Hội thảo "Văn Hóa, Nghệ thuật và Phát triển – đóng góp của nghệ sỹ cho phát triển" - Khuấy động những tiềm năng

20:29 | 09/05/2012

Nhằm chia sẻ những kinh nghiệm của các dự án có liên quan tới Nghệ thuật, văn hoá và phát triển; tạo một diễn đàn thảo luận và trao đổi giữa các tổ chức xã hội, các tổ chức độc lập và các nghệ sỹ để xây dựng một xã hội sáng tạo, sôi động, toàn diện và bền vững tại Việt Nam; Quỹ Hợp tác và Phát triển (C&D Foundation) kết hợp với các nghệ sĩ của Liên hoan âm thanh Hà Nội, các tổ chức, các doanh nghiệp tổ chức Hội thảo "Văn Hóa, Nghệ thuật và Phát triển – đóng góp của nghệ sỹ cho phát triển". Nội dung Hội thảo tập trung vào 3 vấn đề chính sau đây:
Hội thảo "Văn Hóa, Nghệ thuật và Phát triển – đóng góp của nghệ sỹ cho phát triển" - Khuấy động những tiềm năng

Phổ Minh (tổng thuật)

1. Hướng tới nhóm cộng đồng, đặc biệt là nhóm thiệt thòi

  • Bà Đỗ Thuý Lan – Giám đốc Trung tâm Sao Mai

Trung tâm Sao Mai được thành lập cho trẻ khuyết tất và tự kỷ. 10 năm đầu chúng tôi rất khó khăn vì không Nhà nước hỗ trợ về kinh phí. Khi tham gia dự án của anh Trí Minh, điều tôi quan tâm nhất là các em sẽ được trị liệu bằng phương pháp âm nhạc. Chúng tôi đã nhiều lần mời các nghệ sĩ đến biểu diễn và các em đã tham gia dù còn ngây ngô. Chúng tôi rất mong âm nhạc, nghệ thuật giúp Trung tâm chúng tôi, để các em được hưng phấn hơn, được phát triển về trí tuệ.

 

  • Bà Đinh Thị Vân Chi – Phó hiệu trưởng trường Đại học Văn hoá Hà Nội

Vai trò của người nghệ sĩ đối với phát triển xã hội là không thể phủ nhận nhưng tôi băn khoăn liệu bao giờ các anh sẽ đào tạo học trò, nối tiếp các anh đặc biệt với những người khó có cơ hội làm nghệ thuật chuyên nghiệp, khó tiếp cận với các anh? Vậy làm sao để người nghẹ sỹ lan tỏa giá trị nghệ thuật của mình không chỉ tới môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp mà tới môi trường công chúng rộng rãi. Trường chúng tôi có thể làm công cụ cho các anh mở rộng, đưa nghệ thuật cao cấp gần hơn với các học viên và công chúng.

  • Nghệ sỹ Đào Anh Khánh:

Trước đây, nhìn những bức tranh miền Tây Bắc thì tôi thấy phong cảnh thiên nhiên rất đẹp nhưng khi đi làm từ thiện, tôi mới thấy được bức tranh thực cũng đẹp nhưng vô cùng buồn, thấy rằng còn nhiều người nghèo cần giúp đỡ. Ví dụ có gia đình 5 con, bán 2 đứa để nuôi 3 đứa còn lại nhưng trong nhà cũng không có đồ đạc gì có giá trị tới 20 nghìn đồng. Nhìn thấy cảnh như vậy, với tư cách nghệ sĩ, tôi thấy cần phải đưa cộng đồng của mình giúp đỡ cho những người nghèo bằng cách tổ chức các hoạt động thường niên như Đáo xuân. Các nghệ sĩ tham gia hoạt động với tôi sẽ thêm động lực vì giúp đỡ được những người nghèo khác.

  • Ông Paul Zetter – Giám đốc trung tâm Emsemble Films/Creations

Bài thuyết trình của tôi bắt đầu bằng câu hỏi: Liệu bạn có sẵn lòng gác lại các câu chuyện của mình để giúp những người khác nói lên câu chuyện của họ? Có sẵn lòng tạo lập một dự án dựa trên các câu hỏi thay vì dựa trên các câu trả lời không? Văn hóa và phát triển là như thế nào? Có sẵn sàng học những kỹ năng để sáng tạo không? Làm sao để những người tham gia dự án, người tổ chức đánh giá trân trọng và muốn tham gia vào các hoạt động?

