Hướng tới một Luật Đất đai hoàn thiện hơn

21:22 | 15/01/2013

Hội thảo đã diễn ra sôi nổi suốt một ngày với nhiều ý kiến đóng góp sắc sảo với những tham luận khoa học (thực chất là các công trình nghiên cứu, khảo sát công phu) của các chuyên gia, các nhà khoa học, tổ chức quốc tế, và đặc biệt có đại diện của người dâncủa 3 tỉnh: Bắc Giang, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh tại các vùng mà Quỹ Hợp tác – Phát triển và mạng lưới INPA khảo sát lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật sửa đổi Đất đai năm 2003.
Hướng tới một Luật Đất đai hoàn thiện hơn

 


                                                   Trương Thị Kim Dung (tường thuật)

 “Trong thời gian qua, lĩnh vực đất đai cùng với sự góp sức của người dân đã tạo ra những thành tựu to lớn cho đất nước ta. Tuy nhiên, Luật Đất đai vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề chúng ta cần phải nghiên cứu bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Luật Đất đai gắn liền với hơn 70% người dân ở khu vực nông thôn sống nhờ vào đất nông nghiệp, xem xét vấn đề đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị - xã hội quan trọng. Bởi vậy, việc xin ý kiến rộng rãi của nông dân, chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm có được bộ Luật Đất đai hoàn thiện hơn, góp phần vào sự phát triển của đất nước” - Phát biểu khai mạc, có tính khái quát và định hướng của ông Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ tịch Quốc Hội cũng là nội dung chủ yếu của cuộc Hội thảo“Góp ý kiến về sửa đổi luật đất đai”  do Quỹ Hợp tác và Phát triển (C &D) phối hợp với Thường trực y ban Kinh tế của Quốc Hội tổ chức ngày 15/10/2012 tại Hà Nội.

 

I/ Những bất cập vẫn còn tồn tại

*GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường:

Thực tế nổi cộm lên một số vấn đề như: Chế độ sử dụng đất nông nghiệp không hợp lý; Pháp luật đất đai chưa quan tâm tới chính sách đất đai phù hợp cho các nhóm yếu thế trong xã hội như: Phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số; Những hạn chế trong quản lý và chính sách pháp luật làm cho vấn đề tham nhũng trong quản lý đất đai đang ở nhóm đứng đầu trong “bảng tham nhũng”; Khiếu nại của dân về đất đai ngày càng nhiều; Tình trạng yếu kém trong thực thi pháp luật xảy ra ở hầu hết các địa phương. Xung quanh thời hạn giao đất và thu hồi đất còn có vấn đề vướng mắc. Người nông dân không biết khi nào Nhà nước thu hồi đất của họ, ngay cả khi được kéo dài thời hạn giao đất thêm hàng chục năm. Không thể có một nền nông nghiệp lớn và sản phẩm chất lượng cao nếu không xóa bỏ thời hạn giao đất nông nghiệp cho người dân.

* “Ông Phan Văn Ngọc – Giám đốc Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng

Một vấn đề “gai góc” khi tiến hành  để tổng hợp ý kiến của người dân đó là vấn đề bồi thường khi thu hồi đất. 82% người dân ở 3 vùng (Bắc Giang, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh) ủng hộ việc xem lại cơ chế đền bù. Người dân không ủng hộ việc bồi thường bằng tiền bởi sau khi thu hồi đất, người dân không còn đất nên họ không biết làm gì.  Đã bị thu hồi thì dù có bồi thường cách gì thì quyền lợi người dân cũng chưa được đảm bảo. Không phải ai cũng có thể thay đổi sinh kế trong ngày một ngày hai. Riêng về những quy định liên quan đến cưỡng chế thu hồi đất, người dân cho rằng chỉ nên cưỡng chế thu hồi trong trường hợp sử dụng sai mục đích và vi phạm pháp luật

