Tăng cường mối quan hệ giữa báo chí và các tổ chức xã hội dân sự

15:56 | 20/11/2012

(Phát biểu tại Tọa đàm “Báo chí với việc tuyên truyền những nỗ lực và đóng góp của các tổ chức xã hội cho công tác phát triển và xóa đói giảm nghèo” do Quỹ C&D tổ chức,Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 2012)
Tăng cường mối quan hệ  giữa báo chí và các tổ chức xã hội dân sự

 

 

                                                                                 Vũ Quốc Tuấn

                                                                       Chuyên gia cao cấp – Cố vấn INPA

 

Báo chí và các tổ chức xã hội dân sự có mối quan hệ hết sức chặt chẽ. Các tổ chức xã hội dân sự (dưới đây gọi là các tổ chức xã hội) cần báo chí để hoạt động của mình được quảng bá ra toàn xã hội, còn báo chí (kể cả báo giấy, báo hình, báo mạng) cần đưa các hoạt động của các tổ chức xã hội lên báo để nội dung của báo chí thêm phong phú. Đất nước càng phát triển, mối quan hệ giữa báo chí và các tổ chức xã hội chắc chắn sẽ ngày càng bền chặt.

1.Sự cần thiết phản ánh hoạt động của các tổ chức xã hội trên báo chí

a) Về phía các tổ chức xã hội, từ khi công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được triển khai, cùng với sự hình thành nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xã hội dân sự cũng đã hình thành và theo đó, các tổ chức xã hội đã phát triển khá nhanh. Hoạt động của các tổ chức xã hội cần được phản ánh trên báo chí là cần thiết, để:

- Giới thiệu cho xã hội, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng dân cư trong cả nước biết đến các tổ chức xã hội dân sự, biết đến hoạt động của các tổ chức này, hiểu được ý nghĩa, mục đích của các hoạt động của họ.

 

- Giới thiệu cho các cơ quan nhà nước hiểu biết về xã hội dân sự và hoạt động của các tổ chức, nắm rõ xã hội dân sự là một trong ba trụ cột của một xã hội dân chủ,tiến bộ (đó là Nhà nước pháp quyền, Kinh tế thị trường và Xã hội dân sự). Một xã hội chỉ có thể phát triển hài hòa, bền vững khi cả ba trụ cột ấy đều được phát triển hài hòa, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Từ đó, cũng góp phần xóa đi trong một số cơ quan nhà nước những cách hiểu không đúng, thâm chí e ngại, ngờ vực đối với xã hội dân sự.

- Đối với các tổ chức xã hội, việc các hoạt động của họ được thường xuyên nêu lên trên báo chí sẽ có tác dụng động viên rất lớn đối với họ: hoạt động có ích cho xã hội của họ được cộng đồng biết đến và chia sẻ.

b) Về phía các báo chi, việc phản ánh hoạt động của các tổ chức xã hội trên báo chí cũng đem lại cho báo chí những lợi ích như sau.

- Đối với nội dung báo chí: việc nhiều hoạt động có ích cho cộng đồng của các tổ chức xã hội dân sự được đưa lên báo sẽ góp phần làm  cho nội dung báo chí thêm phong phú, đa dạng, nhiều chiều;

- Báo chí sẽ thể hiện rõ hơn nữa là tiếng nói của dân, không chỉ một chiều là truyền đạt chủ trương, chính sách, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo mà còn có ý kiến phản hồi của dân. Báo chí thể hiện một cách sâu sắc, chân thực, ý chí, nguyện vọng của các tổ chức xã hội dân sự cũng là tổ chức của các tầng lớp nhân dân; từ đó được xã hội công nhận báo chí là của mình, là nơi mình có thể gửi gắm, tâm sự.

