Người Mẹ của trẻ tàn tật

10:03 | 23/07/2012

"Chị kể mười năm qua, một mình chị đứng ra thuyết phục nhóm bạn tâm huyết, mở Trung tâm dạy nghề Tư thục Long Thành, gom những trẻ em tật nguyền, nhiễm chất độc da cam, trẻ mồ côi thuộc nhiều dân tộc, đang sống quằn mình trên những dốc núi cheo leo, bản làng sông, suối heo hút khắp vùng núi rừng Hoà Bình lại một nhà, dạy nghề cho họ tự nuôi sống mình và được sống trong ánh sáng của trí tuệ, nhân ái."
Người Mẹ của trẻ tàn tật
Bà Đào Thị Hiền bên các học viên

Người mẹ của trẻ tàn tật

                                                                 Vũ Minh Đức

      

       Ngày chủ nhật đẹp trời, bà Chủ tịch Quỹ Hợp Tác & Phát Triển dẫn chúng tôi thăm Trung tâm dạy nghề cho người tật nguyền tỉnh Hoà Bình.

        Giám đốc Đào Thị Hiền đón chúng tôi trong khuôn viên Trung tâm Long Thành, giữa thành phố Hoà Bình, với ba dãy nhà cấp bốn giản dị, núi rừng bao bọc, hoang sơ, tĩnh lặng. Xa xa Nhà máy Thuỷ Điện Hoà Bình đang ngày đêm tung dòng năng lượng trắng. Gương mặt dịu dàng trong sáng phúc hậu của người mẹ tuổi năm mươi, giọng kể chuyện chân thành đầm ấm, chị Hiền đã thu hút sự chú ý của tôi.

       Chị kể mười năm qua, một mình chị đứng ra thuyết phục nhóm bạn tâm huyết, mở Trung tâm dạy nghề Tư thục Long Thành, gom những trẻ em tật nguyền, nhiễm chất độc da cam, trẻ mồ côi thuộc nhiều dân tộc, đang sống quằn mình trên những dốc núi cheo leo, bản làng sông, suối heo hút khắp vùng núi rừng Hoà Bình lại một nhà, dạy nghề cho họ tự nuôi sống mình và được sống trong ánh sáng của trí tuệ, nhân ái.

       Chị Hiền vốn là cán bộ Sở Thương binh xã hội Hoà Bình. Chị thường gặp những người tàn tật, người già không nơi nương tựa, nhất là trẻ em, thanh niên tật nguyền, vất vơ ngơ ngác không biết tự xoay sở để sống. Thương lắm. Nhưng với vài dòng chính sách của Chính phủ, chị Hiền không có thể cứu được ai trong số họ.

        Tình thương cứ ngầm chảy trong chị, biến thành hành động. Tuổi bốn mươi, chị Hiền nghỉ việc nhà nước, tự mình lập Trung tâm Long Thành. Họ bỏ tiền túi ra, nhom nhén mời gọi bạn tật nguyền về dạy nghề, giúp họ kiếm sống. Lúc đầu dạy may thêu thổ cẩm truyền thống. Sau đó mua máy dạy may công nghiệp, may thời trang, mộc dân dụng, điện lạnh, đan chổi chít, mây tre…

       Dần dần, công việc đem lại niềm vui kết quả, chị Hiền thuyết phục được các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể “quen ngồi bàn giấy” quan tâm đến Trung tâm Long Thành.

      Năm 2004. Tỉnh Hoà Bình cấp hơn tám nghìn mét vuông đất cho Trung tâm. Năm 2006- 2007 chị Hiền và các thầy cô, các cộng sự đã góp tiền, vay vốn xây dựng khu nhà ở và nhà xưởng đón các trẻ tàn tật về dạy nghề và làm việc tại xưởng.

      Chiều muộn. Chị Hiền mời chúng tôi thăm xưởng may trong khuôn viên Trung tâm Long Thành, xung quanh thơm mát những cây Sưa mới trồng vài năm đã xanh tốt, kết hoa, toả khí trong lành.

        Trong xưởng may, hơn hai mươi thanh niên nam nữ đang chăm chú cắt, may quần áo xuất khẩu. Trông bề ngoài các bạn đều khoẻ mạnh trong bộ đồng phục công nhân. Nhưng người khuyết này, người tật khác. Tôi hỏi chuyện một cô bạn đang chạy máy khâu. Cô bị câm điếc không nói được. Bạn bị nhiễm chất độc da cam ngồi cạnh phải nói thay. Một bạn khác bị đao, đang lóng ngóng xếp quần áo…

       Nghĩ đến việc chị Hiền và các thầy cô giáo phải dạy các em học nghề, dạy cách ăn mặc, xưng hô, cách ứng xử với nhau trong tập thể người thuộc bảy dân tộc, tật nguyền khác nhau, cùng ăn, cùng làm, tôi thấy rất cảm phục. Công việc cần tài năng tổ chức và trước hết là tình thương con người.

      Các em được nuôi dưỡng và trả lương theo sản phẩm.

