Chiêm bái tượng Phật Ngọc tại chùa Viên Giác (Hanover)

09:36 | 23/07/2012

Đến chùa Viên Giác, Hanover (CHLB ĐỨC) tôi càng ngộ ra: người Việt mình xa xứ, cho dù ở đâu, làm gì và cho dù hoàn cảnh như thế nào nhưng lòng vẫn hướng về quê hương và khi gặp khó khăn, vui, buồn thì lại càng muốn tìm về cửa Phật như tìm đến một cõi an nhiên, tự tại.
Chiêm bái tượng Phật Ngọc tại chùa Viên Giác (Hanover)

 

 

Chiêm bái tượng Phật Ngọc tại chùa Viên Giác (Hanover)

ÁNH LINH QUANG TỪ BI- TRÍ TUỆ VÀ HÒA BÌNH TỎA SÁNG HỒN NGƯỜI VIỆT XA QUÊ HƯƠNG

                                                 Từ Ngọc Lang

 

       Đến chùa Viên Giác, Hanover (CHLB ĐỨC) tôi càng ngộ ra: người Việt mình xa xứ, cho dù ở đâu, làm gì và cho dù hoàn cảnh như thế nào nhưng lòng vẫn hướng về quê hương và khi gặp khó khăn, vui, buồn thì lại càng muốn tìm về cửa Phật như tìm đến một cõi an nhiên, tự tại.

         

Ảnh:Sau lễ chiêm bái, gia đình chị Liên chụp ảnh lưu niệm bên tượng Phật Ngọc tại chùa Viên Giác.  Xa xôi đến mấy cũng về...

Trong chuyến du lịch sang CHLB Đức vào tháng 6/2012, có thể nói là gia đình tôi vô cùng may mắn khi được chiêm bái tượng Phật Ngọc tại chùa Hanover, mà hôm đó lại là ngày chiêm bái cuối cùng.  Âu cũng là cơ duyên và có phước. Vì trước đó, nhân dịp đại lễ Phật Đản và đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, tượng Phật Ngọc cũng được cung rước tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh, nhưng chúng tôi đã không có may mắn này.

 

 

Ảnh:Sau lễ chiêm bái, gia đình chị Liên chụp ảnh lưu niệm bên tượng Phật Ngọc tại chùa Viên Giác.  

 

          Chùa Viên Giác Hanover, 14h. Theo thời gian đã định, đây là buổi chiêm bái cuối cùng. Theo bà con phật tử ở đây, những ngày vừa qua, ngày nào cũng có hàng ngàn người Việt, người Đức và người nước ngoài đến chùa chiêm bái. Khi chúng tôi bước vào khuôn viên chùa Viên Giác, chợt cảm nhận nơi này sao gần gũi như những ngôi chùa nước Việt. Trong tiếng chuông, tiếng mõ, trong khói nhang phảng phất lay động tâm linh, vẫn còn khoảng gần hai trăm người Việt và người nước Đức đang đứng trước Phật Ngọc, thành kính chiêm bái và nguyện cầu.

           Trong khuôn viên nhà chùa, những ngày qua, Ban tổ chức đã khéo léo sắp đặt các gian hàng ăn uống, đồ lưu niệm, do bà con phật tử tự nguyện tham gia phục vụ cho hàng chục ngàn người người đến chiêm bái. Các món ăn mang hương vị quê hương, nhất là gian hàng có các món ăn của xứ Huế bao giờ cũng đắt khách nhất, phải chịu khó xếp hàng mới hy vọng được thưởng thức. Nhưng muốn mua đồ ăn thì khách phải ra một điểm để mua vé chứ không trả trực tiếp bằng tiền mặt, vì đã được thông báo là toàn bộ số tiền thu được sẽ dành làm công đức và từ thiện.

Những ai có mặt tại chùa Viên Giác hôm nay, hẳn phải tự cho là mình may mắn lắm. Vì thời điểm này người đến chiêm bái cũng đã vãn, nên những người đến đây sẽ được đứng rất gần Phật Ngọc, càng gần bên Người sẽ càng được nhận ánh linh quang Từ Bi- Trí Tuệ- Hòa Bình chiếu rọi vào mình mà không dễ gì ai cũng có diễm phúc này. Tôi chợt nhớ một người bạn là đã nói với tôi: Trong Kinh Thủ Án Tăng Tín Lực, Đức Thế tôn Thích Ca Mâu Ni có dạy rằng “Chỉ cần thoáng nhìn một thánh vật cũng đã được vô lượng công đức, huống chi đối trước Thánh vật mà lễ lạy, cúng dường, công đức còn nhiều gấp bội”.

Sau khi được hoàn thành bởi công sức của hơn 30 nghệ nhân, chuyên gia gia điêu khắc quốc tế và các nhà nghiên cứu Phật học của các quốc gia Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện, Nepal, Australia…qua 8 năm miệt mài làm việc, tượng Phật Ngọc đã trở thành báu vật, là biểu tượng cho Hòa Bình; là kiệt tác của văn hóa Phật Giáo và là báu vật của Phật giáo đồ toàn thế giới. Từ tháng 3-2010, tượng Phật Ngọc được chuyển từ Bangkok sang Việt Nam, sau đó sang châu Úc, châu Mỹ và tháng 6-2010 Phật Ngọc được cung thỉnh vào chùa Viên Giác, Hanover.  

Tôi để ý, đến chiêm bái Phật Ngọc, bên cạnh phật tử, bà con Việt kiều từ mọi miền trên nước Đức còn có rất nhiều gia đình người Đức và khách đến từ các quốc gia khác. Tây cũng như ta, ai cũng đến chùa để mong được chiêm ngưỡng, tận mắt nhìn thấy pho tượng bằng đá quý nặng hơn 4 tấn, được điêu khắc từ một khối ngọc vĩ đại phát hiện tại Canada vào năm 2000. Hầu như ai cũng muốn sau khi chiêm bái, được chụp một tấm hình vào thời điểm có một không hai này.

