Chùa Một Cột - Bông Sen ngàn cánh tỏa hương cho đời

21:23 | 15/01/2013

Tính tới nay, Chùa Diên Hựu – Một Cột (quận Ba Đình, Hà Nội) đã có tuổi đời 963 năm lịch sử. Theo phong thủy nó gắn liền với sự duy trì mạch khí quốc gia. Một vinh dự làm nức lòng mọi người dân và Phật tử nước ta: Vừa qua tại Faridabad (Ấn Độ), Tổ chức Kỷ lục châu Á đã quyết định công nhận chùa Một Cột là “ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á”. Ngày 12/11/201`2 (29 tháng 9 năm Nhâm Thìn) tại Chùa Một Cột tiến hành trọng thể lễ đón nhận Cúp và trao bằng công nhận kỷ lục châu Á.
Chùa Một Cột - Bông Sen ngàn cánh tỏa hương cho đời

 



Bài và ảnh: Trương Thị Kim Dung

 

* Hóa giải kỳ diệu về trấn yểm long mạch

Đây là ngôi Quốc tự độc đáo bậc nhất của nước ta nằm ở phía Tây của khu vực tử cấm thành Thăng Long. Theo phong thủy nó gắn liền với sự duy trì mạch khí quốc gia. Vì vậy, trong việc quy hoạch xây dựng kinh đô, vương triều Lý và các triều đại kế tiếp đều đặc biệt coi trọng vị thế phong thủy của bông sen ngàn cánh này.

Sự tạo tác chùa Một Cột được khởi nguồn cảm hứng từ giấc mộng của vua Lý Thái Tông (1028-1054): Thấy Phật Bà Quan-Âm ngồi trên đài hoa sen, mời vua lên đài. Khi tỉnh dậy, vua nói lại với triều thần. Có người cho là điềm gở, nhưng nhà sư Thiền Tuệ thì khuyên vua nên xây chùa. Vua cho dựng cột đá giữa hồ, xây đài hoa sen có tượng Bồ-Tát Quan-Thế-Âm ở trên, đúng như hình ảnh vua đã thấy trong mộng. Các nhà sư chạy đàn chung quanh, tụng kinh cầu sống lâu, nhân đó đặt tên chùa là Diên Hựu. Hàng tháng cứ Rằm, mồng Một vua đến đặt lễ cầu phúc. Có thể nói, từ hình ảnh ảo diệu trong giấc mộng vua Lý Thái Tông đã biến nó  thành hình ảnh hiện hữu trong đời sống văn hóa tâm linh dân tộc.

Cảm hứng từ giấc mộng là một thứ tâm lý nghệ thuật của các dân tộc Á Đông nhằm đề cao sự linh ứng của các đấng thiêng liêng và tinh thần hướng thượng của chúng sinh.

Nhưng vấn đề cần giải mã ở đây là: giấc mơ của vua Lý Thái Tông liên quan đến việc xây dựng chùa Một Cột lại nảy sinh vào năm 1049 chứ không phải thời điểm khác?

Trên thực tế, chùa Một Cột từng xuất hiện rất sớm trong lịch sử, căn cứ vào Văn bia chùa Một Cột (Nhất trụ tự bi) khắc ngày 15 tháng 6 năm Cảnh Trị thứ ba (1665), đời Lê Huyền Tông: “Nước Việt ta xưa trong thành Long Biên có một cái hồ hình vuông. Năm đầu niên hiệu Hàm Thông đời Đường, dựng một cái cột đá giữa hồ, trên cột xây một tòa lầu ngọc, trong đó đặt tượng Quan âm để thờ cúng. Khí đất chung đúc anh linh, cầu gì được nấy. Đến triều Lý xây dựng Kinh đô ở đây cũng noi theo dấu cũ, ngày càng sùng kính, nên càng linh thiêng”.

Có điều long huyệt đã bị Cao Biền trấn yểm trước đó hai thế kỷ “y sai đóng cột đồng vào đấy, cắt đứt long mạch vì cho chỗ ấy là sườn Rồng”.

Giải quyết việc trấn yểm càng trở nên vấn đề bức xúc khi vua Lý Thái Tông tuổi đã cao chưa có người nối nghiệp “đêm nằm mộng thấy đến thôn Nhất Trụ, thấy vị Quan âm Bồ Tát gọi vua bảo: “Đất này rất linh, cột đồng làm thương tổn đến long mạch đã lâu, nên kịp hủy bỏ đi thì vận nước lâu thêm mấy đời nữa”.

