu thiền, tu tâm. Nơi ấy thực chất là nơi rèn luyện cái tâm của con người để cái tâm con người trong sáng và tốt đẹp hơn.

 

Xây dựng Thiền viện Phượng Hoàng tại Bắc Giang - chốn tổ của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử

          Ở Bắc Giang có chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) là một trung tâm phật giáo cổ, là một chốn tổ của Thiền phái Trúc lâm. Nơi đây chùa tháp uy nghi, cảnh sắc thanh tịch nhưng trong điều kiện hiện nay không thể trở thành một thiền viện được bởi một lý do đơn giản là đất đai, không gian chật hẹp không cho phép mở mang được.

          Xét rằng: Bắc Giang vốn là một chốn tổ của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, vốn là nơi đang lưu giữ kho mộc bản của thiền phái này. Và cũng xét rằng việc tiếp tục duy trì tư tưởng thiền phái Trúc lâm Yên Tử là việc làm tốt đẹp nhằm góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc nên UBND tỉnh Bắc Giang đã nhất trí chủ trương chọn địa điểm để đề nghị với Nhà nước và Trung ương Hội Phật giáo cho phép xây dựng Thiền viện theo dòng Thiền phái Trúc lâm để các tín đồ phật giáo Bắc Giang nói riêng, trong nước nói chung có nơi tu tập theo phương pháp thiền tâm như các Thiền viện Trúc Lâm khác mà trong nước đã có.

          Địa điểm được chọn phải đáp ứng mấy yêu cầu là: Phải nằm trong không gian văn hoá của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử (Tức là xung quanh đó phải có những di tích liên quan đến triều đại nhà Trần và các di tích chùa tháp thời Trần); phải là nơi núi cao cảnh đẹp, sơn thuỷ hữu tình, khí lành gió mát, cây cối tốt tươi; cư dân ở địa phương này có truyền thống tốt đẹp như: phong tục thuần hậu, chăm học, chăm làm, có tinh thần đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau...

          Sau một thời gian khảo sát xác định, địa điểm núi Phượng Hoàng của dãy núi Nham Biền (Yên Dũng) đã được lựa chọn và được sự đồng thuận nhất trí từ trên xuống tới địa phương. Địa điểm núi Phượng Hoàng ở đây đã đạt các yêu cầu nêu ở trên. Có thể nêu ra khái quát như sau:

    - Một là: Núi Nham Biền là dãy núi lớn nổi lên giữa hai dòng sông chảy qua địa phận tỉnh Bắc Giang, đó là con sông cầu và con sông thương. Núi có hai dãy chạy sông song nhau nên gọi là Nham Biền (Biền là sóng đôi nhau), một dãy mang tên dãy núi Bài, một dãy mang tên dãy núi Neo. Núi Phượng Hoàng là một trong các núi lớn thuộc dãy núi Neo. Trong khu vực núi, cây cối tốt tươi, xóm làng cổ kính, trù phú. Đáng lưu ý là nơi này thông, tùng rất nhiều; khí lành, gió mát. Đỉnh núi Phượng Hoàng là đỉnh cao nhất dãy núi Neo, thế núi đồ sộ, hoành tráng, mạch núi uyển chuyển uốn lượn kéo xuống nơi chọn xây Thiền viện. Đỉnh núi này xưa có đền vua nên còn gọi là Non Vua, trên núi có ao trũng tụ nước, khí lành tụ hội; thường thường có mây như tán phủ  che. Nơi chọn đất xây dựng phía trước nhìn ra sông Cầu và cả cánh đồng rộng lớn của làng Hương Tảo, xã Nham Sơn.

    - Hai là: Nơi chọn đặt dựng xây thiền viện này là địa điểm nằm trong vùng văn hóa mang đậm dấu ấn thời Trần, có thể nêu ra sau: Nơi đây nằm trong vùng đất thang mộc ấp của Thái sư Trần Thủ Độ, người có công lớn trong việc sáng lập ra Vương triều Trần ở thế kỷ 13. Núi Phượng Hoàng thuộc xã Nham Sơn và cũng thuộc làng Hương Tảo khi xưa. Nơi dây có đình, đền thờ Trần Thủ Độ và vợ Ngài là Công chúa Trần Thị Dung. Ở làng Hương Tảo còn để lại nhiều địa danh, nhiều truyền tích, nhiều tục lệ liên quan tới việc thờ phụng 2 vợ chồng Trần Thủ Độ như việc đánh mãng xà, khai khẩn đất hoang, lấn sông trị thủy... Trong khu vực xây dựng còn có các dấu tích đền, miếu, am tự cổ xưa.