- Qua các tác dụng trên, vị thế của báo chí nói chung và của từng tờ báo sẽ được nâng cao thêm, báo có thêm sức hút đối với độc giả, tăng lượng phát hành và phạm vi phát hành, v.v…

Đương nhiên, một tờ báo có uy tín là còn do nhiều yếu tố khác nữa (có nhiều vấn đề cần phản ánh, chứ không riêng những vấn đề của xã hội dân sự), song có thể khẳng định rằng nếu như báo chí phản ánh trung thực ý kiến của dân đối với những vấn đề mà người dân quan tâm; qua báo chí, người dân thể hiện được quyền công dân của mình, nói được tiếng nói của mình, coi báo chí là của mình; khi đó, báo chí sẽ gắn bó với dân, là tiếng nói của dân, thực hiện đúng trọng trách xã hội là thông tin sự kiện, phát hiện vấn đề, phản biện xã hội, tạo dư luận xã hội, có tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển của xã hội, trở thành “quyền lực thứ tư”- quyền lực tạo dư luận xã hội, như một số nhà nghiên cứu trên thế giới đã nêu ra (bên cạnh ba quyền lực đã được khẳng định là Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp).

2. Những nội dung cần phản ánh

Trách nhiệm của các tổ chức xã hội cần chủ động cung cấp cho báo chí những nội dung mà mình cần phản ánh:

 - Trước tiên, cần phản ánh rõ hơn nữa trên báo chí vị trí, vai trò của xã hội dân sự và các tổ chức xã hội trong công cuộc phát triển đất nước. Có thể nêu lên những đặc trưng của xã hội dân sự và các tổ chức xã hội dân sự một cách rất tóm tắt như sau:

Xã hội dân sự là lĩnh vực ngoài nhà nước, bao gồm các mối quan hệ và tổ chức không mang dấu hiệu quyền lực công; ở đó, người dân gắn bó với nhau, tự tổ chức lại để phát huy năng lực sáng tạo nhằm mục tiêu xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại; xã hội dân sự góp phần cùng Nhà nước xây dựng thể chế quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước và cung ứng các dịch vụ công thỏa mãn nhu cầu của nhân dân, đồng thời khỏa lấp những khiếm khuyết của thị trường;

 Các tổ chức xã hội dân sự được hình thành một cách tự nguyện, tự quản, tự chủ về tài chính và không vì mục tiêu lợi nhuận, không nằm trong hệ thống cơ quan nhà nước; đa dạng về hình thức, cơ chế hoạt động và quy mô tổ chức. Có những tổ chức có tư cách pháp nhân (hội, hiệp hội; trung tâm; quỹ; các tổ chức bảo trợ xã hội; các tổ chức tư vấn pháp luật, v.v…); lại có những câu lạc bộ, nhóm tự nguyện, theo nhu cầu, sở thích… không có tư cách pháp nhân (các hội đồng hương, đồng tuế; các ban liên lạc cựu chiến binh, cựu học sinh; câu lạc bộ cây cảnh, chơi chim, chọi gà; hội cha mẹ có con tự kỷ; lại có cả câu lạc bộ mẹ chồng, nàng dâu ở một số quận thuộc Hà Nội, v.v…).

- Cần phản ánh trên báo chí đầy đủ hơn nữa hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự. Các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong bốn lĩnh vực chủ yếu là:

-Tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; vào các công trình xây dựng, dự án, chương trình quan trọng của đất nước; đóng góp ý kiến vào việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vào việc cải cách hành chính, chông quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Thời gian qua, thành công nhất trong lĩnh vực này là những hội, hiệp hội lớn, như Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), v.v… Riêng Liên mạng vận động chính sách (INPA), trong hai tháng 4 – 5/2012, đã triển khai khảo sát, nghiên cứu để góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992 tập trung vào các quyền con người, quyền và nghĩa vụ củ công dân.

