Những nghệ sĩ dấn thân Vì Dân

11:35 | 23/07/2012

Buổi trình diễn âm nhạc ngoài trời đêm Hà Nội dành cho trẻ khuyết tật tự kỷ dẫn chúng tôi trở về với Hà Nội đầu thế kỷ XX. Tiếng dương cầm rót nhẹ bên thềm dưới trăng mơ. Tiếng đàn thập lục, tỳ bà hoang hoải gió sông Hồng. Rộn rã chứa chan thanh âm Hà Nội phố ngày thường hôm nay...
  Những nghệ sĩ dấn thân Vì Dân

                                Phóng sự của Nguyễn Hạnh Mai

 

        Quỹ Hợp Tác & Phát Triển kết nối những nghệ sĩ tâm huyết, tự nguyện dấn thân Vì Dân, đã có nhiều buổi biểu diễn thú vị dành cho người nghèo, yếu thế.

          Xuân 2012. Các nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng Trí Minh, Thanh Lam, cùng các nghệ sĩ Nhật Bản, Đức, Vương Quốc Anh, Áo, Đan Mạch… nắm tay trẻ tự kỷ của Trung tâm Sao Mai, dẫn các em lên sân khấu cùng cất tiếng hát “Mơ một thế giới chứa chan, tràn ngập tình yêu”.

         Buổi trình diễn âm nhạc ngoài trời đêm Hà Nội dành cho trẻ khuyết tật tự kỷ dẫn chúng tôi trở về với Hà Nội đầu thế kỷ XX. Tiếng dương cầm rót nhẹ bên thềm dưới trăng mơ. Tiếng đàn thập lục, tỳ bà hoang hoải gió sông Hồng. Rộn rã chứa chan thanh âm Hà Nội phố ngày thường hôm nay.

        Nhạc sĩ Trí Minh tiên phong mời gọi các bạn tâm huyết trong, ngoài nước, dâng hiến những buổi hòa nhạc sang trọng, phong cách châu Âu và dòng nhạc điện tử mới lạ, hòa âm thanh đường phố Hà Nội thân thương tặng  chúng tôi những giây phút lắng hồn cùng âm nhạc của hiện tại.

         Chúng tôi đi tìm Trí Minh đang lẫn trong dòng chảy âm thanh Hà Nội. Trí Minh là ai?

              

        Trí Minh & CD Chuyện Tình Hà Nội

Trí Minh

        Nhạc sĩ Trí Minh sinh năm 1972, là con trai nhạc sĩ, đại tá quân đội Thuận Yến, mẹ là nghệ sĩ âm nhạc dân tộc Hồ Thị Thanh Hương. Hai chị em Thanh Lam và Trí Minh lớn lên trong âm nhạc trữ tình và dân gian Việt hòa quyện những đêm sâu Hà Nội.

      Nếu chị Thanh Lam nổi tiếng theo dòng nhạc trữ tình. “Âm nhạc là cái thực và cái ảo” cất lên từ trái tim chân thành của nghệ sĩ. Thanh Lam “Ước ao hướng tới một thứ âm nhạc thần thánh, hát trên nỗi buồn, niềm vui và trên cả những khát vọng tầm thường”

      Thì em trai Trí Minh lại một mình tự do đi tìm con đường âm nhạc riêng của mình. Không lặp lại cha, mẹ và chị.

      Trí Minh nói:

      - Tôi là người thích phá vỡ mọi rào cản. Âm nhạc của tôi thể hiện điều ấy. Tuổi trẻ tôi may mắn được sống trong thời đất nước mở cửa 1986- 1990. Xóa sổ gạo. Mọi người tự do xuống phố kiếm sống, mở hiệu phở, tiệm café... Quần áo không còn một màu xám xịt. Phụ nữ Hà Thành mặc áo dài truyền thống và mặc váy, tô môi son.  Tôi được tiếp nhận một luồng không khí mới ùa tràn trong lòng người, mái phố. Tôi tự hỏi mình phải làm gì? Phải sống ra sao?

