15:10 | 31/01/2013
Tinh hoa Việt
Trong Tết đồng bằng Bắc bộ
Bài và ảnh: Trương Thị Kim Dung
Tưng bừng sắc màu chợ Tết
Hằng năm từ khoảng 23 tháng Chạp trở đi là những phiên chợ Tết tưng bừng, sầm uất . Tinh mơ đường làng ngõ xóm đã rộn rã bước chân đi chợ. Đúng là không có gì đông vui như chợ tết. Hàng hóa bán tại chợ là “sơn hào hải vị” các vùng miền trong đó có đặc sản của địa phương mình. Nào là các loại lương thực thực phẩm (gạo nếp, tám thơm, đậu xanh, đường mật, cá, gà, thịt lợn, rượu, mắm…), các loại đồ khô (măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, hạt tiêu) cho đến hoa quả, quần áo, tơ lụa, đồ trang sức, tranh treo tết, vàng hương, đồ thờ... với số lượng nhiều gấp bội và cũng hết sức đa dạng phong phú hơn hẳn ngày thường. “Tùy tiền biện lễ” nhưng các bà các chị lựa chọn rất kỹ những thứ dành cho Tết. “Trông mặt mà bắt hình dong”, măng lưỡi lợn phải là miếng măng dày, mịn, sạch khi ngâm vài ngày vẫn không xơ không nát, màu trắng nuột nà. Nếp dùng gói bánh chưng là nếp cái hoa vàng thơm và dẻo, hạt tròn căng mẩy “mười hạt giống nhau cả mười”. Lá dong gói bánh chưng hay gói giò đều phải là lá bánh tẻ, tầu dài to bản xanh bóng. Những sợi lạt giang dai mềm buộc chặt. Đỗ xanh lòng vàng thổi xôi nấu chè vừa thơm vừa bùi ngầy ngậy.
Dù sắm gì chăng nữa các bà các chị cũng không quên mua về vài nắm cây mùi già để nấu nước tắm vào chiều 30 Tết và rửa mặt vào mồng Một. Và cũng không quên “đèo bòng” quả gấc nếp đỏ tươi để thổi xôi cúng Tết cho sự mọi được “son”.
Đẹp cõi linh thiêng
Nếu phụ nữ “toàn quyền” đi chợ nấu ăn thì nam giới được “ưu tiên” lau dọn, bày bàn thờ. Chổi quét, khăn lau bàn thờ phải dùng riêng, nước lau là nước mưa thậm chí nước nấu từ lá trầu, lá thơm. Bộ lư đồng, đỉnh đồng, mâm đồng được đánh sáng loáng bằng tro trấu và khế chua. Và thay tro mới vào bát hương. Người ta kén loại hương trầm, hương bài có mùi thơm đặc biệt dùng cho những ngày Tết.
Trên bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng đủ lệ bộ: bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ), hai bát hương khác đặt ở bên trái và bên phải tạo nên tư thế Tam tài (Thiên – Địa – Nhân). Hai góc ngoài bàn thờ bao giờ cũng có hai cây đèn (hoặc nến) tượng trưng cho mặt trời (bên trái), mặt trăng (bên phải), hương là những tinh tú. Trên bàn thờ nhất thiết phải bày mâm ngũ quả. Việc bày mâm ngũ gồm 5 loại quả có 5 màu khác nhau quả xuất phát từ quan niệm về ngũ hành (kim - mộc - thuỷ - hỏa - thổ), những yếu tố tạo nên vũ trụ và quy luật vận hành của thiên nhiên. Thông thường ngũ quả như chuối xanh, táo ngà, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước: Phú (giàu có) - quý (sang trọng) - thọ (sống lâu) - khang (khỏe mạnh) - ninh (bình yên). Lễ vật dâng cúng thường bao gồm vài bộ quần áo, giấy tiền vàng mã cho các cụ, một vài cái chén nhỏ hoặc ly và một bình trà, bình rượu ngon. Xung quanh, có bày thêm bánh mứt kẹo cho cân đối và đẹp mắt.
Nếu mấy chục năm trước, các gia đình hầu hết treo tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành – Bắc Ninh) với những bức “Gà đàn”, “Gà đại cát”, “Lợn đàn”, “Vinh hoa phú quý” thì những năm gần đây người ta lại ưa chọn một chữ: Tâm, Phúc, Đức, Tuệ, Nhẫn …viết theo lối thư pháp trên giấy hồng điều hay đúc trên đồng mạ vàng hoặc khảm đá quý để treo. Hoa để thờ có hoa tươi hay hoa làm bằng giấy bạc, lông gà, ni lông, nhựa, lụa… Hoa tươi có nhiều thứ hoa kể cả hoa lạ kể cả nhập ngoại nhưng người ta vẫn thích Đào, Quất. Đào có Đào bích, Đào phai, Đào bạch để cắm lọ lộc bình. Quất càng sai quả và tròn trịa càng đẹp, biểu tượng cho sự giàu có, đông vui. Nhà khá giả thì vác về một cây Đào thế hoành tráng hoặc vài chậu Quất sum suê hoa nụ, quả chín quả xanhh “tứ đại đồng đường”. Nhà phong lưu thửa vài chậu Lan bạch ngọc, Hạc đính, Chu đính, Ngọc trâm, Mặc lan, tố lan, Tiểu kiều… trang trí trong phòng, ngoài hiên. Cầu kỳ hơn, họ chọn thêm giỏ Thủy tiên khéo gọt, tỉa thành hình con phượng, con lân, con rùa và hãm cho hoa nở hàm tiếu như nụ cười duyên của trinh nữ vào đúng mồng Một Tết. Người đồng bằng Bắc bộ sành điệu còn thích chơi loại Mai trắng đẹp và cho Bạch Mai sánh đôi với Cúc vàng đại đóa.
