Bản báo cáo có tên: "Đánh giá và Phân tích tác động ô nhiễm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam", nội dung đề cập đến những thách thức chính đối với quản lý môi trường trong xu thế đô thị hóa, công nghiệp hóa và đổi mới nhanh tại Việt Nam. Tới dự lễ công bố có đại diện của Bộ Công thương, Bộ TN-MT.
HN và TP.HCM là hai thành phố ô nhiễm cao nhất
Theo kết quả nghiên cứu, 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ ô nhiễm cao nhất là: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Đà Nẵng, Bà rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ. Trong 10 tỉnh này World Bank đã chọn ra 10 phường, xã của mỗi tỉnh, thành phố có tỷ lệ ô nhiễm cao nhất với ba loại hình: ô nhiễm đất, nước và không khí.
Trong đó, ba ngành ngành có chỉ số gây ô nhiễm môi trường cao nhất là: sản xuất đồ uống, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại và dệt may. Sau đó là các ngành: sản xuất trang phục; sơ chế và nhuộm da, lông thú; sản xuất giấy, gỗ, kim loại, va li, túi xách và sản xuất các sản phẩm từ cao su, nhựa...
Hai thành phố có chỉ số ô nhiễm cao nhất VN là thành phố HN và TP.HCM, thủ phạm gây ô nhiễm chủ yếu là ngành công nghịêp hóa chất.
Cụ thể, đối với thành phố Hà Nội ô nhiễm môi trường nước chiếm 41,2% nhu cầu O xy sinh học, 43,9% tổng lượng kim loại và 47,3% tổng các chất gây ô nhiễm, ô nhiễm đất chiếm 46,9% kim loại nặng và ô nhiễm không khí chiếm 46,7% lượng các hợp chất hữu cơ của vùng công nghịêp trọng điểm phía Bắc. Trong khii đó, tại TP.HCM ô nhiễm nước chiếm 59,1% hóa chất và 56,8% kim loại, ô nhiễm đất chiếm 57,2% hóa chất, 52,5% kim loại và ô nhiễm không khí chiếm 50% tổng lượng các chất gây ô nhiễm của toàn vùng công nghịêp trọng điểm phía Nam.
Tuy nhiên, xếp hạng theo phường, xã thì phường Cam Giá - TP. Thái Nguyên đứng đầu danh sách các xã phường có tải lượng ô nhiễm cao nhất. Tại đây có 5 nhà máy hoạt động phát thải ra gần 100% tổng tải lượng ô nhiễm của toàn phường. Một điều đáng mừng là thủ đô HN không có phường nào nằm trong danh sách các phường xã có chỉ số ô nhiễm cao nhất!
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Ông Trần Hồng Hà - Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết: "Đây chỉ là một nghiên cứu của World Bank để trình diễn một phương pháp nghiên cứu. Tuy nhiên, số liệu không thể phản ánh đúng thực trạng vấn đề mặc dù World Bank đã nêu số liệu mang tính chất cảnh báo. Nhưng tính chính xác, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn độ cần phải xem xét lại".
Cũng theo ông Hà, sắp tới Tổng Cục bảo vệ Môi trường sẽ lựa chọn một chuẩn mực để đánh giá vấn đề này dựa theo chính thống. Hiện nay, CP đưa ra 19 chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu quốc gia bao gồm: tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, tỷ lệ kinh phí đầu tư cho môi trường, chất lượng môi trường của không khí, chất lượng môi trường của các dòng sông, tỷ lệ rác thải nguy hại được thu gom, tổ chức bộ máy, xã hội hóa môi trường... Do vậy, chúng ta sẽ lấy con số này để đánh giá. Kết quả nghiên cứu của World Bank chỉ là một phương pháp hỗ trợ.
Trong khi, bản báo cáo nghiên cứu này của World Bank được thực hiện bằng cách áp dụng Hệ thống Dự báo Ô nhiễm (ISPP) chuyển đổi các thông tin kinh tế thành bức tranh tổng thể về tình trạng ô nhiễm gây ra bởi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ cấp quốc gia đến cấp xã dựa vào dữ liệu toàn diện của VN do Tổng cục thống kê công bố năm 2006.
Thiếu ngân sách xử lý các vấn đề môi trường
Theo World Bank, chi phí xử lý ô nhiễm môi trường của VN dự tính khoảng 2,5 tỷ USD/năm trong khi phân bổ ngân sách của Chính phủ theo quy định khoảng 1% GDP, theo số liệu năm 2004 là khoảng 450 triệu UDS đặt 1/5 so với mức độ yêu cầu.
