Quy Chế Liên Mạng vận động chính sách - INPA

20:09 | 09/05/2012

Xuất phát từ những nhu cầu ngày càng tăng đối với các tổ chức xã hội trong việc chủ động tham gia vào các lĩnh vực xây dựng và vận động chính sách, Liên Mạng vận động chính sách (dưới đây gọi tắt là Liên Mạng) được thành lập nhằm tập hợp các mạng lưới và tổ chức xã hội trong nước và các cá nhân...
Quy Chế  Liên Mạng vận động chính sách - INPA

Chương I- Điều Khoản Chung

Xuất phát từ những nhu cầu ngày càng tăng đối với các tổ chức xã hội trong việc chủ động tham gia vào các lĩnh vực xây dựng và vận động chính sách, Liên Mạng vận động chính sách (dưới đây gọi tắt là Liên Mạng) được thành lập nhằm tập hợp các mạng lưới và tổ chức xã hội trong nước và các cá nhân. Mục tiêu chiến lược của Liên Mạng là tăng cường đối thoại và đóng góp trên tinh thần xây dựng của các tổ chức xã hội vào việc vận động xây dựng chính sách để đảm bảo có đầy đủ tiếng nói và sự tham gia của người dân như một trong những đối tượng chính trong tiến trình phát triển tại Việt Nam.

Bản quy chế này được xây dựng nhằm quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế điều hành, phạm vi và các lĩnh vực hoạt động của Liên Mạng, và điều chỉnh các mối quan hệ đối tác, liên minh giữa Liên Mạng với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan.

 

Điều 1: Tên Liên Mạng

  • Tên tiếng Việt:   Liên mạng vận động chính sách
  • Tên tiếng Anh: The Inter-network for Policy Advocacy (INPA) 

 

Chương II- Định hướng chiến lược

Điều 2: Tôn chỉ, mục đích, sứ mệnh

  • Tôn chỉ, mục đích: Vì sự phát triển bền vững của cộng đồng và đảm bảo quyền cơ bản của các nhóm người nghèo trong tiến trình phát triển đất nước vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
  • Sứ mệnh: Tăng cường năng lực liên kết của Liên Mạng và các tổ chức xã hội trong vận động chính sách tại các diễn đàn hoạch định chính sách và chiến lược ở các cấp từ địa phương đến trung ương. 

Điều 3: Phương thức hoạt động

  • Sát cánh với người nghèo: Nghèo đói chỉ được xóa bỏ khi người nghèo có khả năng làm chủ cuộc sống và hành động nhằm đảm bảo những quyền cơ bản.
  • Nghiên cứu và vận động chính sách: Tiến hành và hỗ trợ các nghiên cứu để làm cơ sở cho công tác vận động nhằm mang lại những thay đổi tích cực về chính sách và các thông lệ, hành vi nhấn mạnh vào việc trao quyền cho người nghèo.
  • Quan hệ đối tác và liên minh: Hoạt động dựa trên quan hệ đối tác và liên minh với người nghèo, với các phong trào quần chúng, các tổ chức xã hội, và các tổ chức phát triển khác.
  • Sự tham gia: Tăng cường sự tham gia thực sự của người dân, và đây sẽ là nền tảng cho sự phát triển chương trình và quan hệ đối tác bình đẳng.
  • Phát triển năng lực: Hoạt động cùng với các đối tác nhằm tăng cường năng lực các tổ chức xã hội, tăng cường kỹ năng và sự tiếp cận thông tin của những người nghèo.
  • Hỗ trợ nhu cầu cần thiết: Hỗ trợ các dịch vụ cần thiết dưới dạng tập huấn, cung cấp thông tin, vật tư, vốn, và các dự án hoặc hỗ trợ khẩn cấp để người nghèo có thể giải quyết các nhu cầu cần thiết. 

Điều 4: Các đối tượng chính

  • Phụ nữ và trẻ em: Phụ nữ và trẻ em còn chịu thiệt thòi trong các lĩnh vực như cơ hội việc làm, mức thu nhập so với nam giới, quyền đại diện, vấn nạn bạo lực gia đình, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em.
  • Cộng đồng các dân tộc ít người: Trong tiến trình hội nhập kinh tế, cộng đồng các dân tộc ít người vẫn chiếm tỷ lệ cao trong số các nhóm nghèo.
  • Nông dân nghèo: Nông dân nghèo là nhóm dân cư chiếm tỷ lệ lớn và dễ bị tổn thương do những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp và tốc độ đô thị hóa nhanh khiến nhiều hộ nông dân bị mất nguồn lực cho sản xuất.
  • Người nghèo đô thị và nhóm dễ bị tổn thương: Người nghèo đô thị sẽ tăng nhanh trong tiến trình phát triển, bao gồm những người di cư, người sống chung với HIV và AIDS, và các nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em bị buôn bán, trẻ em đường phố, phụ nữ làm nghề mại dâm, những người nghiện ma tuý và người có quan hệ tình dục đồng giới.       

