11:46 | 31/01/2013
Các bạn trẻ phố Trần Hưng Đạo hỏi:
Mỗi khi Tết đến, Xuân về, trong mỗi con người đều rộn lên những cảm thức về thời gian tính theo tuổi của mình. Mỗi năm thêm một tuổi. Tháng ngày trôi nhanh. Đời người sống như thế nào để có ích cho bản thân và xã hội? Đề nghị BBT tờ Tin Người Dân trả lời giúp.
(Nguyễn Thị Thanh Hải và các bạn Khu phố Trần Hưng Đạo- Hà Nội).
Trả Lời:
Đây là câu hỏi khó. Nó phụ thuộc vào mỗi cá nhân. Nhưng một khi bạn đã hỏi có nghĩa là bạn đang nỗ lực vươn lên trong thời gian sống của đời mình. Không thể để cuộc đời trôi vô ích.
Chúng tôi đăng bài viết của nhà văn Mai Thục. Các bạn tự suy ngẫm. Chúc các bạn thành công trong đời người.
Mùa Xuân- Đời người
Mai Thục
Với người phương Đông, khái niệm mùa xuân có ý nghĩa là thời gian- đời người. Tản Đà tính thời gian theo Xuân (Ngày xuân, nhớ xuân), mỗi Xuân đến là “tám năm”, “mười năm”, “năm chục năm” hay “một trăm năm” đã trôi đi. Đó là cuộc hành trình sinh mệnh đời người. Trong vũ trụ mênh mang, sinh mệnh của con người chỉ là một thoáng ngắn ngủi. Vậy con người phải thiết kế cuộc đời mình ra sao?
Tản Đà luôn ý thức về cái hữu hạn của kiếp người, ông biết tiêu dùng thời gian có ích cho đời mình: “Sáu tuổi đọc Luận ngữ làu làu/ Xuân mười tuổi học làm thơ/ Xuân mười bốn tuổi văn đủ lối/… Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông… Ông đã sống hết mình với cách sống sáng tạo, hành động cháy sáng ước mơ, chí lớn, mở những tư tưởng mới, xây dựng thế giới mới… Để đến nay“ Ngoài trăm tuổi vắng ta nơi trần thế” mùa Xuân vẫn gõ cửa tìm ông.
Khổng Phu Tử (551- 479 TCN) người thầy vĩ đại, trên hai ngàn năm trước đã vạch ra một niên biểu thiết kế đời người. Khổng Tử nói: “Ngô thập hữu ngũ nhi trí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du cử”.(Ý nói: Tôi mười lăm tuổi đã có chí hướng về học tập; ba mươi tuổi biết khuôn phép, có thể đứng vững trong xã hội; bốn mươi tuổi tri thức tương đối phong phú, nghe mọi điều bàn luận khác nhau, không đến nỗi bị mê hoặc; năm mươi tuổi biết vận mệnh trời phú cho mọi người; sáu mươi tuổi hễ nghe lời lẽ của người khác đã có thể phân biệt được thật giả, phân biệt rõ phải trái; bảy mươi tuổi thì có thể tùy ý, không đến nỗi xa rời khuôn phép”).
Tác giả XiZi (Trung Hoa) trong sách Sinh mệnh đời người (NXB Hà Nội-2002) cho rằng đời người là một loại năng lượng. Nhưng khai thác năng lượng của đời người đòi hỏi phải trả giá thành to lớn. Ai nắm được tri thức khai thác năng lượng sinh mệnh, người đó có thể sáng tạo ra vẻ huy hoàng của nó. Trong bộ não của mỗi người đều có một mỏ vàng, chỉ có rất ít người khai thác được nó. Đằng sau lưng mỗi người đếu đang ngủ say một người khổng lồ thần thông quảng đại, nhưng rất ít người thức tỉnh họ. XiZi đưa ra thiết kế đời người theo hướng dọc, chia ba thời kỳ của đời người: thời hoàng kim, thời đồ bạc, thời đồ sắt.
