Bước sang năm mới, mong bớt khó khăn để có điều kiện giúp đỡ những người yếu thế

15:18 | 31/01/2013

Ngoài việc sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nghệ nhân Đỗ Thị Tuyết Minh, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, ủy viên Ban Thường vụ Hội Nghệ nhân thợ giỏi TP Hà Nội, nữ chủ doanh nghiệp ở làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội còn thành lập “Trung tâm Dạy nghề tư thục từ thiện” để truyền nghề cho các cháu mồ côi, người khuyết tật, giúp họ có cơ hội tìm được việc làm, hoà nhập cộng đồng.
Bước sang năm mới, mong bớt khó khăn để có điều kiện giúp đỡ những người yếu thế

 

Bước sang năm mới, mong bớt khó khăn để có điều kiện giúp đỡ những người yếu thế     

                                                                                         Từ  Ngọc Lang

      

                      Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã học và làm nghề sơn mài truyền thống. Sau khi xây dựng gia đình, theo chồng về huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận để sinh sống, tôi vẫn tâm huyết với nghề, thành lập tổ sản xuất các mặt hàng sơn mài, đồng thời dạy nghề cho nhiều lao động ở đây để họ có việc làm và thu nhập cao. Nhằm phát triển nghề sơn mài hơn nữa, năm 1990, tôi cùng gia đình đã trở về quê nhà để lập nghiệp, đến năm 2005 thành lập Công ty Sơn mài xuất khẩu Minh Cảnh- Chị Đỗ Thị Tuyết Minh tâm sự với phóng viên Tờ tin Người dân của C &D khi  bước sang năm mới, Quý Tỵ 2013 -

  

            Tôi không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo để vừa phong phú mẫu mã, đa dạng hoá các mặt hàng vừa nâng cao chất lượng cao, đáp ứng được thị hiếu của người khách hàng. Nhờ đó, các sản phẩm làm ra đã được tiêu thụ nhiều không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đức, Pháp …, tạo việc làm cho trên 50 lao động. Năm 2006, tôi được vinh danh là Nghệ nhân Hà Tây và năm 2011, được vinh danh là Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam.       

          Tháng 3 năm 2007, tôi đã bàn bạc với chồng và các con thành lập Trung tâm Dạy nghề tư thục từ thiện Minh Cảnh và đã dành một phần diện tích nhà ở (30m2) để làm nơi dạy nghề. Ngay từ những ngày đầu, Trung tâm đã thu hút trên 30 học viên là người khuyết tật đến từ các gia đình hội viên phụ nữ trong xã, trong huyện và các tỉnh Nam Định, Hưng Yên…Những người đến Trung tâm học nghề chỉ phải đóng 1 khoản duy nhất là tiền ăn 300.000đ/người/tháng, nhưng học viên nào thuộc diện gia đình đặc biệt khó khăn  thì được miễn tiền ăn. Những học viên ở xa nhà được bố trí nơi ăn, ở ngay tại Trung tâm.

        Để nâng cao hiệu quả  trong dạy nghề, tôi còn mời giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật và các nghệ nhân trong huyện về dạy vẽ, trang trí các hoạ tiết và truyền nghề cho các học viên. Chồng, con tôi cũng nhiệt tình hướng dẫn, kèm cặp cho các học viên. Sau 4 - 5 tháng học tập, các học viên đã có tay nghề vững vàng. Tôi nhận một số học viên ở lại làm việc trong xưởng sản xuất của Công ty, những người còn lại tôi giới thiệu vào làm việc ở các gia đình làm nghề sơn mài hoặc các công ty trên địa bàn huyện.

            Do diện tích nhà ở hạn chế, năm 2008 tôi mạnh dạn thuê dài hạn 2.000 m2 đất ở Cụm điểm Làng nghề Duyên Thái, huyện Thường Tín và đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây 500m2 phòng học, phòng ngủ, nhà xưởng, bếp ăn, vườn hoa, cây cảnh… khang trang, đẹp đẽ để phục vụ cho công tác dạy nghề. Nhờ đó hàng năm, Công ty tổ chức trên 15 lớp dạy nghề với gần 500 lượt học viên, trong đó có nhiều người khuyết tật, trẻ em mồ côi và hội viên phụ nữ thuộc các địa phương bị lấy đất.

        Trong bối cảnh khó khăn chung, cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong  huyện, Công ty Sơn mài xuất khẩu Minh Cảnh của gia đình tôi  cũng đang gặp phải khó khăn về vốn, và dẫu có tìm mọi cách làm ra sản phẩm thì cũng rất vất vả để tìm “đầu ra”. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn như hiện nay buộc chúng tôi phải giảm bớt lao động, sản xuất cầm chừng nhưng vẫn kiên trì tìm cách quảng bá sản phẩm của mình với các bạn hàng nước ngoài.

         Điều khiến tôi day dứt hơn cả là do nền kinh tế thế giới suy thoái và trong nước gặp khó khăn nên công tác truyền nghề cũng bị ảnh hưởng theo. Trước đây, khi học nghề xong, các học viên rất hào hứng và chăm chỉ làm việc, cho dù tiền lương trong giai đoạn đầu còn thấp nhưng đó là thành quả do chính sức lao động của họ nên họ rất vui. Trong số những học viên được dạy nghề, có nhiều người là người khuyết tật. Họ mặc cảm bởi họ là người yếu thế, ví dụ muốn có vài trăm đồng để mua quần, áo, trước đây họ chỉ biết ngửa tay trông chờ vào gia đình, cha mẹ. Nhưng khi tự tay mình làm ra những sản phẩm sơn mài truyền thống, họ trở nên tự tin hơn.

           Bước sang năm mới, ước mong của tôi là nền kinh tế thế giới và kinh tế nước nhà từng bước được phục hồi, lấy đà tăng trưởng. Nhà nước cần áp dụng các chính sách kinh tế phù hợp và linh hoạt, để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đứng vững và phát triển. Nếu doanh nghiệp  làm ăn có hiệu quả thì mới có điều kiện dạy nghề và tạo việc làm cho các cháu mồ côi, người nghèo và người khuyết tật.

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
15:18 | 31/01/2013
21:57 | 15/01/2013
17:17 | 10/12/2012
10:29 | 19/09/2012
11:18 | 23/07/2012
20:22 | 09/05/2012
Đăng ký thành viên