Nếu tính từ thời điểm định đô (mùa Thu năm Canh Tuất 1010) của vua Lý Thái Tổ đến năm 1049 vua Lý Thái Tông cho xây dựng chùa Một Cột, có thể thấy triều Lý đã an vị ở Thăng Long được 39 năm và bước đầu đã làm nên một số kỳ tích nhưng với tầm nhìn chiến lược lâu dài thì những nhà lãnh đạo nòng cốt, tối cao còn muốn làm đất nước hưng vượng hơn gấp bội kể cả vật chất lẫn tinh thần. Chính vì thế mà triều đình và các Thiền sư luôn bên nhau trong việc hoạch định và giải quyết các vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia. Đó cũng là sự kế tiếp sứ mệnh đưa Đạo vào Đời của Quốc sư Vạn Hạnh (ngài trụ trì tại chùa Tiêu - Từ Sơn, Bắc Ninh). Tư tưởng của Quốc sư Vạn Hạnh đã ảnh hưởng sâu xa và quyết định phần lớn cho tinh thần giới lãnh đạo suốt triều đại nhà Lý khi vận dụng sự tập thành Thiền - Mật, thần toán, phong thủy và sấm vĩ, làm lợi khí cho những hành động bảo vệ chủ quyền dân tộc, quốc thái dân an. Chuyện sư Thiền Tuệ khuyên vua Lý Thái Tông xây chùa thêm một minh chứng cho điều đó…

Việc vua Lý Thái Tông mơ về Liên hoa đài và Phật Bà Quan Âm chỉ là cái cớ “trời xui đất khiến” để Nhà Lý xóa bỏ tận gốc sự trấn yểm long huyệt kinh thành của Cao Biền - tượng trưng cho ách nô dịch áp bức của các thế lực ngoại xâm đồng thời tiến hành những cải cách nâng cao ý thức tư tưởng  độc lập tự chủ, lẽ công bằng, bác ái trong đời sống cộng đồng.

Vương triều Lý đã xây dựng một quốc gia tiến bộ vượt trội, khác hẳn các triều đại Ngô-Đinh-Tiền Lê trước đó và chùa Một Cột đã xuất hiện một cách độc đáo trong cái tinh thần tiến bộ toàn diện đó.

*Sự hợp sáng và lan tỏa

Diện mạo chùa Một Cột thời Lý gồm Liên Hoa Đài (đài Hoa Sen), mỗi chiều 3m, mái cong dựng trên một cột hình trụ xây giữa hồ vuông. Tầng trên của cột là hệ thống những đòn gỗ làm giá đỡ cho ngôi đài ở trên cột vươn cao lên khỏi mặt nước trồng toàn sen. Thông qua nhiều tài liệu cổ cho biết chiếc cột thần kỳ cao tới 20m, trong đó có bia “Sùng Diện Linh” ở chùa Long Đọi (Hà Nam) do Binh bộ Thượng thư Nguyễn Công Bật đã mô tả và ghi chép tỷ mỷ việc xây dựng quần thể di tích văn hóa tâm linh này: “Mở cửa chùa Diên Hựu tại vườn tây. Dấu vết theo quy mô thủa trước, lo toan Thánh ý ngày nay. Đảo hồ thơm Linh Chiểu, giữa hồ trồi lên cột đá. Trên cột đá có một cánh hoa sen ngàn cánh xoè ra. Trên hoa dựng ngôi đền đỏ sẫm. Trong đền đặt pho tượng sắc vàng, ngoài hồ có hành lang bao bọc. Ngoài hành lang lại có hồ Bích Trì, bắc cầu cong đi lại, ở sân trước hai cầu bên tả hữu xây bảo tháp lưu ly...

