Tăng cường sự đóng góp ý kiến của người dân và các tổ chức xã hội

20:26 | 09/05/2012

Vừa qua, tại Hà Nội, Liên mạng Vận động chính sách (INPA) đã tổ chức Hội thảo “Liên mạng Vận động chính sách với việc đóng góp ý kiến vào nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1992”, với trọng tâm là tăng cường sự đóng góp ý kiến của người dân và các tổ chức xã hội vào quá trình sửa đổi hiến pháp.
Tăng cường sự đóng góp ý kiến của người dân và các tổ chức xã hội

Trần Thu Hiền

    Hội thảo đã thu hút được sự chú ý của nhiều cán bộ và đại diện các tổ chức xã hội như Giáo Sư Nguyễn Đăng Dung - Trưởng khoa Luật đại học Quốc Gia Hà Nội, Ông Nguyễn Vi Khải - nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Cố vấn của INPA, ông Nguyễn Ngọc Lâm - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD), bà Bùi Thị Kim - Giám đốc trung tâm Hỗ trợ phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em cùng đại diện các cơ quan truyền thông.  

     Phát biểu về “Vai trò và Nội dung của Hiến pháp”, GS Nguyễn Đăng Dung đã làm rõ những yếu tố, loại hình và phạm vi của hiến pháp nói chung, đồng thời nêu rõ hai nội dung cơ bản của hiến pháp, đó là Phân quyền và Nhân quyền. Theo GS, “Mục Nhân quyền phải được ghi vào trong Hiến pháp làm mục tiêu hoạt động của nhà nước”. GS đề nghị sửa đổi phạm vi và chức năng của bản hiến pháp hiện thời, với trọng tâm là phân quyền rõ ràng hơn và có phần quy định về nhân quyền.

     Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Vi Khải, nguyên Viện trưởng viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Cố vấn của INPA, đã trình bày một số nội dung của quá trình sửa đổi Hiến pháp từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm1992. Từ thời điểm Tuyên bố độc lập đến nay, nước ta đã có 4 bản Hiến pháp. Sau 20 năm thực hiện, bản Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi năm 2001) đã không còn phù hợp với sự thay đổi về chính trị, kinh tế, văn hóa…

     Sau khi làm rõ những nguyên nhân và hoàn cảnh của từng lần sửa đổi Hiến pháp, ông Khải kết luận: về xu hướng sửa đổi Hiến pháp Việt Nam: về hình thức, số chương, số điều tăng lên (từ 7 chương, 70 điều lên thành 14 chương, 147 điều); về nội dung, bản Hiến pháp được tách ra nhiều chương, điều chi tiết cụ thể, sự phân cấp, phân quyền thiếu rõ ràng; hệ thống kiểm tra, giám sát quyền lực không độc lập… dẫn đến việc không phù hợp với tiềm năng, truyền thống của quốc gia cũng như sự phát triển của khu vực và thế giới. Theo đó, ông đề nghị sửa đổi Hiến pháp theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Quyền phúc quyết của dân về những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia phải là một điều riêng, đồng thời bổ sung các quyền mới như quyền sống, quyền tiếp cận thông tin, quyền biểu tình…”. 

    Ông Khải hy vọng INPA có thể là cầu nối giữa các tổ chức và cá nhân trong quá trình đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Hiến pháp, nhằm đạt được những quyền và nghĩa vụ tốt hơn cho người dân.

     Ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên Cố vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng: “Với mục tiêu bảo vệ quyền con người, mạng lưới các tổ chức xã hội có thể thông qua quá trình sửa đổi Hiến pháp này để hợp tác và xây dựng sức mạnh. Mỗi tổ chức hãy đóng góp ý kiến của mình để tiến tới đem lại những quyền công dân tốt hơn cho người nghèo, người yếu thế và dân tộc thiểu số”. Bà Bùi Thị Kim, Giám đốc trung tâm Hỗ trợ phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em cũng hy vọng lần sửa đổi Hiến pháp này sẽ mở cánh cửa rộng hơn cho quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.

     Trong phần hai của Hội thảo, ông Nguyễn Vi Khải giới thiệu “Đề cương nghiên cứu sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội đóng góp ý kiến cho sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Theo đó, INPA sẽ phối hợp với các tổ chức xã hội và UNDP nghiên cứu và đề xuất sửa đổi để bản Hiến pháp tương xứng với tầm vóc đất nước trong thời điểm hiện nay. Nghiên cứu lấy tên là “Tăng cường sự tham gia của người dân đóng góp ý kiến cho quá trình sửa đổi hiến pháp giai đoạn 2011 - 2013”, với phương pháp luận là phát phiếu trưng cầu ý kiến, tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề và các hội thảo để cuối lộ trình đưa ra báo cáo tổng quan và văn bản kiến nghị về việc sửa đổi.

    Nghiên cứu sẽ nhận được sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật như TS.Nguyễn Đình Lộc (nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp), TS.Hoàng Ngọc Giao (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật & Phát triển)… Bên cạnh đó, INPA cũng rất trông đợi sự đóng góp ý kiến của người dân và các tổ chức xã hội như Trung tâm hợp tác và phát triển, Diễn đàn lý luận phát triển…

     Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) cho rằng: “Sửa đổi Hiến pháp là một quá trình phức tạp và tốn nhiều thời gian, tuy nhiên chúng tôi cảm thấy rất mừng trước sự nhiệt tình tham gia của các cá nhân và tổ chức. Thông qua quá trình này, chúng tôi hy vọng tăng cường vị thế của các tổ chức xã hội cũng như đem lại những quyền lợi thiết thực hơn cho mọi công dân”.                        

 

 

BACK TO PREVIOUS PAGE
Member Register