Cùng kết nối “Vòng tay nhân ái”

11:37 | 31/01/2013

Tối 24/1/2013, còn hơn 2 tuần nữa là đón Tết nguyên đán Quý Tỵ, phóng viên Tờ Tin của Quỹ C &D đã có mặt tại Nhà hát Tuổi trẻ để tham dự chương trình biểu diễn nghệ thuật “Vòng tay Nhân ái”, do Liên hiệp khoa học công nghệ Tin học ứng dụng UIA (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam -VUSTA) và Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp tổ chức.
Cùng kết nối “Vòng tay nhân ái”

 

 

 


Cùng kết nối “Vòng tay nhân ái”

Ngọc Lang

 

Các diễn viên cũng như khán giả đến đây đều cùng chung nghĩa cử cao đẹp là quyên góp giúp đỡ cho trẻ em khiếm thính và nạn nhân bị chất độc da cam.

 

           Đêm giá lạnh và mưa nhỏ, mặc dù giấy mời ghi rõ 20h chương trình mới bắt đầu, nhưng tranh thủ để có thời gian phỏng vấn, 18h30 chúng tôi đã có mặt tại Nhà hát Tuổi trẻ. Nhưng khi chúng tôi đến thấy có rất nhiều người đã đến sớm hơn, nhiều hàng ghế trong rạp đã kín chỗ. Đây là chương trình nghệ thuật mang ý nghĩa nhân đạo- từ thiện, phần lớn các tiết mục là do các CLB nghệ thuật đến từ Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (VHNT) thuộc Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội và Đoàn nghệ thuật hướng nghiệp từ thiện UIA đảm nhiệm. Chương trình biểu diễn không có những giọng ca “Ngôi sao”, không có dàn nhạc hoành tráng, không truyền hình trực tiếp… nhưng lại được mọi người quan tâm và háo hức lạ thường. Trên các hàng ghế có rất nhiều anh chị em là diễn viên của các CLB Nghệ thuật “Bình an”, CLB “Nghĩa tình đồng đội, CLB “Nón ba tầm”…đã mặc trang phục biểu diễn đang sẵn sàng chờ đến tiết mục của mình.

          Trong niềm xúc động dâng trào, Nghệ sỹ Đàm Anh Thục cùng tốp nữ CLB “Bình an” và cháu Thanh Tùng (đàn bầu) đã trình bày ca khúc “Nụ cười chất độc da cam” do chính Đàm Anh Thục sáng tác năm 2010. Bài hát nói về một bé gái tên là Nguyễn Phương Thúy đến nay đã là thiếu nữ 38 tuổi, nhưng 38 năm qua Thúy chỉ nằm một chỗ, chỉ biết cười mà không biết biểu hiện tình cảm nào khác. Mỗi khi em cười không phải là tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên, đem lại cảm giác hạnh phúc cho gia đình, cha mẹ mà tiếng cười càng làm nhói thêm nỗi đau của mọi người. Ông Nguyễn Thanh Sơn, bố Phương Thúy là cựu chiến binh, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên-Huế. Chính chàng trai Thanh Tùng đệm đàn bầu trong tiết mục “Nụ cười chất độc da cam” là người con thứ hai, Tùng bị khiếm thị nhưng với nghị lực phi thường, Tùng đã hoàn thành 11 năm học tập và rèn luyện tại Học viện Âm nhạc quốc gia.

         Ở tuổi 73, nhưng giọng hát của nghệ sỹ Đàm Anh Thục vẫn trong trẻo, ngân vang và tràn đầy sức biểu cảm. “Em ơi 18 tuổi thanh xuân. Em nằm đó bé xinh và thanh thản, nụ cười em đốt cháy lòng mẹ cha, nụ cười em cháy bỏng lòng ta…”. Ca từ của bài hát như thêm một lần khắc họa trong ta hình ảnh một nạn nhân chất độc da cam, nhắc nhở chúng ta hãy đồng lòng tiếp tục lên tiếng đòi chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm bồi thường cho những nạn nhân này. Cho dù chắc chắn sự bồi thường đó chỉ là rất nhỏ bé so với nỗi đau vô tận của các gia đình có người thân là nạn nhân chất độc da cam. Ca khúc “Nụ cười chất độc da cam” vang lên trong nỗi đồng cảm, nhiều người ngồi nghe đã không cầm được nước mắt. 

