11:58 | 19/09/2012
Nguyễn Vũ
Trong chương trình thực hiện Nhiệm vụ và vai trò của Tổ chức đối với các Tổ chức Phi chính phủ Việt Nam (VNGOs), trong năm 2012 Quỹ Hợp tác và Phát triển đã tổ chức các tập huấn, chương trình nâng cao năng lực như:
Tháng 2: Chương trình xây dựng các mạng lưới của các tổ chức xã hội
Tháng 3: Tập huấn “Kỹ năng thực hiện nghiên cứu, khảo sát tại địa phương”
Tháng 4: Tập huấn “Chia sẻ, nâng cao kiến thức về Hiến pháp Việt Nam”
Tháng 5: Hội thảo “Báo cáo kết quả nghiên cứu Tăng cường sự tham gia của người dân đóng góp ý kiến cho quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992”
Tháng 6: Tập huấn “Nâng cao kỹ năng xây dựng đề xuất dự án áp dụng cách tiếp cận khung logic”
Tháng 7: Tập huấn “Biến đổi khí hậu và các giải pháp ứng phó với Biến đổi khí hậu” cho các tổ chức NGO trong các tỉnh phía Nam
Tháng 8: Tập huấn “Kỹ năng vận động chính sách cho các tổ chức Phi chính phủ Việt Nam”
Chúng tôi được tham dự lớp tập huấn “Kỹ năng vận động chính sách cho các tổ chức phi chính phủ Việt Nam” đã học được nhiều kinh nghiệm quí, từ lý thuyết đến sự thực hành trải nghiệm của các tổ chức phi chính phủ hoạt động đúng pháp luật Việt Nam từ mấy thập kỷ qua.
Lớp tập huấn thu hút gần 50 tổ chức NGO Việt Nam tham dự. Phần lý thuyết được các giáo sư dày kinh nghiệm truyền đạt dễ hiểu, ngắn gọn, có trao đổi, đối thoại mạn đàm, lắng nghe tiếng nói của nhau.
Vận động chính sách là một quá trình hành động kiên trì, với kỹ năng tập hợp trí tuệ từ các nghiên cứu và thực hành của Liên mạng INPA tác động vào các cơ quan quyền lực Nhà nước và tác động đến Người dân. Từ đó hình thành và thay đổi chính sách, tập quán, hành vi, thông lệ, đảm bảo tính hợp hiến và bình đẳng của công dân, tiến tới xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, vì dân. Khi trao quyền cho người nghèo để họ góp tiếng nói xây dựng chính sách và kiểm soát các cơ quan công quyền thực hiện chính sách thì người dân cần phải hiểu biết mới thực hiện được quyền làm chủ của mình.
Trong quá trình thực hiện, các tổ chức NGO Việt Nam đã phải nỗ lực rất lớn, trong đó phải không ngừng học hỏi, rèn luyện kỹ năng giao tiếp với lãnh đạo, kỹ năng tiếp xúc với người dân, kỹ năng giáo dục đồng đẳng, nhất là các nhóm yếu thế: phụ nữ, dân tộc thiểu số, người tàn tật, người nghèo, người mù chữ…
Kinh nghiệm cho biết, muốn tác động vào các cơ quan quyền lực Nhà nước phải có phương pháp nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu tập hợp đủ ba điều kiện:
Phương pháp hồi cứu tài liệu: Thành lập nhóm nghiên cứu, sưu tầm, nghiên cứu tham khảo các kết quả điều tra xã hội học, thống kê và các báo cáo đã được công bố của nhiều cơ quan, tổ chức xã hội.
Phương pháp chuyên gia: Tập hợp các chuyên gia lấy ý kiến của nhiều cấp chính quyền xã huyện và các tầng lớp nhân dân địa phương.
Phương pháp điều tra xã hội học: Nhóm nghiên cứu ra câu hỏi điều tra khảo sát đến từng người dân, phỏng vấn sâu cán bộ chính quyền, tổ chức tọa đàm, thảo luận tổ dân phố, xóm thôn…
Từ các kết quả nghiên cứu đề xuất giải pháp trình các cơ quan công quyền thay đổi chính sách phù hợp và tạo điều kiện phát triển xã hội.
Vận động chính sách là một quá trình hoạt động liên tục và vô cùng khó khăn của nhiều tổ chức NGO Việt Nam. Tuy vậy, xã hội luôn có những con người nhiệt huyết, muốn cống hiến lao đông và trí tuệ của mình cho người dân chịu nhiều thiệt thòi yếu thế. Họ đã đóng góp được nhiều cho xã hội Việt Nam ngày càng phát triển. Quỹ Hợp tác và Phát triển (C& D) dựa trên nhu cầu và yêu cầu của nhiều tổ chức, tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho các tổ chức NGO trong việc thực hiện và hoàn thành các dự án ngày một hiệu quả, chuyên nghiệp hơn.