17:15 | 10/12/2012
Trương Thị Kim Dung (Tường thuật)
Sự lạnh giá của đợt rét tăng cường đầu Đông bất chợt bị quên đi trên nét mặt nụ cười hân hoan của đại diện Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Nội Vụ, Bộ Y Tế, đại diện các tổ chức xã hội dân sự, đại diện các cấp chính quyền địa phương tại các vùng Dự án, đại diện các cộng đồng hưởng lợi từ Dự án đến gia Hội thảo: “Chia sẻ bài học kinh nghiệm từ Dự án Môi trường và Cộng đồng – Mô hình cải tạo môi trường bền vững có sự tham gia của cộng đồng” do Trung tâm Hợp tác Phát triển Nguồn nhân lực (C&D) với sự hỗ trợ của Tổ chức Tái tạo Năng lượng Đan Mạch (OVE), tổ chức tại Hà Nội (ngày 5/12/2012). Mọi người cùng nhau bày tỏ mọi điều bằng các tham luận, các ý kiến mà bản thân tâm đắc, trải nghiệm vì môi trường xanh - sạch - đẹp và thấm đậm tình nhân ái.
*Đồng lòng chung sức xây dựng :
Dự án “Môi trường và cộng đồng” tiến hành trên địa bàn thành phố Hà Nội, cụ thể là 5 phường nội thành (Thanh Xuân Bắc, Thượng Đình, Ô Chợ Dừa, Văn Chương, Quỳnh Mai) và 2 xã ngoại thành (Kim Chung, Hải Bối).
Theo ông Kiều Trường Sơn (Trung tâm Hợp tác Phát triển Nguồn Nhân lực C&D) cho biết: Nhằm mục đích tăng cường năng lực cho các cộng đồng nghèo thu nhập thấp trong công tác xác định các vấn đề về môi trường, tổ chức và thực hiện các mô hình cải tạo môi trường; sau hơn 8 năm (2004 – 2012) Trung tâm Hợp tác Phát triển Nguồn nhân lực (C&D) với sự hỗ trợ của Tổ chức Tái tạo Năng lượng Đan Mạch (OVE), thực hiện Dự án: “Môi trường và Cộng đồng” đã thu được những thành công và những bài học kinh nghiệm nhất định. Mục tiêu dài hạn của Dự án là góp phần thực hiện chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam gồm 19 lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể Dự án này góp phần thực hiện 5/19 lĩnh vực ưu tiên sau: sản xuất sạch hơn, phát triển bền vững địa phương, vệ sinh môi trường, giảm ô nhiễm ở các khu đô thị, quản lý chất thải. Mục tiêu tổng thể của Dự án: cải thiện chất lượng cuộc sống của các cộng đồng nghèo và thu nhập thấp ở Hà Nội. Nâng cao nhận thức của cộng đồng đồng thời vận động các tổ chức quần chúng, các tổ chức phi chính phủ về môi trường và vấn đề giảm nghèo phối hợp thực hiện các hoạt động vì môi trường tại địa phương.Còn mục tiêu cấp địa phương: tăng cường năng lực của các cộng đồng nghèo, thu nhập thấp để xác định, tổ chức, thực hiện cải thiện môi trường trong cộng đồng của họ.
Nhóm công tác tham gia trực tiếp vào chu trình này gồm Ban công tác dự án các xã (CTF), mỗi xã/phường cử 3 cán bộ đại diện tham gia. Nhóm công tác cộng đồng (CWG), mỗi cộng đồng cử 5 – 10 người đại diện cho cộng đồng tham gia. Ban lãnh đạo dự án hỗ trợ, tư vấn về mặt kỹ thuật triển khai thực hiện triển khai các bước theo chu trình tại các cộng đồng mục tiêu.