Tinh hoa ẩm thực
Công thức chuẩn mực cho Tết cổ truyền đồng bằng Bắc bộ được hội tụ kết tinh trong câu ca:.
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Ngày Tết, các gia đình đều gói bánh chưng. Vốn là món ăn truyền thống của người dân Việt Nam dưa hành không chỉ là món ăn ngon, mà còn có tác dụng điều tiết tiêu hoá, là cái “đối trọng “ với thịt mỡ, ăn chung đỡ ngấy, giống như ở Hà Nội món gà lợn quay ăn kèm với dưa kiệu “thịt sơn son, dưa cuộn tròn”. Bánh chưng là sản phẩm của văn hoá ẩm thực nông nghiệp, nó nhắc nhở chúng ta nhớ về cội nguồn thủa Hùng Vương dựng nước và câu chuyện cảm động về tấm lòng hiếu nghĩa của Hòng tử Lang Liêu đã sáng chế món siêu phẩm “rất Việt”. Gạo bánh được buộc cặp đôi dính nhau sát nhau tương trưng cho tín ngưỡng phồn thực. Gói bánh chưng là gói cả nền văn minh nông nghiệp, văn minh lúa nước Việt Nam. Sản vật núi là lá dong, lạt giang, hạt tiêu. Sản vật trồng trọt là gạo đỗ. Sản vật chăn nuôi ( thịt lợn). Sản vât biển là muối, nước mắm. Ngoài bánh chưng ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ thường có phong tục làm các loại bánh: bánh gio, bánh gai, bánh nếp, bánh đúc, bánh tẻ, bánh gấc.
“Đói ngày giỗ cha, no 3 ngày Tết”, tiêu chí một mâm cỗ Tết gồm có 4 đĩa và 4 bát không kể đĩa xôi và bát nước chấm, sang hơn thì tám bát, tám đĩa. Bốn đĩa gồm hai đĩa thịt gà và heo, một đĩa nem thính, một đĩa giò lụa. Có thể thêm một đĩa giò mỡ (giò thủ hoặc thịt đông). Bốn bát gồm bát có món ninh, bát măng, bát miến, bát mọc. Tuỳ theo từng gia đình có thể có thêm những món như nộm, xào. Đương nhiên gà, cá là những sản vật gắn bó mật thiết với nông dân, nên mâm cỗ Tết ở vùng quê không thể thiếu có món cá (rán hoặc kho), thịt gà (luộc rắc lá chanh hoặc rang). Nhà khá giả hơn thì có món gà hầm bào ngư, món vây cá, bong bóng cá nấu.
Đã gọi là cỗ Tết thì nghệ thuật chế biến tinh tế không chỉ ngon miệng mà còn phải trình bày đẹp mắt. Bên cạnh những món mặn còn có những món ngọt điển hình là mứt, chè kho, chè lam, ngũ vị. Mứt Tết “nổi đình nổi đám” góp phần làm nên hương vị ngày xuân. Mứt có rất nhiều loại : gừng, bí, cà chua, táo, dừa, quất, mít, khoai, hạt sen, lạc ...
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, của nền đại công nghiệp, công nghệ cao đã khiến cho nhu cầu ẩm thực của con người thay đổi khác đi rất nhiều. Món ăn nhiều hơn, đa dạng hơn với những phương pháp chế biến, sản xuất cũng hiện đại hơn. Chất lượng mâm cỗ thay đổi, số lượng bát, đĩa trên mâm cỗ cũng tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên dù to hay nhỏ, dù thực phẩm có được chế biến công nghiệp hiện đại hay đơn giản gần gũi với đời sống thì về cơ bản những món ăn truyền thống mang đặc trưng hương vị Tết vẫn được giữ gìn. Đó là nét đẹp văn hóa của các gia đình ở đồng bằng Bắc bộ.
Ấm áp tình Xuân
Chiều 30 Tết, mùi hương trầm, hoa quả, hương vị các món ăn tết và cả hương cây mùi… hòa quyện đầm ấm và lan tỏa trong khói sương xao xuyến tâm tưởng.
Giao thừa hồi trống đầu tiên gióng lên ở đình, nhà nhà thắp hương cúng giao thừa giữa sân, cúng trời đất cúng thêm tuổi mới. Cúng xong ra vườn hái lộc rồi đem vào nhà cắm lên bình hoa ở bàn thờ.