     Năm 1990 tốt nghiệp khoa sáng tác Nhạc viện Hà Nội, với cây đàn organ Trí Minh đã chơi nhạc Jazz kiếm sống trong các hiệu phở, quán café bình dân, tắm mình trong cuộc sống Hà Nội ngày thường đang trỗi dậy. Cùng bạn nhạc sĩ trẻ nhìn ra thế giới, anh bắt gặp dòng nhạc mới, âm nhạc điện tử xuất hiện tại Hà Nội. Năm 1999, Trí Minh say mê tự mình khám phá và sáng tạo âm nhạc điện tử. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, lúc đầu, anh lấy âm nhạc truyền thống làm chất liệu, nối vào máy vi tính, trộn âm thanh theo kiểu thụ động. Dần dần anh nghiên cứu việc phối hợp âm thanh đường phố Hà Nội, hòa trộn âm nhạc phương Tây, làm ra những bản nhạc của Trí Minh, vừa quen vừa lạ.

    Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Pháp 1999, Trí Minh biểu diễn những bản nhạc điện tử của mình. Nhiều bác Việt Kiều khóc “Cảm ơn em đã cho chúng tôi sống lại âm thanh, đường phố Hà Nội tại Paris”.

    Trí Minh bắt đầu xông pha vạn dặm. Châu Âu. Bắc Âu. Châu Úc. Châu Mỹ…Phương Tây. Chân trời mở. Thế giới mở. Thế giới phẳng. Trí Minh lăn lộn hòa nhập vào cuộc sống cùng nhân loại. Anh vừa học, vừa làm mọi công việc để sống và sáng tạo âm nhạc mới. Ra thế giới Trí Minh có cái nhìn tương phản để quay lại tìm mình. Mình là ai? Việt Nam là ai? Nhiều đêm trống rỗng, mất hướng, nghĩ suy… Trí Minh bừng tỉnh. Không thể giống ai được. Mình phải là chính mình. Người nước ngoài tôn trọng mình bởi mình có nhân cách tâm hồn Việt Nam hoàn thiện. Phải quay ngược lại tìm bản sắc văn hóa Việt Nam. Tâm hồn Việt Nam. Trở về nguồn cội. Nhưng bản sắc Việt Nam là gì? Không phải là câu hỏi dễ.

    Phải tự trải nghiệm. Suy tư. Lột xác. Tìm mình. Chuyển hóa và Phát triển.

   Âm sắc Việt Nam. Con người Việt Nam. Không gian âm nhạc Việt Nam. Nếu mình chỉ đào mới mãi truyền thống, sẽ xáo mòn. Phải phát triển và hòa nhập thế giới trên cái nền bản sắc con người Việt Nam.

      Trí Minh dồn sức sáng tạo trên con đường thể nghiệm dòng âm nhạc điện tử. Hòa nhập quốc tế. Cuộc sống đã thay đổi. Không gian mở. Tư duy mở. Âm nhạc điện tử là của hôm nay. Minh Trí hòa mình cùng môi trường âm nhạc thế giới. Giao lưu Đông Tây. Âm nhạc đa thanh. Đa dạng. Âm nhạc đa chiều chuyển tải đa thông điệp về xã hội, nâng con người tự do bày tỏ ý kiến của mình.

      Trí Minh say đắm dâng hiến dòng âm nhạc hiện đại đó cho giới trẻ Việt Nam. Sau năm năm miệt mài trải nghiệm, tháng 9- 2011, Trí Minh sáng tạo CD âm nhạc điện tử Chuyện Tình Hà Nội- Hanoi love Stories gồm mười bản nhạc tràn đầy lãng mạn nhạc Jazz, lắng sâu, tĩnh tâm thiền thanh tịnh, đậm hồn Hà Nội.

