Danh hoạ Nam Sơn

14:35 | 31/01/2013

“Hoạ sĩ Nam Sơn- Nguyễn Vạn Thọ (1890- 1973), người đồng sáng lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương năm 1925, quê huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Thời trẻ tự học vẽ, sau được hai cụ đồ dạy hoạ… Từ năm 1928 đến 1923, Nam Sơn vẽ minh hoạ cho sách giáo khoa bằng chữ Quốc Ngữ thuộc Nha học chính Đông phương, vẽ minh hoạ cho báo Nam Phong và tạp chí Đông Dương”(Từ điển Bách Khoa Việt Nam). “Hoạ sĩ Nam Sơn có công lớn trong nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại”(Lựơc sử Mỹ Thuật Việt Nam).
Danh hoạ Nam Sơn

 


Danh hoạ Nam Sơn        

                                                                Mai Thục

 

 

         * Nam Sơn và Victor Tardieu

       Họa sĩ người Pháp Victor Tardieu  đến Việt Nam vào lúc tài năng đang nở rộ.

        Ông sang Hà Nội nhận giải thưởng Đông Dương và đã quyết định không trở về Pháp vì yêu màu nắng, màu mưa, màu chùa, màu phố Hà Thành và người bạn Nam Sơn kém ông hai mươi tuổi.

         Với vốn Quốc Ngữ, tiếng Pháp thông thạo và bức tranh sơn dầu Chân dung nhà Nho (1923) Nam Sơn thu phục V.Tardieu, đậm tình nghệ sĩ.

           V.Tardieu ngạc nhiên trước Chân dung nhà Nho phục tài vẽ tranh sơn dầu như người châu Âu, của người Annam.

       Nam Sơn giúp V. Tardieu khám phá mỹ thuật cổ đại Văn Lang- Âu Lạc với nền văn hoá Đông Sơn rực rỡ của người Việt cổ.

        Những dấu tích trang trí mỹ thuật đồ hoạ trên trống đồng Ngọc Lũ, thạp đồng Hoàng Hạ, quang cảnh vũ hội, người múa, đánh trống, giã gạo, thổi kèn, chim, hươu nai, các chiến binh, thuyền chiến, võ sĩ... Những pho tượng cặp đôi nam nữ cõng nhau thổi kèn, cảnh tế lễ nông ngư, sông nước... Những khung cảnh kiến trúc Lý- Trần- Lê- Nguyễn quanh Hà Thành hài hoà phong cảnh thiên nhiên, nghệ thuật phong thuỷ, tranh vẽ trên tường của kiến trúc chùa, tháp, cung điện, trên lụa, trên gỗ, đậm chất Á Đông… Những tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống… Tranh chân dung tả chân những cá tính, thần thái từ triều Trần mà vua Trần Nhân Tông giỏi vẽ các quan đại thần trung hiếu của mình… Những pho tượng Phật bằng gỗ phảng phất gương mặt người Việt hiền hoà, chân chất… 

        Nam Sơn khai mở cho người bạn “Tây” cái nhìn về kho tàng mỹ thuật dân tộc, truyền thống, thuần Việt, làm cho V. Tardieu say đắm, không thể xa Hà Thành.

 

* Đồng sáng lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương

          Nam Sơn gặp V. Tardieu, nâng tầm khát vọng lớn, giao thoa văn hoá Đông Tây ấp ủ trong hồn.

           Bản “Đề cương Mỹ thuật”viết tay trên giấy vở học sinh năm 1923 của Nam Sơn đã thuyết phục V. Tardieu xin thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.

         “Lập nên một trường Đại học để đào tạo lấy nghệ sĩ có tài duy trì lấy nền tảng mỹ thuật của tổ tiên để lại, ngõ hầu cải tạo, sáng tác lấy một nền Mỹ thuật Đông phương có cá tính Việt Nam…”

        Đọc “Đề cương Mỹ thuật” ta xúc động bởi lòng thương nòi giống “máu đỏ, da vàng” của danh hoạ Nam Sơn:

        “Vẽ theo các đình chùa cổ, so sánh kích thước, tìm lấy lối nhà Việt Nam cho thích hợp với phong tục, tính tình, thuỷ- thổ của nước ta và hợp với sự vệ sinh của nòi giống Việt Nam, hợp với sự cần dùng của giầu, nghèo ở trong nước. Lấy khoa học mà giúp cho kiến trúc nước nhà được hay hơn, tiến hơn trước. Lo mở mang các thành phố, các làng, các công viên, phong cảnh thiên nhiên của đất nước, tạo nên những kiểu ngói, gạch lát, các kiểu những vật dung để xây nhà cho tiện lợi, mỹ thuật, chế ra những những kiểu đồ dùng trong nhà như giường, ghế, bàn tủ… cho được thuận tiện và có vẻ mỹ quan, bằng tre, gỗ, sành, sứ, dẫu rẻ tiền, hợp với tình thế người ít tiền cũng cần được đẹp đẽ, nói tóm lại làm cho người Việt từ nay về sau ở trong cũng như ở ngoài được mọi bề thuận tiện, ích lợi, ngoạn mục, để cho người bình dân cũng như các phú gia được hưởng cuộc đời êm đẹp, được sống trong vùng không khí vui tươi, đẹp đẽ, được gần thiên nhiên tạo vật hơn mà vẫn giữ được đủ vệ sinh như các nước Âu, Á”.

