Riêng việc thực hiện chi 1% ngân sách cho sự nghiệp môi trường, trong số 64 tỉnh thành chỉ có 15 địa phương thực hiện chi đủ (nhưng phần lớn vẫn chi không đúng theo quy định của Thông tư liên tịch Tài chính - Tài nguyên Môi trường). 49 địa phương còn lại chỉ thực hiện từ 10 - 15 đến 30% theo quy định. Điều này cho thấy, công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới vẫn là một vấn đề cấp bách và quyết liệt.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực vừa yêu cầu, trong thời gian tới, các Cục, Vụ và cơ quan liên quan đến công tác bảo vệ môi trường tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, nhất là các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng thuộc “danh sách 64”, các cơ sở hóa chất, thông qua các giải pháp đồng bộ như thanh tra, xử lý, quan trắc. Việc xử lý này tập trung vào các địa bàn trọng điểm như 3 lưu vực sông; các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; làng nghề, khu công nghiệp đang gây ô nhiễm nặng; Kiểm tra việc thực hiện chi 1% ngân sách môi trường tại các Bộ ngành, địa phương, để biểu dương các nơi làm tốt cũng như kịp thời có ý kiến với các địa phương chưa thực hiện đúng việc chi tiêu nguồn tài chính này. Phần kinh phí còn lại tập trung vào việc xử lý ô nhiễm tại các bệnh viện, điểm nóng về môi trường như các điểm ung thư tại các địa phương, các kho xăng dầu, kho thuốc bảo vệ thực vật, bãi rác...
Ngoài ra, cũng cần bảo đảm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, gắn vấn đề bảo vệ môi trường với công tác quản lý đất đai, tài nguyên nước. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó phải làm rõ các cơ sở gây ô nhiễm nặng, có tài liệu chính xác và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, để công tác xử lý sau thanh tra đạt hiệu quả thiết thực...
Nguyễn Cao