Mặc dù vừa qua một đêm thức muộn nhất trong năm để chào đón thời khắc giao thừa nhưng sáng sớm mùng Một trong các nhà mọi người đã thức dậy làm mâm cơm cúng. Mồng Một Tết là việc hết sức trọng đại vì thế nhà naò cũng kiêng kỵ cẩn thận (không xin củi nước, mắm muối, diêm lửa hàng xóm, ngại to tiếng hoặc xô xát, gây gổ). Vì sợ “dông” nên người ta thường chọn người xông nhà tính nết vui vẻ, xởi lởi và có hàng Can không xung với năm đó và không xung tuổi với chủ nhà; hơn nữa gia cảnh phải song toàn, con cháu đông đàn dài lũ làm ăn thịnh vượng... Thành thử mới có lệ hẹn trước đến xông nhà “lấy may”.
Từ sáng mồng Một khi cơm nước đã xong xuôi mọi người là chuẩn bị xuất hành, có nhà cẩn thận đã đi theo hướng chỉ dẫn của sách vạn sự. Lúc này định đi đâu người ta đã tính sẵn, thường là mùng Một dành cho những nơi quan trọng, con cháu lần lượt đến chúc thọ ông bà, cha mẹ rồi sau đó người lớn lại mừng tuổi cho trẻ, người dưới đến người trên, chi dưới đến thắp hương ở bàn thờ chi trưởng. Ngoài đường, người nườm nượp đến đình đền chùa lễ bái, cầu xin sức khỏe và mọi việc trong năm mới được hanh thông.
Trong ngày Tết, sự ứng xử trên tinh thần cộng cảm được mọi người đặc biệt quan tâm. Ai cũng tỏ ra vui vẻ, hồ hởi, thân tình với những lời chúc tốt đẹp nhất. Đúng như Cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng từng nhận định: Ngày Tết cỗ bàn ăn uống tuy rất quan trọng nhưng chỉ là sự “dặm” vào các nghi thức, nhằm củng cố tình cảm cộng đồng (gia đình dòng họ, xóm giềng, thày trò, bạn bè, đồng nghiệp).
“Mồng Một thì Tết nhà Cha
Mồng hai Tết Mẹ, mồng ba Tết Thày”
Để niềm vui lan tỏa
“Nhập gia tùy tục”, mỗi thời đại Tết có màu sắc hương vị riêng do điều kiện, nhu cầu của cuộc sống, gia đình. Cái gì cũng có hai mặt ưu, nhược của nó, chỉ có điều hiện nay Tết có chiều hướng thay đổi dữ dội. Chuyện gói bánh luộc bánh hầu như đã mất đi trong thành phố, ngay ở vùng quê cũng chỉ còn một số nhà nổi lửa thức đêm luộc bánh, phần lớn đặt dịch vụ. Khác với ngày trước "quanh năm lo ba ngày Tết" thì nay chuyện ăn uống không còn là nỗi bận tâm của đa số người bởi ngày nào cũng “ăn ngon như Tết”. Trước đây, lệ mừng tuổi năm mới, khẳngđịnh sự lớn lên và ý thức trưởng thành của con người. Con cháu mừng tuổi bề trên với lời chúc khoẻ mạnh phúc thọ. Còn ông bà cha mẹ mừng tuổi với ý nguyện nhắc nhở, kỳ vọng sự trưởng thành. Nay mừng tuổi như một dạng “hối lộ” “kích thích lòng tham” làm cho trẻ em cầm bao lì xì không còn là món quà chúc phúc thiêng liêng mà chỉ chú ý đến vật chất chỉ với mục đích nhiều hay ít.
Tết thời bao cấp thời gian chuẩn bị "rất dài và rất xa" có khi vài tháng hoặc nửa năm mới sắm đủ một số mặt hàng thiết yếu, cònTết thị trường bây giờ thì chuẩn bị chẳng tốn mấy thời gian, sát nút ngày 29, 30 Tết “nước đến chân mới nhảy” cầm ví tiền ra siêu thị là có đủ thứ chế biến sẵn theo lối “mì ăn liền”. Âu cũng là sự tiện lợi của thời hội nhập nhưng các cô gái trẻ lại bị “ thiệt thòi, không thể chia sẻ được” về khoản nữ công gia chánh – vốn là chức năng của phái đẹp. Thời bao cấp mồng 3 mọi nhà lại làm lễ hóa vàng cúng tiễn tổ tiên, bây giờ có thể thong dong vui chơi nghỉ ngơi đến tận mồng 7 (hạ cây Nêu) để nạp năng lượng mới cho một năm làm ăn mới. Xưa “ăn Tết” là chủ yếu thì nay “chơi Tết” là chính cho nên Tết Nguyên đán trở thành ngày vui, một dịp gặp gỡ quan hệ.
Để Tết thực sự “vui như Tết” mãi là niềm tự hào của đồng bằng Bức bộ ngàn năm văn hiến thì xã hội cũng như toàn thể họ tộc, gia đình cùng nhau suy xét, quyết định điều chỉnh văn hóa Tết sao cho hợp lý vươn tới sự hài hòa: Chân – Thiện- Mỹ.