Môi trường & Sức khỏe

Xem thêm >>
Huyện Thường Tín có nhiều làng nghề nổi tiếng cả nước tạo ra những sản phẩm thủ công, giá trị cao như đồ sừng làng Thụy Ứng, sơn mài Hạ Thái, tranh thêu Quất Động, đồ tiện Nhị Khê, chăn ga gối đệm Trát Cầu... Phát huy nghề truyền thống cha ông để lại đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân làm nghề.
Nhà cao tầng kiến trúc hiện đại cùng với các tiện nghi đắt tiền không kém các gia đình khá giả ở Hà Nội trong các hộ dân tại các làng nghề ở Thường Tín trở thành phổ thông. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế người dân làm nghề ở Thường Tín đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường nước thải, rác thải, không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và hệ sinh thái.
 
Đến làng nghề chăn ga, gối đệm Trát Cầu, xã Tiền Phong (Thường Tín) ngay từ đầu làng du khách nhìn thấy các bông sơ, vải vụn của các hộ dân làm nghề đổ dọc ven đường từng đống gây mất mỹ quan. Những lúc quá tải, người dân phải châm lửa đốt, mùi khét theo gió tạt bay đến địa phương lân cận.
 
Cùng với rác thải, vấn đề nước thải nơi đây cũng đang bị ô nhiễm. Các hộ làm nghề sử dụng nước trộn hoá chất trong quá trình nhuộm, tẩy, in. Hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất có thể biến mảnh vải đang từ màu xanh, đỏ thành màu trắng tinh sau một lần nhúng qua. Chính vì sử dụng hóa chất nồng độ lớn lại không xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường nên tầng nước mặt ở Trát Cầu có nguy cơ bị ô nhiễm nặng.
Tại làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái ô nhiễm chính chủ yếu khuếch tán trong không khí. Trong các công đoạn sản xuất thợ thủ công sử dụng sơn, chất dung môi bả, sấy không đảm bảo quy trình xử lý ô nhiễm đã bay vào không trung gây mùi khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
 
Điển hình cho các làng nghề bị ô nhiễm ở Thường Tín phải kể đến là làng Thụy Ứng, xã Hòa Bình. Làng Thụy Ứng chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ bằng sừng và thuộc da trâu, bò. Cả làng có 800 hộ, với trên 3.000 nhân khẩu thì có trên 80% số hộ chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ bằng sừng và 10 hộ chuyên buôn bán da trâu, bò. Sản phẩm mỹ nghệ sừng có mặt khắp nơi trong nước và xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Thái Lan, Anh, Hoa Kỳ...
 
Để phục vụ nguyên liệu cho gần 600 hộ gia đình sản xuất lược và các mặt hàng mỹ nghệ, hằng tháng các lái buôn phải chở về Thụy Ứng hàng vạn chiếc móng, sừng trâu bò từ khắp mọi miền đất nước và từ Lào, Châu Phi. Nghề làm lược, đồ mỹ nghệ đã giúp 35% số hộ ở Thuỵ Ứng trở thành giàu có, hơn 200 hộ xây dựng nhà cao tầng, hơn 60% số hộ có đời sống khá mua sắm được các tiện nghi đắt tiền. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Kiến, Hoàng Văn Kha, Vũ Thanh Liêm, Vũ Thị Quyên...
 
Trong quá trình sản xuất ra các sản phẩm mỹ nghệ sừng phải qua công đoạn luộc móng làm mềm rồi cho vào máy ép thủy lực tạo phôi mỏng. Công đoạn luộc móng, ép tạo phôi rất độc hại. Người trực tiếp phụ trách công việc này luôn phải ngồi bên nồi dầu sôi nóng rát mặt, mùi móng trâu, bò bốc lên nồng nặc. Mặc dù bịt mặt, đeo khẩu trang nhưng mức độ ô nhiễm mùi rất lớn khiến người lao động mắc các bệnh về hô hấp.
Những tấm phôi sừng sau khi ép qua khuôn lại phải đem ngâm một đêm trong nước lạnh để dễ khắc chạm. Người dân nhận thức chưa đầy đủ về môi trường nên đã đổ thứ nước ngâm này ra hệ thống cống rãnh gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Ngoài ra, trong công đoạn chế tác, chạm khắc, đánh bóng phải bào, ma sát sừng tạo ra nhiều bụi. Các hạt bụi sừng không được xử lý trong không gian bám vào nhà cửa, cây cối qua thời gian bị phân hủy bốc mù hôi thối độc hại. Ô nhiễm nước thải và không khí lại càng diễn ra nghiêm trọng khi 10 hộ gia đình chuyên buôn bán da trâu, bò ở Thụy Ứng xả nước thải chưa xử lý bừa bãi ra xung quanh.
Hằng ngày các hộ buôn bán da trâu bò dùng trung bình 4 tấn muối để uớp da cộng với hàng trăm m3 nước rửa. Toàn bộ nuớc thải nhiễm muối và các chất hữu cơ thôi ra từ da có màu đỏ từ các hộ buôn bán da trâu, bò cứ vô tư xả thẳng ra môi trường bên ngoài, chảy xuống ruộng bốc mùi hôi thối, tanh lợm và khiến lúa chết. Số diện tích bị ảnh hưởng của nước thải nhiễm mặn không sản xuất được rộng gần 6 mẫu.
 
Tình hình vệ sinh môi trường của Thụy Ứng cũng như nhiều làng nghề ở Thường Tín đang diễn ra khá nghiêm trọng nếu không giải quyết xử lý sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng đến uy tín các sản phẩm. Tại các làng nghề, ý thức của người dân về vệ sinh môi trường còn chưa đầy đủ, xả chất thải  bừa bãi ra nơi công cộng. Mặc dù đời sống vật chất khá cao so với mặt bằng chung nhưng đa số người dân làm nghề cho rằng việc đảm bảo VSMT là của Nhà nước; vấn đề chính người làm nghề quan tâm là tạo ra nhiều sản phẩm.
 
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các làng nghề ở Thường Tín rất cần các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu, nâng cao ý thức giữ gìn BVMT. Mỗi xóm nên thành lập tổ thu gom rác có thù lao bằng tiền đóng góp hằng tháng của các hộ dân. Bên cạnh đó, để giải quyết tận gốc và có điều kiện tập trung xây dựng khu xử lý nước thải, khí thải, rác thải nhất thiết phải quy hoạch đưa các hộ làm nghề vào các điểm CN.
 
Tư Văn