      Chuyện Tình Hà Nội nhạc sĩ Minh Trí tiếp cận âm nhạc đương đại, mở rộng không gian âm nhạc với những âm thanh đường phố Hà Nội, pha trộn nét nhạc Đông- Tây và dân gian tinh tế. Tình yêu Hà Nội, tình yêu đôi lứa hiển hiện trong tiếng vận động của con người, xe cộ, tiếng chim, tiếng cỏ cây cựa mình, tiếng mưa đêm, tiếng côn trùng, tiếng rao đêm, tiếng trò chuyện đa thanh, đa giọng điệu… Là âm thanh Hà Nội ngày thường hôm nay, như cuộc sống đang mở ra từng ngày. Những nét nhạc trữ tình sâu lắng, gợi sắc tím bằng lăng, hoa phượng đỏ sân trường, bóng áo dài trắng thướt tha tình tứ, không hẹn, những chàng trai nhẹ bước lên đường, ấp ủ những câu chuyện tình lãng mạn xuyên năm tháng.

   Trí Minh giờ đây đi khắp nơi trong ngoài nước, kể Chuyện Tình Hà Nội bằng âm nhạc điện tử. Những câu chuyện tình Hà Nội không bao giờ im lặng. Nó luôn vang lên những âm thanh bất tận của cuộc sống với vui buồn, bi kịch của những thế hệ người Hà Nội. 

    Công chúng Việt Nam và quốc tế đón nhận Chuyện Tình Hà Nội trong sự cởi mở của xã hội. Nhóm bạn chơi nhạc dân tộc và cổ điển của Trí Minh tổ chức nhiều Festival Hanoi Sound Stuff trong ngoài nước. Trí Minh đã trình diễn cùng các nhạc sĩ nổi tiếng thế giới: Robert Henker (Đức), Robin Scanner (Anh), Dickson Dee (Trung Quốc) tại các nước Đan Mạch, Anh, Mỹ, Bỉ, Ba Lan, Trung Quốc, Tây Ban Nha…

   Trí Minh khám phá âm thanh Hà Nội trong đa chiều cuộc sống. Anh tiên phong kết nối các nghệ sĩ dấn thân Vì Dân như Đào Anh Khánh, nhà làm phim Paul Zetter hướng tới cộng đồng nghèo, nhóm người thiệt thòi yếu thế… mong hiến dâng trái tim nghệ sĩ cho Văn hóa và Phát triển.

 

        Đào Anh Khánh- Năng lượng bốc cháy

      Bất ngờ. Trí Minh cho tôi gặp nghệ sĩ Đào Anh Khánh. Tôi hơi choáng trước anh chàng thanh mảnh, mũi cao, gương mặt nhang nhác nữ, mặc bộ xanh lá chuối bó chẽn, giây khóa xích bạc quấn loảng xoảng, tóc đen xõa như dân da đỏ. Tôi tự nhủ không biết mình có thể trò chuyện được với chàng trong mấy phút? Tôi thuộc diện ở ẩn nên không biết nghệ sĩ Đào Anh Khánh được bạn nước ngoài phong tặng “tổ sư của người điên”.

      Đầy nhạy cảm, Đào Anh Khánh lập tức xưng tên tuổi, khai lý lịch nghề nghiệp đã qua, bố mẹ, quê quán, vợ cũ, vợ mới, những người tình Tây ta, các con… như người diễn chèo hỏi “Ta ra đây có phải xưng danh không nhỉ”.

     - Có chứ! Anh hùng, quân tử, hề hoạn, quan chức, dân thường… bất cứ ai ra công chúng làm bất cứ trò gì, đều phải chính tắc, đường hoàng xưng danh tính, để tỏ rõ trách nhiệm cá nhân của mình trước cộng đồng.

    Đào Anh Khánh sinh năm 1959 tại Hà Nội, quê Thái Bình. Anh học đại học Công an, làm công an theo dõi văn hóa tại Sở Công An Hà Nội từ khi ra trường đến năm ba mươi tư tuổi, thì bùng hiện con người nghệ sĩ.