Tiếp xúc trò chuyện với bà con người Việt mình tại sân chùa, tôi mới biết có hàng ngàn người và có cả nhiều gia đình vượt hàng trăm cây số bằng ô tô, tàu hỏa để đến chùa Viên Giác. Anh Tuấn Thọ, một người Hà Nội, sang định cư tại CHLB Đức đã hơn 20 năm nay, cho biết: Gia đình anh hiện ở thành phố Apolda, cách thành phố Hanover trên 300 cây số, anh đã đi từ 5h sáng bằng xe lửa và nhưng dọc đường bị chậm hàng tiếng đồng hồ, phải chuyển qua mấy chuyến tàu khác, do gặp đúng lúc công nhân xe lửa đình công. Nhưng anh vẫn thấy may mắn và mãn nguyện vì vẫn còn kịp đến chiêm bái Phật Ngọc trong ngày cuối cùng. Anh lấy làm tiếc vì vợ anh, chị Thùy, thời gian này lại đang về Việt Nam thăm gia đình, nên không được chiêm bái tượng Phật Ngọc tại chùa Viên Giác. Nhưng khi biết tin sau đây, Phật Ngọc sẽ được cung rước về  thành phố Leipzic thì anh Tuấn Thọ hy vọng là vợ anh vẫn có cơ hội chiêm bái.

 

Chia sẻ nghị lực và tình yêu thương...

“Trong năm, dù vất vả mưu sinh thế nào nhưng nhiều bà con người Việt ở CHLB Đức đều mong muốn hễ có điều kiện là tìm về đi lễ chùa Viên Giác. Đặc biệt là vào thời điểm đón Tết Nguyên đán của ta, ngay trong đêm giao thừa và những ngày sau đó, phật tử và bà con người Việt ở CHLB Đức, dù xa xôi đến mấy cũng về Hanover, tìm đến chùa Viên Giác để được thắp một nén nhang thơm nhớ về tổ tiên, nhớ về quê hương, đất nước. Trước Phật từ bi, người ta cầu lộc cầu tài, cầu được sức khỏe, cầu may mắn và bình an… Quan trọng hơn, chùa Viên Giác cũng là điểm hẹn gặp gỡ của nhiều người trong dịp đầu năm. Điều đó, ít nhiều cũng giúp cho cộng đồng người Việt thấy ấm áp hơn, hy vọng hơn vào tương lai, tâm thế trở nên an nhiên, tự tại. Hiện ở Hanover có chùa Viên Giác, Hamburg có chùa Bảo Quang, Berlin có chùa Linh Thứu. Nhưng nhiều người Việt ở CHLB Đức cũng có nguyện vọng  trong tương lai sẽ có thêm những ngôi chùa mới của người Việt để bà con được thuận tiện mỗi khi muốn tìm về cửa Phật. Nếu phát triển đạo Phật một cách thành tâm, chánh  quả, chắc chắn sẽ làm cho con người ta hướng thiện hơn. Khi xa quê hương, tâm nguyện đó quan trọng biết chừng nào!”. Anh Tuấn Thọ tha thiết bày tỏ.   

Chị  Nguyễn Thị Liên, quê ở Phủ Lý, cũng sang Đức từ năm 1990, hiện gia đình chị sinh sống ngay tại thành phố Hanover. Chị Liên chân thành bộc bạch: “Nhà em ở cũng khá gần chùa Viên Giác, em biết tin Phật Ngọc được rước về đây, nhưng do bận công việc làm ăn, em đi làm từ sớm đến 8 giờ tối mới về đến nhà  nên hôm nay em mới đến chiêm bái tượng Phật Ngọc được”. Chị Liên  cho biết thêm, hôm nay là một ngày vui đặc biệt đối với gia đình chị, vì cùng đi đến chùa Viên Giác còn có gia đình chị Thanh, người chị ruột từ Việt Nam mới sang chơi.

Đi quanh chùa Viên Giác, miên man trong ánh linh quang tượng Phật Ngọc từ bi, trí tuệ, tôi chợt nhớ tới một nhận định rất hay về đạo Phật mà tôi đã được đọc ở một quyển sách nào đó: “Phật pháp là giáo dục chứ không phải là tôn giáo”.

Tôi được biết, dịp đón Tết Nhâm Thìn 2012, trong thời khắc sắp bước sang năm mới, có khoảng trên 2.000 người con đất Việt xa quê hương đã tìm về chùa Viên Giác, do Đại Đức Thích Hạnh Giới trụ trì, để dự lễ đón giao thừa. Đêm giao thừa ấy thật xúc động, làm cho mọi người bồi hồi thêm nhớ quê hương bởi trong tiếng trống rộn ràng, có màn múa lân với ông địa nét mặt ngộ nghĩnh, nụ cười hoan hỉ, có các tiết mục văn nghệ của các cháu thiếu nhi và phật tử. Chừng ấy thôi, cũng đủ mọi người tạm quên đi nhọc nhằn của đời thường, để người Việt mình xích lại gần nhau hơn, cùng sẻ chia nghị lực và tình yêu thương cho nhau.

 

                                                        Ảnh: T.N.L

 

 

 

QUAY LẠI TRANG TRƯỚC
Tin liên quan
15:10 | 31/01/2013
15:08 | 31/01/2013
15:00 | 31/01/2013
21:54 | 15/01/2013
21:23 | 15/01/2013
16:29 | 20/11/2012
12:00 | 21/09/2012
11:09 | 19/09/2012
09:36 | 23/07/2012
09:28 | 04/07/2012
Đăng ký thành viên