Đồ gốm Việt Nam trong quan hệ giao thương Quốc Tế

15:21 | 31/01/2013

Có thể nói qua nhiều thế kỷ, gốm sứ Việt Nam đã trở thành “sứ giả” giao thương với quốc tế khiến cho thế giới biết được không chỉ là tài nghệ thủ công của người Việt Nam mà còn cho họ hiểu được bản sắc văn hóa của dân tộc “con Rồng cháu Tiên”. Nghiên cứu về gốm sứ xuất khẩu của Việt Nam từ xưa đến nay, cũng là cách đúc rút những kinh nghiệm quý báu trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu công chúng trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay.
Đồ gốm Việt Nam trong quan hệ  giao thương Quốc Tế

 

 

Đồ gốm Việt Nam trong quan hệ  giao thương Quốc Tế

     Kim Dung

 

Hơn nửa triệu đô la Mỹ hay nói chính xác 521.000 USD đó là cái giá đã được trả cho chiếc bình gốm cổ Việt Nam vào năm 2001 từng gây chấn động dư luận trên thị trường đấu giá Quốc tế. Như nhận xét của ông Kiều Quang Chân - nhà nghiên cứu gốm cổ Việt Nam tại Hoa Kỳ: “Đây là một giá kỷ lục cho ngành gốm cổ Việt Nam, vì trước nay chưa bao giờ được bán với giá cao hơn. Cuộc bán đấu giá này được coi là một trong điều kỳ diệu với những ai yêu thích đồ cổ, mua bán đồ cổ và cả những nhà khoa học. Đối với người Việt Nam thì đây là là cuộc phát hiện cổ vật gốm trước nay chưa từng có. Theo các tài liệu thống kê còn lưu trữ thì ở thế kỷ X trong thời kỳ Việt Nam xây dựng nền  độc lập tự chủ, những lò gốm trong các làng gốm Việt Nam được nhanh chóng tăng số lượng sản xuất các sản phẩm cao giá và đã có chỗ đứng trên thị trường quốc tế qua các thương gia Trung Quốc và Ả Rập. Đến thế kỷ XI những đồ gốm có màu xanh Lam (Blue) của Việt Nam đã nhập vào nhiều hải cảng Quốc Tế. Cuối thời Lý  đầu thời Trần lại xuất hiện hàng gốm đặc biệt Việt Nam: gốm men nâu trên nền trắng ngà. Giữa thế kỷ XIV, gốm Việt Nam khởi sắc với diện mạo mới: gốm men tiền Cobalt (Pré - Cobalt), một loại men Lam nhẹ có phủ men trắng mờ. Hai dạng men ấy đã tôn cao giá trị cho những đặc phẩm gốm thời Trần, góp phần để triều đình Việt Nam gửi sang triều đình Nguyên - Mông (Trung Quốc) và theo các tàu buôn đi các nước Nhật Bản, Ả Rập  và nhiều vùng thuộc Biển Đỏ (Hồng Hải). Cũng theo ông Kiều Quang Chân: gốm Việt Nam đa sắc ở cuối thế kỷ XV và XVI rõ ràng đẹp hơn gốm Trung Hoa cùng thời. Ông Jules Speelman - người sở hữu chiếc bình gốm cổ Việt Nam trị giá hơn nửa triệu đôla đã xác nhận: “Chiếc bình gốm Việt Nam mà tôi mua hơn hẳn gốm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, hơn nữa gốm của các nước này quá nhiều, trong khi chiếc bình này mà tôi mua được mọi người công nhận là sản phẩm duy nhất của Việt Nam”. Khi chế độ Nhà Minh bao vây, cấm vận đối với nội thương nước họ thì các nghệ nhân và thợ gốm Việt Nam lại càng có cơ hội “ngàn vàng” phát triển ra nhiều nước khác. Ông Makoto Anabuki - Tham tán văn hóa Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong thập kỷ 90 thế kỷ XX, trong một chuyến công cán sang Thổ Nhĩ Kỳ ông có tới thăm Bảo tàng Itambul và rất sửng sốt khi thấy chiếc bình Tỳ Bà loại gốm hoa lam, có ghi niên đại 1450 và dòng chữ “Nam Sách Hải Dương Nghệ nhân Bùi thị hý bút”. Sau chuyến đi đó ông Makoto đã viết thư cho Bí thư tỉnh ủy Hải Dương để tìm ra di chỉ đã sản xuất chiếc bình. Nhờ thong tin của ông Makoto mà cuối cùng ngành khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy nơi sản xuất ra chiếc bình đó chính là làng gốm Chu Đậu Nam Sách Hải Dương. Và trong cuộc khai quật 2 con tàu của nước ngoài bị đắm trên hành trình giao thương quốc tế đã bị đắm ở Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) người ta phát hiện có rất nhiều gốm sứ của Chu Đậu xuất khẩu.