Điều 5: Những ưu tiên chính

  • Đảm bảo quyền cơ bản cho các nhóm nghèo và yếu thế trong tiến trình phát triển.
  • Quản trị và điều hành, xây dựng thể chế có sự tham gia của người dân, và nâng cao năng lực cho cộng đồng.
  • Quản trị môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
  • Tham gia trực tiếp vào việc hỗ trợ, thực hiện, kiểm tra, giám sát các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, phát triển cộng đồng.

Điều 6: Nguyên tắc hoạt động

  • Tự nguyện;
  • Thống nhất trong đa dạng;
  • Dân chủ, tôn trọng quyền tự chủ của các thành viên;
  • Công khai, minh bạch;
  • Hợp tác, liên kết hoạt động
  • Tuân thủ luật pháp của Nhà nước.

Điều 7: Cơ chế điều phối hoạt động

  • Chia sẻ thông tin;
  • Phối hợp và thống nhất trong hành động:
  • Có phân công cụ thể vai trò của từng thành viên trong Ban Điều hành.

 

Điều 8: Cơ chế hoạt động

  • Ban Điều hành báo cáo việc thực hiện kế hoạch hàng năm và dự kiến kế hoạch năm tới ở Hội nghị toàn thể Liên Mạng (hoặc Hội nghị đại biểu), để Hội nghị bổ sung và thông qua;
  • Các thành viên dựa vào kế hoạch đã thông qua, có kế hoạch hàng năm, báo cáo việc thực hiện kế hoạch hàng năm và dự kiến kế hoạch năm tới gửi cho Ban Điều hành;
  • Điều phối viên duy trì liên lạc hàng quý giữa Ban Điều hành và các thành viên để chia sẻ và cập nhật thông tin trong Liên Mạng.

 

Chương III- Thành viên

Điều 9: Thành viên 

  • Thành viên của Liên Mạng bao gồm các mạng lưới, các tổ chức xã hội và các cá nhân có quan điểm đồng thuận với định hướng chiến lược, và cam kết tự nguyện thực hiện các Quy chế hoạt động của Liên Mạng.
  • Để trở thành thành viên của Liên Mạng, các mạng lưới, tổ chức và cá nhân cần đăng ký theo mẫu để xin gia nhập Liên Mạng, và được tối thiểu trên 50% số thành viên trong Ban Điều hành chấp thuận.
  • Các thành viên không thực hiện các cam kết với Liên Mạng hoặc vi phạm pháp luật sẽ được đưa ra khỏi Liên Mạng khi có sự nhất trí của các thành viên trong Ban Điều hành.

Điều 10: Quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên

  • Tất cả các thành viên đều có quyền và có trách nhiệm như nhau;
  • Các thành viên được Liên Mạng thường xuyên chia sẻ thông tin và cơ hội kết nối, quảng bá, phản biện, thực hiện dự án, hỗ trợ kỹ thuật, và các tập huấn tăng cường năng lực;
  • Hiệp thương đề cử Ban Điều hành của Liên Mạng;
  • Xây dựng, thông qua và thực hiện kế hoạch hoạt động hàng năm của Liên Mạng;
  • Thành viên có nghĩa vụ thực hiện các nhiệm vụ đã được Ban Điều hành phân công;
  • Báo cáo việc thực hiện kế hoạch hàng năm của Liên Mạng.

 

Chương IV- Cơ cấu tổ chức

Điều 11: Ban Điều hành

Ban Điều hành Liên Mạng gồm 05 thành viên, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:

  • Phát triển: chịu trách nhiệm định hướng chiến lược hoạt động của Liên Mạng;
  • Đối ngoại: chịu trách nhiệm tăng cường mối quan hệ và sự ủng hộ của các cơ quan và tổ chức như Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, dân sự, kinh doanh, tư nhân, các tổ chức quốc tế v.v. đối với các hoạt động của Liên Mạng;
  • Tổ chức: chịu trách nhiệm xây dựng tổ chức, phát triển quan hệ đối tác, kết nạp và đưa thành viên ra khỏi Liên Mạng;
  • Tài chính: chịu trách nhiệm gây quỹ và giám sát tài chính.
  • Chương trình: chịu trách nhiệm khai thác và quản lý các chương trình, dự án của Liên Mạng.

Ban Điều hành bầu ra 01 Ủy viên thường trực, Ủy viên thường trực có trách nhiệm giữ vai trò điều phối và quyết định các nội dung liên quan đến các công việc cụ thể của Ban Điều hành. Các ủy viên khác trong Ban điều hành cùng tham gia thực hiện các công việc và nhiệm vụ chung của Ban điều hành theo các nội dung được nêu trên.