       Tâm huyết của nghệ sỹ Đàm Anh Thục cũng như của anh chị em diễn viên và các cháu thiếu nhi còn thể hiện  trong các tiết mục hợp xướng “Từ trái tim đến trái tim” (sáng tác Duy Quang), “Sức mạnh nhân đạo” (sáng tác Phạm Tuyên),“Trống cơm”.

       Ngay sau buổi biểu diễn, chúng tôi đã phỏng vấn Nghệ sỹ Đàm Anh Thục. Năm nay đã 73 tuổi, nhưng bà vẫn duyên dáng, nhanh nhẹn. Được biết, bà nguyên là giảng viên Khoa Lý luận sáng tác-chỉ huy, Học viện Âm nhạc Quốc gia. Nghỉ hưu, bà vẫn dành tâm huyết cho phong trào âm nhạc quần chúng và hiện nay bà là Giám đốc nghệ thuật của Trung tâm văn hóa nghệ thuật UNESCO TP Hà Nội và là ủy viên BCH Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Chủ tịch “Quỹ nhân đạo Nhật Nguyệt”. Nhiệt tình của bà đã truyền cho các CLB nghệ thuật niềm say mê, hứng khởi nhưng cũng rất nghiêm túc trong luyện tập cũng như trong công tác tổ chức biểu diễn.

            Bà Thục cho biết: “Dù đã từng tham gia dàn dựng và đưa anh chị em các Câu lạc bộ nghệ thuật thuộc Trung tâm VHNT UNESCO thành phố Hà Nội đi biểu diễn tham gia những chương trình lớn như phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội ( năm 2010) hay đi tham gia chương trình thi Hợp xướng quốc tế tổ chức tại Hội An (TP Đà Nẵng) vào tháng 3-2011, nhưng mỗi lần được mời tham gia các chương trình biểu diễn với mục đích nhân đạo-từ thiện, đem lời ca tiếng hát phục vụ những người cô đơn, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân bị chất độc da cam…thì dù có khó khăn đến đâu, dù vất vả thế nào chúng tôi cũng cố gắng vượt lên để được tham gia. Khi hòa mình vào các hoạt động ý nghĩa này, chúng tôi đều thấy xúc động. Vì mình được góp phần chia sẻ, xoa dịu nỗi đau những người bị nhiễm chất độc da cam di-ô-xin và các cháu khuyết tật. Đêm nay, đến tham gia chương trình “Vòng tay nhân ái”, anh chị em diễn viên không chỉ đóng góp bằng tiếng hát mà mỗi người còn chuẩn bị những phong bì đựng tiền để tặng các cháu khuyết tật. Dù nhiều dù ít, thì đó là tấm lòng chân thành của chúng tôi muốn được sẻ chia. Tôi cũng mong toàn xã hội cùng chung tay giúp đỡ các cháu”.

           Người xem lại lặng đi khi được xem một tiết mục múa hiện đại của các cháu học sinh bị khiếm thính. Điều đáng khâm phục là để có được tiết mục múa sôi động này, các biên đạo múa của Nhà hát Tuổi trẻ và các diễn viên khiếm thính đã phải rất vất vả, phải rất dày công. Vì với những người bình thường, tập các động tác múa nhuần nhuyễn với nhạc đã khó, thì đối với những người khiếm thính còn khó hơn ngàn lần vì mọi âm thanh và âm nhạc, giai điệu, tiết tấu  đối với họ hầu như vô nghĩa. Đúng hơn, họ múa theo sự ghi nhớ chính xác của từng động tác chứ không nương theo được bất kỳ âm thanh nào.

        Các tiết mục của CLB nghệ thuật tham gia chương trình đã nói lên tình cảm ấm áp của mọi người mong muốn được gửi thông điệp tới toàn xã hội “Hãy kết nối những vòng tay nhân ái để làm vơi đi nỗi đau của những số phận không may mắn”. Đêm nay, chúng tôi cũng chứng kiến nhiều cá nhân và tập thể đến với chương trình đầy ý nghĩa này đã trực tiếp trao tặng tiền và hiện vật để ủng hộ cho “Đoàn nghệ thuật hướng nghiệp từ thiện UIA” bởi đây chính là nơi đỡ đầu cho hoạt động học tập, tham gia sinh hoạt nghệ thuật cho trẻ em khuyết tật, trẻ em là nạn nhân chất độc da cam.

                                            

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
10:29 | 05/02/2013
14:56 | 31/01/2013
11:37 | 31/01/2013
15:27 | 20/11/2012
12:05 | 21/09/2012
11:05 | 21/09/2012
10:26 | 19/09/2012
15:08 | 30/07/2012
20:09 | 09/05/2012
Đăng ký thành viên