Do tính chất nặng hơn không khí nên CO2 sẽ tồn tại vĩnh viễn dưới lòng đất ở độ sâu 2.000 m ở phía nam bán cầu.
Các quan chức Úc cho biết, nhà máy thu hồi và nén khí CO2 mới được xây dựng ở bang Victoria phía nam nước Úc, thu gom được 110.231 tấn khí CO2.
Toàn bộ số khí gây hiệu ứng nhà kính đã gom được từ các nguồn phát thải CO2 này liền được bơm xuống một mỏ khí đốt tự nhiên đã bị khai thác cạn kiệt trước đây.
Cho đến nay, Úc là một trong số ít quốc gia sử dụng công nghệ chôn khí thải carbon dioxide. Tại nơi chôn khí CO2, các nhà khoa học Úc thực hiện việc đo đạc các thông số kỹ thuật để đảm bảo chắc chắn rằng trong quá trình chôn CO2 không có sự rò rỉ nào ra ngoài.
Sự thành công của dự án này sẽ góp phần chống lại sự ấm lên của trái đất trên diện rộng. Công nghệ chôn khí CO2 hiện đang được thực hiện tại 144 nơi trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, các nhà công nghệ Hoa Kỳ bơm khí CO2 xuống lòng đất không nhằm mục đích cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các nhà công nghệ Mỹ bơm khí CO2 xuống các giếng khoan mỏ dầu để tạo ra áp lực dồn ép dòng chảy của dầu giúp cho việc khai thác dầu mỏ có hiệu quả.
Ông Peter Cook- Chủ nhiệm dự án chôn khí CO2 tại Úc- cho rằng dự án chôn khí carbon dioxide xuống lòng đất có vai trò rất quan trọng, thể hiện Úc có khả năng ứng dụng các công nghệ này giúp bảo vệ môi trường.
Sự thành công ở Úc sẽ giúp cho công nghệ này được ứng dụng rộng rãi trên thế giới trong tương lai.
Đ.P( Tienphong 3.4.08)
Theo CNN