Rừng đầu nguồn bị đốn trụi; chất thải công nghiệp và sinh hoạt độc hại được đổ xuống dòng chảy không ngừng; nguồn nước bị khai thác vô hạn độ… là những gì đang xảy ra hằng ngày hằng giờ trên đất nước ta. Và chết không chỉ có sông! Cùng chung số phận với sông là rừng, là biển, là không khí..., là môi trường sống của chính con người chúng ta.
Điều đáng nói là xu thế nguy hại này đang diễn ra như một định mệnh không thể đảo ngược của quá trình phát triển theo chiều rộng. Không thể đảo ngược sẽ là nguy cơ suy tàn và tuyệt diệt của chính chúng ta! Bảo đảm sự tăng trưởng liên tục ở mức cao là một bài toán khó. Sức ép phải tăng trưởng có thể buộc chúng ta phải đẩy mạnh việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, đồng thời cắt giảm hoặc trì hoãn những khoản đầu tư không thể thiếu cho môi trường.
Mà như vậy, những vấn đề về môi trường, như những căn bệnh, đang bị tích tụ lại và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Nếu những vấn đề về môi trường không được giải quyết kịp thời, những chi phí phải bỏ ra để khắc phục chúng sẽ đắt đỏ gấp hàng chục, hàng trăm lần. Chưa kể đến việc có nhiều vấn đề sẽ không bao giờ khắc phục được nữa.
Những hệ động thực vật bị tuyệt diệt là không thể tái sinh; những làng bản bị lũ cuốn mất là không thể xuất hiện trở lại; những thế hệ người Việt bị sinh ra dị dạng là khó có thể chữa lành...
Thật đáng tiếc, GDP chỉ đo được sự tăng trưởng về giá trị sản phẩm, không đo được sự cải thiện về môi trường. Quan tâm đến GDP là đúng đắn, nhưng vì nó mà sao nhãng việc đầu tư cho môi trường thì thật rủi ro. Suy cho cùng, mọi sự giàu có đều trở nên vô nghĩa nếu như chúng ta không còn môi trường trong lành để sống, không còn sức khỏe để tận hưởng sự sung túc của mình.
Phát triển thì phải có tăng trưởng, nhưng tăng trưởng không đồng nghĩa với phát triển. Một tư duy mới là rất quan trọng cho thời kỳ hội nhập. Với tư duy này, mọi sự tăng trưởng nhờ vào việc gây thêm tổn hại cho môi trường không thể được coi là phát triển.
Với tư duy này, chúng ta phải rất cẩn trọng khi phát triển những ngành nghề mà vì ô nhiễm môi trường, các nước phát triển tìm cách chuyển sang cho các nước đang phát triển như nước ta. (Nếu nước Anh có kim ngạch xuất khẩu nhạc cao hơn xuất khẩu thép, thì họ không nhất thiết phải sản xuất thép ở Anh). Với tư duy này, chúng ta cần học cách tôn trọng thiên nhiên, cách sống hài hòa với thiên nhiên.
TS NGUYỄN SĨ DŨNG