Tình Yêu Màu Nhiệm

10:51 | 23/07/2012

Đêm đêm. Hà Nội chìm vào giấc ngủ. Võ y vẫn thức. Ông cầm bút viết văn: “Đời làm thầy thuốc, tôi đã cứu nhiều bệnh nhân thập tử nhất sinh, nhưng chưa bao giờ tôi dâng trào niềm hạnh phúc lớn như hôm nay. Tình yêu đẹp của Phương Chín đã giúp tôi thêm nghị lực tìm ra được phương thuốc hay và tiếp tục tự tin vững bước trên con đường Y Học Cổ Truyền Nhiệm Màu”.
Tình Yêu Màu Nhiệm

 

            Tình Yêu Màu Nhiệm                                       

                                              Truyện Ngắn của Mai Thục

      

                 

             Đêm về khuya.

             Hà Nội chìm trong giấc ngủ mệt mỏi.

             Võ y thao thức.

        Ông thao thức một đời tìm phương “Thuốc Nam cứu người Nam”. Lời Thánh y Tuệ Tĩnh thức gọi ông. Từng đêm. Từng đêm. Quá nửa đời xiêu dạt. Bão giông. Chết đi sống lại.

            Bỗng chuông điện thoại di động reo.

            Tiếng gọi giữa đêm.

            Tiếng con người kêu cứu.

      Giọng thân thương của nhà văn họ Võ vang lên:

-         Ông đọc báo Thanh Niên chưa?

-         Dạ chưa. Em vừa lên vườn thuốc Lai Châu về.

-         Một chuyện tình cảm động quá ông ạ.

        Nhà văn vội đặt máy. Cắt bài báo Fax cho võ y.

       Đọc xong, ông xúc động miên man. Thật lạ kỳ. Sao lại có chuyện tình yêu phi phàm giữa thời buổi đồng tiền sôi động và nóng bỏng thế này!

        Võ y ôm ngực đau đớn thốt thầm: “Đồng tiền nung chảy những trái tim. Tình yêu ơi! Tìm tình yêu ở nơi đâu.”

       Rồi võ y đọc bài báo kể chuyện tình yêu phi phàm có thật:

         “Chú bộ đội Trương Văn Chín quê Tiền Giang. Đóng quân Đồng Nai. Chàng gặp nàng. Nguyễn Thị Phương quê Tân Kỳ- Nghệ An, làm thợ may một Công ty Đồng Nai. Họ gặp nhau trong trạm y tế, cùng khám chữa bệnh. Rồi thương. Rồi nhớ. Khắc khoải đêm ngày. Và yêu.

       Tình yêu chín dần. Hai nhịp tim quấn quyện. Nhưng rồi. Phương rất buồn. Nỗi buồn từ nghìn xưa quằn quại. Nỗi buồn những thế kỷ cha ông, nòi giống, xâm chiếm tâm hồn và thân thể nàng.

        Căn bệnh dày xéo. Đau đớn. Phương phải nghỉ việc để điều trị.

        Chín dốc tiền cạn túi. Chạy đi chạy lại, tìm cách chữa cho Phương. Vô hiệu.

        Sự tuyệt vọng về sức khoẻ. Tình yêu. Sức sống. Đã tới. Nó công khai phơi bày trên phiếu chẩn đoán lâm sàng của Bệnh viện Chợ Rẫy. Phương bị u tuỷ. Khối u ở trong đốt sống ngang vai đang lớn dần. Nguy cơ nàng bị liệt tứ chi.

        Bác sĩ phẫu thuật bóc khối u. Sau hai lần mổ. Đinh nẹp găm đầy cột sống, Phương vẫn đau đớn toàn thân và tê liệt bất động từ ngang ngực trở xuống, ăn uống phải nhờ người bón.

        Thương mình một. Thương chàng mười. Phương lặng lẽ từ biệt Chín về quê.

        Chín liêu xiêu khắp các bệnh viện Sài Gòn đông chật như nêm tìm Phương. Đêm đêm. Chín thức gọi người yêu: “Phương ơi! Em ở đâu? Em ở đâu? Anh không bỏ em. Phương ơi!”.

       Chín buồn rầu. Chịu không nổi. Chàng xin xuất ngũ. Chàng lang thang tìm nàng khắp nẻo đường đời. “Phương ơi! Em ở đâu?”

        Chín lần mò về Tân Kỳ- Nghệ An. Một vùng quê nghèo khó, xa xôi hẻo lánh từ thượng cổ. Nó vẫn vậy.