Trên thực tế, gốm Việt Nam trong giai đoạn lịch sử này đã có mặt ở 32 địa danh thuộc Đông Nam Á , 10 khu vực Nhật Bản trong đó có cố đô Kyoto và xuất hiện  trong các cung điện Hoàng gia các nước Ả Rập, các khu vực thuộc Biển Đỏ và vịnh Péc - Xích. Các thương gia nước ngoài thường biết đến các làng nghề gốm Việt Nam  như Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng thuộc xứ Kinh Bắc cổ, Hương Canh (Vĩnh Phúc), Chu Đậu (Hải Dương)…

Như ta đã biết, vào thế kỷ XIV cho mãi đến ba, bốn thế kỷ sau, nghề gốm của Nhật Bản vẫn chưa phát triển. Các thuyền buôn của Nhật Bản thời ấy được chính phủ Nhật Bản cấp cho “Châu ấn thuyền”, có nghĩa là “Thuyền có dấu đỏ”, đó là loại giấy phép được tự do đi lại, buôn bán với các nước khác. Các thương gia Nhật Bản đã đến Việt Nam qua các cảng biển Hội An ở miền Trung và phố Hiến ở miền Bắc. Theo “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn thì các thuyền buôn của Nhật Bản đã đến mua các hàng hóa của Việt Nam và “Hai xứ Quảng Nam, Thuận Hóa không có mỏ đồng, nước Nhật Bản xuất đồng đỏ, mỗi năm thuyền họ đến thì khiến thu mua, mỗi 100 cân giá tiền 45 quan” (NXB Khoa học, Hà Nội- 1964, trang 241).

Ở Tokyo hiện nay còn lưu giữ bộ Gai - Ban Su - Sô, là bộ sưu tập tài liệu về mối bang giao của Nhật Bản với các nước từ năm 1559 đến năm 1764. Bộ sưu tập này gồm có 27 tập, ghi lại các quan hệ giữa Nhật Bản và 11 nước. Tập 11, 12, 13 và 14, có niên biểu từ năm 1601 đến năm 1694, ghi chép những mối bang giao giữa nhà Mạc Phủ (Tokuga- wa) với chúa Trịnh ở Đàng ngoài và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Trong cuốn sách viết về 3 nước Ấn Độ, Đông Dương, Hà Lan, tác giả X.y Buch đã ghi:  "Chỉ riêng năm 1670 người Hà Lan đã mua 214.160 sản phẩm gốm của Bắc Việt Nam, một chiếc tàu Hà Lan đã chuyên chở 24.720 món đồ gốm Việt Nam có chất lượng hàng đầu".

Các nhà khảo cổ Nhật Bản cũng tìm thấy ở phía Bắc đảo Kyushu những mảnh gốm Việt Nam màu da lươn cùng với một chiếc mâm gỗ có khắc niên đại 1330. Nơi đây, xưa kia là cửa ngõ buôn bán với nước ngoài của Nhật Bản. Có lẽ đó là những tác phẩm gốm Việt Nam đầu tiên được đưa vào đất Nhật Bản.