     Đào Anh Khánh kể về “sự điên” của mình như khối năng lượng bùng cháy, sau khi sổ lồng khỏi Sở Công An Hà Nội.

     Khánh mê vẽ. Học đại học Mỹ thuật. Tự triển lãm tranh trong nước, quốc tế, châu Âu, Mỹ. Bán tranh. Mua nhà đất vùng khỉ ho cò gáy, sáng tạo không gian nghệ thuật. Khánh là một trong những nghệ sĩ tự do đầu tiên của Việt Nam làm nghệ thuật mới. Kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật: hội họa, điêu khắc, sắp đặt, múa, hát, trình diễn… tạo ra những buổi biểu diễn nghệ thuật khổng lồ ngoài trời, trước hàng nghìn công chúng. 

    Đào Anh Khánh dùng tiền bán tranh đầu tư vào các công trình biểu diễn phi lợi nhuận, tạo cơ hội bùng phá đời sống nghệ thuật mới đa chiều, đa phương cho cộng đồng rộng lớn, những người ít tiền, được thưởng thức nghệ thuật. Phần lớn dân nghèo không thể vào Nhà Hát Lớn Hà Nội nghe nhạc, xem vũ kịch, ba- lê…

     Từ 1998 đến nay, mỗi năm Đào Anh Khánh tổ chức bảy, tám cuộc biểu diễn nghệ thuật ngoài trời, không bán vé, hàng nghìn người đã tham dự trong niềm hứng khởi. Các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế biểu diễn từ thiện trong những cuộc do Khánh mời. Năm 2010, kỷ niệm Thăng Long nghìn tuổi, anh tổ chức ba sự kiện (Hội tụ Ánh Sáng, Cầu Âm Thanh, Cây Đời) gây ấn tượng lớn trong ngòai nước.

      Con đường đê xanh mướt cỏ dại Ngọc Thụy- Long Biên- Gia Lâm- Hà Nội, ánh sáng bừng tỏa màn đêm, hai mươi nghệ sĩ đương đại Việt Nam và quốc tế, biểu diễn âm nhạc đương đại nổi tiếng trên cây Cầu âm Thanh dài hai trăm mét. Ánh sáng lan tỏa và hội tụ, tỏa dòng âm thanh đa chiều tới khoảng mười lăm nghìn người cùng khổ.

      Đêm Hội Tụ Ánh Sáng trình diễn nghệ thuật sắp đặt, tạo nên hình tượng Hà Nội cổ được đúc trong khối thủy tinh hóa thạch, chiếu sáng một vùng rộng lớn với hai mươi nghệ sĩ trong ngoài nước, hai mươi cách biểu hiện Ánh Sáng.

     Đêm Cây Đời, hội tụ Dòng Chảy Nghìn Năm, trình diễn nghệ thuật tổng hợp: sắp đặt, ánh sáng, múa, video, điêu khắc, âm nhạc… do chính Đào Anh Khánh và các nghệ sĩ trong ngoài nước trình diễn, thu hút khoảng ba mươi nghìn người dân vào cuộc vui bất tận.

       Một báo điện tử nước ngoài bình chọn sự kiện Dòng Chảy Nghìn Năm là hiện tượng số một về văn hóa nghệ thuật 2010.

      Với sức sống nghệ sĩ cháy bùng tầm quốc tế như vậy, Đào Anh Khánh thường xuyên đi khắp thế giới, cùng các nghệ sĩ năm châu bốn biển trình diễn. Khánh cởi trần nhảy múa. Những màn múa nude thánh thiện, táo bạo, đầy hương vị đất trời, Đào Anh Khánh đã truyền tải nhân sinh quan của mình tới nhân loại: “Nghệ thuật không giới hạn. Sức mạnh tinh thần không giới hạn”.

