11:09 | 19/09/2012
Truyện ngắn của Mai Thục
Hội Phố mùa trăng. Lang thang những đêm trăng Hội An thơm hương trầm, tôi đi tìm chàng nghệ nhân có cái tên dân gian “Phước tre”. Tên của chàng đã vang lên, đồn gần, đồn xa, thành hiện thân chuyện cổ tích Việt Nam Cây tre trăm đốt kể từ khi gian hàng thư pháp trên tre của chàng xuất hiện.
Hồn chữ hiện lên như nhảy múa, như vui cười trên nền dân dã, sù sì những đốt tre, thanh tre, gốc tre của làng quê Việt Nam. Hồn chữ, hồn tre quấn lấy nhau kể chuyện cuộc đời người dân Việt - Hoa qua bao thế kỷ thăng trầm, chinh chiến ở đất này mà vẫn bảo nhau sống theo chữ của Khổng Tử: Lễ, Nghĩa, Nhân, Đức, Trí, Dũng, là món quà lưu niệm độc nhất vô nhị, khiến du khách Á, Âu say đắm. Người ta xúm lại mua chữ Hiếu, Nhân, Tâm, Đức, Trí, Dũng, Nhẫn, Phúc, Lộc, Thọ, mua chữ Tình, chữ Nghĩa, mua những câu đối trong gia đình: Kiệm giữ cần tề gia thượng sách/ Nhẫn nhi hòa xử thế lương qui….Nhiều người tự đặt những chữ cho mình, lời chúc thọ, tên riêng, gửi đi khắp đó đây tặng người thân.
Bỗng. Một đêm trăng tàn. Cửa hàng thư pháp “Phước tre” bị thiêu rụi.
Im lặng tràn phố cổ.
Phước kể câu chuyện dài. Chuyện tình và tiền. Đồng tiền đã hủy diệt nghĩa tình và thiêu cháy mấy cửa hàng mỹ nghệ thư pháp trên tre rất thiêng liêng của chàng trong phố. Và chàng muốn tôi kể to cho mọi người chuyện tình của mình. Giống truyện cổ tích Cây tre trăm đốt:
- Những đốt tre khắc chữ Tâm, chữ Phúc của tôi làm ra bằng mồ hôi và Tâm Phúc, đã bán được rất nhiều tiền, ba đôla, năm đô-la, mười đô-la một sản phẩm. Người ngồi thu những đồng tiền đó là vợ tôi. Mẹ của ba đứa con yêu quí của tôi. Tôi yên chí đã có nàng tay hòm chìa khóa, nên cứ lao vào khắc chữ và dạy thợ. Tôi làm việc mê say quên cả chính mình. Ngày đêm tôi gửi hồn mình, hồn ông bà, hồn quê hương vào chữ, vào tre.
Hai năm sau. Bỗng một hôm, tôi ngẩng đầu lên, trông trời, trông đất, trông lại chính mình, giật mình tỉnh ra, thấy mình giống một con gà đẻ trứng vàng. Trứng vàng biến đi đâu? Còn gà thì bị nhốt trong một chiếc lồng chật chội để người ta khai thác. Tôi như tên tù nhân bị quản thúc. Lúc này tôi mới biết vợ tôi “Trong tay sẵn có đồng tiền/ Nàng bèn đổi trắng thay đen sá gì”.
Tôi lâm vào tình trạng bức bách, mất tự do. Thầy Trữ bảo:
- Cùng tắc biến, biến tắc thông. Phải tháo cũi sổ lồng mà ra.
Tôi bứt phá khỏi bàn tay giăng lưới sắt của nàng, giải thoát. Nàng đòi li hôn. Tôi ra đi với hai bàn tay trắng và ba đứa con nhỏ dại. Đứa nhỏ nhất hai tuổi, đứa lớn chưa đầy bảy tuổi. Nàng không nhận nuôi ba con, núm ruột của mình.
Nàng xây khách sạn đón khách. Tôi dắt ba con về quê nương nhờ cha mẹ. Tin xấu này loan nhanh. Dân phố cổ hiền hậu, trọng tình nghĩa, bởi nhiều đời sống theo đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão, Thiên Chúa giáo, nay hãi hùng nhìn thấy một người mẹ nhẫn tâm bỏ ba đứa con nhỏ dại. Họ bảo:
- Hổ dữ không ăn thịt con. Sao lại có người đàn bà tàn ác đến vậy?