Theo các nguồn tài liệu, các tàu buôn của Nhật Bản thời ấy xuất phát từ cảng Kyodo sang phố Hiến (Hưng Yên), Vân Đồn (Quảng Ninh), Kẻ Chợ (Hà Nội) và từ cảng Nagadaki sang Hội An (Quảng Nam), Thuận Hóa (Huế). Các thương gia Nhật Bản mang sang bán ở Việt Nam đồng, sắt, gươm giáo, áo giáp, len dạ, đồ trang sức, tiền Nhật… và mua về đồ gốm, vàng, thiếc, xạ hương, sa nhân, quế, hồ tiêu, tơ lụa, bông, vây cá, gạo…

Vậy là hàng gốm của Việt Nam được các thương gia Nhật Bản mua về khoảng từ thế kỷ XV và nhiều nhất vào khoảng thế kỷ XVII, chủ yếu là phục vụ cho giới quý tộc và đã được tham gia vào “Trà đạo” truyền thống của Nhật Bản, được coi là mặt hàng quý giá, có tính mỹ thuật cao.

Trong Viện Bảo tàng Mỹ thuật Nê - Du ở Tokyo, có trưng bày một cái chén uống trà có vẽ những cánh hoa Sen, đó là loại gốm men lam của Việt Nam, nó thuộc di sản của ngài Ca- na- mô- ri Xô- oa, là một nhà quý tộc và là bậc thầy về Trà đạo ở Nhật Bản vào thế kỷ thứ XVII. Cùng thời kỳ ấy, Tướng quân Tokugawa, một nhà quý tộc lớn cũng có nhiều đồ gốm Việt Nam trong dinh thự của mình, đặc biệt có một chiếc bình men trắng hoa lam rất quý, có trang trí hình con Rồng và hoa lá được nhiều người biết đến. Dòng họ quý tộc Ô- Oa- Ri Tokugawa còn lưu giữ một chiếc chén trà cổ Việt Nam, trang trí hoa lam, có chữ Phúc ở giữa. Cùng với gốm men lam, ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật Nê- Du còn có một cái chậu bằng gốm trang trí hình con Rồng. Kiểu dáng của chậu là kiểu dáng Nhật Bản, nhưng hình Rồng lại được vẽ giống như Rồng của Việt Nam. Cũng ở  Bảo tàng này, còn có một cái chén uống trà được trang trí bằng hình con Chuồn chuồn, cách vẽ với đường viền nhòe đúng là cách thường vẽ ở các đồ gốm Việt Nam. Nhưng ở các đồ gốm Việt Nam ít khi thấy vẽ hình con Chuồn chuồn. Vậy là có một tác phẩm mang kiểu dáng Nhật Bản với hình vẽ Việt Nam và một tác phẩm có lối vẽ Việt Nam nhưng họa tiết là của Nhật Bản. Một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể hai tác phẩm trên đây là hàng của Việt Nam được người Nhật đặt làm theo mẫu của Nhật Bản hồi thế kỷ thứ XVII. Năm 1992, Bảo tàng mỹ thuật Fukuoka, tổ chức gốm Việt Nam, giới thiệu 133 món đồ gốm Việt Nam từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVIII, huy động từ 13 bảo tàng trên khắp nước Nhật. Triển lãm diễn ra hơn 2 tháng trời (từ ngày 29/9 - 6/12), được đánh giá là triển lãm quy mô nhất về đồ gốm Việt Nam từ trước đến nay của Nhật Bản.

