Hội thảo: “Bàn giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.”

21:18 | 15/01/2013

Đúng vào dịp 15 năm Nghị định thư Kyoto có hiệu lực ( ngày 11/12/2012), tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tổ chức Hội thảo biến đổi khí hậu toàn cầu và Giải pháp ứng phó của Việt Nam lần thứ III.
Hội thảo: “Bàn giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.”

 


NGỌC LANG (tổng hợp)

Hội thảo do Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA) tài trợ và được tổ chức ngay sau khi Hội nghị lần thứ 18 Công ước Khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-18) vừa kết thúc. Đông đảo các nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp và tổ chức xã hội nhiều địa phương tham gia.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia môi trường, tham gia xây dựng các chủ trương chính sách, các đề án liên quan tới môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH), TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE cho biết: đây là vấn đề sống còn, bức xúc trước mắt và cực kỳ lâu dài. Vì thế, phải huy động sức mạnh của cộng đồng và toàn xã hội, cùng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó là việc nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về  thảm họa BĐKH; đồng thời phải có giải pháp đồng bộ để ứng phó. Từ xây dựng hệ thống luật pháp, hệ thống điều hành thống nhất đến các vấn đề điều phối nguồn nhân lực, tài chính cho các hoạt động liên quan; nhằm khai thác có hiệu quả và bảo vệ nguồn vệ tài nguyên thiên nhiên lâu dài, trong bối cảnh an ninh môi trường đang bị đe dọa do biến đổi khí hậu từ chính con người gây ra. Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Danh Sơn trình bày về những ý tưởng “Cộng đồng khoa học công nghệ Việt Nam với ứng phó biến đổi khí hậu”và ThS. Thân Thị Hiền, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) giới thiệu về kết quả thực nghiệm “Nâng cao khả năng thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai trong phát triển sinh kế và quản lý tài nguyên tại một xã ven biển Hải Phòng.

Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI): Trở thành thành viên của Alliance

 Liên minh Phòng, chống HIV/AIDS quốc tế (International HIV/AIDS Alliance) và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức buổi Lễ (ngày 25/9/2012) công bố kết nạp SCDI là thành viên của Alliance.

Alliance là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế hàng đầu trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS. Alliance hoạt động ở trên 36 quốc gia trên thế giới theo mô hình kết nối với các tổ chức phi chính phủ ở từng nước. Ở mỗi nước, Alliance chọn một đối tác là tổ chức phi chính phủ trong nước, có tầm nhìn, sứ mạng, triết lý cũng như các chiến lược hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS phù hợp. Để có được sự công nhận là tổ chức liên kết và nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của Alliance, SCDI đã trải qua một thời gian thử thách và được đánh giá theo các tiêu chí chuẩn mực của Alliance.


Ông Bacha Phó giám đốc Alliance công bố việc kết nạp tổ chức SCDI là thành viên của Alliance.

Theo Ông Abdelkader Bacha, Phó giám đốc Alliance: “Quá trình đánh giá và xét duyệt SCDI diễn ra hết sức nhanh chóng so với thông lệ bởi ngoài việc đạt các tiêu chuẩn theo đúng quy trình xét duyệt, Alliance còn nhận thấy sự chia sẻ các quan điểm, sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị của SCDI. Chúng tôi cũng rất ấn tượng và quan tâm đến Diễn đàn xã hội dân sự phòng, chống HIV/AIDS (VCSPA) do SCDI hỗ trợ là một diễn đàn có ý nghĩa, đối với sự phát triển hoạt động của xã hội dân sự trong ứng phó với HIV/AIDS”.
         Sự kiện Việt Nam có một tổ chức phi chính phủ trở thành thành viên của Alliance không chỉ là niềm vinh dự và trách nhiệm của SCDI mà còn là của chung các tổ chức xã hội đang hoạt động trong lĩnh vực này. Ông Tony E. Lisle, Giám đốc UNAIDS bày tỏ khẳng định sự hỗ trợ từ phía UNAIDS đối với sự tham gia của xã hội dân sự Việt Nam trong công cuộc phòng, chống AIDS.