      Một phụ nữ Thụy Điển đã cưới anh làm chồng, sau khi Khánh ly hôn. Đào Anh Khánh sống thân thiện với nhiều người các dân tộc trên trái đất.

      Tại Hà Nội, Đào Anh Khánh mặc bộ chẽn xanh, vẽ mặt nửa xanh, nửa trắng, múa quằn quại vươn mình như một cái cây vươn lên đón nhận sự sống, bất chấp bom đạn, mưa bão, sấm sét… trước đường phố Hà Nội, khiến nhiều người sửng sốt. Có lần anh bị bắt khi đang biểu diễn múa lửa… Khánh khai trước đồn công an: “Tôi mơ Hà Nội có một đời sống văn hóa đường phố bằng những hoạt động nghệ thuật dân dã trên đường phố”.

      Dưới tán lá xanh café mùa hạ Đào Anh Khánh say sưa kể với tôi về dự án nghệ thuật Thung Lũng Gầm Trời  sẽ diễn ra vào ngày 24- 2- 2019 tại khu vườn rừng Hòa Bình gần mười ha sở hữu của anh. Khánh nói:

   - Hằng năm ngày 24- 2 sinh nhật mình, tôi thường tổ chức biểu diễn nghệ thuật mang tên “Đáo Xuân” đãi dân nghèo. Tôi sinh ra để làm nghệ thuật. Trời sinh mình có tố chất nghệ sĩ, phải bùng cháy trong từng khoảnh khắc. “Đáo Xuân” với nghệ thuật mới, với ngôn ngữ của thân thể mình, tôi chuyển tải thông điệp về con người: “Cuộc đời mỗi người chỉ được sống một lần. Hãy làm những công việc mình thích”.

      Ngày 24- 2- 2019 tôi làm “Đáo Xuân” lần thứ mười. “Mười năm trong một ngày”. Công trình “Thung Lũng Gầm Trời” tôi muốn đem đến cho Việt Nam một không gian nghệ thuật rộng lớn, mở đến khổng lồ, độc đáo, đa chiều, đa phương, hòa trộn cùng thiên nhiên, ở tầm vóc quốc tế.

      Việc này rất khó. Tốn công sức, tiền, thời gian. Tôi tự nhủ: “Hãy vượt lên hoàn cảnh. Vượt lên chính mình. Làm những điều mình thích”.

       Đào Anh Khánh và những cuộc trình diễn nghệ thuật của anh bùng cháy năng lượng sống bất tận của con người. Khánh đã chinh phục được đông đảo người dân Việt Nam và thế giới với những thông điệp thức tỉnh con người vui sống. Sống hết mình. Sống là mình trong mọi hoàn cảnh.

       Một trưa hè 2012. Đào Anh Khánh mời tôi và các bạn thăm hang động của anh ở Ngọc Thụy- Gia Lâm. Một ngôi nhà sàn trong khu vườn rậm như rừng. Nơi đêm và ngày Đào Anh Khánh vẽ tranh, điêu khắc, múa hát, làm thơ…

       Tranh siêu thực của Đào Anh Khánh màu đỏ bã trầu, màu máu khô, gợi thân hình thiếu nữ với thơ:

         “Vượt sóng em về miền đất hứa

          Chỉ nghe hơi thở vườn địa đàng”

      Những hình tượng linga được sắp đặt trong vườn rậm rì đầy muỗi. Những ám ảnh tính dục mang tinh thần tôn giáo trong nghệ thuật mới của Đào Anh Khánh là sự bùng nổ sức sống bên trong, năng lượng bên trong vô tận của con người hòa vũ trụ.

      Đào Anh Khánh bằng nội lực sung mãn của chính mình thông qua nghệ thuật mới, thức gọi mọi con người hãy trở về với chính mình, hòa thiên nhiên và bùng cháy lên sức sống mãnh liệt của Con Người.

 

 

BACK TO PREVIOUS PAGE
Member Register