Bác Hồ với di sản văn hóa dân tộc - Tình yêu và tầm nhìn minh triết

20:01 | 09/05/2012

19 năm qua (1993 - 2012) Việt Nam đã có 15 Di sản được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới trong đó có 5 di sản văn hóa vật thể (Cố đô Huế, Phố Cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ) và 5 di sản văn hóa phi vật thể (Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, Không gian văn hóa Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Lễ hội Gióng - đền Sóc, mộc bản triều Nguyễn, 82 bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, Hát Xoan Phú Thọ) và 2 di sản thiên nhiên (động Phong Nha - Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long). Có được niềm vinh dự, tự hào đó là do kết quả cả một quá trình bền bỉ xây dựng, gìn giữ, phát triển nền văn hóa dân tộc của bao thế hệ suốt hàng ngàn năm lịch sử, đặc biệt trong thời đại mới này có công lao đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác Hồ với di sản văn hóa dân tộc  - Tình yêu và tầm nhìn minh triết

Trương Thị Kim Dung

Chỉ sau hơn hai tháng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 23/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65 - một trong những sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước dân chủ nhân dân, trong đó điều 4 có ghi: “Bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, cấm phá hủy đình, chùa đền, miếu, các cổ vật thành, quách, lăng, mộ, chiếu sắc, văn bằng… có ích cho lịch sử”. Đủ thấy Người đã thấu triệt rất sớm giá trị vật chất, giá trị tinh thần của các di sản, coi đó là những báu vật kết tinh tư tưởng tài năng sáng tạo của dân tộc, dấu ấn để minh chứng và khẳng định bản sắc văn hóa quốc gia Đại Việt - Việt Nam. Việc ký sắc lệnh ấy thể hiện rất rõ tình yêu tổ quốc và tầm nhìn chiến lược của nhà lãnh đạo uyên bác.

Cũng ngay sau khi đất nước giành độc lập, ngày 13-9-1945 Người đã về Đền Đô (Đình Bảng - Từ Sơn - Bắc Ninh) thắp hương tri ân các vị vua của vương triều Lý và  những bậc tiền nhân có công dựng nước, giữ nước. Nhân đó, Bác căn dặn mọi người “lễ cốt ở lòng thành” và động viên toàn dân tham gia kháng chiến để bảo vệ những thành quả bao đời truyền lại.

Năm 1951, Người cũng đã ra chỉ thị phục hồi vốn cổ dân tộc. Nhờ vậy mà một số loại hình nghệ thuật truyền thống ở các địa phương trong nước được phục hồi, các đoàn nghệ thuật sân khấu như Đoàn Tuồng Liên khu V, Đoàn Chèo Trung ương, Đoàn Dân ca Liên khu V, Đoàn Cải lương Nam bộ được thành lập để phục vụ nhu cầu tinh thần của nhân dân, động viên toàn dân, toàn quân đẩy mạnh công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc. Năm 1957 Bác Hồ và Nhà nước ta đã cử một đoàn nghệ sĩ biểu diễn giới thiệu nghệ thuật Tuồng ở Liên Xô. Mỗi khi tiếp khách quốc tế, bao giờ Bác cũng cho mời đoàn Tuồng hoặc Chèo đến biểu diễn để phục vụ khách quý đồng thời giới thiệu các bộ môn nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Sau các buổi diễn, Bác thường chân tình góp ý chỗ hay, chỗ dở, động viên tinh thần yêu nghề của các nghệ sĩ. Trong các dịp lễ, tết, Bác thường đến thăm các khu văn công ở Hà Nội, tặng kẹo cho các nghệ sĩ, thăm hỏi tình hình sức khỏe, công tác và động viên anh chị em nghệ sĩ nỗ lực sáng tạo nhiều hơn, tốt hơn.

Trong Hội nghị Cán bộ văn hóa ngày 30/10/1959 Bác đánh giá: “Những câu tục ngữ, câu vè, ca dao rất hay là những sáng tác của quần chúng, những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý”. Bác luôn quan tâm nhắc nhở các ngành, các địa phương phải cố gắng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc: “Nghệ thuật của cha ông hay lắm, tốt lắm, phải cố gắng giữ gìn; hoặc: “Việc khai thác vốn cũ dân tộc nên làm nhanh. Có trước mới có sau, có cũ mới có mới”; “Đã là người Việt Nam không được quên những khúc hát dân ca”. Trong lần tiếp chuyện nhà văn Đức Irênê phabe - người đã dịch truyện Kiều sang tiếng Đức, Bác Hồ nói: “Nguyễn Du là nhà thơ cổ điển vĩ đại của chúng tôi… Những người cộng sản chúng ta rất quí trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn nguồn cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê Nin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”.

