Người dân hành động vì môi trường

17:11 | 10/12/2012

Ngày 5/12/2012, tại Hà Nội, Trung tâm Hợp tác và phát triển nguồn nhân lực C&D đã tổ chức Hội thảo cấp quốc gia: “Chia sẻ bài học kinh nghiệm từ Dự án Môi trường và Cộng đồng- Mô hình cải tạo môi trường bền vững có sự tham gia của cộng đồng”. Đại diện các địa phương hưởng lợi từ dự án đã về dự.
Người dân hành động vì môi trường

 

 

Bài, ảnh: Từ Ngọc Lang

Trình bày tổng quan về Dự án Môi trường và cộng đồng, ông Kiều Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm hợp tác phát triển nguồn nhân lực C&D cho biết: Bắt đầu triển khai từ tháng 11/ 2004, đến năm 2012, Dự án môi trường và cộng đồng đã trải qua 8 năm đồng hành cùng người dân của 5 phường (Thanh Xuân Bắc, Thượng Đình, Ô Chợ Dừa, Văn Chương, Quỳnh Mai và 2 xã (Kim Chung, Hải Bối) thuộc TP Hà Nội.

Dự án Môi trường và Cộng đồng với tên gọi đầy đủ là “Các hoạt động thuộc chương trình nghị sự 21 trong các cộng đồng nghèo và thu nhập thấp ở Hà Nội”. Dự án do DANIDA tài trợ và hai tổ chức phi chính phủ là Trung tâm Hợp tác phát triển nguồn nhân lực C&D và Tổ chức tái tạo năng lượng Đan Mạch (OVE) phối hợp thực hiện.

Về mục tiêu tổng thể của Dự án, ông Sơn nêu rõ: Dự án nhằm cải thiện chất  lượng cuộc sống của các cộng đồng nghèo và thu nhập thấp ở Hà Nội. Dự án cũng tập trung vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, đồng thời vận động các tổ chức của quần chúng, các tổ chức phi chính phủ về môi trường và vấn đề giảm nghèo phối hợp thực hiện các hoạt động vì môi trường tại địa phương. Ở cấp địa phương, mục tiêu của Dự án là tăng cường năng lực của các cộng đồng nghèo, thu nhập thấp để xác định, tổ chức và thực hiện cải thiện môi trường trong cộng đồng.

Ảnh hưởng của Dự án cũng đã xác định: Các cộng đồng mục tiêu được cải thiện điều kiện môi trường; ý thức của người dân về bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe cộng đồng được nâng cao; Học hỏi được phương pháp tiếp cận của Dự án và tự tổ chức thực hiện được các mô hình cải tạo ở cộng đồng; Cộng đồng được tham gia, quyết định và hưởng lợi trực tiếp từ các mô hình cải tạo của mình; Các cộng đồng chủ động thuyết phục các cơ quan, tổ chức đoàn thể,cộng đồng khác trên địa bàn cùng tham gia đóng góp kinh phí thực hiện cải tạo.

Chia sẻ ý kiến về quá trình Dự án được triển khai tại địa phương mình, bà Lê Thị Loan, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hải Bối (huyện Đông Anh) nhấn mạnh: Đây là mô hình hết sức mới lạ, khác hẳn các mô hình xây dựng các công trình công cộng từng làm ở xã trước đây. Nếu trước kia người dân chỉ chờ kế hoạch, kinh phí ở trên đưa xuống để thực hiện thì mô hình này lại huy động được tinh thần và công sức, tiền của của cả cộng đồng cùng tham gia. Người dân được tham gia bàn bạc kế hoạch, được quyền lựa chọn đơn vị thi công và được giám sát ở tất cả các khâu. Cùng với sự hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật của Dự án, được chính quyền địa phương quan tâm ủng hộ, nên các công trình được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Những công trình này sau khi đưa vào sử dụng lại được bà con có ý thức bảo vệ, giữ gìn để phát huy hiệu quả lâu dài.

Kết quả mà dự án đem lại cho môi trường cộng đồng và đời sống của người dân nghèo đô thị thuộc phạm vi của Dự án là hết sức cụ thể và tác động sâu sắc tới cộng đồng. Phát biểu tại Hội thảo, bà Hoàng thị Tơ, Chủ tịch Hội phụ nữ phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa)  dẫn chứng: Với cách làm hết sức khoa học, chặt chẽ, sát thực của các cán bộ dự án, nên đoạn đường ngõ 318 Đê La Thành và ngõ 217 Vũ Thạnh- Hào Nam được cải tạo, nâng cấp. Đến nay các đoạn đường trên vẫn được sử dụng tốt, phẳng phiu, sạch sẽ, những khi trời mưa thì nước thoát nhanh.

 Là Giám đốc Trung tâm Phát triển Năng lượng bền vững (VSF) và cũng là người có nhiều năm tham gia Dự án, ông Nguyễn Thường chia sẻ: Có bắt tay vào làm, mới thấy người nghèo ở thành thị có lúc còn khổ hơn người nghèo ở nông thôn. Họ có chỗ ở, dù rất chật chội nhưng thiếu nhà vệ sinh. Dự án đã giúp một số gia đình có công trình vệ sinh khang trang để cải thiện môi trường sống. Với họ, đó là mong ước mà nếu không có sự hỗ trợ của Dự án thì chưa biết đến bao giờ mới có được. Nhưng quan trọng là cách thức làm việc chu trình khi triển khai dự án tại cộng đồng chính là để cho người dân được thực sự thực hiện quyền “dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Người dân sẽ đề xuất cần làm cái gì trước, cái gì làm sau, làm thế nào, dự trù kinh phí bao nhiêu, và giám sát ra sao… đều do chính người dân tham gia và thực hiện. Đó chính là thành công của dự án.

Ông Nguyễn Thường cho rằng cách làm này cần được tiếp tục áp dụng ở mọi địa phương vì nó rất dễ hiểu, dễ làm, có các bước chỉ dẫn cụ thể và chắc chắn sẽ nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng.

“Tôi rất vui khi được nghe ý kiến của các chị phụ nữ xinh đẹp phát biểu tại đây”. Đại diện cho đối tác Đan Mạch OVE, ông Finn Tobisen, Giám đốc tổ chức OVE bày tỏ cảm xúc sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các chị Hội phụ nữ các xã, phường, bởi họ chính là những người trong cuộc. Ông đánh giá cao các ý kiến chia sẻ của các chị cán bộ Hội phụ nữ và ý kiến của ông Nguyễn Thường. Và ông Finn Tobisen phấn khởi khẳng định “Khi tham gia Dự án, người dân sẽ chủ động, trực tiếp bắt tay vào cải thiện môi trường mà không phải thụ động ngồi chờ. Kết quả dự án cũng cho thấy chính quyền ở địa phương đã rất tin tưởng vào Dự án, tin tưởng vào người dân của mình”, ông cũng bày tỏ cảm ơn chính quyền các địa phương cởi mở khi tiếp nhận dự án này để dự án thực hiện được thành công. “Đây chính là dự án của các bạn! Đây chính là thành công của các bạn”,                               

                                                       

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
21:18 | 15/01/2013
17:11 | 10/12/2012
09:06 | 05/10/2012
09:04 | 05/10/2012
08:56 | 05/10/2012
Đăng ký thành viên