-Thực hiện các hoạt động về văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao dân trí, như: phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ; khuyến công, khuyến nông, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến chính sách, tư vấn pháp luật;

- Thực hiện các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, như: xóa đói, giảm nghèo; trợ giúp các thành phần yếu thế (đồng bào dân tộc ít người, phụ nữ, trẻ em, người già cô đơn, trợ giúp người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS …);

- Mở rộng quan hệ quốc tế, thực hiện ngoại giao nhân dân: góp phần xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước; một số hội gia nhập làm thành viên của các hội khu vực và quốc tế; đồng thời tranh thủ tài trợ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế cho các hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự. 

3. Một số giải pháp

*Về phía các tổ chức xã hội dân sự, xin đề nghị:

 

- Cần có chiến lược thông tin, quảng bá hoạt động của tổ chức mình, đây là một nhiệm vụ thường xuyên, có nhân sự và tài chính để thực hiện, qua đó, xã hội hiểu thêm về mình và tranh thủ thêm sự trợ giúp của xã hội nhằm khắc phục những khó khăn, yếu kém của tổ chức;

- Chủ động cung cấp thông tin, bài vở, hình ảnh … cho báo chí, kể cả thông tin về các hoạt động, kết quả và kinh nghiệm, bài học;

- Mời các nhà báo, phóng viên báo chí dự các hoạt động của tổ chức xã hội dân sự, kể cả các cuộc phản biện xã hội đối với chủ trương, chính sách quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước cũng như hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự tại các địa phương

- Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, báo cáo,  tọa đàm … do từng tổ chức xã hội dân sự chủ trì hoặc do Liên mạng vận động chính sách (INPA) chủ trì, có thể phối hợp với từng báo hoặc Hội Nhà báo Việt Nam cùng tổ chức để thông tin, giao lưu, trao đổi ý kiến, thảo luận những chuyên đề liên quan đến xã hội dân sự và các tổ chức xã hội.

- Tổ chức trang Web riêng của mỗi tổ chức xã hội và của Liên mạng vận động chính sách có chất lượng tốt, đồng thời có liên kết với một số trang Web khác có liên quan để người đọc tìm thêm các thông tin liên quan.

*Về phía báo chí, xin đề nghị:

- Chủ động hơn nữa trong việc đưa tin, bài về hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, nêu rõ những kết quả cũng như những khó khăn, kể cả yếu kém, thiếu sót nếu có. Đương nhiên, cần chỉ đích danh và phê phán mạnh mẽ những tổ chức phản động lợi dụng dân chủ, âm mưu phá hoại công cuộc phát triển đất nước.

-  Hình thành được một số nhà báo - những chuyên gia am hiểu và nhiệt tình với xã hội dân sự và các tổ chức xã hội dân sự viết bài cho báo chí, nhất là những bài nghiên cứu có chất lượng, có căn cứ khoa học có thể tác động sâu sắc đến nhận thức của xã hội và các nhà quản lý về xã hội dân sự; v.v…

 

* Về phía các cơ quan nhà nước, xin đề nghị:

-Quan tâm hơn nữa đến xã hội dân sự và các tổ chức xã hội, coi đây là những tổ chức cần thiết trong một xã hội văn minh; họ hoạt động trong khuôn khổ luật pháp, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, cùng đồng hành với Nhà nước trong công cuộc xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

- Tiếp tục hoàn chỉnh những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, nhất là các quy định về lập hội, về quyền tiếp cận thông tin của người dân, về quyền của các tổ chức xã hội dân sự trong việc giám sát, phản biện xã hội, v.v…

- Thực hiện việc chuyển giao đối với một số dịch vụ công ( tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ…) cho các tổ chức xã hội dân sự thực hiện với những quy chế thực hiện chặt chẽ (như qua đặt hàng, đấu thầu …) và với sự giám sát, kiểm tra của cộng đồng và cơ quan nhà nước.

 

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
14:39 | 31/01/2013
20:45 | 15/01/2013
15:56 | 20/11/2012
13:45 | 19/09/2012
Đăng ký thành viên