Để nhân lên sức mạnh của người dân và cộng đồng

13:45 | 19/09/2012

Từng đảm trách những vai trò quan trọng: Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1985 – 1994), thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng (1993 – 2006), Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (2005 – 2011), nay tuy đã cao niên nhưng ông Vũ Quốc Tuấn – Nguyên Chuyên gia cao cấp Văn phòng Chính phủ vẫn được công chúng tín nhiệm chọn làm Chủ tịch danh dự Liên mạng vận động chính sách (INPA), cố vấn Quỹ hợp tác & phát triển.
Để nhân lên sức mạnh của người dân và cộng đồng

 

Ông Vũ Quốc Tuấn – Chuyên gia cao cấp

 

BBT - Từng đảm trách những vai trò quan trọng: Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1985 – 1994), thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng (1993 – 2006), Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (2005 – 2011), nay tuy đã cao niên nhưng ông Vũ Quốc Tuấn – Nguyên Chuyên gia cao cấp Văn phòng Chính phủ vẫn được công chúng tín nhiệm chọn làm Chủ tịch danh dự Liên mạng vận động chính sách (INPA), cố vấn Quỹ hợp tác &phát triển.

Không phụ lòng kỳ vọng của mọi người, ông Vũ Quốc Tuấn dành tâm lực, trí tuệ, kinh nghiệm cho sự xây dựng, hợp tác và phát triển của các tổ chức xã hội.

Tờ tin Quỹ Hợp tác và Phát xin trân trọng giới thiệu những ý kiến đóng góp quý báu và rất thiết thực của ông Vũ Quốc Tuấn đối với tổ chức xã hội, đặc biệt là Quỹ hợp tác & phát triển.   

       

 *Vì sự phát triển bền vững của các tổ chức xã hội

Có thể nêu lên một số vấn để cần được quan tâm giải quyết như sau.

a) Về phía các tổ chức xã hội, điều quan trọng đầu tiên là tăng cường năng lực bản thân. Trong tình hình hiện nay, khi nhiều vấn đề xã hội của đất nước đang cần được giải quyết, người nghèo, người yếu thế còn gặp nhiều khó khăn, thì yêu cầu đặt ra cho các tổ chức xã hội là rất lớn. Mỗi tổ chức cần nâng cao năng lực vận động, năng lực tổ chức thực hiện, đề có đủ kiến thức, kinh nghiệm và nguồn tài chính bảo đảm cho hoạt động của mỗi tổ chức đạt hiệu quả cao hơn, bền vững hơn.

Đồng thời, không kém phần quan trọng là thực hiện sự liên kết, phối hợp hành động giữa các tổ chức xã hội. Liên mạng Vận động chính sách (INPA) ra đời chính là nhằm mục tiêu này, để nhân lên sức mạnh của mỗi tổ chức, thực hiện có hiệu quả những hoạt động vì lợi ích chung dưới sự điều phối của Liên mạng.

b) Về phía Nhà nước, cần có hành lang pháp lý khuyến khích thành lập và hoạt động của các tổ chức xã hội. Cuộc sống đang đòi hỏi có thêm nhiều tổ chức xã hội hơn nữa và các tổ chức này hoạt động mạnh mẽ hơn nữa, nhằm phát huy khả năng của cộng đồng, kể cả tinh thần và vật chất trong việc giải quyết những vấn đề xã hội.

Điều quan trọng trước tiên là Nhà nước cần tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội thực hiện chức năng giám sát, đóng góp ý kiến phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách liên quan đến đời sống và kinh doanh của người dân. Các cơ quan nhà nước cũng cần chuyển giao những dịch vụ công cho các tổ chức xã hội thực hiện, như: cung cấp thông tin; đào tạo; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến; khuyến nông; khuyến công, v.v… Làm những việc này, các tổ chức xã hội sẽ đưa các chính sách của Nhà nước đến người dân trực tiếp hơn và với chi phí hợp lý, tránh được lãng phí, thất thoát.

Trên đây là những vấn đề đang được đặt ra đối với các tổ chức xã hội. Có thể tóm tắt theo thứ tự cấp bách: (i) nguồn tài chính; (ii) sự chuyển giao các dịch vụ công của Nhà nước cho tổ chức xã hội; (iii) hành lang pháp lý cho hoạt động của các tổ chức xã hội; và (iv) năng lực của bản thân mỗi tổ chức xã hội. Trong đó, hai vấn đề đầu liên quan đến tài chính đang là cấp bách nhất, do đó, sự ra đời và hoạt động của quỹ C&D là rất kịp thời.

