20:01 | 15/01/2013
Lê Hoài Nam
Bộ luật Hồng Đức bao gồm 6 quyển, với 13 chương 722 điều, nội dung cơ bản của bộ luật thể hiện qua những nội dung như sau:
1- Giữ cho đất nước luôn ở thế phòng bị vững chắc trước quân xâm lược nước ngoài
Trong bộ luật Hồng Đức có nhiều điều quy định rõ trách nhiệm bảo vệ đường biên, vùng biển, cửa quan. Các hành vi xâm phạm an ninh và toàn vẹn lãnh thổ bị trừng trị nghiêm khắc. Ví dụ: "Người trốn qua cửa quan ra khỏi biên giới đi sang nước khác thì bị chém" (Điều 71) hoặc "Những người bán ruộng đất ở bờ cõi cho người nước ngoài thì bị chém" (Điều 74).
Vua Lê Thánh Tông còn ban hành các đạo dụ, những sắc chỉ quy định việc kê khai, kiểm tra dân số của toàn vương quốc, đặt ra luật lệ về chế độ binh dịch mà ngày nay chúng ta gọi là Nghĩa vụ quân sự; đặt ra phép quân điền cùng với việc xây dựng quân đội chính quy, thiện chiến làm cho đất nước luôn ở trong tình trạng đầy đủ sức mạnh để đập tan mọi mưu toan xâm lược của ngoại bang.
2- Giữ nghiêm kỷ cương phép nước
Thấm nhuần kinh nghiệm của người xưa: Mọi sự rối loạn đều bắt đầu từ sự rối loạn về kỷ cương. Giữ nghiêm kỷ cương là phải giữ gìn từ những kỷ cương hàng ngày, từ những điều tưởng chừng như là nhỏ nhặt nhất. Kỷ cương nhỏ nhặt nhất không giữ được thì không thể giữ nổi kỷ cương phép nước. Khi ban hành dụ: "Hiệu định quan chế", nhà vua đã nói rõ:"Từ nay con cháu ta nên biết thể chế này ban hành là do việc bất đắc dĩ. Một khi pháp độ đã định, nên kính giữ noi theo. Chớ có cậy thông minh, bàn xằng triều trước mà sửa đổi làm cho pháp điển ngửa nghiêng để tự hãm vào điều bất hiếu. Kẻ làm bầy tôi giúp rập, cũng nên kính giữ phép thường, cố giúp mãi vua ngươi, khiến noi công trước, để mãi tránh khỏi tội lỗi. Bằng dám có dẫn xằng phép trước, luận càn đến một quan, đối một chức, chính thị là bầy tôi phản nghịch, làm rối loạn phép nước thì bị giết bỏ giữa chợ không thương, gia thuộc đều bị đầy ra nơi biên viễn để rõ cái tội làm tôi không trung, ngõ hầu muôn đời sau biết đến cái ý sáng chế lập pháp còn ngự ở đấy vậy".
Để giữ được kỷ cương, nhà vua đặc biệt đề cao trách nhiệm của quan lại: "Các quan viên là những người gân guốc của xóm làng nhờ đó mà chính được phong tục. Vậy phải lấy lễ, nghĩa, liêm, sĩ mà dạy dân khiến cho dân xu hướng về chữ nhân, chữ nhượng, bỏ hết lòng gian phi, để cho dân được an cư, lạc nghiệp, giàu có đông đúc, mình cũng được tiếng là người trưởng giả trong làng".
3- Chấn hưng nông nghiệp, coi nông nghiệp là nền tảng của sự ổn định kinh tế xã hội
Dưới chế độ phong kiến, nông nghiệp là nền tảng của xã hội. Ngay từ những ngày đầu lên ngôi trị vì, nhà vua anh minh Lê Thánh Tông đã lấy việc mở mang nông nghiệp làm trọng. Nhà Vua đã đặt ra các cơ quan chuyên trách về việc chấn hưng nông nghiệp như: Sở tầm tang chuyên chăm lo khuyến khích việc trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa; Sở thực thái chuyên lo việc trồng rau; Sở điền mục chuyên lo việc chăn nuôi gia súc, gia cầm và Sở đồn điền chuyên lo việc ruộng đất. Nhà vua đặc biệt coi trọng việc đắp đập, tu sửa đê điều đề phòng bão lụt. Trong Bộ luật Hồng Đức có hai điều quy định khá tỷ mỉ về vấn đề này: "Việc sửa đê những sông lớn bắt đầu từ ngày mồng 10 tháng giêng, người xã nào ở trong đường đê phải đến nhận phần đắp đê, hạn trong hai tháng đến ngày mồng 10 tháng 3 thì làm xong. Những đường đê mới đắp hạn trong 3 tháng phải đắp xong. Quan lộ phải năng đến xem xét, quan coi đê phải đốc thúc hàng ngày. Nếu không cố gắng làm để quá hạn mà không xong thì quan lộ bị phạt, quan giám bị biếm. Quân lính và dân binh không theo thời hạn đến làm và không chăm chỉ sửa đê, để quá hạn không xong thì bị trượng hoặc biếm".