Năm 1996, Bảo tàng gốm sứ Kyushu mở cuộc triển lãm gốm sứ xanh trắng của thế giới, qui tụ 249 món gốm sứ thuộc dòng đồ thanh họa thuộc dòng đồ thanh họa của Trung quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Iran, Đức, Hà Lan trong đó Việt Nam góp mặt 10 cổ vật thuộc 2 dòng gốm: Chu Đậu (Nam Sách - Hải Dương) và Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội). Những đồ gốm trưng bày tại triển lãm này đều là tài sản của các Bảo tàng Nhật Bản. Năm 1997, Nhật Bản phối hợp với Trung Quốc, Hàn Quốc tổ chức triển lãm lưu động mang tên “Những chiếc đĩa lớn” ở 3 thành phố: Osaka, Masuda. Tokyo để giới thiệu những chiếc đĩa làm bằng gốm sứ có kích thước lớn. Ngoài những chiếc đĩa đến từ các bảo tàng của Trung Hoa, Hàn Quốc, còn có 3 chiếc đĩa gốm Chu Đậu góp mặt trong Triển lãm này. 3 chiếc đĩa ấy không phải mượn của Bảo tàng Việt Nam mà là cổ vật của Bảo tàng Machida nằm ở ngoại ô Tokyo. Những món đồ gốm Việt Nam trong Bảo tàng  Machida là quà tặng  của ôngYamada Yoshio - một thương gia kiêm nhà sưu tập, từng sang làm ăn buôn bán ở Trung quốc, Triều Tiên, Việt Nam từ trước Thế chiến II đã sưu tầm được nhiều đồ gốm sứ các xứ này mang về Nhật Bản. Trước lúc qua đời ông đã hiến trọn bộ sưu tập này cho Bảo tàng Machida quê hương ông.

Nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đức Anh Sơn trong chuyến thăm Bảo tàng Machida tại Tokyo, nơi có bộ sưu tập gốm Việt Nam vào loại hoàn hảo nhất trong các sưu tập đồ gốm Việt Nam ở nước ngoài, vào tháng 2/1998 đã cho biết: “Vào thời điểm đó, con tàu chở gốm Chu Đậu bị đắm ở Cù lao Chàm chưa được trục vớt nên lần đầu tiên nhìn thấy những chiếc đĩa lớn men Tam Thái, vẽ các đề tài rồng, chim, nai, cá; những chiếc Kendy có họa tiết mạ vàng thuộc các dòng gốm Chu Đậu, Mỹ Xá…trưng bày nơi đây, tôi vô cùng kinh ngạc và tự hỏi tại sao những cổ vật này lại lưu lạc sang tận Nhật, trong khi các Bảo tàng trong nước lại không hề có. Cô Yajima, chuyên viên phụ trách sưu tập gốm cổ Việt Nam của Bảo tàng Machida, chỉ tập trung nghiên cứu nguồn gốm cổ Việt Nam đang tàng trữ nơi đây, đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về đồ gốm Việt Nam thời Lê - Mạc ở Đại học Tokyo, điều này cho thấy nguồn hiện vật gốm Việt Nam ở Bảo tàng này phong phú và quý báu đến nhường nào.”

Ở Nhật Bản hiện có khoảng 20 Bảo tàng có sưu tập đồ gốm Việt Nam nhưng những món đồ quý giá nhất phần lớn thuộc về Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka và Bảo tàng gốm sứ Kyushu. Tại các Bảo tàng này có các cổ vật thuộc các dòng gốm Việt Nam thời Bắc thuộc; gốm men ngọc và gốm hoa nâu thời Lý - Trần; gốm hoa lam thời Lê, gốm xanh trắng và gốm màu Chu Đậu thời Mạc và một số đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh và thời Nguyễn… Phần lớn những hiện vật ở đây đều tuyệt hảo và toàn bích, do các Bảo tàng này mua được trong những cuộc bán đấu giá cổ vật ở Nhật Bản, châu Âu và châu Mỹ, hoặc do các nhà sưu tập hảo tâm hiến tặng.

Có thể nói qua nhiều thế kỷ, gốm sứ Việt Nam đã trở thành “sứ giả” giao thương với quốc tế khiến cho thế giới biết được không chỉ là tài nghệ thủ công của người Việt Nam mà còn cho họ hiểu được bản sắc văn hóa của dân tộc “con Rồng cháu Tiên”. Nghiên cứu về gốm sứ xuất khẩu của Việt Nam từ xưa đến nay, cũng là cách đúc rút những kinh nghiệm quý báu trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu công chúng trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay.

 

(Báo Phụ nữ Thủ đô, 72 Quán Sứ, Hà Nội)

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
15:21 | 31/01/2013
17:19 | 15/01/2013
15:20 | 20/11/2012
13:15 | 19/09/2012
23:38 | 24/07/2012
20:24 | 09/05/2012
Đăng ký thành viên