 * Ông Vũ Quốc Tuấn – Trưởng ban cố vấn INPA

 Tổng hợp của đoàn khảo sát cũng cho thấy, người dân nhiều nơi phàn nàn tình trạng đội ngũ cán bộ, công chức trục lợi từ đất, nhất là trong các lĩnh vực thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư... Trong thực tế, việc thu hồi đất đang diễn ra khá phức tạp; đặc biệt là có những vụ thu hồi đất rồi triển khai đầu tư, xây dựng quá chậm, gây ra nhiều ”quy hoạch treo”, ”dự án treo” nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, làm cho đời sống của người dân các vùng này cũng ”treo” theo Dự án, gây phiền hà, thiệt hại quá nhiều cho người dân, kể cả trong sản xuất và đời sống.

* TS Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NNPTNT):

Mở rộng hạn điền thì phải hướng vào đối tượng nông dân chứ không phải bất kỳ đối tượng nào khác. Không nên thu hồi đất vì mục đích kinh tế một cách dễ dãi. Bồi thường cho người dân sau khi thu hồi đất phải đảm bảo tính bền vững.

* Đại diện người dân:

Việc bồi thường, hỗ trợ,  tái định cư đang là một loại công việc có nhiều khó khăn, phức tạp, nhiều quy định không được thực hiện, còn dân thì đang chịu nhiều thiệt thòi nhất: tiền đền bù thì quá thấp, chỗ tái định cư thì nhà cửa dột nát, thiếu các điều kiện sinh hoạt tối thiểu, không trường học, không trạm xá, thiếu đất sản xuất, v.v… Chế độ thu hồi đất thiếu minh bạch và không công bằng là một trong những nút thắt lớn nhất của luật hiện hành. Hiện đang có quá nhiều khe hở trong cơ chế thu hồi đất. Mà nhức nhối nhất là việc áp dụng tràn lan cơ chế thu hồi bằng những quyết định của cơ quan Nhà nước. Cách làm nói trên thực chất là quốc hữu hóa tài sản của cá nhân và tổ chức. Và đây cũng là nguyên nhân chính của tham nhũng và khiếu kiện về đất đai.

II/ Vì sự phát triển bền vững của đất nước

*Ông Vũ Quốc Tuấn - Trưởng ban cố vấn INPA:  (đã đưa ra 6 kiến nghị cụ thể) trong đó nhấn mạnh: Cần có tư duy đột phá trong việc sửa đổi luật đất đai lần này. Dự án luật phải khẳng định quan điểm nguồn lực đất đai vì ai, phục vụ cho ai để đảm bảo sự công bằng.Cần phải giao đất nông nghiệp cho người nông dân sử dụng ổn định, lâu dài (không có thời hạn). Đối với đất nông nghiệp nên xóa bỏ hạn điền. Thu hồi đất phải phân làm 2 loại: Nếu vì mục đích an ninh quốc phòng thì phải áp dụng cơ chế trưng mua. Nếu vì mục đích kinh tế thì phải theo giá thỏa thuận theo cơ chế thị trường. Bổ sung thêm quy định chặt chẽ hơn việc xử lý những cán bộ vi phạm. Đặc biệt là quy định trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan trong trường hợp ban hành những quy định trái luật gây thiệt hại cho dân hoặc có cán bộ, công chức phạm luật, có hành vi trục lợi từ đất đai nhằm thu vén cá nhân...

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường:

Chuyển cơ chế Nhà nước trưng mua đất thay cho cơ chế Nhà nước thu hồi đất; giá trị bồi thường về đất đai phải được xác định thông qua quy trình định giá đất phù hợp với giá đất trên thị trường theo quy định của pháp luật về định giá đất. Cần phải có cơ chế để mọi người dân đều được thụ hưởng lợi ích chính sách từ Dự án đầu tư khi đất của họ bị Nhà nước thu hồi.