Ban Điều hành sẽ chọn và bổ nhiệm 02 nhân sự đảm nhiệm các công việc sau đây:

  • Điều phối viên: giúp Ban Điều hành thực hiện việc điều phối các hoạt động chung của Liên Mạng;
  • Kế toán: giúp thực hiện các nghiệp vụ kế toán thu, chi, báo cáo tài chính của Liên Mạng.     

Điều 12: Chức năng và Nguyên tắc hoạt động của Ban Điều hành

  • Ban Điều hành có chức năng xây dựng, hoạch định, quyết định các định hướng phát triển, chiến lược hoạt động, phát triển mạng lưới, các vấn đề về tổ chức, nhân sự, gây quỹ, giám sát thu chi v.v.
  • Ban Điều hành họp định kỳ 03 tháng một lần, vào tuần cuối hàng quý. Trong trường hợp cần thiết, Ban Điều hành có thể được triệu tập họp để giải quyết các vấn đề khẩn cấp.
  • Các Quyết định có tính định hướng của Ban Điều hành được thực hiện trên nguyên tắc tập thể, đồng thuận và đa số.
  • Các quyết định công việc cụ thể và kế hoạch thực hiện sẽ do Ủy viên thường trực chịu trách nhiệm với sự tham khảo ý kiến của các thành viên trong Ban điều hành theo đúng các chức năng và nhiệm vụ của các thành viên.
  • Mỗi nhiệm kỳ hoạt động của Ban Điều hành là 03 năm, thành viên Ban Điều hành được bổ nhiệm thông qua hiệp thương của tất cả thành viên tại các kỳ  hội nghị  của Liên Mạng.     
  • Thành viên Ban Điều hành hoạt động hoàn toàn trên tình thần tự nguyện, không hưởng lương.

Điều 13: Ban Cố vấn

  • Ban Cố vấn gồm các cán bộ và chuyên gia cao cấp thuộc nhiều lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Liên Mạng.
  • Ban cố Vấn gồm: 01 Trưởng ban Cố vấn và các thành viên trong Ban cố vấn. Trưởng ban chịu trách nhiệm chung trong các hoạt động tư vấn của Ban cố vấn.
  • Ban Cố vấn tư vấn cho Ban Điều hành về định hướng chiến lược, chính sách, pháp lý, quản trị và điều hành, phát triển, gây quỹ, và các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động.    
  • Thành viên Ban Cố vấn có thể được mời tham dự một số cuộc họp hoặc các cuộc họp mở rộng của Ban Điều hành, nhưng không tham gia bỏ phiếu cho các quyết định của Ban Điều hành.
  • Thành viên Ban Cố vấn hoạt động hoàn toàn trên tình thần tự nguyện, không hưởng lương.

Điều 14: Tài chính

  • Tài chính của Liên Mạng được phát triển từ các nguồn sau đây:
  • Các nhà tài trợ, các tổ chức phát triển trong và ngoài nước, khối kinh doanh, và các cá nhân thông qua việc xây dựng các chương trình, dự án, tổ chức các dịch vụ, sự kiện, chiến dịch, hoặc các hoạt động về vận động chính sách.  
  • Các khoản đóng góp của các mạng lưới, tổ chức xã hội và các cá nhân trong  Liên Mạng trên tinh thần tự nguyện.
  • Lệ phí thành viên
  • Liên Mạng thực hiện chế độ quản lý tài chính theo đúng các quy định pháp lý của Nhà nước Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình để đảm bảo chi phí có hiệu quả cao nhất.
  • Ban Điều hành thực hiện việc quản lý tài chính như quyết định phân bổ, sử dụng, điều chỉnh, và giám sát sử dụng nguồn lực tài chính thông qua các báo cáo tài chính công khai tại các cuộc họp định kỳ.     

Bản quy chế này sẽ tiếp tục được bổ xung và sửa đổi nhằm đảm bảo tính phù hợp và tăng cường sự gắn kết các mạng lưới thông qua các quan hệ đối tác bình đẳng giữa các tổ chức và cá nhân trong và ngoài Liên Mạng.

                   

Danh sách thành viên sáng lập

  1. Ông Vũ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam
  2. Ông Nguyễn Đắc Hy - Viện trưởng Viện Sinh thái và Môi trường.
  3. Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Cố vấn chính sách cao cấp Trung tâm C&D.
  4. Bà Vương Thị Hanh - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho Phụ nữ - CEPEW.
  5. Bà Phạm Thúy Anh - Giám đốc Trung tâm hợp tác phát triển nguồn nhân lực (C&D).
  6. Ông Phan Văn Ngọc - Giám đốc Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng bảo vệ môi trường (CEC)
  7. Ông Nguyễn Vi Khải - Nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học.
  8. Ông Đặng Văn Khoát - Giám đốc Trung tâm huy động cộng đồng Việt Nam phòng chống HIV/AIDS (VICOMIC).
BACK TO PREVIOUS PAGE
Member Register