Chia sẻ ý kiến về quá trình Dự án được triển khai tại địa phương mình, các bản tham luận (Báo cáo kết quả thực hiện Dự án giai đoạn I tại phường Thanh Xuân Bắc. Báo cáo kết quả thực hiện Dự án giai đoạn II tại phường Quỳnh Mai, Văn Chương, Ô chợ Dừa và Thượng Đình. Báo cáo kết quả thực hiện giai đoạn III của 2 xã Kim Chung, Hải Bối) đều tập trung đi sâu vào các vấn đề : mô hình hoạt động, phương thức tuyên truyền - vận động liên kết và tổ chức thực hiên; ý thức và sự tham gia của người dân, sự ủng hộ cởi mở nhiệt tình của cấp chính quyền địa phương, vai trò của đoàn thể đặc biệt là Hội phụ nữ cơ sở.
Bà Vũ Thị Liên (Chủ tịch Hội Phụ Nữ phường Thượng Đình) có nhận xét rất xác đáng về những yếu tố dẫn đến thành công của Dự án: “Lúc đầu đầy khó khăn bỡ ngỡ khi tiếp cận Dự án nhưng nhờ cán bộ chủ chốt đã trao đổi hướng dẫn tận tình và đã có kết quả như cộng đồng mong muốn. Thành viên của Ban công tác Dự án và nhóm công tác cộng đồng và chính quyền cơ sở là những hạt nhân nòng cốt trong phong trào cải tạo môi trường tại địa phương. Họ đã dần dần đưa các hoạt động cũng như lợi ích thiết thực của Dự án đến với cộng đồng dân cư địa phương.. Toàn bộ chu trình cải thiện môi trường có sự tham gia của cộng đồng. Trong quá trình triển khai, mặc dù phải đóng góp kinh phí (20% – 30% ) cho các công trình nhưng người dân trên địa bàn vẫn hài lòng vì họ được trực tiếp lựa chọn vấn đề môi trường bức xúc cần ưu tiên cải tạo, tham gia bàn bạc kế hoạch, được quyền lựa chọn đơn vị thi công và được giám sát ở tất cả các khâu. Đây thực sự là mẫu hinh: “Dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nếu bất cứ đâu cũng tuân thủ nghiêm túc như mẫu hình này thì sẽ không có chỗ đứng cho tham nhũng.”. Bà Liên cũng cho biết: “Phường chúng tôi là một phường công nghiệp có tới 5000 hộ với hơn 20 ngàn dân và đa số cán bộ công nhân về hưu thu nhập thấp. Nhờ có Dự án mà phường thực hiện được 3 bể phốt cho nhà cao tầng, thau 5 téc nước của khu tập thể Thăng Long và cải tạo được đoạn đường 300 m lầy lội., hơn 1000 bếp than tổ ong đã giảm khí thải độc hại.”
Sự chung sức chung lòng của ban công tác Dự án, chính quyền và người dân trong việc cải tạo môi trường được thể hiện rất rõ trong việc xây dựng kế hoạch cộng đồng và việc nhất trí đóng góp kinh phí cho kế hoạch: người dân 30%, chính quyền 20%, Dự án 50%. Phần đóng góp kinh phí của người dân tham gia vào các hoạt động trên đã cho thấy quyết tâm làm thay đổi diện mạo môi trường khu vực mình đang sinh sống.
Tại các địa phương được hưởng thụ Dự án, kết quả về cải tạo môi trường thể hiện bằng những việc làm rất cụ thể và thiết thực, đó là những công trình giúp người dân thay đổi điều kiện sống mà nhiều năm qua do quá khó khăn về kinh tế nên họ không thể có điều kiện cải tạo được môi trường sống của mình. Nay, tùy hoàn cảnh và nhu cầu bức thiết của người dân mà các mô hình được ứng dụng hết sức linh hoạt vào từng địa phương: cải tạo đường và rãnh thoát nước, thau rửa bể nước sinh hoạt, xây mới bể nước cho cụm dân cư nhà tập thể, cải tạo khu vệ sinh cho các hộ gia đình, xây mới nhà vệ sinh cho các hộ nghèo, thay thế bếp đun than tổ ong cũ bằng bếp đun than “con Cò”, giảm thiểu khí thải độc hại, tiết kiệm nhiên liệu. Hỗ trợ các trang thiết bị cho việc thu gom rác thải (xe đựng rác có lắp, cuốc xẻng) tại địa phương đồng thời trang bị thùng đựng rác, cải tạo khu rửa chân tay bố trí ghế đá trồng cây xanh tạo bóng mát cho học sinh.