Xác lập chế độ sử dụng đất nông nghiệp không thời hạn, không hạn điền đối với các hộ gia đình, cá nhân nông dân, đất nông nghiệp được giao cho cộng đồng dân cư dân tộc thiểu số để sử dụng, quản lý, bảo vệ; nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cần được bình đẳng về quyền tiếp cận quỹ đất trên thị trường; Quy hoạch sử dụng đất cần chuyển hẳn sang phương pháp luận quy hoạch phân vùng; Mọi quy trình định giá đất và tài sản gắn liền vẫn phải sử dụng dịch vụ định giá bất động sản đề xuất giá hợp lý; Các chính sách thuế có liên quan tới đất đai phải được hình thành đồng thời với các chính sách đất đai . Xây dựng và phát triển mạnh một hệ thống cơ quan độc lập chuyên theo dõi, tư vấn về giá đất. Hằng năm cơ quan này sẽ tự kiểm nghiệm lại giá đất, điều chỉnh cho phù hợp với giá thị trường. Sửa đổi Luật Đất đai phải hướng tới xóa bỏ tận gốc nguy cơ phát sinh tham nhũng (do cơ chế, chính sách), thay vì nhăm nhe đi tìm bắt đối tượng gây ra tham nhũng.Không kiểm soát được quyền lực của những người có quyền thì không thể loại được nguy cơ tham nhũng.

 * Đại diện người dân :

Cần lắng nghe, tôn trọng ý kiến xác đáng của dân  và các tổ chức xã hội. Cần thực hiện đúng đắn quyền của dân trong hoạch định và giám sát việc thi hành các chính sách, luật pháp về đất đai và chính sách, luật pháp Nhà nước cần đặt quyền lợi và lợi ích hợp pháp. Phải xác lập chế độ sử dụng đất nông nghiệp không thời hạn, không hạn điền đối với các hộ nông dân, đất nông nghiệp được giao cho cộng đồng dân cư dân tộc thiểu số để sử dụng, quản lý, bảo vệ.

*Ông Phan Văn Ngọc – Giám đốc Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng:

Cần phải kéo dài thời hạn giao đất, cho thuê đất và nên giao đất theo mục đích sử dụng. Như thế mới tận dụng được khoa học kỹ thuật và nguồn lực để tăng hiệu quả của đất.

* Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam:

Sửa đổi Luật Đất đai cần tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho việc quản lý đất đai một cách hiệu quả, công bằng và bền vững hơn về môi trường đối với nguồn tài nguyên đất đai khan hiếm.

Tạo nên sự minh bạch và công bằng trong thu hồi đất và bồi thường là ưu tiên hàng đầu.

Nhà nước cần tiết chế trong việc sử dụng quyền hạn của mình, hạn chế sử dụng thu hồi đất bắt buộc chỉ cho những trường hợp vì lợi ích công cộng, giúp cho người sử dụng đất tin tưởng hơn về các quyền của mình liên quan đến đất đai.

Kéo dài thời gian sử dụng đất nông nghiệp sẽ là động lực lớn hơn cho người sử dụng đất để đầu tư và chăm sóc đất đai. Hiệu quả đất nông nghiệp sẽ được cải thiện nếu luật pháp cho phép tích lũy ruộng đất lớn hơn và linh hoạt hơn trong sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt khi các mục tiêu an ninh lương thực của Việt Nam về cơ bản đã được đáp ứng.

Sửa đổi Luật Đất đai mang lại cơ hội để tái khẳng định và củng cố quyền sử dụng đất của các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo và các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Việc phát triển một hệ thống quản lý đất đai linh hoạt và hiệu quả hơn, và cải thiện tính minh bạch và giảm tham nhũng trong quản lý đất đai đều cần thiết để khiến cho hệ thống quản lý đất đai của Việt Nam phù hợp với một quốc gia có thu nhập trung bình.