Bố mẹ tôi buồn sinh đau ốm. Nhất là mẹ tôi. Bà một đời nhịn ăn, nhịn mặc, hy sinh cho chồng con, không bao giờ dám nghĩ điều ác. Thế mà nay cái ác đổ xuống gia đình bất ngờ như sét đánh. Bà ngất lên, ngất xuống. Bà thương tôi sống hiền lành như ông bà, bố mẹ ngày xưa, trọng hiếu nghĩa, tình người, thủy chung như nhất, mà bỗng dưng bị phản bội, bạc tình. Thương ba đứa cháu thơ vô tội, mẹ chưa chết mà chúng phải mồ côi mẹ. Bà ôm các cháu vào lòng sớm hôm chăm bẵm. Tình bà sâu nặng như núi, như sông.
Còn tôi, tuy có bị sốc, nhưng khi tôi nhận ra nàng đã mất nhân tính thì tôi không còn gì mà phải suy nghĩ nữa. Không giận dữ. Không thương tiếc. Quên nhanh kẻ bạc ác, bất nhân…
Chàng ngừng kể, hỏi tôi một câu như xát muối vào lòng người mẹ đã đi qua cuộc đời phong trần, mưa, gió:
- Cô ơi! Lúc ấy tôi hoang mang về tình yêu, hôn nhân lắm. Tình yêu là gì? Hôn nhân là gì mà phũ phàng, tàn bạo quá vậy?
Tôi muốn ôm chàng vào lòng mà ru:
Thiện- Nhân bởi tại lòng người
Bất nhân, bất nghĩa xưa nay cũng nhiều
Tránh phường độc ác yêu ma
Tìm nơi trọng nghĩa, khinh tài mà chơi.
Chàng buồn bã nói:
- Nhưng tình yêu nó ẩn hiện hình hài như hồn ma bóng quỉ. Nó đến với mình như thiên thần, như bông hoa anh túc, quyến rũ người tình đến mờ mắt, chẳng nhận ra bên trong đó ẩn nấp một con quỉ.
Tôi bảo:
- Phước nói ra được điều đó, là đã hiểu bản chất của tình yêu nam nữ. Cái ta vẫn nhầm tưởng là tình yêu đó, thật ra chỉ là cảm giác nhất thời của giống đực và giống cái mà thôi. Cảm giác đó, giống như bong bóng xà phòng, sẽ qua đi rất nhanh khi hai giống tiếp xúc với nhau. Nếu hai người không kết hôn, thì khi bong bóng xà phòng tan biến, mọi chuyện bình thường. Anh đi đằng anh. Chị đi đằng chị. Còn khi đã kết hôn, cảm giác về tình yêu ban đầu ấy, bong bóng xà phòng ấy, theo qui luật, mất dần theo năm tháng. Cái còn lại là tình nghĩa vợ chồng, tình con người đã ăn ở với nhau, đã sinh con đẻ cái, đã chung đụng làm ăn, chia ngọt sẻ bùi. No đói đã từng. Tắt lửa tối đèn có nhau. Từng qua những đêm tuyết phủ, trăng tàn, hiểm nguy, bạo lực, bão tố bên nhau nơi tinh cầu giá lạnh… Có lẽ nào con người lại dễ bỏ nhau chỉ vì bong bóng xà phòng tan biến vào không khí? Rồi còn trách nhiệm làm mẹ, làm cha. Con mình đẻ ra, sao lại bỏ rơi chúng nó?
Nhưng Phước có hiểu không? Kẻ bạc tình. Kẻ bất nhân nhiều lắm. Cô đã từng thấy ngay trước mắt mình, kẻ mất nhân tính tuyên bố li hôn vợ bằng một câu xanh rờn: “Tình yêu nó cứ mất dần”. Cái gọi là tình yêu của hắn, nó là sự mê đắm thể xác thiếu nữ mà hắn muốn chiếm đoạt. Phá trinh tiết nàng xong là hắn chán. Thế là li hôn. Thế là động vật không có tính người. Hắn lại tiếp tục đi tìm cái gọi là tình yêu khác. Hắn lại phá trinh những thiếu nữ khác và lại tuyên bố li hôn vì “Tình yêu nó cứ mất dần.” Cái mà hắn gọi là tình yêu đó chỉ là sự núp bóng của con quỉ đói dục tình, con quái vật khát tiền của danh lợi. Chán tình và hết tiền là hắn bỏ chạy. Hắn biến mất tích. Bỏ mặc cô Mỵ Châu ngây thơ, khờ dại, tàn héo giữa ngã ba đường đời ngổn ngang cạm bẫy.
