Môi trường & Sức khỏe

Xem thêm >>

Bẩn như nước đóng chai "tinh khiết"

Tuesday, 24/06/2014, 18:13 0 413
Hiện nay trên địa bàn TP Đà Nẵng, các cơ sở đóng chai nước uống tinh khiết (loại 21 lít) đang mọc lên như nấm sau mưa. Cơ sở nào cũng quảng cáo: được lấy từ nguồn nước có chất lượng; xử lý qua hệ thống thẩm thấu ngược R.O, khử trùng bằng ozone,… cùng hàng loạt các tên gọi hấp dẫn ta, tây đủ loại. Nhưng sự thực, nhiều cơ sở sản xuất nước đóng chai đã làm nước thiếu vệ sinh, nguồn nước không đảm bảo…
 
Mục sở thị cơ sở làm "nước đóng chai tinh khiết" có nhãn hiệu B&T nằm trên đường Phạm Như Xương thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Từ ngoài ngõ đi vào, chai để la liệt cái nằm, cái đứng trên nền đất ẩm thấp, lênh láng nước bẩn.
 
Trong một căn phòng có đèn điện neon mờ mờ, hai thanh niên cởi trần trùng trục làm công đoạn cho nước vào chai. Từng chai nước được lật úp đổ nước thừa còn lại sau khi súc, lau chùi ra, rồi cho miệng chai vào vòi, vặn cho nước "tinh khiết" (được lọc từ một bình lọc cáu xỉn, đặt ở phòng tối om bên cạnh) vào chai và rồi vặn nắp cho chặt, bê ra phòng bên cạnh dán nhãn, dán ni lông bao quanh.
 
Khâu lau chùi chai còn kinh khiếp hơn, chai được cho nước vào súc qua loa, có chai bẩn hơn nhưng người ta chỉ dùng một cái que có quấn quanh miếng vải lau chùi, rồi súc qua loa bằng nước máy.
 
Nơi đóng chai nước "tinh khiết" chỉ cách vài bước chân cũng chính là cơ sở chuyên cung cấp gas. Một phụ nữ đang tiến hành công nghệ chiết gas từ bình lớn sang bình nhỏ bằng "tay"...
 
Đến cơ sở sản xuất nước đóng chai loại 21 lít khác mang nhãn hiệu H&T, nằm cách cơ sở B&T chỉ một con hẻm nhỏ thuộc tổ 21, Chơn Tâm 2, người ta mới giật mình vì cơ sở này nằm sát bên bờ ruộng đầy nước đen sì; nhà cửa, phòng ốc thì nhếch nhác. Chưa kịp tìm hiểu như thế nào thì chúng tôi đã bị chặn lại…
Theo người dân sinh sống tại khu vực này, tại đây mới chỉ có nước máy hơn một năm nay, nơi đây chính là một nghĩa địa từ trong chiến tranh, hiện nay, tất cả các giếng nước đều có màu nâu nâu như nước hồ, mùi rất hôi tanh...
 
Một cơ sở đóng chai nước uống tinh khiết khác được quảng cáo là đủ tiêu chuẩn với dây chuyền sản xuất hiện đại của Mỹ mang nhãn hiệu VITRACO tại 97 Điện Biên Phủ, Đà Nẵng với đầu tư kinh phí ngót nghét 1 tỷ đồng. Nhưng qua tham quan thì: Phòng sản xuất vỏn vẹn có hơn 30m2 chật chội; phòng lọc nước cũng chật không kém.
 
Tuy vỏ chai sau khi được lau chùi và súc bằng máy, có tiệt trùng bằng tia cực tím hẳn hoi nhưng cách cho nước vào chai cũng bằng tay...Tuy cơ sở sản xuất với quy mô "gia đình" như vậy, nhưng dù sao so với các cơ sở sản xuất khác, thì chất lượng sản phẩm của VITRACO cũng thuộc vào hàng có uy tín so với thị trường "loạn nước đóng chai".
 
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, có đến 60 cơ sở chuyên kinh doanh và sản xuất nước đóng chai trên địa bàn thành phố. Và việc mở cơ sở sản xuất kinh doanh nước tinh khiết đóng chai quả thật quá đơn giản. Chỉ cần lấy mẫu nước của cơ sở nộp cho cơ quan Y tế dự phòng kiểm tra, xét nghiệm mẫu nước, nồng độ PH... vậy là xong.
 
Sau khi cơ quan y tế dự phòng cấp giấy chứng nhận, chủ cơ sở đăng ký xin giấy phép hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay sau đó. Vậy việc thường xuyên giám sát, kiểm tra vệ sinh an toàn tại cơ sở sản xuất thì thả nổi?
 
Không ít các cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai tự quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của mình là nước khoáng thiên nhiên, nước uống thiên nhiên tinh khiết hoặc nước khoáng vừa thiên nhiên vừa tinh khiết, được sản xuất theo công nghệ tiên tiến nhất.
 
Nhưng thực chất chỉ là nước giếng khoan, nước máy được lọc bằng than hay sỏi rồi đóng vào bình PET. Thậm chí có nơi lấy nước sông, đóng chai ngay cạnh nhà vệ sinh hoặc trên... nghĩa địa thì có trời mà biết.
Sự nhập nhằng từ nước lọc đóng chai biến thành nước khoáng thiên nhiên mang lại lợi nhuận rất lớn cho nhà sản xuất, còn người uống thì tốn tiền mua nước uống cho đảm bảo sức khỏe nhưng không biết là có khi mình chuốc họa vào thân...
 
Một đại lý trên đường Đống Đa, Đà Nẵng nói: Người mua biết hàng chỉ cấp làng, nhưng vẫn sử dụng vì giá chỉ bằng 1/4, 1/5 hàng "xịn". Điều đáng nói ở đây ai là người có trách nhiệm giám sát kiểm tra cơ sở sản xuất có đủ điều kiện hoạt động theo quy định hay không.
 
Sở Y tế TP Đà Nẵng cũng chỉ khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng những sản phẩm không có nhãn mác (vì không rõ nguồn gốc để bảo vệ chính mình), cảnh giác với những lời quảng cáo kiểu "khử trùng bằng tia cực tím, hệ thống thẩm thấu ngược R.O, công nghệ thiết bị hiện đại của các nước tiên tiến... thậm chí nhãn hiệu đạt tiêu chuẩn ISO...
 
(Ngôi sao 25.10.07, Công An Nhân Dân)