Hội thảo “ Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm”

11:38 | 23/07/2012

Khi những bông sen mùa hè 2012 tỏa thơm hương huyền diệu trên đầm hồ làng quê Việt thì cũng là lúc cả nước đón nhận tin vui: Mộc bản kinh chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng - Bắc Giang) đã được UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương công nhận là di sản ký ức văn hóa của nhân loại.
Hội thảo “ Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm”

 

Hội thảo “ Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm”:

Rạng ngời hương sắc sen hồng

                                                          Trương Thị Kim Dung (tường thuật)

 

Khi những bông sen mùa hè 2012 tỏa thơm hương  huyền diệu trên đầm hồ làng quê Việt thì cũng là lúc cả nước đón nhận tin vui: Mộc bản kinh  chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng - Bắc Giang) đã được UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương công nhận là di sản ký ức văn hóa của nhân loại.

“ Đây là sự kiện quan trọng và ý nghĩa bởi mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm mang hồn cốt Việt Nam, Phật giáo Việt Nam, do người Việt Nam viết và mang anh linh của Phật hoàng Trần Nhân Tông  - người sáng lập thiền phải Trúc lâm, đã có từ hơn 700 năm nay. Chùa Vĩnh Nghiêm là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tu hành và giảng đạo đầu tiên, trước khi lên Yên Tử đồng thời là nơi cất giữ Mộc bản. Chúng ta phải lưu giữ, truyền nối những kiến thức, cách sống… theo như kinh Phật cho các thế hệ con cháu mai sau ” - Nhà văn Mai Thục trong lời khai mạc đầy xúc động đã bày tỏ mục đích, ý nghĩa Hội thảo “ Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm” do Quỹ Hợp tác – Phát triển tổ chức với dông đảo các thành phần (các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà quản lý, các đoàn thể xã hội,  các doanh nhân hảo tâm...) tham gia.

 Các tham luận khoa học và những ý kiến trao đổi đều hướng tới  3 vấn đề chủ yếu: vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội của người Việt xưa và nay,  giá trị đặc sắc của mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; phương thức gìn giữ và phát huy...   

I/ Vua Phật của chữ Tâm và những dấu ấn huy hoàng

*Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt:

    Phật giáo du nhập vào đất nước ta từ 250 năm trước Công nguyên, khi đó Phật giáo chịu ảnh hưởng của Ấn Độ. Từ thế kỷ thứ 6 đến 11, chịu ảnh hưởng của Trung Hoa. Chỉ có Trần Nhân Tông, vị vua anh minh đã từ bỏ ngai vàng, thống nhất các thiền phái thành thiền phái Trúc lâm Yên Tử, chống lại mục đích đồng hóa về văn hóa của Trung Quốc. Đây là vị vua duy nhất chỉ tu trong bốn năm đã đắc đạo.

    Nói đến tinh thần Phật giáo đời Trần là nói đến tinh thần tự lực, tự cường, gắn kết với ý thức bảo vệ nền độc lập Quốc gia, bảo vệ và phát huy truyền thống đạo đức mang bản sắc văn hóa dân tộc của Phật giáo Việt Nam.  Phật giáo đời Trần gắn đạo vào đời (Phật pháp bất ly thế gian giác). Phật giáo VN luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng thời đại để giáo hóa chúng sinh

*Ông Bùi Hữu Dược -Vụ trưởng Vụ Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ:

    Trong lịch sử Việt Nam, chỉ duy nhất Trần Nhân Tông là vị vua cả đời lẫn đạo, được lịch sử oai hùng của dân tộc khắc ghi trong những trang chói lọi nhất. Là ông tổ Thiền tông của Việt Nam: thống nhất các thiền phái thành thiền phái Trúc lâm Yên Tử và sau hơn 700 năm vẫn phát triển không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới nhờ lý tưởng cao đẹp của Thiền phái này.

    Phật giáo triều Trần là đỉnh cao của Phật giáo Việt Nam trong chiều dài hơn 2000 năm lịch sử Phật giáo tại Việt Nam do giá trị của Phật giáo đã chuyển thành giá trị văn hóa, tinh thần và đạo đức của người Việt. Xã hội đã đánh giá, tổng kết về Phật giáo đời Trần như sau:Thống nhất Phật giáo và đoàn kết nhân tâm; Đạo đức Phật giáo là nền tảng đạo đức xã hội;Sự hòa hợp, gắn bó giữa đạo và đời; Thể hiện vai trò độc lập, tự cường của một dân tộc anh hùng; Khoan dung, phát triển; Tu và học kết hợp với nhau.   

