20:24 | 09/05/2012
Nhà văn Hữu Đạt
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI tập trung vào việc chấn chỉnh và xây dựng đội ngũ cán bộ. Đối với dân, một cán bộ có phẩm chất là rất cần, nhưng chưa đủ. Ngoài phẩm chất, một cán bộ lãnh đạo cần phải thực sự có năng lực tư duy. Năng lực này phải được thể hiện trong cách tổ chức hành động sao cho khoa học, không máy móc, ngụy biện và quan trọng nhất là phải xuất phát từ quyền lợi của dân, vì dân chứ không phải vì các mục đích khác.
Nếu quan sát trên báo chí, mỗi khi chuẩn bị có việc tăng giá (Ví dụ giá xăng, giá ga, giá điện…) hay chuẩn bị cho một chủ trương nào đó thì đại diện của các Bộ, thông qua báo chí, lại tìm mọi cách biện minh, rằng: Trên thế giới, giá bán của họ là thế này thế kia… Nhưng trong khi đó thì họ lại không đủ dũng cảm đứng về phía nhân dân để phản biện lại: Vậy trên thế giới lương tối thiểu của họ như thế nào? Đời sống của họ so với Việt Nam ra sao?...
Nhiều tháng nay, trên các mặt báo vẫn diễn ra cuộc tranh cãi sôi nổi về vấn đề giao thông và thu phí phương tiện. Đâu đâu cũng nghe người dân bức xúc, thậm chí phẫn nộ với cách tư duy của Bộ Giao thông Vận tải. Chỉ cần lấy một ý của ông Bộ trưởng thôi, phí cho xe ô tô sẽ giãn từ 10 – 20 triệu đồng là bình thường. Nhưng nếu hỏi tất cả những người có xe ô tô thì câu trả lời sẽ là: nó chỉ bình thường với ông Bộ trưởng và 1 – 2% số chủ xe ô tô thuộc diện con cháu đại gia. Còn gần 100% số người có xe ô tô đều là cán bộ công chức hoặc những người dân phải tiết kiệm cả đời mới có được. Thực chất thu phí ô tô và xe máy là đánh trực tiếp vào cán bộ và nhân dân, vào túi tiền vốn quá bé bỏng của họ. Đó không phải là biện pháp giúp cho việc giải quyết ách tắc hay tai nạn giao thông như ông Bộ trưởng nhiều lần phát biểu. Đã có không ít các bài báo của những chuyên gia phân tích về vấn đề này cả về tính khoa học cũng như tinh thần “vì dân”, nhưng vị Bộ trưởng nào có lắng nghe? Nói cho đúng, tình trạng giao thông xảy ra như hiện nay có rất nhiều nguyên nhân thuộc về quy hoạch đồng bộ, về cách quản lý… Tựu chung đều do thiếu năng lực tư duy thực sự. Cho nên, nhiều vấn đề chỉ giải quyết trên ngọn. Tiền của Nhà nước đổ vào khá nhiều nhưng bị thất thoát bởi tham nhũng, lãng phí từ trên xuống dưới, chất lượng đường xá ngày một tệ hại. Kể cả những con đường hiện đại nhất, rất ít người và xe cộ qua lại, nhưng có khi mới khánh thành được ba tháng thì đã bị hư hỏng nhiều đoạn (ví dụ đại lộ Thăng Long…) Như vậy, để giải quyết vấn đề giao thông thì cần phải tập trung vào ba vấn đề cơ bản: quy hoạch, chống tham nhũng (trình độ quản lý) và xây dựng hệ thống giao thông công cộng. Người dân rất cần vị Bộ trưởng có những phương án cụ thể, có sức thuyết phục cho ba vấn đề trên thì lại không được đáp ứng. Trái lại, ông lại đưa ra những quyết sách đánh trực tiếp vào dân và dùng lời hoa mỹ để biện mình: “họ sẽ tự hào vì được đóng góp… vì tinh thần yêu nước”, thì càng chứng tỏ ông đã quá xa dân…
Theo quy luật chung thì giao thông phải phục vụ để phát triển mọi hoạt động của xã hội, nhưng dường như chúng ta đang đi ngược quy luật này: trong thời gian qua, nhiều ngành phải thay đổi giờ làm, phải phá vỡ quy luật hoạt động bình thường để phục vụ giao thông. Xét cho cùng cũng bởi tại chúng ta chưa thoát ra khỏi thứ tư duy luẩn quẩn, giật gấu vá vai, mà ngành giao thông chỉ là một ví dụ.
Thiết nghĩ, tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI đã nêu là một vấn đề cấp thiết có tính sống còn cho sự tồn tại và phát triển của Đảng và đất nước, đó là vấn đề cán bộ. Hơn lúc nào hết, trong giai đoạn phát triển của đất nước hiện nay, dân rất cần các cán bộ lãnh đạo có năng lực tư duy thực sự, dám nghĩ dám làm, nhưng phải trên tinh thần khoa học chứ không phải bằng “ý chí luận” theo cách nghĩ xưa cũ. Làm cho đời sống người dân ngày càng được cải thiện, người dân ngày càng được giảm thiểu tối đa những đóng góp vô lý. Đó mới đúng là vì dân, vì nước thực sự.
(Bài đăng báo Văn nghệ số 15, ngày 14/04/2012)