-Mạng An ninh lương thực và giảm nghèo ( CIFPEN):

Hội thảo “Kinh nghiệm xây dựng mô hình sản xuất quy mô nhỏ theo hướng bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu”

 

Mạng An ninh lương thực và giảm nghèo đã tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm xây dựng mô hình sản xuất quy mô nhỏ theo hướng bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu”.

 Mô hình nông nghiệp bền vững quy mô nhỏ đang là mối quan tâm của rất nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế trong bối cảnh Biến đổi khí hậu toàn cầu và nguy cơ khủng hoảng lương thực luôn tiềm ẩn. Ở Việt Nam, tổ chức AAV cũng đã rất quan tâm đến mô hình này. Trong mấy năm qua, các mô hình nông nghiệp bền vững quy mô nhỏ được nghiên cứu, triển khai thực hiện ở rất nhiều chương trình của AAV, nhất là ở Hòa Bình. AAV đã hỗ trợ mạng CIFPEN thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu, hội thảo và vận động chính sách về nông nghiệp bền vững.

Bằng các nỗ lực của mình, trong nhiều năm qua các thành viên của mạng CIFPEN đã xây dựng thành công nhiều mô hình NNBV và đã thực hiện việc tài liệu hóa các mô hình này. Cuốn sách “Mô hình nông nghiệp bền vững” được biên soạn và xuất bản với sự hỗ trợ của AAV vừa là thành quả vừa là minh chứng cho các hoạt động trên.

 Tuy nhiên các mô hình NNBV của mạng CIFPEN đang nằm rải rác ở nhiều địa phương và chưa thực sự được hoàn thiện theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc này đã chưa gây được tác động lớn trong việc học tập, trao đổi kinh nghiệm và chưa đủ sức thuyết phục trong vận động chính sách.
Hoạt động này nhằm tập trung hóa và hoàn thiện (Theo hướng thích ứng với BĐKH) các mô hình NNBV đã thành công của mạng CIFPEN trong phạm vi 2-4 xã tại huyện Hà Trung, Thanh Hóa nhằm tạo ra sự tương tác giữa các mô hình và gây tác động rõ nét đến việc học tập, trao đổi kinh nghiệm đồng thời nâng cao sức thuyết phục trong vận động chính sách về NNBV quy mô nhỏ và xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh BĐKH.  Tham gia vào quá trình xây dựng mô hình là các đơn vị thành viên của mạng CIFPEN đã có mô hình NNBV thành công. Trong đó tập trung vào các tổ chức: Hội làm vườn Thanh Hóa, Trung tâm Nghiên cứu phát triển Cộng đồng Nông thôn CCRD; Trung tâm Dân số Môi trường và Phát triển PED và Trung tâm Tư vấn Truyền thông và Phát triển CDCC.

Hoạt động đã xây dựng cách tiếp cận xây dựng mô hình NNBV quy mô nhỏ tuân thủ các nguyên tắc và phương châm sau: Hỗ trợ phát triển đồng thời nhiều mô hình trong 1 địa bàn. Dự án sẽ chọn các xã có điều kiện và mong muốn hợp tác với xây dựng mô hình, trong mỗi xã người dân sẽ có quyền chọn dự án.

Theo ý tưởng ban đầu về các loại mô hình mà CIFPEN dự định hỗ trợ, người dân trong xã dự án có quyền chọn mô hình mà họ cho là cần thiết và phù hợp với điều kiện hiện có của gia đình họ. Từ trước đến nay cách tiếp cận “Dự án chọn hộ” tham gia, thì trong dự án này thực hiện phương pháp tiếp cận mới “Hộ chọn các hoạt động của Dự án”.  Người dân là người chủ thực sự của các mô hình, dự án chỉ hỗ trợ kỹ thuật, vật tư dựa theo điều kiện và hoàn cảnh của từ hộ.