Người thuộc lòng và thường viện dẫn  “Chinh phụ ngâm”, “Truyện Kiều”, những câu hò, lời ca, điệu ví quen thuộc, vốn rất đặc trưng tiêu biểu cho văn nghệ dân tộc vào những trường hợp cụ thể một cách chân tình, cảm  động.

Khi đón Tổng thống Inđônêsia, Bác lẩy Kiều “Bây giờ mới gặp nhau đây/Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên”. Hôm tiễn ngài Xu Các Nô lên máy bay về nước, Bác lại đọc “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm”. Khi viết bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Bác đã vận Kiều “Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Thu - Đông năm 1950, khi đi công tác trong chiến dịch biên giới Bác đã đọc “Chinh phụ ngâm” nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn, do Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm dịch, cho các chiến sĩ, cán bộ cùng đi nghe: “Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt/Khói Cam tuyền mờ mịt thức mây/Chín lần gươm báu trao tay/Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh”.

Suốt gần nửa thế kỷ đến khi trở thành lãnh tụ của dân tộc Bác vẫn nhớ đinh ninh những làn điệu, những câu hát dân gian ở quê nhà. Bác thường nói: "Lúc còn nhỏ Bác nghe nhiều cụ ở Nghệ An hát ví phường vải và các điệu dân ca Nghệ - Tĩnh rất hay". Có một lần đoàn văn công quân khu IV đến thăm và biểu diễn cho Bác xem, diễn viên hát điệu ví đò đưa với câu mở đầu "Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục..." hoặc câu hát ru “Ru em em ngủ cho muồi…” thì  Bác sửa lại theo đúng giọng điệu dân gian địa phương: "Ở Nghệ An người ta gọi là nác chứ không phải là nước và gọi em là tam và ngủ là théc”.  Một diễn viên khác hát điệu hò khoan, nhưng sau mỗi câu lại không có người hát xen hưởng ứng, Bác liền bảo: "Các cháu không hò khoan theo à?".

Cho đến phút trước khi giã biệt cuộc đời, Bác Hồ vẫn tha thiết được nghe một câu hò Huế, một khúc ví dặm, một làn điệu Quan Họ.

Với sự am hiểu tường tận nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như dân ca, âm nhạc, hội họa, thơ ca cổ điển… Người cho rằng, văn hóa dân tộc là vốn quý, là chìa khóa và bệ đỡ cho nền văn hóa một nước. Phải biết nâng niu, quý trọng văn hóa dân tộc mới có khả năng khai thác và phát triển nó lên.

Bác từng căn dặn văn nghệ sĩ phải tôn trọng, giữ gìn và phải “phát triển cho hết cái hay, cái đẹp của dân tộc”, “phải xóa bỏ triệt để những cái cũ phiền phức, phát triển những cái cũ mà tốt, phải triệt để làm những cái mới và hay, phải giữ gìn thuần phong, mỹ tục, phải tẩy sạch những gì mà giáo dục thực dân để lại...”. Bác khuyên: “Thanh niên phải chịu khó học. Âm nhạc của dân tộc ta rất độc đáo. Tuy đã đi nhiều nước trên thế giới nhưng Bác vẫn nhớ các câu hát của dân ta. Ta có nhiều câu hát dân ca hay lắm. Bây giờ phải khai thác và phát triển nó lên. Thanh niên, phải làm nòng cốt tiếp thu và phát triển âm nhạc dân tộc”. Theo Bác cải biên các bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc là nhu cầu tất yếu để nghệ thuật tiếp cận với thời đại mới nhưng cải biên phải có sự kế thừa, chọn lọc chứ không được “gieo vừng ra ngô”.

Cùng với việc dặn dò những nhiệm vụ cách mạng, Bác còn rất quan tâm tới di sản vật thể. Ngày 19/8/1962 lần thứ hai, về thăm Đền Hùng thắp hương Đền Thượng thăm mộ Tổ Hùng Vương, Bác nhắc các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm, đẹp đẽ thành công viên cho con cháu sau này đến tham quan”. Lần thứ hai Bác Hồ về thăm Đền Đô là ngày 17-12-1955. Người dịch nghĩa tấm bia “Cổ Pháp điện tạo bi” ghi lịch sử triều Lý do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan soạn dựng năm 1604, căn dặn nhân dân phải bảo tồn di tích và khi có điều kiện thì sẽ xây dựng lại Đền Đô.

Trong tâm trí của nhân dân ta, hình ảnh Bác đọc bia ở chùa Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) và chiêm ngưỡng tượng đồng An Dương Vương ở đền thờ Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội) đã trở thành biểu tượng trân trọng hướng về cội nguồn, tô thắm thêm truyền thống ngàn năm văn hiến dân tộc…

BACK TO PREVIOUS PAGE
Member Register