4- Mở rộng giao lưu khuyến khích thương nghiệp lành mạnh
Nhưng nếu một đất nước chỉ chăm lo cho nông nghiệp thì sẽ không thoát ra được tình trạng cát cứ, o bế. Muốn thoát ra là phải biết giao thương, thương mãi. Vua Lê Thánh Tông đã sớm nhìn ra con đường ấy, ngài khuyến dụ các quan rằng: "Trong dân gian hễ có dân là có chợ để lưu thông hàng hoá, mở đường giao dịch cho dân. Các xã chưa có chợ có thể lập thêm chợ mới. Những ngày họp chợ mới không được trùng hay trước ngày họp chợ cũ để tránh tình trạng tranh giành khách hàng của nhau". Bởi thế, dưới thời Lê Thánh Tông các chợ được mở mang rất nhiều. Các xã lớn thường có một chợ, hoặc mấy xã ở gần nhau thường có một chợ chung, họp hàng ngày. Rất nhiều chợ họp theo phiên, vào những ngày nhất định trong tháng còn lưu lại đến ngày nay. Chợ phiên là nơi mua bán sầm uất, có nhiều mặt hàng nhất.
Sự quan tâm đến việc phát triển thương nghiệp đã kéo theo nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ. Các nghề thủ công như: Dệt lụa, ươm tơ, dệt vải, mộc, nghề chạm, nghề đúc đồng cũng phát triển. Bắt đầu từ đây, kinh đô Thăng Long hình thành 36 phố phường, mỗi phố, mỗi phường một nghề nhộn nhịp, sầm uất. Phường Yên Thái làm giấy, Phường Nghi Tàm dệt vải lụa, Phường Hà Tân nung vôi, Phường Hàng Đào nhuộm điều, Phường Ngũ Xá đúc đồng và nhiều phường khác nữa. Dưới thời trị vì của Vua Lê Thánh Tông hàng hoá từ kinh đô Thăng Long đổ về các nơi trung tâm buôn bán ở những địa phương trong cả nước rất tấp nập.
5- Bảo vệ quyền sở hữu tài sản của công dân, trừng trị nghiêm khắc những quan lại có hành vi ức hiếp, đục khoét dân lành.
Trong ý thức và hành động của mình, vua Lê Thánh Tông luôn lấy dân làm trọng. Ngài chăm lo rất chu đáo đến từng chuyện làm ăn no đói của dân. Trong bộ luật Hồng Đức cho thấy, vua rất đề cao quyền sở hữu đất đai, điền thổ của dân. Bởi vì quyền sở hữu đất đai chính là cái quyền gốc cho việc thực hiện các quyền tiếp theo như quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của người nông dân.
Bộ luật Hồng Đức đã có những điều luật quy định việc trừng phạt những hành vi chiếm hữu, quyền sử dụng và định đoạt ruộng đất của người nông dân như: Tranh giành đất đai trái với chúc thư (Điều 354). Nhận bừa ruộng đất của người khác (Điều 344). Hà hiếp, bức hại để mua ruộng đất của người khác (Điều 355). Tá điền cấy rẽ mà trở mặt ăn cướp (Điều 356). Xâm lấn bờ cõi ruộng đất, nhổ bỏ giới mốc (Điều 357). Chặt cây trong khu mộ địa của người khác (Điều 358). Cấy trộm vào phần đất, phần mộ của người khác, chôn cất trộm vào ruộng của người khác (Điều 359). Ruộng đất đang tranh chấp mà đánh người để gặt lấy lúa má (Điều 360). Cấy rẽ ruộng công hay tư, không báo cho chủ mà tự tiện đến gặt (Điều 361). Các nhà quyền quý chiếm đoạt ruộng đất ao đầm của nhân dân, từ một mẫu trở lên thì xử tội phạt, từ năm mẫu trở lên thì xử tội biếm. Quan tam phẩm trở xuống thì xử tăng thêm hai bậc và phải bồi thường như luật định (Điều 370)…
Bộ luật Hồng Đức còn có cả những điều quy định nhằm bảo vệ quyền sở hữu ruộng đất cho trẻ em và người già như: Chồng chết con còn nhỏ, vợ tái giá mà bán điền sản của con (Điều 377). Cha mẹ còn sống mà bán trộm điền sản (Điều 378). Người trong họ tự tiện bán ruộng của đứa cháu mồ côi (Điều 379) đều bị xử phạt.