Dự án sẽ thực hiện theo phương châm chiến lược: Hỗ trợ hoàn thiện các mô hình hiện có để làm cho mô hình ấy trở thành bền vững; Chỉ hỗ trợ mô hình mới khi người dân thấy cần và đủ điều kiện cơ bản khả thi để áp dụng và họ có quyền lựa chọn. Nguyên tắc này vừa đảm bảo tính bền vững, vừa tạo ra sự tham gia với tư cách người chủ thực sự của mô hình.

Đây là cách tiếp cận mới mà CIFPEN đang nỗ lực thực hiện để có thể tổng kết thành bài học kinh nghiệm có giá trị.

 

 

“Phương pháp từ người dân đến người dân” của CSEED:

CSEED (Trung tâm Phát triển Kinh tế- Xã hội và Môi trường Cộng đồng) là một tổ chức phi chính phủ độc lập của Việt Nam, hoạt động phi lợi nhuận, được thành lập theo Quyết định số 77/QĐ-LHH ngày 17/1/2006 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).

          Trung tâm CSEED do các cán bộ, nhân viên trong Ban Phát triển Cộng đồng của CIDSE Việt Nam - Tổ chức Hợp tác Quốc tế vì sự Phát triển và Đoàn kết (Coopération Internationale pour le Développement et la Solidarité) thành lập. Đây là một phần của quá trình nâng cao năng lực và chuyển giao vai trò quản lý chương trình cho tổ chức phi chính phủ Việt Nam sau 27 năm hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển của CIDSE Việt Nam. Điều này phù hợp với mục tiêu dài hạn của CIDSE là: xây dựng năng lực địa phương trong quản lý phát triển bền vững.

 

 

CSEED thực hiện nguyên tắc phát triển bền vững của CIDSE, thử nghiệm, triển khai những sáng kiến và hướng đi mới nhằm góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo tại Việt Nam, hỗ trợ các cộng đồng nghèo tại các vùng miền núi, xa xôi hẻo lánh nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi giúp đỡ họ có khả năng tự huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực của mình và môi trường một cách bền vững.

Với việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, cộng đồng nghèo và bị thiệt thòi sẽ nâng cao năng lực và vị trí của mình trong một xã hội công bằng và đạt được sự phát triển bền vững.

Do vậy, CSEED đã xác định sứ mệnh của mình là: Tạo điều kiện cho cộng đồng nghèo và bị thiệt thòi phát triển năng lực để có thể quản lý các chương trình kinh tế và bảo vệ môi trường thông qua: Hỗ trợ cộng đồng trong việc xây dựng và quản lý các chương trình, dự án phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; Củng cố năng lực người dân và của các tổ chức tại cộng đồng;  Triển khai thí điểm các sáng kiến, mô hình phát triển và nghiên cứu nhân rộng; Tham gia vận động Chính phủ và nhà tài trợ trong việc hoạch định và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế và môi trường.

Đa dạng hóa nguồn sinh kế cho nông dân tại vùng trọng điểm của chương trình nhằm tạo thêm nguồn thu nhập cho họ và giảm tình trạng thiếu ăn, và các rủi ro trong môi trường tự nhiên và xã hội. Thực hành phương pháp tiếp cận có sự tham gia kết hợp với việc phát huy dân chủ cơ sở khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân trong quá trình phát triển, từ khâu lập kế hoạch, triển khai, giám sát, đánh giá và báo cáo các kế hoạch phát triển của địa phương tại cấp thôn và cấp xã.

 

“Phương pháp từ người dân đến người dân” nhằm nâng cao năng lực cho những người dân chủ chốt thành lực lượng nòng cốt để nhân rộng kiến thức về quản lý và kỹ thuật sản xuất đồng thời nâng cao các kỹ năng liên quan.

 

 

 

 

 

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
21:18 | 15/01/2013
17:11 | 10/12/2012
09:06 | 05/10/2012
09:04 | 05/10/2012
08:56 | 05/10/2012
Đăng ký thành viên