Tất cả các tham luận, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều cho rằng: Việc trang bị thêm xe gom rác, thùng đựng rác có nắp tại những điểm nóng trong cộng đồng (khu tập trung nhiều công nhân nhập cư, khu chợ, trường học...,), đã góp phần đắc lực giảm thiểu lượng rác thải của môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và dịch bệnh cho người dân địa phương cũng như cảnh quan khu vực. Việc quét vôi bảo vệ và đánh số cho cây xanh trong khu vực đã tạo điều kiện cho việc cảnh quan môi trường nói chung và cây xanh nói riêng được dễ dàng và thuận tiện hơn. Với việc đặt ghế đá tại khuôn viên các trường học trên địa bàn xã giúp các em có chỗ để ôn lại bài hoặc thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Nó còn tạo cảnh quan đẹp cho môi trường và bảo vệ môi trường tại trường học của mình hơn. Trang bị các dụng cụ vệ sinh cho người dân như cuốc, chổi, xẻng nhằm mục đích hỗ trợ người dân có công cụ để làm sạch đường làng ngõ xóm. Khi có đầy đủ trang thiết bị cần thiết sẽ tích cực hơn trong việc làm vệ sinh môi trường ở địa phương và gây ảnh hưởng lớn đến ý thức giữ gìn vệ sinh của người xung quanh. Ý thức được tầm quan trọng của việc giáo dục hành vi, nhận thức cho trẻ là việc đầu tư môi trường bền vững cho tương lai, Ban công tác phường/ xã đã kết hợp với Ban giám hiệu các trường học trên địa bàn lồng ghép các buổi học về môi trường, cuộc sống vào các tiết học. Từ các cháu Mẫu giáo đến các em học sinh phổ thông đều được hướng dẫn tự nhận thức, bảo vệ môi trường xung quanh; cách bỏ rác vào thùng, không xả rác bừa bãi thông qua các tiết học ngoại khóa, chào cờ đầu tuần.Việc cho rác thải vào thùng rác hàng ngày đã tạo cho các em thói quen giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường xung quanh một cách tự nhiên.Hòa vào niềm vui chung về thành những thành quả của Dự án, bà Lê Thị Loan - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hải Bối (huyện Đông Anh) nhấn mạnh: “Cùng với sự hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật của Dự án, được chính quyền địa phương quan tâm ủng hộ, nên các công trình được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Những công trình này sau khi đưa vào sử dụng lại được bà con có ý thức bảo vệ, giữ gìn để phát huy hiệu quả lâu dài”.
Ảnh hưởng tốt đẹp của Dự án: các cộng đồng mục tiêu được cải thiện môi trường sống. Ý thức người dân về bảo vệ môi trường được nâng cao. Học hỏi được phương pháp tiếp cận của Dự án và tự tổ chức thực hiện được các mô hình cải tạo ở cộng đồng.. Cộng đồng được tham gia, quyết định và hưởng lợi trực tiếp từ các mô hình cải tạo của mình. Các cộng đồng chủ động thuyết phục các cơ quan, tổ chức đoàn thể, cộng đồng khác trên địa bàn mà cũng hưởng lợi từ mô hình cùng tham gia đóng góp kinh phí thực hiện cải tạo
II/ Nối tiếp thành công
Với tư cách Giám đốc Trung tâm Phát triển Năng lượng bền vững (VSF) và cũng là người có nhiều năm tham gia Dự án, ông Nguyễn Thường hào hứng khẳng định: “Dù dự án đã kết thúc nhưng các kinh nghiệm, phương pháp, mô hình của Dự án mà chúng ta vừa học vừa làm đó vẫn có thể tiếp tục áp dụng vào thực tế công việc của địa phương và vì công cuộc cải thiện môi trường của cộng đồng”.