Ở tuổi cô, đã hiểu ra và ghê sợ cái gọi là tình yêu thân xác. Nó là con dao hai lưỡi, là trò chơi thể xác của nhân loại. Không một chút tình người trong đó. Ai thích chơi trò xúc sắc thể xác ấy thì cứ việc. Nhưng đừng gọi tên nó là tình yêu. Cô chỉ tôn thờ hai chữ Tình Người- Tình Mẹ. Cô muốn khuyên tất cả những ai muốn kết hôn, muốn thành tình chồng, nghĩa vợ đến trọn đời, thì hãy đi tìm những chàng, những nàng mang trong mình một trái tim Tình Người - Tình mẹ mà cưới hỏi làm vợ, làm chồng.
Chớ có đi tìm “tình yêu”. Hai tiếng “tình yêu” có vẻ ai ố, mỹ miều ấy chỉ hợp với mấy anh chàng, chị chàng sính thơ văn rẻ tiền mà thôi! Họ mơ tưởng hão huyền mà ca lên hai tiếng “tình yêu” bằng cái giọng lâm li, giả trá, mà chép vào trang giấy trắng những chuyện làm tình bẩn thỉu của chính mình, lại coi đó là “đổi mới thơ văn”. Họ ngu ngơ tưởng rằng văn thơ chỉ là tình dục và tình dục. Họ tuyên bố: “Tôi sẽ mô tả tình dục rất thật trong văn chương”. Nhân loại năm tỷ năm nay đã làm tình, và không lạ gì cái thứ ấy nữa mà mô với tả. Loài người đã từng ghê tởm lối sống quần hôn, nay sao có những kẻ khùng điên còn bới lại mà xúm nhau lại, dịch các loại sách viết về tình dục bẩn thỉu, cổ súy cho lối sống đồi bại, chạy theo dục tình tội lỗi, xấu xa nhưng lại ngụy biện rằng để chống lại những bất công, những nhàm chán, những phi lý, giả dối ở đời.
Cái lối sống đó, xuất hiện ở một số người suy đồi, tha hóa, trụy lạc ở phương Tây, đã bị những người chân chính ở ngay xứ họ tống vào sọt rác, nay bọn người ngạo mạn đi nước ngoài học đòi được năm ba chữ, lại mang về đầu độc thanh niên đất Việt Nam chưa kịp mở mắt nhìn đời. Các bạn trẻ hãy đủ trí tuệ và bản lĩnh, tránh xa bọn người mất nhân tính ấy. Đừng nghe họ. Đừng đọc những loại sách nhơ nhớp đó, phí thời gian, vấy bẩn tâm hồn.
- Nhưng ta làm sao mà tìm được người có trái tim Tình Người- Tình mẹ? Phước hỏi.
- Thượng đế sinh ra loài người khác loài thú. Loài người bản tính là trí tuệ, yêu thương, không ăn thịt đồng loại, có Tình người- Tình mẹ. Con người mới sinh ra, ai cũng sẵn có phẩm chất tinh khiết của con người. Nhưng do hoàn cảnh sống, do nền giáo dục khác nhau, con người phân hóa thành những kẻ mạnh, yếu, tốt, xấu khác nhau. Người biết tu nhân tích đức thì luôn giữ được Tình người- Tình mẹ. Kẻ quá tham, sân, si thì đánh mất dần hết cả tính người. Vậy bạn là ai? Bạn tôn thờ Tình Mẹ- Tình người thì hãy tìm những người có bản tính giống mình mà kết hôn.