        Chín gặp Phương. Nàng chỉ còn lại đôi mắt đẫm tình. Toàn thân teo tóp. Đau đớn quại quằn. Phải có người xoa bóp, nâng ăn uống, vệ sinh.

        Chín nghẹn ngào thương. Đâu rồi Phương xinh tươi, ăn nói hoạt bát, ấm áp, dịu hiền?

       Chín không thể bỏ Phương trong cảnh ngộ khốn cùng. Anh ở lại chăm sóc Phương, là hộ lý đặc biệt.

       Bệnh tình hiểm hóc. Của cải trong nhà đội nón ra đi. Chín cùng gia đình Phương bới đất cấy trồng kiếm tiền mua thuốc và nuôi dưỡng Phương.

        Ba năm dằng dặc. Buồn thương. Đau khổ. Tuyệt vọng. Chín vẫn thuỷ chung như nhất. Tình yêu vượt sang tình người. Tình đồng loại. Đạo làm Người.”

        Võ y thao thức đêm sâu. Khoảng ba giờ sáng, ông gọi điện cho nhà văn:

        - Em tính rồi bác ạ. Sáng mai ta vào Nghệ An. Em

cho cả xe cứu thương, bác sĩ, y tá vào cùng, đón Phương ra bệnh viện Bảo Long. Nhà ấy sạt nghiệp vì con gái rồi.

        - Biết đâu nhờ kinh nghiệm sâu rộng và sự mát tay phục dược của ông, lại chữa trị thành công đấy.

         Chiều thôn Nghệ An. Mờ khói lam. Cái xóm nhỏ Nghĩa Dũng, có ngôi nhà cấp bốn của Phương chật kín người. Họ không thể ngờ. Có một lương y nổi tiếng về tận hang cùng, xóm vắng, đón bệnh nhân hiểm nghèo, khốn khó về Hà Nội chữa miễn phí.

         Phương nằm liệt trên chiếc giường nhỏ nhà ngang. Tay chân teo như ống sậy, da xanh bợt, nhăn nhúm, em gắng mỉm cười chào quí nhân.

         Võ y bắt mạch, tiêm thuốc trự lực cho Phương. Truyền hơi ấm tình yêu đồng loại. Tình thương con người.

         Ông quay ra nói với Chín:

          - Tôi nhận em vào làm việc ở Tập đoàn Bảo Long,

chế độ như cán bộ công nhân viên. Nhiệm vụ của em là chăm sóc Phương thật tốt.

        Xóm thôn lặng đi vì xúc động. Nhiều người dân nghèo cảm kích nói:

         - Biết đâu điều kỳ diệu sẽ xảy ra.

         Nhà văn họ Võ từng chứng kiến tình yêu người bệnh

 của võ y đã cứu sống nhiều ca thần diệu, đứng cạnh Chín động viên:

         - Cứ yên tâm. Sang năm Phương khoẻ lên, Bảo Long

sẽ tổ chức đám cưới cho. Đã có hàng chục đám cưới của bệnh nhân được tổ chức trang trọng tại Bảo Long đấy.

        Nói vậy thôi. Nhưng bụng nhà văn hơi run. Khó tin

        Phương khoẻ lên được.

        Trên đường về Hà Nội nhà văn bần thần hỏi võ y:

        - Liệu chữa được không?

        Võ y trầm ngâm hồi lâu, thở dài

        - Tôi biết muộn quá. Nhưng còn nước còn tát. Điều

làm tôi hy vọng đó là khát vọng sống và tình yêu thương đặc biệt của đôi trai gái này.

          Tại Bảo Long Đường. Phương và Chín được sống trong tình thương yêu cảm mến không chỉ từ các thầy thuốc mà tràn ngập khắp vùng.      

          Võ y bắt đầu chẩn trị với phương châm tăng cường thể lực, khai thông sự bế tắc kinh lạc, giúp Phương khoẻ lên và bớt đau đớn. Với kinh nghiệm điệu trị tiêu tan túi dịch hình thành sau phẫu thuật đốt sống chấn thương của vận động viên Lê Thị Huệ, ông dùng thuốc “Mộc Long” là chủ đạo nhằm tiêu những tế bào u còn sót và tiêu những khối dịch sinh ra sau phẫu thuật, phối hợp với thuốc “Thông mạch hoàn” nhằm tiêu tan những huyết tích, huyết khối và phối hợp với thuốc “Hoả Long” để đả thông kinh mạch trị đau nhức, tê mỏi. Đồng thời tăng cường một phương thuốc độc đáo để nâng thể lực, khống chế và tiêu tan tế bào lạ, tăng cường cho “Mộc Long” tiêu u bướu, kích thích, sinh phát triển và phục hồi tế bào tuỷ. Phương thuốc độc đáo này võ y đặt tên là “Đại tạo hoàn” (có nghĩa là có thể thay đổi lớn quy luật của tạo hoá).