Nhìn lại lịch sử kiến trúc chùa chiền nước ta thì thấy từ thời nhà Đinh đã dựng cột đá khắc kinh Đà-la-ni gọi là cột “nhất-trụ” để cầu tuổi thọ, cầu cho vận nước dài lâu. Kiến-trúc ngôi chùa Một Cột của Nhà Lý cũng chịu ảnh hưởng nhưng quy mô lớn hơn và có sự cách điệu, biến tấu độc đáo gợi hình tượng một bông sen ngàn cánh tượng trưng cho trí tuệ viên mãn, tâm hồn thanh cao, sống nơi bụi trần đầy danh lợi mà không bị những thứ ô uế cám dỗ. Cột đá độc nhất vút lên hoành tráng với chiều cao 20m giữa hồ biểu hiện cho tư tưởng độc lập, tự chủ và tín ngưỡng phồn thực về nguồn sống vũ trụ, về âm dương hòa hợp (Lin Ga - Ioni). Ngôi chùa hình hoa sen mọc lên từ hồ nước thể hiện sinh động tinh thần kiên cường phấn đấu âm thầm để loại trừ dục vọng, tự kiến tánh thành Phật của các bậc Thiền sư và cũng là phương tiện giáo hóa chúng sinh. Và hình tượng Phật Bà Quan âm - tượng trưng vi diệu cho tinh thần nhân ái, vị tha cao cả.

Triều đình vua Lý Thái Tông và các Thiền sư đã “hóa giải” đòn yểm khá nặng của Cao Biền và nêu cao tinh thần Từ bi - Trí tuệ bằng việc xây chùa Một Cột.

Kiến trúc chùa Một Cột đã dung hòa các hệ phái tư tưởng (Phật-Lão-Nho) và tín ngưỡng dân gian bản địa, hội tụ đầy đủ biểu tượng Chân-Thiện-Mỹ. Có thể nói chùa Một Cột thể hiện một tinh thần hợp sáng và độc lập của quốc gia thời Lý.

 Hình ảnh thiêng liêng này đã ăn sâu vào tâm thức, tâm linh cộng đồng dân tộc và trở thành động lực có sức lan tỏa rất lớn trong đời sống “Trải qua ba, bốn triều đại, đều nối tiếp nhau dựa trên cơ sở cũ sửa sang thêm và được hưởng phúc như cát sông Hằng. Hàng năm cứ đến ngày 8 tháng 4 âm lịch, vua lại tới chùa làm lễ tắm Phật. Các nhà sư và nhân dân khắp kinh thành cùng dự lễ. Sau lễ tắm Phật là lễ phóng sinh, vua đứng trên một đài cao trước chùa thả một con chim bay đi, rồi nhân dân cùng tung chim bay theo trong tiếng reo vui của một ngày hội lớn”.

Nếu các triều đại trước đây của nước ta chỉ tồn tại vương triều được vài đời thì đến Nhà Lý sau các cuộc trấn yểm long mạch hết sức cẩn trọng, chu đáo và xây dựng, phát triển có tầm chiến lược đã tồn tại 215 năm (1010-1225 ) với 9 đời vua-đạt kỷ lục lâu dài nhất trong lịch sử đấu tranh và xây dựng nền độc lập nước nhà sau ngàn năm Bắc thuộc.

 

BOX: Dấu thiêng chùa Một Cột tồn tại đến nay do được các bậc vua chúa quan lại và dân chúng các triều đại quan tâm tu bổ. Ngày 28/4/1962 Bộ Văn hóa đã xếp hạng  là "Di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia". Ngày 4/5/2006, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa là “Kỷ lục Việt Nam”. Ngày 10/10/2012, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập kỷ lục châu Á: “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất” cho chùa Một Cột. Tự hào và phấn khởi Đại đức Thích Tâm Kiên (trụ trì chùa Diên Hựu – Một Cột) cho biết: “ Nhân dịp ngôi quốc tự Một Cột được  phong danh “Kỷ lục châu Á và được thế giới biết tới nhà chùa  tổ chức lễ đón nhận danh hiệu trang trọng ngay tại chính sân chùa để đồng bào và Phật tử trong ngoài nước đến  dự và chung vui. Sau sự kiện trọng đại này tất thảy tâm nguyện đều mong các cấp chính quyền đặc biệt là  UBND quận Ba Đình và các cơ quan chức năng thúc đẩy nhanh Hội thảo khoa học về Dự án tu bổ, tôn tạo  chùa Một Cột (ước tính 32 tỷ 200 triệu đồng) để xứng tầm và  hài hòa với cảnh quan xung quanh của thủ đô Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến”

 

 

 

BACK TO PREVIOUS PAGE
Member Register