Kẻ mất tính người biết khôn khéo che đậy, mánh khóe, lừa đảo. Kinh khủng lắm. Phải đo đếm lòng người cẩn thận mới nhận ra xấu/ tốt. Đừng tin vào cảm giác yêu đương. Đừng nghe những lời đường mật. Đừng tin vào kẻ hình hài bóng bẩy, bằng cấp nhiều, học lắm mà trái tim thì tăm tối. Đôi khi kẻ học nhiều, càng biết nhiều mưu gian, nó vận dụng nhiều mánh khóe để lừa đảo người hiền, để sống ích kỷ, bất nhân, dẫm đạp lên người khác, chỉ biết thỏa mãn bản thân mình. Mình cứ tưởng nó là Hoàng tử, Công chúa, lại hóa ra con lừa. Hãy tránh xa những loại đó. Đuổi nó ra khỏi sự yêu thương, tôn trọng của mình. Hãy nhìn vào cách ứng xử, hành động của con người với cha mẹ, ông bà, người thân của họ để tìm trái tim Tình người - Tình mẹ. Hãy nhìn vào cách họ cư xử với mình mà suy xét nông sâu. Có những kẻ hám lợi, dùng cái gọi là yêu đương để lợi dụng ta cùng đi một quãng đường mà nó đang gặp tai ương, hết cực nhục, có mối nào lợi hơn, nó sẵn sàng bỏ ta. Nó chà đạp lên ta như thú vật để thỏa mãn riêng mình. Đừng bị cảm giác yêu đương nó lừa. Sống chạy theo cảm giác yêu đương nguy hiểm lắm. Bong bóng xà phòng đấy! Đôi khi con người tốt thể hiện, ứng xử cục mịch, nhưng chân thành nồng ấm. Họ có thể xấu mã bên ngoài, nhưng cái tốt, cái đẹp ẩn giấu bên trong. Đừng tin vào cảm giác. Hãy dùng trí tuệ, bản lĩnh sống, linh cảm của mình để tìm người kết hôn bền vững.
Hôn nhân gia đình cần Tình người- Tình mẹ. Con người bao gồm phần Con và phần Người. Gia đình là nơi an toàn nhất cho con người được sống trong cả phần Con và phần Người. Trong gia đình, phần Con được thỏa mãn: ăn, uống, ngủ, nghỉ, nói cười, tình dục… Trong gia đình phần Người cũng được thỏa mãn như: thực hành nhu cầu tâm linh, sống với mọi vui, buồn chân thật, được quyền làm vợ, làm chồng, làm cha, làm ông, làm bà, được chăm sóc nâng niu bảo vệ nhau trong mối quan hệ huyết thống rất thiêng liêng. Nhưng gia đình cũng có thể trở thành “tổ quỉ”, thành gánh nặng áo cơm, khổ ải, thành địa ngục trần gian, là cái lồng sắt chật chội để mọi người đày đọa, hành hạ, tiêu diệt lẫn nhau. Hai mặt sáng- tối này cứ chập chờn như ma trơi nơi sợi dây ràng buộc gia đình. Trong gia đình phần Con nó trỗi dậy khá mạnh, bởi nó không phải kìm nén, che đậy với những người bên ngoài xã hội, nên nó thỏa thuê hiện hữu. Nó hiện ra với một ngưỡng cho phép thì các thành viên trong nhà có thể chịu được nhau. Nhưng nếu có một ai đó trong nhà để phần Con hiện diện một cách quá đáng thì gây xung đột, mâu thuẫn khá nặng nề, dẫn đến cảnh con người dày xéo lẫn nhau như ở tù ngục. Trong phút giây chơi vơi hiểm nguy ấy, chỉ có Tình người- Tình mẹ mới giữ nổi con thuyền gia đình không xô lật. Tình người- Tình mẹ sẽ là nguồn thương yêu chia sẻ, cảm hóa, giúp mỗi người tu tỉnh lại, sống theo đạo lý làm Người. Kẻ mất nhân tính sẽ đạp tung tất cả mà không thương xót bất cứ một ai, dù người đó là con, là vợ, là chồng, để thỏa mãn cá nhân mình. Người có Tình Người- Tình mẹ thì sẽ biết hy sinh, điều chỉnh mối quan hệ đó bằng tình huyết thống, tình con người trong sáng hiền hòa như bản tính Người vốn sẵn trời ban.
Phước bảo:
- Cô ơi! Bài học cuộc đời mấy ai đã dạy nổi cho ai. Chỉ khi nào ngã đau đớn, ta mới tỉnh ra mà rút kinh nghiệm, làm lại cuộc đời. Đời người ai chẳng một lần nhầm lẫn, vấp ngã. Nhưng nhầm lẫn chuyện tình thì vừa vớ vẩn vừa ngu xuẩn. Biết là ngu ngốc. Biết là ngớ ngẩn thật đấy, nhưng sao quá nhiều người bị mắc vào nó. Hóa ra đời người ta chỉ chết vì tình. Cái chết đó thật vớ vẩn, nhưng nó tàn hại tâm hồn con người đến ngày tận thế. Không những nó hại mình và hại cả người thân mình. Bố mẹ, các con mình đều cùng chịu tai họa của kẻ chết vì tình. Trẻ con có tội gì đâu mà cả một kiếp làm người nó phải gánh chịu những cực hình dày xéo tình cảm của những kẻ bạc tình, bỏ nhau. Nó cô đơn. Nó thù hận. Nó sống thiếu Tình mẹ- Tình người. Nó bị đọa đày cả về cuộc sống vật chất lẫn cuộc sống tinh thần. Chúng nó có tội gì đâu cơ chứ! Từ nỗi đau này, tôi muốn dâng hiến cho các bạn trẻ một lời cảnh báo rằng đừng đùa với hôn nhân. Hãy thận trọng tìm người kết hôn.