         Phác đồ điều trị cho Phương như mũi tên Ánh Sáng Tổ y trao truyền.

        Võ y còn cứu Phương bằng tình thương yêu vô bờ bến.

         Sức khoẻ Phương phục hồi rõ rệt. Sau hai tháng nàng ngồi dậy tự ăn uống. Võ y dạy nàng các bài tập khí công và phương pháp tập cơ lực. Bốn tháng sau, Phương ngồi trên xe lăn đi lại, tự lo việc vệ sinh cho mình.

           Ông dành nhiều thời gian chuyện trò với Phương. Hiểu rõ mong ước được làm mẹ của cô, ông đã cho phép Chín được gần gũi Phương, làm sống lại một tấm thân khô héo. Ông tăng dần các vị thuốc phục hồi chức năng sinh lý cho đôi trẻ…

        Da Phương dần trở nên hồng hào. Đôi mắt long lanh. Mỗi sáng soi gương tự thấy mình đẹp hơn. Giọng nói trong trẻo ngọt ngào hơn. Từ chỗ mất cảm giác từ cổ trở xuống, nay Phương đã phục hồi cảm giác toàn thân và kỳ kinh nguyệt trở lại. Thể trạng tăng từ 27 lên 45 kg.

        Chín được biên chế vào đội bảo vệ Bảo Long. Phương tập làm nhân viên Tổng đài Bảo Long.

       Gia đình Chín ở Tiền Giang lúc này mới biết rõ Chín không phải công tác gì ở đâu, mà những năm xa nhà biền biệt, Chín chăm sóc người yêu trọng bệnh.

       Tháng 7- 2007. Chín nhận tin bố ốm nặng. Võ y thu xếp cho chàng về quê. Ông thoáng nghĩ: “Chuyến này Chín sẽ không ra Hà Nội nữa, vì có Bảo Long giúp Phương rồi”.

       Chín chăm sóc bố hơn một tuần. Cụ qua đời. Thọ tang bố chu đáo, Chín trở ra với Phương.

       Cuối năm ấy, anh cả Chín lâm bệnh. Chín về thăm. Người anh duy nhất qua đời. Sau hai đại tang. Chín vẫn trở về Bảo Long với Phương.

       Nắng bể mưa nguồn. Đời chao nghiêng ngả. Chín luôn thương yêu chăm sóc Phương như ngày nào. Tình thương yêu vô bờ đến kỳ lạ, khiến võ y và nhiều người thoảng hồ nghi.

        Ngày võ y về đón Phương Chín. Đài truyền hình, báo chí khắp nơi đưa tin. Võ y rất lo. Ông sợ rằng Chín sẽ bị bắt… vì biết đâu… đây là sự ẩn náu của một đối tượng trốn tránh truy nã. Chứ dễ gì một thanh niên chưa vợ, đẹp trai, khoẻ mạnh, tinh thần bình thường… sao lại có chuyện lạ thường này?

         Tình yêu đôi trẻ như trăng rằm toả sáng. Thượng đế rủ lòng thương. Ân nghĩa võ y được đáp đền.

        Một buổi sáng. Bác sĩ trưởng khoa điều dưỡng báo tin cho võ y, tâm trạng vừa mừng vừa lo:

        - Phương tắt kinh hơn tháng. Khả năng đã có thai.

         Võ y cẩn thận xem mạch. Cảm nhận một mầm sống mới trong Phương. Mạch Hữu- Xích trầm hoạt, biểu hiện thai nhi là con trai.

        Niềm xúc động trào dâng. Cảm thức mơ hồ, diệu huyền không thể nói. Võ y điện thoại cho nhà văn, giọng thao thức:

        - Chính tôi cũng rất bất ngờ vì rất nhiều bác sĩ không

 tin Phương có thể phục hồi, nói gì đến việc mang thai. Tôi đã cử một bác sĩ sản khoa theo dõi, chăm sóc Phương. Rất có thể sau sinh nở, người phụ nữ sẽ có những chuyển biến sinh học huyền diệu.