      Nếu lên tới đỉnh Đền Vua (Non Vua), sang sườn núi phía bên là xuống bờ sông Thương, cảnh núi cũng rất đẹp. Từ đỉnh Non Vua có thể bao quát toàn Phủ Lạng Giang của trấn Kinh Bắc xưa. Phía bờ sông Thương có chùa Nguyệt Nham, cũng là chùa cổ có từ đời Trần, ở đó có di vật tháp đất nung và còn một tấm bia thời Trần mới được phát hiện năm 2003.

     Quá xuống hạ lưu là xuống tới sông Lục đầu, khu vực này dày đặc di tích liên quan đến thời Trần như chùa Vĩnh Nghiêm, đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn, đền thờ vua Trần Minh Tông ở xã Đức Giang và các cơ sở thờ tự các tướng lĩnh nhà Trần...

     Như thế có thể nói rằng, Thiền viện được xây dựng ở nơi này là nằm giữa một vùng văn hóa mang đậm dấu ấn thời Trần mà ít nơi nào ở Bắc Giang có được.

     - Ba là: Xung quanh khu vực xây dựng Thiền viện có các làng xã Việt cổ của huyện Yên Dũng. Các làng xã này có cư dân nông nghiệp thuần hậu, có tinh thần đoàn kết xây dựng làng xã, có truyền thống lao động, truyền thống hiếu học và khoa bảng, có truyền thống văn hóa lâu đời.

      Với ba điều đã nêu ở trên, việc lựa chọn địa điểm đã được chấp thuận và được các cấp, các ngành và nhân dân nhất trí cao. UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo huyện Yên Dũng, các ngành liên quan sớm giải phóng mặt bằng, thực hiện các bước để triển khai xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng.

       Ngày 26 tháng 11 năm 2011 Lễ khởi công đặt đá xây dựng Thiền viện đã được tiến hành trọng thể với sự chứng kiến, tham dự của hàng ngàn đại biểu và nhân dân trong và ngoài tỉnh.

      Đây là công trình được xây dựng ở trung tâm ba khu văn hóa phật giáo cổ lớn thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đó là: Trung tâm phật giáo Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), Trung tâm phật giáo Côn Sơn (Hải Dương), Trung tâm phật giáo Bổ Đà (Bắc Giang). Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng ra đời sẽ là nơi thu hút nhân tâm về nơi đây tham thiền học đạo, theo phương pháp của thiền phái Trúc Lâm mà Sư tổ của Thiền phái này đã khai mở, duy trì và phát triển. Tại đây du khách có thể hành hương lễ Phật ở Thiền viện, du vãng lên đỉnh núi đền Vua Bà để chiêm bái ba pho tượng Tổ Trúc Lâm khi quy hoạch đã hoàn chỉnh, đồng thời cũng ngắm cảnh thiên nhiên ỳ thú khu vực này.

     Việc xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng đồng thời cũng là triển khai con đường du lịch tâm linh Tây Yên Tử ở địa phận Bắc Giang. Từ thành phố Bắc Giang, du khách có thể ghé thăm Thiền viện, rồi tiếp tục đến thăm chùa Vĩnh Nghiêm, sau đó du khách sẽ tiếp tục tới các điểm khác của trục đường văn hóa tâm linh này tại các điểm: chùa Khám Lạng, chùa Hòn Tháp, chùa Bình Long, thắng cảnh Suối Mỡ, thắng cảnh suối Nước Vàng, khu du lịch sinh thái Đồng Thông ở chân núi chùa Đồng (Yên Tử, thuộc địa phận Bắc Giang). Từ đây mọi người có thể hành hương lên chùa Đồng và kết nối với khu du lịch Yên Tử ở phía Đông.

     Từ ngày khởi công đặt đá xây dựng Thiền viện tới nay, thời gian tuy không dài nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và bà con hảo tâm trong và ngoài tỉnh, nhất là có sự tham gia của Giáo hội Phật Giáo Trung ương, khu Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng đã và đang từng bước xây dựng các hạng mục trong quy hoạch. Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng hoàn thành sẽ  đáp ứng nhu cầu chung về mọi mặt văn hóa tâm linh và đáp ứng cả nhu cầu du lịch trong tuyến du lịch tâm linh Tây Yên Tử mà Bắc Giang đang triển khai thực hiện./.

     

 

BACK TO PREVIOUS PAGE
Member Register