Tôi thấy xót xa thương hại cho cô vợ Phước. Nàng đã vội vã trong cuộc tính toán này. Nàng ôm một đống tiền bội bạc ra đi, bỏ mất cả một gia tài lớn là người chồng tài hoa tử tế và ba đứa con dứt ruột của mình. Từ giờ đến cuối đời, chẳng bao giờ nàng tìm lại được khối tình thương mến ấy nữa. Nàng trượt dài trên con đường tìm kiếm tiền và tình. Tiền không thỏa mãn. Tình cũng không bao giờ thõa mãn cho nàng. Những cuộc tình bong bóng xà phòng tan nhanh vào không khí. Còn trơ lại mình nàng. Tàn tạ. Gió mưa. Không tình. Không nghĩa. Nàng sẽ bám víu vào đâu mà sống đến hơi thở cuối cùng?
Trăng đêm Hội Phố. Vầng trăng đã lên khỏi ngọn tre, nhưng câu chuyện tình và tiền của tôi và Phước chưa thể chấm dứt. Tôi hẹn chàng mùa trăng hè năm nào cũng về bên dòng sông Hoài kể chuyện Tình Người- Tình Mẹ. Quên cái thứ Tình tiền bất nhân, bất nghĩa, vô hồn ấy đi.
Nhìn ra sân thấy ba đứa con của Phước quấn bên ông nội nghe tiếng đục, tiếng tràng của ông trong trẻo vang dưới trăng, tôi hỏi Phước về cuộc kiếm kế sinh nhai của bốn bố con. May mà các cháu còn người bố có trái tim dạt dào Tình người- Tình mẹ như Phước. Nếu không thì chúng sẽ rơi vào tình trạng mà dân gian đã nghiền ngấm trong câu tục ngữ “sảy cha ăn cơm với cá. sảy mẹ liếm lá đầu đường”.
Phước kể:
- Một thân một mình trong cơn lũ gia đình, tôi chưa biết đi đâu? Làm gì? Rồi chữ Tâm, chữ Phúc lại cứu tôi. Ông Chủ tịch tập đoàn khách sạn Victoria người Pháp nhiều lần đến cửa hàng, mến tài dùng tre của tôi, đã ngỏ lời mời tôi trang trí nội thất cho khu du lịch tại bãi biển Cửa Đại và Mũi Né. Rồi tôi cưới Liễu. Người thiếu nữ mang nặng Tình Mẹ mà yêu thương chăm sóc tôi cùng ba đứa nhỏ. Vợ chồng tôi dựng được một cửa hàng dịch vụ khá tươm tất tại bờ biển Mũi Né.
Nhưng hồn phố cổ gọi tôi. Hồn chữ, hồn tre gọi tôi. Tình yêu cái đẹp và nghệ thuật gọi tôi.
Một đêm trăng. Tôi trở về phố cổ đầu tư phát triển
Làng nghề thủ công mỹ nghệ Nam Trân.
Chàng bảo:
- Tôi mê đắm làm đẹp cho đời, muốn làm cho đất, nhà, vườn, ngõ, góc phố, công viên, bờ sông, đến đồ dùng, hay món ăn uống… trở nên đẹp, có hồn. Đồng tiền do bàn tay, trí tuệ, Tâm Đức của mình làm ra, Phước nâng niu, quí trọng nhưng không vì thế mà đánh mất tình người.
Phước chiêm nghiệm chính cuộc đời mình. Anh được Bụt cho phép lạ là chữ Phúc, chữ Tâm mà thành nhân, thành quả. Ơn phước này chàng khắc sâu trong dạ và không quên khắc chữ vào tre, nhắn gửi loài người hãy sống theo Tâm Phúc.