Kết thúc Hội thảo, tất cả mọi người tham gia đều nhất trí kiến nghị 6 vấn đề lớn được tổng hợp từ những tham luận khoa học và những ý kiến trình bày, chia sẻ của Hội thảo gửi lên Quốc Hội để Luật Đất đai hoàn thiện hơn,  góp phần làm cho đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc:  

1/Về thời hạn giao đất.

 Đối với vùng đang sử dụng là đất nông nghiệp, thì Nhà nước nên giao cho các tổ chức và cá nhân “sử dụng ổn định lâu dài”,

2/Về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Xóa bỏ hạn điền đối với đất đang được sử dụng làm nông nghiệp. Việc giao đất ổn định lâu dài và xóa bỏ hạn mức giao đất là phù hợp với quy luật phát triển nông nghiệp hiện đại, cho phép nông dân tích tụ ruông đất, yên tâm đầu tư, đẩy mạnh kinh tế trang trại, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao.

3. Về việc thu hồi đất.

Nên phân biệt các trường hợp thu hồi đất để có giải pháp xử lý thỏa đáng: trường hợp thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì thực hiện cơ chế trưng mua; còn các trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế thì cần bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các nhà đầu tư và người bị thu hồi đất, thực hiện giá thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường.

 4/Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Tuân thủ nguyên tắc bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của dân, hài hòa với lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước, nhất thiết không để người dân thiệt thòi, bơ vơ sau khi không còn đất sản xuất. Ví dụ như chỉ thực hiện việc thu hồi đất, giải tỏa, khi đã bố trí xong nơi tái định cư cho người dân bị giải tỏa); quan trọng hơn nữa là quy định rõ cơ quan nào, cấp chính quyền nào có trách nhiệm thực hiện những biện pháp trên, tránh nêu ra như những ”khẩu hiệu” không đi vào cuộc sống.

5. Về giá đất:

Xóa bỏ sự chênh lệch quá lớn hiện nay giữa giá do Nhà nước quy định với giá thị trường,thực hiện nguyên tắc một giá, đó là giá thị trường

•         Khuyến khích hình thành và sử dụng rộng rãi các tổ chức tư vấn, giám định về giá đất, để việc xác định giá đất được quy định có căn cứ khoa học, khách quan, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.

6/Về giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai.

Cần thực hiện việc công bố công khai, minh bạch hệ thống văn bản quy phạm về đất đai cũng như toàn bộ các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai và các bước tiến hành, như thời hạn thực hiện quy hoạch, các biện pháp đền bù, giá đất, v.v... để dân và các tổ chức xã hội được biết và tham gia giám sát việc thực hiện, đồng thời thực hiện đúng đắn trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước đối với dân về việc thực hiện pháp luật về đất đai ở mỗi địa phương 

Cần bổ sung thêm những quy định chặt chẽ và cụ thể hơn về việc xử lý những cán bộ, công chức vi phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thi hành Luật Đất đai. Cần quy định trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan trong trường hợp cơ quan đã có những quy định trái luật gây thiệt hại cho dân hoặc có cán bộ, công chức vi phạm luật, thu vén cho mình những lợi ích bất hợp pháp.

 

Về các đối tượng có quyền tham gia giám sát, không nên chỉ bó hẹp trong ”Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận”, vì trong thực tế, còn rất nhiều hội, hiệp hội ngành nghề khác không là thành viên Mặt trận (cả nước ta hiện có khoảng 400 hội có phạm vi hoạt động toàn quốc, hơn 6.000 hội có phạm vi hoạt động ở tỉnh, thành phố, quận,  huyện, thị xã và hàng chục vạn hội hoạt động ở xã, phường, thị trấn). Vì vậy, cần ghi ”Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác” để những tổ chức này tham gia một cách bình đẳng các hoạt động giám sát, phản biện xã hội ở mỗi cấp đối với những vấn đề về đất đai liên quan đến ngành nghề và phạm vi hoạt động của mỗi tổ chức.

 

 

BACK TO PREVIOUS PAGE
Member Register