Trong khi, kinh phí mà Chính phủ VN chi 1% tổng ngân sách cho các hoạt động quản lý môi trường vẫn còn thiếu các cơ sở thực tiễn khi phân bổ ngân sách cho việc kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm. Cụ thể, theo Nghị quyết 41, 10% của tổng kinh phí thuộc nguồn 1% tổng chi ngân sách nhà nước này được phân bổ cho Quỹ bảo vệ môi trường. Do đó, không phải toàn bộ mà chỉ một phần vốn hoạt động của Quỹ dành cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Hơn nữa, do mâu thuẫn giữa Nghị định 67 và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP về việc cho phép các địa phương được giữ lại các nguồn thu từ các loại phí nên chỉ một phần rất nhỏ thu phí nước thải thực hiện từ 01/01/2004 chuyển về ngân sách TW. Do vậy, World bank cho rằng VN không thể bóc tách một cách cụ thể kinh phí dành riêng cho việc kiểm sóat và giảm thiểu ô nhiễm trong tổng chi cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Theo nhận định của World Bank, VN chưa có cơ chế gắn gắn việc phân bổ ngân sách với các mục tiêu cụ thể đã đề ra trong Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010. VN chưa có cơ chế khuyến khích, hợp tác liên ngành, ví dụ giữa các cơ quan đầu mối về quản lý môi trường và công nghiệp của các bộ khác.
Do vậy, World Bank kiến nghị, Chính phủ nên ưu tiên việc can thiệp quản lý ô nhiễm trong khu vực công nghiệp, làm rõ vai trò của các cơ quan Chính phủ liên quan đến quản lý ô nhiễm, củng cố việc giám sát và chế tài về ô nhiễm công nghiệp và hợp lý hóa chi phí cho việc quản lý và kiểm sóat ô nhiễm.
Để giải quyết tình trạng này, ông Magda, trưởng bộ phận hoạt động và chính sách - Ngân hàng thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nói: "Chúng tôi muốn hỗ trợ Chính phủ VN giải quyết những thách thức về môi trường trong quá trình phát triển".
10 tỉnh, thành phố và 10 phường, xã trực thuộc có tỷ lệ ô nhiễm do ngành công nghiệp, chế biến cao nhất VN (xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp)
1. TP.HCM: Nguyễn Thái Bình, Bến Thành, Tân Thuận Đông, Trường Thọ, Tân Tạo A, Tân Kiên, Linh Trung, Tân Thới Hòa, Tân Thành chiếm 49% tổng tải lượng ô nhiễm của thành phố.
2. Hà Nội: Phương Liệt, Quang Tiến, Sài Đồng, Đức Giang, Gia Thụy, Phạm Điình Hổ, Minh Khai, Văn Điển, Bách Khoa, Láng Hạ chiếm 33% tổng tải lượng ô nhiễm của thành phố.
3. Hải Phòng: Hạ Lý, Minh Đức, Quán Toan, Mỹ Đồng, Lại Xuân, Máy Chai, Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi, Lê Thiện, Vĩnh Niệm chiếm 70% tổng tải lượng ô nhiễm của thành phố.
4. Bình Dương: Dĩ An, Bình Hòa, Thuận Giao, Tân Đông Hiệp, An Phú, Bình Chuẩn, Tân Định, An Bình, Phú Hòa, An Thạnh.chiếm 77% tổng tải lượng ô nhiễm của tỉnh.
5. Đồng Nai: An Bình, Long Bình, Phước Thiền, Long Bình Tân, Hóa An, Phước Thái, Thống Nhất, Thạnh Phú, Hố Nai 3, Bắc Sơn chiếm 82% tổng tải lượng ô nhiễm của tỉnh.
6. Thái Nguyên: Quán Triều, Phan Đình Phùng, Gia Sàng, Cam Giá, Phú Xá, Trung Thành, Tân Thành, Tân Long, Tân Quang, Cao Ngạn chiếm 97% tổng tải lượng ô nhiễm của tỉnh.
7. Phú Thọ: Việt Trì, Tiên Cát, Thọ Sơn, Bến Giót, Thụy Vân, Phong Châu, Thị trấn Hạ Hòa, Thị trấn Thanh Ba, Thị trấn Phong Châu, Thị trấn Lam Thao chiếm 96% tổng tải lượng ô nhiễm của tỉnh.
8. Đà Nẵng: Hòa Khánh, Hòa Hiệp, Hòa Cường, Phước Ninh, Thuận Phước, Thanh Lọcc Đán, An Khê, Hòa Thọ, Thọ Quang, Bắc Mỹ An chiếm 88% tổng tải lượng ô nhiễm của thành phố.
9. Bà Rịa - Vũng tàu: Phú Mỹ, Xã 4, Xã 8, Thắng Nhất, Bình Ba, Mỹ Xuân, Xã 1, Phước Hưng, Hòa Bình, Tân Hải chiếm 78% tổng tải lượng ô nhiễm của tỉnh.
10. Cần Thơ: An Hòa, An Hội, An Bình, Phước Thới, Ba Láng, Thới Thuận, Thới Hưng chiếm 96% tổng tải lượng ô nhiễm của thành phố.
Ngọc Huyền ( Vietnamnet 28.6.08)