        Niềm vui bất ngờ kèm sự băn khoăn lo lắng tràn Bệnh viện Bảo Long. Võ y tổ chức hội chẩn. Ông phải họp bàn trưng cầu ý kiến anh chị em chuyên môn. Hầu hết mọi người bảo: “ Không thể giữ được thai vì nguy hiểm đến sinh mệnh người mẹ. Phương không đủ điều kiện nuôi dưỡng và khi thai lớn thì không sinh được mà phẫu thuật, rất nhiều khó khăn.”

         Võ y thuộc về số ít. Ông nghĩ: “Chuyện này còn do tạo hoá vun trồng. Cần phải nương theo qui luật của Trời Đất, của tạo hoá để bảo tồn thai nhi. Mong Trời đã thương thì thương cho chót”.

        Phương được một bác sĩ sản khoa thường xuyên chăm sóc. Bệnh viện Bảo Long đưa Phương vào chế độ chăm sóc đặc biệt. Kết hợp chặt chẽ giữa y học cổ truyền với y học hiện đại. Bằng mọi giá, chăm Phương “Mẹ tròn con vuông”.

      Và… Phải tổ chức đám cưới cho Phương.

 

 

                                       Ảnh đám cưới của vợ chồng Phương Chín

 

                                                        Trao nhẫn

       Bảo Long làm lễ cưới Phương Chín tưng bừng  truyền thống. Như cổ tích. Phương rạng rỡ hoa, váy áo cưới xênh xang trên xe lăn, bên chú rể và gia đình, mái nhà Bảo Long, quan khách, báo chí, văn nghệ sĩ. Võ y vui hơn cả hôm ông nhận bằng tiến sĩ tại Cộng hoà Liên bang Nga. Trong tiếng hát nụ cười rộn rã, vẫn loang loáng nước mắt võ y và mọi người.

         Phương được chuyển lên khoa sản Bệnh viện Sơn Tây nghỉ dưỡng và chăm sóc. Trưởng khoa thường xuyên báo tin cho võ y: “Phụ sản và ngôi thai bình thường”. “Yên tâm để Phương sinh tại Sơn Tây, không phải chuyển về Hà Nội”.

        Điều kỳ diệu đã đến. Lúc 18h 25 phút ngày 13- 6- 2008 Phương sinh cháu bé 2,1 kg một cách dễ dàng.

        Niềm vui tràn ngập Bảo Long.

       Phương điện thoại cho võ y, giọng sang sảng:

        - Thầy ơi! Con sanh được rồi. Cháu khoẻ mạnh và

đẹp trai lắm thầy ạ. Thầy đặt tên cháu giúp vợ chồng con nhé!

        Võ y vui nghẹn ngào. Lặng phút giây, ông nói:

         - Thầy đã chuẩn bị rồi. Tên cháu là Trương Bảo Phúc.

         Phương cười vang. Tiếng cười lan thế kỷ XXI. Thế kỷ của lòng nhân ái tâm linh. Trời Đất cảm thương người hiền đã vượt lên cùng khổ mà thương nhau, nên ban điều kỳ diệu.

        Tiếng cười chan tiếng khóc chào đời của bé Trương Bảo Phúc, làm mắt võ sư cay sè.

         Phương như nhìn thấy giọt nước mắt người thầy. Đầu giây bên kia. Phương oà khóc. Nàng khóc oà thổn thức.

        Đêm đêm. Hà Nội chìm vào giấc ngủ. Võ y vẫn thức. Ông cầm bút viết văn: “Đời làm thầy thuốc, tôi đã cứu nhiều bệnh nhân thập tử nhất sinh, nhưng chưa bao giờ tôi dâng trào niềm hạnh phúc lớn như hôm nay. Tình yêu đẹp của Phương Chín đã giúp tôi thêm nghị lực tìm ra được phương thuốc hay và tiếp tục tự tin vững bước trên con đường Y Học Cổ Truyền Nhiệm Màu”.

        Đêm đêm. Hà Nội chìm vào giấc ngủ. Võ y vẫn thức. Ông viết tiếp:

                     Tận cùng của Võ là Văn.

                     Tận cùng của Hành động là Nhân Quả.

                     Tận cùng của Tình Yêu là Sự Sống.

 

       Ghi chú: Truyện ngắn dựa theo ký sự “Điều trị bệnh u tuỷ” của Lương y, Tiến Sĩ, Võ sư Nguyễn Hữu Khai. Bài đoạt giải ba cuộc thi Ký- Phóng sự do báo Người Hà Nội tổ chức năm 2010.

 

           Bài đọc thêm: “Lương y, Tiến sĩ, Võ sư Nguyễn Hữu Khai- Hiền tài và Bi Kịch”.

(Mai Thục newvietart.com)

 

BACK TO PREVIOUS PAGE
Member Register