Chúng tôi tốn nhiều công sức để khuyến khích sự sáng tạo của các đối tượng giúp họ bớt quan tâm đến bản thân và biết chia sẻ với người khác.

 Với những người khó khăn trong việc giao tiếp, chúng tôi tổ chức những games show để họ phát triển kỹ năng của họ. Hay với các giáo viên trường phổ thông ở Lim (Bắc Ninh), ai cũng có thể thành nghệ sĩ nếu họ có  kỹ năng để cùng tham gia.

Chúng tôi đã đưa dự án của chúng tôi đến nhiều nơi tưởng như rất khó thực hiện. Điển hình là trường hợp cô Hương từ một huyện của Thanh Hoá đã tham gia dự án của chúng tôi và đã được sang thăm phòng Thị trưởng của Anh, được ký vào sổ lưu niệm.

  • Bà  Thúy Anh – Chủ tịch Quỹ C&D

Mọi người ở đây đều có quan tâm chung, đều hướng tới nhóm cộng đồng, đặc biệt là nhóm thiệt thòi. Từ kinh nghiệm của chúng tôi, chúng tôi đã và đang hỗ trợ rất nhiều các mạng lưới. Và chúng tôi có thêm niềm tin qua chia sẻ của anh Khánh và ông Paul là nghệ thuật, văn hóa đang có cơ hội tiếp cận đến người thiệt thòi. Và tôi nghĩ rằng chắc chắn các tổ chức phát triển, các nhà tài trợ sẽ hỗ trợ các nghệ sỹ trong việc thực hiện các hoạt động có ý nghĩa này.

 2. Quan trọng là phải tạo cho người nghèo điều kiện để phát triển.

Tuy nhiên, việc ủng hộ người nghèo cũng không phải luôn thuận lợi. Không phải chúng ta cứ mang tiền để đưa cho người nghèo. Khó khăn chúng tôi gặp phải nhiều lúc là từ tư tưởng của cộng đồng do làm từ thiện hiện nay có rất nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh vì không ít trường hợp đã lợi dụng từ thiện để mưu lợi cá nhân.

Tự tin về bản chất, mục đích, việc làm của mình khi làm từ thiện  nên tôi vượt qua được những thử thách đó.

Khó khăn nữa là việc tổ chức, phải báo cáo với các cấp chính quyền, tổ chức đi lại, hoặc không phải cứ mang tiền vật phẩm trao là xong vì nhiều phản ánh rằng người được hỗ trợ sẽ ỷ lại. Quan trọng là phải tạo cho họ điều kiện để phát triển.

 

  • Nghệ sĩ Trí Minh – Giám đốc Liên hoan Âm thanh Hà Nội:

Một trong những hoạt động của Hanoi Sound Stuff là tổ chức các hoạt động, festival hướng tới xã hội. Tôi cũng gặp nhiều khó khăn nhưng nhận thấy cần phải xây dựng khán giả của mình tham gia festival. Một trong số đó là trường trẻ em cơ nhỡ Ba Vì. Ngoài ra, tôi còn hợp tác với Trung tâm Sao Mai – một tổ chức phi lợi nhận để hướng dẫn, dạy cho các em. Đây là một hướng phát triển mới nhưng lâu dài. Ngày hôm nay, với sự phối hợp với Quỹ C&D là một sự khởi đầu tốt đẹp trong chuỗi hành động của chúng tôi.

 

  • Bà Trần Tố Loan - Giám đốc đối ngoại Micronet:

Tôi ủng hộ quan điểm là không phải chỉ đưa tiền. Tôi đã có làm việc với 1 số doanh nhân xã hội, đã tạo ra mạng micro-dream để thông tin tới các nhà làm từ thiện. Người nghệ sỹ hãy tận dụng những ảnh hưởng của những người nổi tiếng hoặc lập quỹ chứ không tự phát, tự đi làm tự thiện.

