11:05 | 21/09/2012
Bài, ảnh: Phương Dung
Đó là trường hợp của cháu Dương Thị Kim Chi, học sinh (HS) lớp 3, trường PTCS (cấp 1 – 2) xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Một lần có việc sang Campuchia, ba của Chi “gặp nạn” và nhiễm HIV mà không hay. Năm 2004, khi cả ba và mẹ cùng mất vì bệnh AIDS, cháu Chi mới lẫm chẫm biết đi và trong người cũng đã mang vi rút HIV, do cha mẹ truyền sang. Anh trai của Chi (SN 1998) may mắn hơn vì được sinh ra khi cha mẹ chưa nhiễm bệnh. Hai cháu được đồng đội của ba là anh Danh Trường Danh (chiến sĩ Đồn biên phòng 754 đóng tại Gành Dầu) và vợ là Lê Thị Ngọc Bích, nhận làm con nuôi. 8 năm nay, anh Danh đều đặn về huyện lĩnh thuốc ARV (được cấp miễn phí) để điều trị HIV cho Chi, được cha mẹ nuôi chăm sóc tận tình nên sức khỏe của cháu khá ổn định, phát triển bình thường.
Vợ chồng anh Danh có hai con (một cháu bị chết đuối), nay bao bọc thêm hai đứa con nuôi nên hoàn cảnh khá khó khăn. Ban chỉ huy Đồn BP 754 rất quan tâm trường hợp này nên đã kêu gọi sự đóng góp của cán bộ chiến sĩ, đồng thời đơn vị hỗ trợ thêm kinh phí để xây dựng cho gia đình anh Danh một ngôi nhà tình nghĩa. Hội phụ nữ huyện và xã cũng thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên gia đình và tặng quà cho cháu Chi.
Thày Vũ hướng dẫn học sinh trong giờ ra chơi
Những khó khăn về đời sống đã tạm lui, nhưng vợ chồng anh Danh lại có nỗi lo mới khi cháu Chi đến tuổi đi học. Thày Văn Quốc Vũ, Phó hiệu trưởng trường PTCS Gành Dầu nhớ lại: Trước niên học 2009 – 2010, đại diện chính quyền và Đồn BP 754 tới gặp Ban giám hiệu (BGH) trao đổi về cháu Chi, cũng là trường hợp HS đầu tiên của đảo nhiễm HIV. Sau đó, chính quyền phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức một chiến dịch tuyên truyền về HIV và chống kỳ thị với người có “H”. Tiếp đó, BGH tổ chức họp phụ huynh, do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên mọi ý kiến thắc mắc đều được BGH giải thích thỏa đáng. Vì vậy, khi nhận em Chi vào lớp 1, nhà trường không gặp phải một phản ứng quá khích nào từ phía phụ huynh và cộng đồng.
Xác định giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng, BGH đã trao đổi, tư vấn rất kỹ về các biện pháp giáo dục và xử lý tình huống với cô Lê Thị Hồng Tuyến, chủ nhiệm lớp em Chi. Ban đầu cô Tuyến lo lắm, vì HS lớp 1 còn quá nhỏ, không biết các em có nhận thức được không. Nhưng rồi cô quyết tâm đi sâu đi sát (nhất là với Chi), hướng dẫn tỉ mỉ, cụ thể để các em vẫn có thể chơi vui vẻ hòa đồng và biết cách tiếp xúc an toàn với bạn. BGH cũng chỉ đạo thày giáo dạy môn thể dục, hạn chế em Chi tham gia những trò chơi có hoạt động mạnh hay xô đẩy, có thể gây trầy xước; để em được tham gia, thày sẽ phân công em vào vị trí cùng làm “trọng tài” với thày…
Ngoài ra, nhà trường còn phát động phong trào “Địa chỉ nhân đạo” để thày cô giáo và học trò cùng làm “kế hoạch nhỏ”, tiết kiệm tiền quà sáng, gây quỹ giúp đỡ các bạn HS có hoàn cảnh đặc biệt. Nhờ đó, mỗi tháng em Chi đều được hỗ trợ 200 nghìn đồng, đây là sự giúp đỡ “tế nhị” mà nhà trường dành cho một HS có HIV.
Cảm nhận được sự quan tâm và tình cảm chân thành của thày cô, bè bạn, em Chi rất ngoan và chịu khó học hành, em không hề mặc cảm hay bi quan về thân phận mà rất mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động văn nghệ, nghi thức đội… Ba năm liền Chi đạt danh hiệu HS giỏi.
Nhờ sự quan tâm, phối hợp đầy trách nhiệm và tình thương của chính quyền, gia đình, nhà trường mà một em nhỏ có “H” bất hạnh như Chi, ở một xã hải đảo xa xôi, đã được cộng đồng chăm sóc, bảo vệ, được hưởng các quyền cơ bản của trẻ em theo luật định – điều mà nhiều nơi có điều kiện thuận lợi hơn như các thành phố lớn cũng chưa làm tốt được.
Nguồn Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam