Hội nghị quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình 2012

15:27 | 20/11/2012

Theo điều tra Quốc gia về BLGĐ đối với phụ nữ, năm 2010 (Tổng cục thống kê-2010) thì 58% phụ nữ được hỏi bị ít nhất một hình thức bạo lực gia đình, trong số này có tới 87% không hề tìm kiếm sự hỗ trợ nào từ các địa chỉ hỗ trợ hay ban ngành ở địa phương, gần 50% không hề tiết lộ việc mình bị BLGĐ cho bất kỳ ai
Hội nghị quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình 2012

 

“Thu hẹp khoảng cách từ luật tới cuộc sống”  

 

                                                                                Từ Ngọc Lang                                                                                                     

 

Tại Hà Nội (ngày 27 – 28/9/2012), Trung tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới-Gia đình-Phụ nữ và vị thành niên( CSAGA) và Mạng Giới và Phát triển cộng đồng( Gencomnet) đã phối hợp tổ chức Hội nghị quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình 2012: “Thu hẹp khoảng cách từ Luật đến cuộc sống”. Hội nghị được tổ chức với các mục tiêu: Hệ thống hóa các rào cản đối với việc thực thi Luạt phòng,chống bạo lực gia đình (Luật PCBLGĐ) tại cơ sở; chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ các mô hình dự án hiệu quả tron PCBLGĐ;Thúc đẩy tiếp cận bình đẳng giới thực chất và vai trò nam giới trong PCBLGĐ; Thúc đẩy vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong giám sat và đánh giá hiệu quả thực thi Luật PCBLGĐ; Khuyến nghị về mô hình can thiệp toàn diện trong PCBLGĐ và cải thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ thực thi Luật.

                              

                                    

 

*Còn nhiều “rào cản”:

  Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được Việt Nam thông qua vào tháng 11/2007 và chính thức có hiệu lực từ 1/7/2008. Trong các nỗ lực đi tìm giải pháp để thu hẹp khoảng cách giữa Luật và việc thực thi Luật, các bài học kinh nghiệm rút ra từ các mô hình dự án thử nghiệm về phòng, chống bạo lực gia đình là rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, những hạn chế trong triển khai Luật ở các địa phương đang là “rào cản” việc thúc đẩy thực thi Luật.

      

Thời gian qua, các nghiên cứu nhỏ lẻ của một số tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế (DOVIPNET 2009, Gencomnet 2010, UNODC 2010, CSAGA 2012) đánh giá năng lực của cán bộ ở cơ sở trong việc triển khai Luật đã chỉ ra một số “rào cản” như: Thiếu nhân lực được đào tạo bài bản để làm công tác PCBLGĐ, đặc biệt là tư vấn và can thiệp trực tiếp. Thiếu kế hoạch hoạt động và ngân sách. Các chương trình truyền thông chưa hướng tới các đối tượng cụ thể nên tác động bị hạn chế. Các quan niệm bất bình đẳng giới còn phổ biến trong nhóm cán bộ địa phương trực tiếp hỗ trợ và xử lý các trường hợp BLGĐ, do vậy hỗ trợ không hiệu quả đối với người bị bạo lực; chưa xử lý được người gây bạo lực, bỏ qua bạo lực tình dục và tinh thần.

         

Thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành trong truyền thông,can thiệp và xử lý các  trường hợp BLGĐ. Thiếu lồng ghép nội dung PCBLGĐ vào các hoạt động thường kỳ của các ban ngành. Cơ chế báo cáo, giám sát và đánh giá đối với việc thực thi Luạt còn yếu và vận hành chưa hiệu quả.

Nhìn chung, các nghiên cứu đánh giá tuy phạm vi nhỏ hẹp song cùng chỉ ra “rào cản” rõ nhất là có một khoảng các khá lớn giữa Luật PCBLGĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành với việc triển khai trên thực tế ở các địa phương.

   

Chia sẻ nỗi đau đớn của phụ nữ bị bạo hành

Đến dự Hội nghị, một số chị em từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, trước đây phải cam chịu giấu nỗi đau đớn bởi quan niệm “xấu chàng hổ ai”, không dám tố cáo sự thật, nhưng giờ đây họ đã được tiếp thêm nghị lực, mạnh dạn chia sẻ với cộng đồng. Chị Hoàng Thị Lâm (Thạch Thất, Hà Nội) từng là cô giáo Mầm non ở Phú Thọ, nhưng phải theo chồng về quê làm ruộng, để chăm lo cho “mái ấm gia đình”. Nhưng thực tế lại rất phũ phàng, chồng chị là thợ mộc, thường xuyên hành hạ vợ vì ghen tuông vô cớ. Chị Lâm từng bị chồng dùng ghế đẩu, gậy gỗ lim đánh vào mặt, vào vai, vào lưng. Có lần chị bị đánh gãy chân, bị chấn thương sọ não. Không có người thân, họ hàng bên cạnh, chị Lâm đơn độc chịu những trận đòn dã man mà không biết cầu cứu ai.

Theo bà Nguyễn Thu Thúy, tổ chức CSAGA, nhiều phụ nữ là nạn nhân bạo lực nhưng không dám nói ra. Điều này chứng tỏ họ chưa có niềm tin, chứng tỏ các dịch vụ, các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này đang bỏ ngỏ nhiều thứ. Bà Nguyễn Thu Thúy kể: có một chị thành đạt trong cuộc sống nhưng luôn bị chồng kiểm soát về mọi mặt và nhiều lần bạo hành tàn nhẫn với vợ. Không thể sống trong chính căn nhà vốn là tổ ấm của mình, người phụ nữ này đã phải đưa cô con gái học tiểu học tìm đến Ngôi nhà bình yên của Trung tâm CSAGA (nhà tạm lánh). Thế nhưng người chồng vẫn hung hăng tìm cách chặn đường đe dọa hành hung, khiến chị phải thuê vệ sĩ mỗi khi đi làm hay đưa con đi học.  

Theo điều tra Quốc gia về BLGĐ đối với phụ nữ, năm 2010 (Tổng cục thống kê-2010) thì 58% phụ nữ được hỏi bị ít nhất một hình thức bạo lực gia đình, trong số này có tới 87% không hề tìm kiếm sự hỗ trợ nào từ các địa chỉ hỗ trợ hay ban ngành ở địa phương, gần 50% không hề tiết lộ việc mình bị BLGĐ cho bất kỳ ai. Một nghiên cứu khác do UNODC thực hiện năm 2008 chỉ ra rằng chỉ có 43% số vụ việc BLGĐ được báo cho cơ quan Công an và trong số này có  tới 34% người bị bạo lực được khuyên là “nên giải quyết trong nội bộ gia đình”.

Chị N.T.V (TP Vinh, Nghệ An) cho biết, có lần vì quá uất ức trước những trận đòn roi vô cớ của chồng, chị chạy ra hô hoán với hàng xóm và đi báo chính quyền. Khi đại diện chính quyền đến, người chồng vũ phu hứa sẽ không tái diễn nhưng chỉ được vài ngày chồng chị lại đánh vợ nhiều hơn. Theo chị N.T.V, cũng không nên áp dụng phạt tiền như quy định của Luật PCBLGĐ vì “có chị bị đánh rồi lại phải bỏ tiền túi của mình cho chồng nộp phạt hoặc nộp tiền xong là cánh đàn ông cho là đã “chuộc tội”, lại nhơn nhơn”.

*Để Luật PCBLGĐ thực sự đi vào cuộc sống và có hiệu lực:

Trình bày tham luận “Tình hình thực thi Luật PCBLGĐ” tại Hội nghị, bà Lê Thị Hồng Giang (CSAGA) cũng thẳng thắn chỉ ra những nan giải đang tồn tại trong thực tế. Đó là các văn bản quy phạm pháp luật cấp nhà nước đã được ban hành nhưng chưa được các địa phương triển khai một cách đầy đủ. Cơ cấu thực hiện chưa thực sự tồn tại. Các hoạt động truyền thông còn mang tính đại trà, đơn lẻ. Thiếu công tác hỗ trợ nạn nhân chuyên nghiệp, người gây bạo lực không được xử lý, các biện pháp được quy định trong Luật PCBLGĐ không được áp dụng. Và cuối cùng là hầu hết các cơ quan đoàn thể chưa thực hiện được hết các vai trò và nhiệm vụ của mình, như trong công tác truyền thông hay phối hợp hỗ trợ nạn nhân.

 Tại Hội nghị này, các ý kiến đều cho rằng: Vai trò và hiệu quả của công tác truyền thông về chống BLGĐ được các chị khẳng định là rất quan trọng và vô cùng cần thiết. Chị Tình (Hà Nội) nói:“Chúng tôi mong muốn truyền thông về BLGĐ được đưa về các thôn, xã. Truyền thông về BLGĐ cần được tuyên truyền trên hệ thống loa đài tại cơ sở, đến với từng thôn, xóm. Không phải đợi những dịp nào đấy mới tuyên truyền mà phải làm thường xuyên, liên tục để những người đàn ông có hành vi bạo lực hiểu được vấn đề. Đối với  người nông dân sinh sống trong các thôn, xóm thì tuyên truyền liên tục trên hệ thống loa truyền thanh có lúc còn hiệu quả hơn trên truyền hình”. Tất cả chị em tham gia Diễn đàn đã nhất trí phát đi Lời kêu gọi của những phụ nữ bị BLGĐ đến với những người có trách nhiệm trong thi hành Luật PCBLGĐ, đặc biệt là cấp cơ sở. 6 điểm chính của Lời kêu gọi là những kiến nghị rất thẳng thắn và thiết thực mà trước đây, khi đứng trước một vụ BLGĐ thường cộng đồng không thấu hiểu. Tại điểm 5, đề nghị của phụ nữ đối với các cán bộ đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB nêu rõ: “Không đổ lỗi cho chúng tôi, không can thiệp kiểu xuê xoa, hòa giải khiến người gây bạo lực càng có thêm lý do để gây bạo lực nặng hơn, và đẩy chúng tôi vào tình thế nguy hiểm hơn trước”.

Đối với cán bộ tuyên truyền Luật PCBLGĐ, chị em đề nghị: Tuyên truyền liên tục và có kế hoạch, không chỉ làm 1-2 lần một năm nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ hay Ngày Gia đình Việt Nam. Tuyên truyền không chỉ tập trung vào những người bị BLGĐ như chúng tôi, phải tuyên truyền cho chính những người thi hành Luật như cán bộ chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể. Đặc biệt, phải tuyên truyền đến nhóm nam giới, người gây bạo lực.

                   

BACK TO PREVIOUS PAGE
Member Register