       Chị Hiền là một giám đốc nhà máy đặc biệt, mở không gian rất rộng, đầy tình thương yêu. Chị tìm các nguồn công việc từ mọi nơi, mọi chỗ về cho các em làm. Chị lăn lóc khắp bản làng kiếm tư liệu, khơi nguồn nghề truyền thống,  dạy nghề cho dân và tìm nơi bán cho họ. Tôi ngắm những tấm khăn thổ cẩm in hoa văn thơm bàn tay thêu thùa may vá tảo tần của các bà cụ trên núi cao, với chất sợi thiên nhiên mềm mát, hoà màu mây trời dịu nhẹ, sắp được xuất khẩu sang Tây Âu, vui cùng chị.

       Chị dẫn tôi thăm khu nhà ở của các bạn công nhân. Khu nhà một tầng đơn sơ, nhưng sạch gọn có tám phòng, mỗi phòng sáu bạn ở chung. Có bếp tập thể, có chó mèo, gà lợn, vườn rau, giếng nước.

         Tôi hơi ngại về cái sự ở chung của đám thanh niên tật nguyền này. Liệu họ có giữ được trật tự vệ sinh và nếp sống văn hoá hay không? Nhất là chuyện giao tiếp nam nữ, có gì lộn xộn không?

        Chị Hiền nắm tay tôi nói:

-       Các bạn được giáo dục sống đoàn kết, kỷ cương, trật tự. Phân công nhau trực nhật dọn dẹp, trồng cây rau, nuôi lợn gà, nấu cơm, rửa bát. Bạn lớn dạy bạn bé. Bạn nói được, dạy bạn câm điếc. Người cũ bảo người mới. Có sáu đôi yêu nhau, được Trung tâm tổ chức cưới và lo chỗ ở, nay sinh năm cháu bé khoẻ mạnh, xinh tươi, từ những cặp bố mẹ đau thương. Một tập thể các bạn bị khuyết tât, câm điếc, nhiễm chất độc da cam, thiểu năng trí tụê, đao, khuyết tật chân tay, thuộc nhiều dân tộc, nhưng được dạy dỗ, được làm việc, biết sống có nền tảng đạo đức chị ạ. Các bạn được vui sống trong lao động và tình thương, luôn biết ơn các thầy cô giáo, nên biết nghe lời.

Chị Hiền ở luôn Trung tâm cùng các cháu như người mẹ trong nhà trông nom năm chục đứa con nuôi. Hai con ruột của chị đã lập gia đình riêng, chồng chị đi chăm cháu ngoại. Chị ngủ cùng phòng với hai em bé nhất, bảy và chín tuổi. Một bé bị bố mẹ hành hạ, bỏ nhà đi, chị Hiền nhận nuôi, cho đi học. Một bé mất mẹ, bố lấy vợ hai đánh đập cô bé nát một cánh tay. Những đêm mưa rừng, nhà dột, ba mẹ con chị ngồi dậy che cho nhau khỏi ướt.

          Mười năm chị Hiền hiến dâng cuộc đời cho trẻ tật nguyền bằng trí tuệ và tình thương người mẹ. Chị đã giúp đào tạo được 2450 người bị đủ các dị tật cơ thể, có việc làm, được nhận vào các công ty, doanh nghiệp.

        Từ việc làm thực tế, mang lại lợi ích cho nhóm người tàn tật, chị Hiền mong các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội đến với người tật nguyền bằng hành động thiết thực, giúp họ tự đứng dậy lao động sản xuất, tự chăm lo đời sống cho mình. Không phải giúp họ với lòng thương hại chốc lát, mà giúp bằng các chính sách vay vốn, tạo cơ sở vật chất, đào tạo và nhận họ vào làm việc. Những việc làm này phải được thể chế hoá bằng các chính sách của Nhà nước với người tàn tật. Tỉnh Hoà Bình hiện có gần 15.000 người tàn tật có khả năng lao động, đều có nguyện vọng được học tập, có việc làm và sống tự lập, bình đẳng với cộng đồng.

       Những con người khổ đau tật nguyền không chờ đợi sự thương hại. Họ cần bàn tay nối những bạn tay, dựa vào nhau, chung sức chung lòng, lao động và vui sống. Họ cần tình thương con người bình đẳng giữa con người.

      Chị Hiền với tình thương chân thực ấy, đã giúp người nắm tay người khổ đau cùng đứng dậy.

       Với chị Đào Thị Hiền

Sống là Thương

Khổ nhiều nên mới biết thương

Thương người như thể thương mình đớn đau

Ai cũng lọt lòng mẹ sinh

Trái tim ai cũng nặng tình như ai

Sẻ chia bất hạnh tai ương

Đỡ nhau đi vững gian nan đường đời

Thương người, người lại thương ta

Tắt đèn tối lửa, bão giông nương nhờ

Tình thương cứu rỗi lương tâm

Người đây ta đấy bốn phương ấm lòng.

 

 

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
14:35 | 31/01/2013
20:01 | 15/01/2013
15:33 | 21/11/2012
10:49 | 19/09/2012
10:46 | 19/09/2012
10:51 | 23/07/2012
10:03 | 23/07/2012
18:24 | 30/05/2012
Đăng ký thành viên