- Thời hoàng kim: Là thời thơ ấu, giai đoạn khơi dậy
năng lượng đời người, thời kỳ quan trọng nhất của đời người. Nếu như năng lượng của đời người không thể thức tỉnh được ở thời thơ ấu, thì con người khổng lồ của năng lượng đời người sẽ có thể ngủ say suốt đời. Tất cả mọi đứa trẻ con sinh ra đều là thiên tài, nhưng chúng ta lại làm phai mờ tư chất bẩm sinh trong sáu năm đầu tiên sinh mệnh của chúng nó. Bởi vậy giáo dục tuổi mẫu giáo, bảo hộ dục vọng, bảo hộ tính hiếu kỳ của nhi đồng là cực kỳ quan trọng. Ý thức sáng tạo là tài sản suốt đời quí giá nhất của trẻ con, nhưng phương pháp giáo dục của chúng ta lại kiềm chế sự sáng tạo của chúng… Thời kỳ hoàng kim là giai đoạn con người sống hoàn toàn thuộc về mình, tâm hồn chân thực, tình cảm tốt đẹp, hạnh phúc nhất. Cần phải thiết kế thời kỳ hoàng kim của con người những phẩm chất quí hơn vàng như: tạo dựng cho trẻ một tâm hồn cao thượng, bảo vệ bẩm tính của trẻ con, giữ gìn và bồi dưỡng lòng tự tôn để chúng sớm biết tự quí trọng giá trị của mình. Thiết kế sức căng sáng tạo: xây dựng chí hướng cao cả là động lực bên trong kích dậy sức sáng tạo, bảo vệ bồi dưỡng lòng ham hiểu biết, sự hiếu kỳ, học mà chơi, chơi mà học. Cuối cùng là chăm sóc cơ sở thể năng, rèn luyện thể lực, tố chất thân thể khỏe mạnh, là vốn liếng cả một đời.
- Thời kỳ đồ bạc:
Là thời thanh niên, vai trò đời người phát sinh và biến
đổi rất nhanh. Đây là thời kỳ thực hiện của đời người, phải gánh vác gánh nặng cuộc sống lớn nhất: với ông bà, cha mẹ, con cái; và phải bắt tay thực hiện lý tưởng manh nha từ thời thơ ấu của mình. Đây là thời kỳ tự chủ, quyết định sự lựa chọn của đời người. Tuổi thanh niên phải làm thế nào để cá nhân được hoàn toàn độc lập; là một thời rực cháy ước mơ và hành động mạnh mẽ, chính xác, đầu tư nguồn vốn năng lượng đến tuổi già. Chesterfield nói:” Thời trẻ không vun trồng tri thức, đến già sẽ không có bóng cây hóng mát”
- Thời đồ sắt:
Vấn đề tuổi già là một quan niệm triết học. Thời kỳ này con người hài hòa với hoàn cảnh xã hội và thiên nhiên, thích ứng với tất cả. Đây là vẻ đẹp của con người trước tạo hóa, người ta cần phải đổ sức mạnh mới cho thời tuổi già của mình. Một đời của con người cần một sự trẻ trung, hào khí. Người ta khi về tuổi già có thể trở lại trạng thái ngây thơ một lần nữa. Tuổi già được gọi là tuổi thơ ấu thứ hai của đời người. Nếu một người bảy mươi tuổi vẫn có thể giữ được sự ngay thật và không chín chắn, như thế thì cuộc đời của họ là chân thực, đẹp đẽ. Người già cần phải luôn hấp thu chất dinh dưỡng và “linh khí” của trời đất để bổ sung sức sống. Một báo cáo về người già đã chỉ ra: “Hiện nay, sáu mươi lăm tuổi là bắt đầu của phần nửa đời sau, mà không phải là bắt đầu của những ngày cuối cùng”. Lớp người sáu mươi lăm tuổi trở lên là một giai đoạn sống quan trọng của đời người, chưa được khám phá và giáo dục. Cần có một quan niệm triết lý nhân sinh mới cho cuộc sống của người già. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu còn bị bỏ trống.