6- Bênh vực và bảo vệ quyền lợi phụ nữ
Triều Lê, khi mà nho giáo đã trở nên thịnh hành, trở thành một triều đại trọng Nho giáo. Những quy định khắt khe của Nho giáo với người phụ nữ như “tam tòng tứ đức” được coi trọng. Tuy vậy, trong bộ luật Hồng Đức có một số điều luật được coi là cách tân bảo vệ quyền lợi người phụ nữ, chẳng hạn: "Phàm chồng đã bỏ lửng vợ năm tháng không đi lại, vợ được trình với quan sở tại và quan xã làm chứng, thì mất vợ. Nếu vợ đã có con thì hạn một năm. Vì việc quan đi xa thì không theo luật này. Nếu đã bỏ vợ mà lại ngăn cản người khác lấy vợ củamình thì phải tội biếm (Điều 308)”. Cùng với mục đích bênh vực phụ nữ, trong Bộ luật Hồng Đức còn có điều quy định rằng: "Con gái hứa gả chồng mà chưa thành hôn nếu người con trai bị ác tật hay phạm tội hoặc phá tán gia sản thì cho phép người con gái kêu quan mà trả lại đồ lễ. Nếu người con gái bị ác tật hay phạm tội thì không phải trả lại đồ lễ, trái luật bị phạt 80 trượng (Điều 322)" hoặc: "Những nhà quyền thế mà ức hiếp để mà lấy con gái nhà lương dân, thì xử tội phạt biếm, hay đồ (Điều 338)"…
7- Khuyến khích nuôi dưỡng thuần phong mỹ tục
Để khuyến khích tình thương yêu đồng loại, đồng tộc, đồng bào trong Bộ luật Hồng Đức có quy định các điều luật như: Thôn, phường phải giúp đỡ kẻ ốm đau không nơi nương tựa, phải chôn cất những người chết đường (Điều 294). Phải chăm sóc người cô quả tàn tật không nơi nương tựa (Điều 295). Bắt được trẻ lạc phải báo quan (Điều 604). Có người chết đường, dân sở tại phải chôn cất (Điều 607)…
8- Tính hình sự nghiêm nhưng độ lượng, mang giá trị nhân văn.
Tính nghiêm minh trong hình sự ở Bộ luật Hồng Đức trước hết được thể hiện ở chỗ các tội ác nào được coi là tội nặng, tội nhẹ để trừng phạt phân minh. Các tội được gọi là "tội ác" gồm có 10 loại, tức "Thập ác", bao gồm:
1. Mưu phản là các tội xâm phạm đến an ninh tổ quốc, đến vẹn toàn lãnh thổ quốc gia.
2. Mưu đại nghịch là các tội chống lại tính mạng, tài sản nhà vua.
3. Mưu chống đối là các tội làm gián điệp hoặc cấu kết với nước ngoài chống lại tổ quốc.
4. Ác nghịch là các tội đánh giết ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh chị em ruột thịt...
5. Bất đạo là các tội thể hiện tính đặc biệt man rợ, tàn ác như giết 3 người trở lên một lúc, giết xong rồi lại chặt nạn nhân thành từng mảnh, dùng thuốc độc giết người.
6. Đại bất kính là các tội ăn trộm đồ thờ cúng trong lăng miếu của nhà vua, làm giả ấn tín nhà vua, bất cẩn trong việc chăm nom thuốc thang, ăn uống và phục dịch các nhu cầu khác của nhà vua.
7. Bất hiếu là các tội tố cáo hoặc dùng lời lẽ để chửi mắng, bỏ đói, bỏ rét ông bà, cha mẹ, hoặc khi có tang ông bà cha mẹ lại không để tang mà nhởn nhơ vui chơi.
8. Bất mục là giết hoặc đem bán những người trong họ từ hàng phải để tang từ 3 tháng trở lên, đánh đập và tố cáo chồng.
9. Bất nghĩa là tội giết các quan chức trong hạt, học trò giết thầy học, chồng chết mà không để tang mà lại vui chơi, ăn mặc như thường.
10. Nổi loạn là các tội loạn luân.
Như vậy theo chính sách hình sự của vua Lê Thánh Tông đã được thể hiện trong Bộ luật Hồng Đức thì ngoài các tội xâm phạm đến an ninh quốc gia, xâm phạm đến quyền lợi của Nhà Vua, thì các loại tội xâm phạm đến thuần phong mỹ tục như: Bất đạo, bất kính, bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân cũng được coi là những tội ác, thường bị xử phạt với hình thức cao nhất là xử trảm. Nhưng những người yếu thế, thiệt thòi thì được bảo vệ, che chở, giá trị nhân văn là ở đó.
Vua Lê Thánh Tông đã điều hành đất nước bằng bộ luật Hồng Đức một cách nghiêm minh suốt 38 năm cầm quyền của ngài, nhờ thế mà triều đại của ngài được xem là thái bình thịnh trị vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.