               Trong sự nỗ lực của Nam Sơn và ảnh hưởng uy tín tài năng V.Tardieu, vận động chính quyền Pháp, đã dẫn đến việc thành lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương ngày 27- 10- 1924, chính thức khai giảng 11- 1925,  do V.Tardieu làm hiệu trưởng. Nam Sơn là người đồng sáng lập và giảng dạy.

           Năm 1924- 1925. Tardieu và Nam Sơn cùng đi Paris  tuyển mộ giảng viên, mua sắm học cụ cho trường. Thời gian ở Pháp, Nam Sơn tu nghiệp tại Trường Mỹ Thuật  quốc gia Paris, học Hội hoạ ở xưởng hoạ của hoạ sĩ nổi tiếng Jean Pierr Laurens.

         Tại Paris Nam Sơn trở thành thân hữu với hoạ sĩ Nhật Bản FouJita và hoạ sĩ Trung Quốc Từ Bi Hồng. Sau này hai ông đều là những danh hoạ nổi tiếng thế giới thế kỷ XX.

        Xa Tổ quốc, Nam Sơn luôn thương nhớ quê nhà. Ông Nguyễn An Kiều con trai danh họa Nam Sơn gửi cho chúng tôi bài thơ Đường luật hoạ sĩ Nam Sơn hoạ thơ của một người bạn đang tu nghiệp ở Paris:

                         Trông vời Tổ quốc

                Trông vời Tổ quốc cảnh quan san

                Đi học theo thày, nết vẫn ngoan

                Hội hoạ dám đâu quên sắc đỏ

                Trang hoàng xin giữ vẹn màu “dôn” (*)

                Giang san cố quốc ngày thêm đẹp

                Nghệ thuật Nam bang khéo lại khôn

                Mong nhớ tri âm bao xiết kể

                Trời Tây thâm tạ, chúc vinh an.

                                           Nam Sơn Paris 5- 1925

         (*) Màu đỏ, màu vàng (Jaune)- máu đỏ da vàng Việt Nam.

        Những ngày đầu tuyển sinh và khai giảng, đột ngột V. Tardieu bị ốm phải ở lại Pháp. Tháng 10- 1925, Nam Sơn cùng hoạ sĩ Inguimberty  trở về  Hà Nội- Việt Nam. Mọi việc do Nam Sơn vất vả lo toan để trường hoạt động.

         Giáo sư hoạ sĩ Nam Sơn giảng dạy từ khoá đầu tiên đến khoá cuối cùng ở Trường Mỹ thuật Đông Dương (mười tám khoá, từ 1925- 1945). Nhiều tên tuổi hoạ sĩ học trò của Nam Sơn kết thành một trường phái “Hội hoạ Hà Nội” độc đáo: Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Đỗ Gia Trí, Lê Thị Lựu, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Trịnh Hữu Ngọc, Trần Văn Cẩn, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Hoàng Tích Chù, Phan Kế An…

        Lớp hoạ sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương đã đưa nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam lên đỉnh cao của nghệ thuật hiện đại.

 

      * Những sáng tác giao thoa mỹ thuật Đông – Tây:

  Năm 1937. Victor Tardieu vĩnh biệt xứ sở nắng vàng tại Hà Nội. Nhà điêu khắc Evariste Jonchére thay Hiệu trưởng V.Tardieu, đã chia Trường Mỹ thuật Đông Dương thành hai trường riêng biệt:

    - Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (có khoa kiến trúc)

    - Trường Mỹ nghệ thực hành Hà Nội.

         Cuối năm 1946. Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nam Sơn bị kẹt ở Hà Nội. Trong thời gian Hà Nội tạm chiếm, chính quyền bù nhìn đã nhiều lần chính thức mời Nam Sơn mở lại Trường Mỹ thuật và mời ông làm Hiệu trưởng mới. Nam Sơn từ chối.

           Nam Sơn đi dạy vẽ ở một trường phổ thông Trung học, chấp nhận cảnh gieo neo nặng gánh gia đình, nuôi tám con nên người. Ông nói với các con: “Nếu ra làm việc ấy, ắt khó tránh khỏi hoen ố ngòi bút, vì biết đâu, có lúc phải làm theo ý họ, làm điều sai, phản lại những anh em đi kháng chiến”.

