14:39 | 31/01/2013
Minh bạch và trách nhiệm giải trình
trong các tổ chức xã hội
(Phát biểu tại Tọa đàm “Thúc đẩy hiệu quả phát triển cho các tổ chức xã hội Việt Nam về minh bạch và trách nhiệm giải trình” do Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững – MSD tổ chức, Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2012)
Vũ Quốc Tuấn
Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng
1. Trong tình hình hiện nay, việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các tổ chức xã hội có ý nghĩa rất quan trọng về các mặt sau đây.
Về chính trị, đây là sự thể hiện vị trí, vai trò của xã hội dân sự trong đời sống của đất nước, nói lên tính đúng đắn về chức năng, nhiệm vụ cũng như khẳng định sự cần thiết của các tổ chức này trong sự phát triển bền vững của đất nước
Đối với Nhà nước, việc thực hiện công khai, minh bạch trong các tổ chức xã hội là một giải pháp quan trọng trong việc thúc đẩy công khai, minh bạch trong cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, xây dựng bộ máy nhà nước trong sách, vững mạnh. Đối với bản thâm mỗi tổ chức xã hội, việc thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình càng thể hiện rõ bản chất dân chủ trong tổ chức và hoạt động của mỗi tổ chức, góp phần làm cho các thành viên càng gắn bó hơn với tổ chức.
Về kinh tế, việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình các hoạt động liên quan đến tài chính trong các tổ chức xã hội, từ các nguồn thu, các khoản chi tiêu, sẽ bảo đảm cho các khoản chi đến đúng địa chỉ cần đến, tránh được các lãng phí, thất thoát, góp phần củng cố niềm tin của các thành viên đối với tổ chức. Khi Nhà nước chuyển giao một số dịch vụ công cho tổ chức xã hội, những dịch vụ này chắc chắn sẽ được thực hiện với hiệu quả cao, góp phần xây dựng xã hội phát triển lành mạnh, bảo đảm an sinh xã hội. Mặt khác, việc công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình trong các tổ chức xã hội sẽ góp phần tạo niềm tin của các nhà tài trợ, từ đó, có thể tiếp tục khai thác các nguồn tài trợ cần thiết cho hoạt động của các tổ chức xã hội.
Về văn hóa, việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình cũng là sự thể hiện bản chất văn hóa trong các tổ chức xã hội, tăng cường đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau trong tổ chức, thành viên tin tưởng ở lãnh đạo, sẽ hăng say cống hiến, nảy nở thêm nhiều sáng kiến làm cho hoạt động của tổ chức càng thêm hiệu quả.
2. Về giải pháp, trong thực tế, có những giải pháp do các tổ chức xã hội chủ động thực hiện, song cũng cần những gải pháp do các cơ quan nhà nước thực hiện để tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức xã hội.
Đối với các tổ chức xã hội, điều quan trọng là xây dựng và ban hành các quy chế để cụ thể hóa Điều lệ của mỗi tổ chức xã hội về các hoạt động chủ yếu hoặc về từng hoạt động của tổ chức, trong đó có quy chế về minh bạch và trách nhiệm giải trình, quy tắc ứng xử của các tổ chức xã hội.
Đối với các cơ quan nhà nước, xin kiến nghị các cơ quan liên quan thực hiện cơ chế công bố công khai, minh bạch và thực hiện giải trình đối với các chủ trương, chính sách, các dự án, chương trình, các khoản đầu tư bằng vốn nhà nước, các dịch vụ công … liên quan đến người dân, như đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các tổ chức xã hội có thể tiếp cận, triển khai phản biện và cùng tham gia thực hiện hoặc giám sát việc thực hiện. Cơ quan nhà nước đấy mạnh cải cách hành chính, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, chống quan liêu, tham nhũng, nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức xã hội triển khai các hoạt động, giảm bớt những thủ tục hành chính không cần thiết làm tăng thêm chi phí và thời gian cho các tổ chức xã hội.
3. Tổ chức Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đã tổng kết tổng kết mối liên quan giữa sự liêm chính của công chức, tình trạng tham nhũng và trách nhiệm giải trình: tham nhũng có điều kiện phát triển ở những cơ quan hoặc cá nhân có quyền lực được độc quyền quyết định trong công thức dưới đây, xin giới thiệu để cùng tham khảo:
C = (M+D) – (A+I+T)
Trong đó: C = Corruption (tham nhũng)
M = Monopoly (độc quyền)
D = Discretion (sự tự quyết)
A = Accountability (trách nhiệm giải trình)
I = Integrity (sự liêm chính)
T = Transparency (sự minh bạch)
----------------------------