Đây là thông tin được ông Hoàng Dương Tùng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Thông tin môi trường (Cục Bảo vệ Môi trường) đưa ra tại buổi công bố báo cáo “Triển vọng Môi trường toàn cầu 4” của UNDP hôm 26/10 tại Hà Nội.
Khẳng định trên được ông Tùng đưa ra trong một cuộc họp báo tại Hà Nội vừa qua.
Theo ông Tùng, có một thực tế không thể phủ nhận là tác hại của việc phá hoại môi trường đang từng ngày, từng giờ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cả ở thành thị và nông thôn.
Đó không chỉ là ô nhiễm khói, bụi, nước, suy thoái đất đai, mà còn là sự giảm thiểu về số lượng các loài cá thể, biến đổi khí hậu…
Theo ông Tùng, hiện Cục Bảo vệ Môi trường đang xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường không khí năm 2007 và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy Việt Nam hiện là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề của ô nhiễm.
Cũng theo các nghiên cứu, đánh giá do cán bộ của Cục tiến hành thì hiện trạng môi trường không khí của chúng ta không khả quan, đặc biệt là bụi.
Riêng về ô nhiễm bụi ở hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TPHCM hiện chỉ kém các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc), New Dehli (Ấn Độ) và Dhaka (Bangladesh).
Đại diện Cục Bảo vệ Môi trường cũng cho biết các thành phần nào cũng có ô nhiễm, từ đất, nước, không khí, đa dạng sinh học.. Ví dụ như vấn đề rác thải, rác công nghiệp rất đáng báo động với những vụ việc nhập khẩu rác liên tiếp bị phát hiện. Hay như 2 tuần vừa rồi đã có những thảm họa do lũ lụt gây ra, có thể nói đây là "sản phẩm" của chúng ta bởi phá rừng qúa nhiều nên lũ lụt ngày càng nghiêm trọng. Người nghèo là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.
“Chúng tôi rất muốn xây dựng một Chỉ số môi trường bền vững cho môi trường nước ta vào năm 2008. Trên thế giới đã có chỉ số này. Năm 2006, tại một hội nghị về môi trường ở Thụy Sĩ đã công bố một chỉ số môi trường bền vững cho tất cả các nước.
Chỉ số này dựa trên 70 bộ chỉ số khác nhau do các chuyên gia ĐH Yale đưa ra. Theo đó, Việt Nam xếp hàng cuối cùng trong số các nước Đông Nam Á với 8 quốc gia được xem xét”- Ông Tùng cho biết.
Hệ sinh thái, sức khỏe con người ở châu Á đang xấu đi
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Trưởng phòng Phát triển bền vững UNDP cho biết báo cáo lần thứ 4 gồm 10 chương của UNDP về các vấn đề liên quan đến môi trường lần này được lập rất công phu với các chủ đề liên quan đến môi trường và phát triển toàn cầu.
Bản báo cáo cũng chỉ rõ khu vực châu Á và Thái Bình Dương, nơi sinh sống của hơn 60% dân số thế giới đang đạt được những tiến bộ nổi bật trong việc giảm nghèo. Tuy nhiên đi kèm sự tiến bộ đạt được này là những hệ lụy ảnh hưởng đến môi trường: Chất lượng không khí xấu đi, sự căng thẳng về nước ngọt, hệ sinh thái bị xuống cấp, sử dụng đất nông nghiệp và rác thải tăng lên.
Báo cáo cũng cho thấy, việc cung cấp nước ăn đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong thập kỷ qua nhưng nạn vận chuyển buôn bán trái phép rác thải điện tử và nguy hại là một thách thức mới ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
“Các hệ sinh thái và sức khỏe con người tại châu Á và Thái Bình Dương tiếp tục bị xấu đi, trong khi sự tăng dân số và phát triển kinh tế nhanh chóng đã khiến cho môi trường suy thoái nghiêm trọng và mất mát tài nguyên thiên nhiên”-Báo cáo cho biết.
Bản báo cáo cũng cho thấy mối đe dọa thay đổi khí hậu hiện đã ở tình trạng khẩn cấp. Nhiệt độ cao hơn rất có thể sẽ làm tăng bệnh tiêu chảy, sốt rét và làm giảm sản lượng lương thực toàn cầu.
“Phơi nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ra gần một phần tư tất thảy các loại bệnh tật. Nó góp phần gây ra bệnh về hô hấp, một số loại ung thư, các bệnh lây nhiễm qua vật trung gian, truyền bệnh từ động vật sang người ngày càng tăng và ảnh hưởng đến dinh dưỡng”- Bà Lý dẫn lời báo cáo cho biết.
Bản báo cáo cũng cho thấy thế giới cũng đang phải đối mặt với mối đe dọa về năng lượng: Cung ứng năng lượng bất cập, bất ổn định và tổn hại môi trường từ việc tiêu dùng quá nhiều năng lượng. “Việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn trên thế giới vẫn còn ở mức “tối thiếu” trong khi một môi trường lành mạnh là điều thiết yếu để đạt được các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ”- Bản báo cáo nhấn mạnh.
Hiện đã có chứng cứ “hữu hình và rõ ràng” về những tác động của thay đổi khí hậu và sự đồng thuận rằng các hoạt động của con người có ý nghĩa quyết định đối với sự thay đổi đã quan sát được cho đến nay: Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng lên khoảng 0,74 độ C kể từ năm 1906 và sự tăng nhiệt độ của thế kỷ này dự báo là khoảng từ 1,8 – 4 độ C.
Ô nhiễm hóa chất diễn ra dưới nhiều hình thức và đang đà tăng lên: trên 50.000 hợp chất được sử dụng một cách thương mại, thêm hàng trăm chất nữa được bổ sung hàng năm và sản phẩm hóa chất toàn cầu dự tính sẽ tăng 85% trong 20 năm tới.
Chất lượng nước đang suy giảm, bị ô nhiễm bởi những mầm bệnh vi sinh vật và các chất dinh dưỡng nhiều quá mức. Trên toàn cầu nước bị ô nhiễm vẫn là nguyên nhân lớn nhất cho bệnh tật và tử vong của con người.
(Theo TPO)-TT