Tại Hội thảo mọi người đều nhất trí thừa nhận tính bền vững của Dự án: Nâng cao nhận thức của cộng đồng, chính quyền địa phương và các Hội về cải thiện và bảo vệ môi trường; tạo ra tính tự giác và chủ độngcủa cộng đồng tránh coi bảo vệ môi trường là của địa phương. Hình thành mô hình hoạt động, được thể chế hóa về chức năng nhiệm vụ, lề lối làm việc, nhờ đó mọi hoạt động đều được lên kế hoạch. Mô hình hoạt động của cộng đồng được các cấp chính quyền, các ngành chức năng và các Hội quần chúng cơ sở nhiệt tình ủng hộ.
Đại diện xã Hải Bối (huyện Đông Anh) nêu rõ: Nối tiếp thành công của phong trào tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, Ban công tác nhóm công tác của xã Hải Bối với sự hỗ trợ của Ban quản lý Dự án đã đẩy mạnh hoạt động ra diện rộng, huy động sự tham gia tối đa của người dân trong xã, không chỉ lứa tuổi trung niên mà nhiều cụ già, các cháu học sinh cũng hăng hái sử dụng chổi, cuốc xẻng... tham gia hoạt động. Các cuộc ra quân tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh đã trở thành một phong trào hàng tháng của thôn và là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá gia đình văn hóa, gương người tốt việc tốt.
Tại xã kim Chung cũng vậy, hoạt động tổng vệ sinh đã trở thành hoạt động thường kỳ mỗi chiều thứ 7 hàng tuần, nếu trước kia bà con cho rằng đây là hoạt động của Dự án, không phải của mình thì đến nay, không cần tới sự hỗ trợ của Ban quản lý Dự án, nhóm công tác cộng đồng cùng người dân đã cùng nhau tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm nơi mình cư trú. Đây là điều rất đáng mừng bởi người dân đã ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân với cộng đồng, môi trường.
Kết thúc Hội thảo, ông Finn Tobisen - Giám đốc tổ chức OVE – Đan Mạch bày tỏ cảm xúc sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các chị Hội phụ nữ các xã, phường: “Tôi rất vui khi được nghe ý kiến của các chị phụ nữ xinh đẹp phát biểu tại đây” đồng thời đánh giá cao các ý kiến chia sẻ của phái đẹp này và ý kiến của ông Nguyễn Thường.
Ông Finn Tobisen phấn khởi khẳng định: “Khi tham gia Dự án, người dân sẽ chủ động, trực tiếp bắt tay vào cải thiện môi trường mà không phải thụ động ngồi chờ. Kết quả dự án cũng cho thấy chính quyền ở địa phương đã rất tin tưởng vào Dự án, tin tưởng vào người dân của mình. Cảm ơn chính quyền các địa phương đã rất cởi mở khi tiếp nhận và tham gia cho Dự án thành công”
Cuộc Hội thảo chứng tỏ một hoạt động rất thành công của tổ chức xã hội dân sự (XHDS). Nhà tài trợ nước ngoài (OVE -Đan Mạch) đã chọn tổ chức XHDS để tài trợ (cụ thể là C& D) và chúng ta đã thực hiện rất tốt hoạt động này bằng các tổ chức XHDS ở địa phương, chủ yếu là Hội Phụ nữ. Có thể tự hào rằng: tổ chức XHDS đã thực hiện được những việc về cải tạo môi trường, cải thiện chất lượng sống....mà nhiều năm nay chính quyền cơ sở không thực hiện được. Đây không chỉ là kết quả trước mắt mà còn tạo ra cơ sở cho hoạt động ấy tiếp tục phát triển bền vững lâu dài (ông Vũ Quốc Tuấn - Chuyên viên cao cấp Chính phủ, cố vấn Quỹ Hợp tác Phát triển)