        Nam Sơn say mê vẽ cùng Hà Nội tạm chiếm. Ông chọn những gì mình thương yêu quí trọng để vẽ. Vẽ người lao động nghèo, nhà Nho, nhà sư, hành khất, vẽ mẹ, thầy, người dân phố, phong cảnh đất nước, vẽ đường phố Hà Thành mang phế tích chiến tranh 1947… 

         Cả cuộc đời, Nam Sơn đam mê và lặng lẽ vẽ với phong cách truyền thống Việt Nam, học Trung Hoa, Nhật Bản và giao thoa với châu Âu, tinh luyện tác phẩm hội hoạ đậm hồn Việt Nam đến giây phút cuối cùng của đời mình, để lại hơn bốn trăm tác phẩm, thuộc các thể loại.

        Nam Sơn tham gia triển lãm hội hoạ quốc tế từ 1930, có tranh ở Bảo tàng Quốc gia Paris và các bộ sưu tập tại các nước, tác phẩm sơn dầu Chân dung mẹ tôi Huy chương bạc triển lãm Mỹ thuật quốc tế Paris 1932, Cò trắng và cá vàng (khắc gỗ bảy màu) bằng khen tại Rome 1932…

         Nam Sơn là tác giả cuốn Hội hoạ Trung Hoa sách đầu tiên về Mỹ thuật xuất bản ở Việt Nam 1930 bằng tiếng Pháp.

       Từ 1957- 1973 Nam Sơn là Uỷ viên chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam.

       Nam Sơn- Hoạ sĩ Việt Nam đầu tiên và duy nhất, có tác phẩm được Nhà nước Pháp mua, đưa vào Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Paris.

          Tờ Trung Bắc Tân Văn (1930) đưa tin với hàng tít lớn: “Nét bút nhà danh hoạ Nam Sơn đã gây một mối dư luận trong Mỹ thuật giới nước Pháp.

        Vừa rồi có tin Chánh phủ Pháp đã gửi mua một bức tranh vẽ của một nhà hoạ sĩ Annam. Ông Nam Sơn hiện làm giáo học ở Trường Mỹ thuật Hà Nội. Tuy còn trẻ tuổi mà nét bút đan thanh của ông ngay đến nhiều tay thầy vẽ người Pháp cũng phải công nhận là tài tình.

      Vì vậy nên quan Tổng trưởng bộ Mỹ thuật nước Pháp đã gửi thư qua Hà Nội cho ông Nam Sơn để hỏi mua bức tranh ấy, vì Chánh phủ muốn đem bày vào trong một viện tàng cổ ở Paris”

                    Từ năm 1673 đến 1930, các nghệ sĩ Pháp đã tổ chức 142 cuộc triển lãm mỹ thuật với sự tham gia của hàng ngàn nghệ sĩ trên thế giới. Để nhìn lại lịch sử mấy trăm năm cuả các Bảo tàng Mỹ thuật Pháp, trang website của Bộ Văn hoá Pháp công bố một thống kê gồm 57 trang, ghi tên những nghệ sĩ trên thế giới có tác phẩm mỹ thuật được Nhà nước Cộng hoà Pháp mua để lưu giữ và trưng bày. Con số chính xác là 10. 140 nghệ sĩ với những tên tuổi lớn: Từ Léonard de Vinci, Raphael… đến Gauguin, V.Tardieu… trong số đó có hoạ Nam Sơn với tác phẩm mực nho Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng.

        Danh hoạ Nam Sơn, tuổi bốn mươi, tài năng thăng hoa. Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng vẽ mực nho trên vải, hiện lên người đàn bà mềm mại, yếm váy mớ ba mớ bảy, nón thúng quai thao, đòn gánh tre, quang tre trĩu nặng hai thúng gạo đầy, từ bến nước đi lên. Một tay nàng giữ đòn gánh phía trước, tay kia nắm dải quang phía sau, mắt nhìn xuống đôi chân trần loang bóng nước. Trên bờ, người đàn ông lưng trần, quần dài, ngồi xổm, nhìn ra mặt sông mênh mang. Chàng chờ đợi điều chi? Không ai biết. Dưới sông, những chiếc thuyền nan mỏng mảnh chụm vào nhau. Sóng nước lơ thơ thì thầm cùng gió hoang vu. Cảnh tượng cuộc sống Hà Thành độc nhất vô nhị thế gian, một đi không trở lại.

        Danh hoạ Nam Sơn níu giữ cho nhân loại thời gian đã mất. Không gian đã mất. Nghệ sĩ Nam Sơn, đã trường tồn hoá cảnh sống hữu tình, giữa bóng tối và ánh sáng, giữa êm ả thanh bình và nguyên thuỷ trinh nguyên của đất và người Hà Thành đầu thế kỷ XX, thập niên trước khi xảy ra chết chóc kinh hoàng, bởi hai cuộc Đại thế chiến.

 

 

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
14:35 | 31/01/2013
20:01 | 15/01/2013
15:33 | 21/11/2012
10:49 | 19/09/2012
10:46 | 19/09/2012
10:51 | 23/07/2012
10:03 | 23/07/2012
18:24 | 30/05/2012
Đăng ký thành viên