* PGS.TS. Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam:

    Thiền phái Trúc Lâm được sáng lập bởi Trần Nhân Tông - một nhân cách lớn, tấm gương đạo đức trong sáng. Thiền phái Trúc Lâm ra đời đáp ứng được yêu cầu lịch sử đặt ra là phải có hệ tư tưởng độc lập với Trung Hoa, làm chỗ dựa tinh thần để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng Nhà nước Đại Việt, tham gia “vào gánh vác việc đời, không xa lánh cõi đời”. Thiền phái Trúc Lâm đã dung hợp được hai yếu tố “bác học” và “dân gian”, dễ dàng thấm sâu vào tâm thức của đông đảo các tầng lớp cư dân trong xã hội, giản lược hóa việc tu tập mà không câu nệ vào nghi thức, không phân biệt tu sĩ tu ở chùa và cư sĩ tu tại gia. Cả hai hình thức tu tập đều hướng đến mục tiêu chung là tìm lại, thức tỉnh “bản tính Phật” trong tâm của từng cá nhân bằng cách thực hành từ bi và trí tuệ. Thiền phái Trúc lâm Yên Tử là niềm tự hào của văn hóa Việt Nam Chùa Vĩnh Nghiêm được xem như là một “tượng đài” tôn vinh các vị Tam Tổ.

*Ông Lại Thanh Sơn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang:

    Quá trình phát triển thiền phái Trúc lâm Yên Tử từ năm 1290 đến năm 1350 là quá trình nằm trong sự điều hành thực hiện của 3 vị Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Thời gian này, hơn 500 chùa tháp được trùng tu, tôn tạo, xây dựng mới. Các ngôi chùa thuộc ba tuyến này đã chứng tỏ rằng: phật giáo theo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã dần dần từ núi cao trở xuống làng xã; Lối tu hành khổ hạnh đã dần dần được thay thế bằng lối tu tâm được đông đảo quần chúng nhân dân tin theo. Trong suốt một thời gian dài trong lịch sử, chùa Vĩnh Nghiêm giữ vai trò một trung tâm phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nên trong quá trình truyền thừa, ở nơi này đã diễn ra các hoạt động như: Thuyết pháp giảng đạo, tu tập Thiền định, Thiền tâm; in khắc kinh sách để lưu truyền và phổ biến tư tưởng Trúc lâm tam tổ. Đây chính là sự độc đáo, tiêu biểu và khác biệt với các dòng thiền khác.

    Từ những năm cuối thế kỷ XX, tư tưởng Thiền phái Trúc lâm đã được quảng bá phát huy mạnh mẽ hơn thông qua việc Hoà thượng Thích Thanh Từ đã về chốn tổ Vĩnh Nghiêm sưu tầm in dập các ván in kinh sách ở chùa Vĩnh Nghiêm, dịch và chú, giảng cẩn thận cho các tăng ni tu tập học hành và truyền giảng. Hoà thượng đã chỉ đạo các đệ tử truyền bá tư tưởng Trúc Lâm Yên Tử thông qua việc xây dựng các Thiền viện Trúc Lâm ở trong nước và ngoài nước.

    Việc xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng được xây dựng ở trung tâm ba khu văn hóa phật giáo cổ lớn thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đó là: Trung tâm phật giáo Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), Trung tâm phật giáo Côn Sơn (Hải Dương), Trung tâm phật giáo Bổ Đà (Bắc Giang) góp phần triển khai mạnh mẽ con đường du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử ở tỉnh Bắc Giang

II/ Tinh hoa Việt trên ván khắc gỗ thị

* Ông Phạm Cao Phong  - Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao:

    Hồ sơ về Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có ý nghĩa về chính trị rất to lớn, khẳng định một dân tộc 1000 năm bị đô hộ mà vẫn giữ được cốt cách người Việt Nam, tạo nên một phong thái riêng của người Việt Nam mà cần phải giữ gìn và phát huy. Do vậy, Ủy ban UNESCO Việt Nam đã rất nỗ lực quyết tâm để bảo vệ cho hồ sơ này. Khi tiếp cận hồ sơ đã gặp cả thuận lợi và khó khăn

*PGS.TS. Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam:

    Bộ sưu tập ván kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á -Thái Bình Dương theo ba tiêu chí: tính xác thực, tính độc đáo, quý hiếm và vai trò, ý nghĩa trong khu vực với các mặt giá trị tiêu biểu: Phản ánh rõ quá trình hình thành, phát triển cũng như tư tưởng, triết lý nhân văn của Thiền phái Trúc Lâm; Là nguồn tư liệu quý giá giúp lý giải được nhiều vấn đề liên quan tới lịch sử Phật giáo, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật, triết học và ngôn ngữ v.v…; Được khắc và in bằng chữ Hán và Nôm, cho phép các nhà sử học, ngôn ngữ học nghiên cứu quá trình Việt Nam hóa chữ Hán (Trung Hoa) sang chữ Nôm. Quá trình sáng tạo này khẳng định tinh thần tự tôn của quốc gia Đại Việt thời Lý - Trần.