3. Tạo sự liên kết, quảng bá cho các nghệ sĩ

  • Nghệ sỹ Đào Anh Khánh:

Để khai thác nghệ thuật phát triển thực sự thì môi trường và con người tự nhiên làm cho hoạt động nghệ thuật sinh động hơn, gần gũi hơn rất nhiều.. Với ý nghĩ đó, hơn chục năm qua, các hoạt động nghệ thuật của tôi là sự cân đối giữa nghệ thuật, nghệ sĩ trong nước và nước ngoài để nghệ thuật có đẳng cấp, tinh túy nhưng đối tượng tham gia vào các hoạt động của tôi không phụ thuộc lứa tuổi, tầng lớp văn hóa.

Tôi rất mong muốn đưa nghệ thuật đương đại gần gũi với thiên nhiên và con người hơn. Tôi đã làm việc trực tiếp với nhiều người chưa làm nghệ thuật. Tôi chưa bao giờ có một học trò nào nhưng tôi luôn đứng vào vị trí của người thầy thực sự khi đứng vào vị trí tổ chức sự kiện. Tôi mong muốn có buổi nói chuyện về kinh nghiệm của mình với các trường, các Trung tâm có quan tâm để truyền ngọn lửa, truyền phương pháp khi làm nghệ thuật.

  • Bà Almuth meyer Zollitsch - Giám đốc viện Goethe:

 Chúng tôi cố gắng đưa ra góc nhìn mới về hiện tượng sinh thái thông qua nghệ thuật, như đã mời 17 nghệ sĩ tham gia triển lãm nghệ thuật về chủ đề bảo vệ môi trường sinh thái vào ngày 12/4 ở Bảo tàng Mỹ thuật; đồng thời hướng tới đối tượng trẻ, sinh viên để hướng họ có ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt với vấn đề biến đổi khí hậu là mối hiểm họa ở Việt Nam

  • Bà Trần Tố Loan - Giám đốc đối ngoại Micronet:

Chúng tôi hiện đang quy hoạch 36 mạng, trong đó có mạng micro-art. Hiện nay, đời sống nghệ sĩ có rất nhiều khó khăn và đang thiếu sự liên kết. Vì vậy, chúng tôi tạo sự liên kết, quảng bá cho các nghệ sĩ. Người nghệ sĩ lao động nghệ thuật, phải được ghi nhận xứng đáng. Ở Việt Nam chúng ta còn khó trong tìm giải pháp truyền thông, đừng tổ chức quá nhiều sự kiện offline mà có thể mở trên mạng.

  • Bà Thuý Anh – Chủ tịch Quỹ C&D:

Hiện nay có rất nhiều mạng như mạng lưới an ninh lương thực, biến đổi khí hậu… nhưng chưa có sự kết nối vì mỗi nhóm thường tổ chức hội thảo riêng. Chúng ta cần có mạng lưới liên kết. Chúng ta mong muốn đời sống và tri thức văn hoá được nâng cao, được nối tiếp. Việc lựa chọn, xây dựng phương pháp suy nghĩ, các luồng tư tưởng khác nhau về nghệ thuật là rất quan trọng. Với công cụ truyền thông nhu micro-art, đó là sự đóng góp, hỗ trợ cho xã hội.

  • Ông Paul Zetter – Giám đốc trung tâm Emsemble Films/Creations:

Tôi nghĩ nghệ thuật giúp xóa bỏ rào cản khác nhau trong xã hội. Nghệ thuật có vị trí không thể chối bỏ trong xã hội. Chúng ta phải nhìn nhận quá trình làm việc của nghệ sỹ, họ có thể đóng góp rất nhiều cho xã hội, truyền lại cho thế hệ sau – những người cùng đam mê. Chúng ta cũng có thể huy động doanh nhân tham gia vào việc phát triển, giúp đỡ cộng đồng.

  • Nghệ sỹ Trí Minh – Giám đốc Liên hoan Âm thanh Hà Nội:

Việc tạo ra network, tôi có thể đứng ra làm đầu mối trong thời gian đầu. Hy vọng trong tháng tiếp theo, tôi có thể tạo ra những tiền đề, những hoạt động liên quan đến công tác phát triển. Tôi xin cảm ơn Quỹ C&D đã phối hợp, hỗ trợ tổ chức buổi hội thảo hôm nay, cảm ơn các tổ chức văn hóa, các nghệ sỹ, các diễn giả đã đến tham dự và chia sẻ.                                                              

 

BACK TO PREVIOUS PAGE
Member Register