Ánh Sáng Giáo Dục Cho Trẻ Tự Kỷ

18:24 | 30/05/2012

Tôi gặp lại bác sĩ Đỗ Thuý Lan sau gần chục năm xa. Vẫn gương mặt dịu dàng, ánh nhìn thân thiện và phong độ trẻ trung của “Một tâm hồn bác sĩ tựa bài thơ” mà tôi yêu ngày xưa ấy...
Ánh Sáng Giáo Dục Cho Trẻ Tự Kỷ

                                                           Vũ Minh Đức

      Tôi gặp lại bác sĩ Đỗ Thuý Lan sau gần chục năm xa. Vẫn gương mặt dịu dàng, ánh nhìn thân thiện và phong độ trẻ trung của “Một tâm hồn bác sĩ tựa bài thơ” mà tôi yêu ngày xưa ấy.

Bác sĩ Thuý Lan rời các chức vụ tại Bệnh viện tâm thần Châu Quì, Mai Hương (Hà Nội) nghỉ hưu. Nhưng ngót mười năm qua, chị chưa nghỉ trọn một ngày. Chị ngày đêm chăm lo, săn sóc, mang Ánh Sáng Sao Mai buổi sớm dịu dàng toả mát tâm hồn con trẻ khuyết tật tự kỷ, nhiều năm sống trong bóng tối của giáo dục.

Chị tự thành lập Trung tâm Sao Mai lần đầu tiên đưa khái niệm giáo dục trẻ tự kỷ, thay thế việc trị bệnh bằng thuốc. Sao Mai khám phát hiện sớm và chăm sóc trẻ em khuyết tật trí tuệ- tự kỷ, soi sáng tâm hồn, trí khôn, khả năng hành động, giao tiếp của các em.

Trẻ tự kỷ biểu hiện ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi, nhận thức, kỹ năng sống… kém nhiều so với trẻ bình thường. Các em không được chăm sóc, dạy dỗ sớm sẽ dẫn đến những đau khổ tâm thần và khó thích nghi với cuộc sống ngày thường.

Bác sĩ Lan tâm sự:

Tôi nhiều năm khám bệnh tâm thần, gặp rất nhiều trẻ kém phát triển tâm vận động. Các em bị qui chụp là bệnh nhân tâm thần. Bác sĩ kê đơn chữa như với bệnh tâm thần. Năm 1992, sang Hà Lan học chương trình chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, tôi vỡ ra, trẻ tự kỷ phải được phát hiện sớm, chăm sóc, giáo dục, dạy các em thêm trí khôn trong thế giới tâm vận động, không phải là bệnh nhân của bệnh viện tâm thần. Xót xa thương bé thơ tự kỷ khuyết tật bẩm sinh, tôi trình bày hiểu biết của mình với nhà nước, xin lập cơ sở dạy trẻ tự kỷ. Không ai chấp nhận đề nghị của tôi.

Tôi tự tổ chức nhóm chăm sóc trẻ tự kỷ theo tri thức mình học được. Năm 2004 nghỉ hưu, tôi lập Trung tâm Sao Mai phi lợi nhuận, khẳng định mô hình giáo dục trẻ tự kỷ. Chuyên gia nước ngoài biết Sao Mai mang lợi ích cho trẻ tự kỷ, đã chung tay giúp sức. Nay Sao Mai có cơ ngơi khang trang, hằng ngày dạy 250 trẻ tự kỷ từ 6- 16 tuổi, với gần một trăm cô giáo chuyên nghiệp. Nguồn tài trợ của nước ngoài giảm do nước ta tuyên bố không còn nghèo đói, Sao Mai nỗ lực hoạt động tự trang trải kinh phí.

Tôi hỏi bác sĩ Thuý Lan:

  • Dạy trẻ tự kỷ rất khó, nhiều em nói không thành lời, có em nhút nhát không giao tiếp, có em lóng ngóng không làm được một việc gì tự phục vụ mình… Sao Mai giáo dục các em theo phương pháp nào?
  • Chúng tôi dựa vào phương pháp giáo dục đặc biệt. Sử dụng các ảnh, biểu tượng. Phương pháp cá nhân hoá. Mỗi trẻ một chương trình riêng. Sắp xếp lớp học theo tuổi khôn (em bốn tuổi đời, nhưng trí khôn bằng đứa hai tuổi). Sắp xếp lớp theo bệnh (đao, bại não) học với nhau. Mỗi cô giáo dạy năm, sáu cháu, hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết, dạy cách cầm thìa, bê bát, cách phát âm, vui chơi cùng trẻ, và viết giáo án hằng ngày. Mục đích giáo dục là can thiệp sớm để tăng cường kỹ năng sống cho các cháu tự làm việc, phục vụ mình và trong gia đình, bớt gánh nặng cho cuộc sống: lau nhà, rửa bát, đặt nồi cơm điện, đi chợ, trông em, thêm khả năng hoà nhập cộng đồng, giao tiếp, ứng xử… Cô giáo được tuyển vào Sao Mai phải có lòng yêu trẻ thiết tha, tự nguyện, được đào tạo chuyên nghiệp. Hằng năm Sao Mai có 70- 80 ra hoà nhập xã hội. Sao Mai mở rộng môi trường sống cho trẻ tự kỷ. Dẫn các em tham quan, vui chơi ngoài trời,  mở quán Café cho trẻ lớn giúp việc và thực hành lao động, giao tiếp…Sao Mai từng ngày đem lại ánh sáng trí tuệ cho trẻ khuyết tật tự kỷ. Các gia đình thấy con mình khôn lớn từng ngày, niềm vui khôn tả. Mô hình dạy trẻ tự kỷ lan toả trong xã hội. Sao Mai góp phần đào tạo giáo viên và cấu trúc mô hình giáo dục cho nhiều nơi xa Hà Nội.

        Xuân 2012. Các nghệ sĩ nổi tiếng Trí Minh, Thanh Lam, cùng các nghệ sĩ Nhật Bản, Vương Quốc Anh, Áo, Đan Mạch… nắm tay trẻ tự kỷ Sao Mai, dẫn các em lên sân khấu cùng cất tiếng hát “Mơ một thế giới chứa chan, tràn ngập tình yêu”.

      Bác sĩ Thuý Lan dồn hết tình thương trí tuệ cho Sao Mai. Chị bận suốt ngày, tháng khác, thăm khám, quản lý, chăm sóc, truyền ánh sáng giáo dục cho trẻ tự kỷ, cứu các em thoát khỏi bóng tối giáo dục, thức tỉnh những người vô cảm. Không vướng bận lợi danh, tiền tài, chị hiểu giá trị sống của đời người theo Phật dạy:

Sống

Sống không giận

Không hờn không oán trách

Sống mỉm cười với thử thách chông gai

Sống vươn lên

Theo kịp ánh ban mai

Sống chan hoà

Với những người chung sống

Sống là động

Nhưng lòng luôn bất động

Sống là thương

Nhưng lòng chẳng vấn vương

Sống là yên vui

Danh lợi mãi coi thường

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.

 

     

BACK TO PREVIOUS PAGE
Member Register