*Ông Bùi Hữu Dược- Vụ trưởng Vụ Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ:

    Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm chỉ là một phần của giá trị Phật giáo đời Trần nhưng cũng khẳng định được điều vĩ đại của Phật giáo đời Trần. Mộc bản được khắc nhiều nhất trong thời của đệ nhị Pháp Loa. Mộc bản chủ yếu được khắc bằng chữ Nôm, phản ánh trình độ và khả năng của con người biết khắc âm bản, quyết tâm và ý chỉ khẳng định tư tưởng độc lập, tự cường, không chịu ảnh hưởng của Trung Hoa và Ấn Độ cũng như phản ánh sự gắn kết giữa đạo và đời.

III/  Để  tỏa sáng muôn đời...

*Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt:

    Phật giáo đời Trần gồm có 3 tông: Thiền – Tịnh – Mật. Khôi phục tinh thần Phật giáo đời Trần là khôi phục cả tinh thần Tịnh độ và Mật tông ở thời Trần, chứ không phải chỉ khôi phục Thiền phái Trúc Lâm. Hiện nay các chùa các tự viện ở các tỉnh, thành phố đa phần tu theo pháp môn Tịnh độ, nhưng là Tịnh độ của Trung Quốc chớ không phải Tịnh độ của Việt Nam hay tinh thần Tịnh độ đời nhà Trần. Muốn khôi phục và phát triển thì phải có cơ sở để hành đạo, ít nhất mỗi tỉnh, thành phố phải có một chùa, một tự viện, tu theo tinh thần Phật giáo đời Trần, để những ai có duyên với chính pháp Trúc Lâm tìm về tu tập

* Ông Phạm Cao Phong, Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao:

    Muốn phát huy giá trị của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, nguồn gốc căn nguyên vẫn phải là bảo tồn. Tôi mong muốn Bắc Giang sẽ có một biện pháp bảo tồn Mộc bản phù hợp với khí hậu của vùng trũng Yên Dũng.Tôi cũng mong các giáo sư hãy nghiên cứu, chỉ giáo cho chúng tôi biết các cụ ngày xưa giữ Mộc bản như thế nào để áp dụng cho phù hợp điều kiện Việt Nam. 3050 bản khắc gỗ của Mộc bản không chỉ có kinh phật mà có kinh, có luật, có luận, văn thơ, bài thuốc. Vậy chúng ta cần phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu Mộc bản. Dựa trên việc bảo tồn và nghiên cứu tốt, chúng ta sẽ tiến hành quảng bá Mộc bản ví dụ như hình thức du lịch tâm linh…

* PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam:

    Theo tôi, có hai giải pháp bảo vệ và phát huy:

  - Tiếp tục nghiên cứu làm rõ các mặt giá trị tiêu biểu của các ngôi chùa Trúc Lâm; Xây dựng hồ sơ khoa học trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận Di tích quốc gia đặc biệt; Liên kết với các địa phương có chùa Trúc Lâm xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị với tư cách là một “Hành trình di sản - du lịch tâm linh” tiêu biểu của cả nước.

  -  Tiếp tục ủng hộ việc xây dựng các Thiền viện Trúc Lâm ở trong nước và nước ngoài nhằm góp phần tích cực vào việc hoằng dương tư tưởng, triết lý sống, đặc biệt và văn hóa đạo đức Phật giáo để chuyển hóa các giá trị tinh thần của Phật giáo nói chung và Thiền phái Trúc Lâm nói riêng thành hành động thiện nguyện cụ thể trong đời sống thường nhật của mọi công dân Việt Nam là ước nguyện và là mục tiêu mà chúng ta cần theo đuổi.

*Nhà thơ, nhà báo Trương Kim Dung – Nhóm biên tập Diễn đàn phát triển:

    Đối với việc bảo tồn Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm: cần phải xây một bảo tàng riêng cho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm để bảo quản, bảo vệ nghiêm ngặt số Mộc bản này, tránh bị mối mọt, hoả hoạn, chảy máu cổ vật. Ngoài ra, đề xuất các cơ quan văn hoá sớm dịch và in 34 bản kinh phật của chùa Vĩnh Nghiêm để người dân có thể tham cứu.