Trong các xã hội tiến bộ, sự phát triển của các tổ chức xã hội là một tất yếu để xã hội phát triển bền vững.

*Phát huy sự trợ giúp của Quỹ C&D

 Tôi hoan nghênh, ủng hộ và nhận làm cố vấn cho Quỹ C&D vì mục tiêu hoạt động của Quỹ là nhằm trợ giúp các tổ chức xã hội, góp phần phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước. Xin nói thêm rằng, ở nước ta hiện nay, các tổ chức xã hội đang còn nhiều khó khăn, yếu kém, song đây lại là những tổ chức do dân tự nguyện thành lập và hoạt động vì quyền và lợi ích của người dân.

Mong rằng sẽ có thêm nhiều tổ chức xã hội, hoạt động của các tổ chức này càng thêm hiệu quả, góp phần xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.

Tuy nhiên, để các tổ chức này phát triển bền vững hơn, cần giải quyết nhiều vấn đề, trong đó cần có sự đóng góp của Quỹ C&D.

1. Về đối tượng trợ giúp của Quỹ, như đã quy định tại Điều 02 của Điều lệ Quỹ C&D, mục đích của Quỹ là “hỗ trợ các tổ chức xã hội trong việc phát triển cộng đồng, xây dựng và thực hiện dự án xóa đói, giảm nghèo” và tại Điều 04, cũng đã quy định “hỗ trợ cho các cá nhân, dự án nhằm hướng tới mục tiêu phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo” và “hỗ trợ thực hiện các nội dung về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong công tác phát triển kinh tế, xã hội”.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, khi các tổ chức xã hội còn nhiều khó khăn, yếu kém, Quỹ cần tập trung trợ giúp cho các tổ chức xã hội trong việc thực hiện các dự án, chương trình, trước hết là các tổ chức xã hội trong Liên mạng INPA. Điều này có ý nghĩa về nhiều mặt giúp cho các tổ chức trong Liên mạng thêm nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án cần thiết, tạo thêm sự tín nhiệm của xã hội đối với các tổ chức này,  tạo thêm sự gắn bó giữa các tổ chức trong Liên mạng: họ thấy được lợi ích thiết thực khi tham gia Liên mạng.

2. Về nội dung trợ giúp, như trên đã trình bày, các tổ chức xã hội nước ta đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ giám định, giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Nhà nước cho đến thực hiện các dịch vụ công về giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học công nghệ, từ thiện, nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, v.v…  Những lĩnh vực nói trên đều có yêu cầu trợ giúp để hoạt động của các tổ chức xã hôi có điều kiện mở rộng thêm về đối tượng, địa bàn và nhất là đạt hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, trong điều kiện Quỹ mới được thành lập, vốn liếng chưa nhiều, cần tập trung cho những hoạt động cấp bách nhất, thiết thực nhất, tùy tình hình cụ thể của từng tổ chức trong Liên mạng.

3. Về việc mở rộng nguồn tài chính cho Quỹ, đây là một yêu cầu lớn, để Quỹ ngày càng được bổ sung, tăng cường, đủ nguồn lực thực hiện những cuộc tài trợ cần thiết. Theo Điều lệ, Quỹ có thể vận động tài trợ từ rất nhiều nguồn trong nước và ngoài nước; tuy nhiên, nhà tài trợ chắc sẽ phải cân nhắc kỹ, trước hết là xem xét hiệu quả hoạt động của Quỹ. Do đó, hoạt động càng có hiệu quả, có tiếng vang, chắc sẽ có thêm nguồn tài trợ.

4. Về tổ chức thực hiện, từ thực tế, có thể nhấn mạnh các loại việc sau: tổ chức lựa chọn chặt chẽ (hoặc dùng hình thức đấu thầu) để chọn tổ chức xã hội nào được trợ giúp, để việc trợ giúp đến đúng địa chỉ cần thiết; thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động của Quỹ cũng như của từng dự án, chương trình thuộc tổ chức xã hội mà Quỹ trợ giúp, nhất là về tài chính; và hình thành một bộ máy nhân sự làm việc chuyên nghiệp, tinh gọn, hoạt động có hiệu quả.

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
14:39 | 31/01/2013
20:45 | 15/01/2013
15:56 | 20/11/2012
13:45 | 19/09/2012
Đăng ký thành viên