    Đối với Thiền viện Phượng Hoàng Bắc Giang: nên  dành một khu trưng bày kinh Phật và các cổ vật thời Trần, nên khuyến khích kêu gọi các nhà cổ vật Việt Nam cống hiến các cổ vật vào khu vực đó.

*Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch hội đá cảnh Hà Nội:

    Vinh hạnh biết bao khi Phật giáo đời Trần, thân thế và sự nghiệp của  Phật hoàng Trần Nhân Tông, và đặc biệt là Phật giáo được tôn vinh là đạo tốt nhất thế giới,  Hội đá cảnh Hà Nội, Hội đá quý Việt Nam cùng với Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên quyết tâm xây dựng một khu sinh thái trên nền thiền tự tại Yên Dũng – Bắc Giang. Cần tuyên truyền, phát triển khuynh hướng Phật tại tâm trong đời sống nhân sinh xã hội. Việc xây dựng Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng là rất cấp thiết nhưng cần trùng tu lại chùa Vĩnh Nghiêm. Chúng tôi sẽ tạc pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý cao hơn 4m, nặng hơn 47 tấn ngự tại chính điện và 1 pho tượng đức Phật hoàng Trần Nhân Tông ngự ở vườn sinh thái tâm linh. Chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo với Hội đá cảnh ở trong miền Nam, đề xuất lập Ban vận động xây dựng Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng và trùng tu chùa Vĩnh Nghiêm.

*Ông Phạm Văn Thảnh – Giám đốc trung tâm nghiên cứu phát triển kinh dịch Đông Nam Á và chuyên gia phong thủy Việt Nam:

    Là người đã đi chọn đất cho Thiền viện, nhìn lên đền Vua, tôi thấy trên dãy Phượng Hoàng ở khu vực đền vua  thấy có một cái ao luôn luôn có nước. Sách phong thuỷ có nói: trên cao mà chỗ nào tụ khí có nước thì đó là thiên huyệt tuyệt vời. Thế đất nơi đây như một con rồng chầu bái về chùa,  thực sự là một vùng quần hùng, tứ linh hội tụ, đầy đủ các tiêu chỉ để xây dựng thiền viện.

*Bà Hoàng Thị Hoa – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc Hội:

    Tôi rất mừng vì nội dung cuộc Hội thảo cũng là ý tưởng của chúng tôi từ cách đây bốn năm, và bây giờ đã thành hiện thực. Sẽ rất tuyệt vời nếu bà Thuý Anh sẽ tiếp tục nguyện vọng của chúng tôi là in nội dung Mộc bản thành sách, phát cho các gia đình Việt Nam để có thể thấm nhuần tư tưởng này không chỉ thế hệ ngày nay mà cả mai sau

*Bà Phạm Thuý Anh - Chủ tịch Quỹ Hợp tác và Phát triển:

    Hội thảo cũng đóng góp cho việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá, lịch sử. Cảm ơn thày Thích Kiến Nguyệt đã mang đến cho chúng tôi hiểu thế nào là đạo và đời, chúng tôi sẽ phải sống với cái tâm ra sao, phải làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, của tư tưởng, triết lý của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Với sự cộng hưởng, tôi tin rằng thế hệ thanh thiếu niên mai sau sẽ biết cách sống thiện hơn vì văn hoá ngày hôm nay là phản ánh lịch sử của ngày hôm trước. Tôi rất mong qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các nhà doanh nhân, doanh nghiệp. xã hội sẽ lan toả thông điệp đến với cộng đồng Việt Nam rằng chúng ta cố gắng phát triển hệ thống Thiền viện Trúc lâm nhanh hơn nữa, cụ thể trước mắt là giúp cho Thiền viện Trúc lâm Phượng hoàng sớm được hoàn thiện.

BOX:

Bế mạc hội thảo,  PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam đã tổng kết, đánh giá: Không khí thảo luận diễn ra sôi nổi, các ý kiến đóng góp hết sức sâu sắc, thiết thực. Qua hội thảo, chúng ta hiểu thêm nhiều mặt giá trị của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, cần phải bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, lịch sử của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm trên cơ sở nghiên cứu thêm các mộc bản này. Sưu tầm và in khắc các bản khắc còn thiếu, thực hiện việc số hóa toàn bộ nội dung bộ sưu tập mộc bản dựa trên cơ sở font chữ Nôm; dịch và in ấn Mộc bản… Chúng ta cần sớm hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận mộc bản  chùa Vĩnh Nghiêm là di sản văn hoá quốc gia đặc biệt; cần quan tâm bảo tồn những ngôi chùa và Thiền viện Trúc Lâm; góp sức xây dựng Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng Bắc Giang.

 

BACK TO PREVIOUS PAGE
Member Register